Thursday, 7 November 2019

MỸ Ở ĐÔNG NAM Á : ĐI THÌ DỞ, Ở KHÔNG XONG (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
07/11/2019

Giữa tháng 10/2019, ông William J Burns, cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ trong hơn 30 năm, viết một bài trên báo Foreign Affairs, rằng chính quyền của ông Donald Trump hiện nay đang tàn phá nền ngoại giao của Hoa Kỳ.

Trong bài viết này, ngoài việc liệt kê những lộn xộn trong bộ máy ngoại giao Mỹ suốt gần ba năm qua, ông Burns còn phân tích một ví dụ đối ngoại đang là tâm điểm của chính trường Mỹ, đó là vụ bê bối Ukraine, trong đó ông Trump được cho là đã lạm dụng quyền lực, gây áp lực lên Ukraine nhằm tìm cách tấn công đối thủ chính trị của mình là ông Joe Biden. Trong vụ này ông Trump đã dùng một kẻ tay chân thân tín hoàn toàn không thuộc bộ máy nhà nước Mỹ là ông Giuliani, vô hiệu hóa một viên chức ngoại giao có thẩm quyền là bà Đại sứ Mỹ ở Ukraine, Yovanovitch.

Sự việc đã dẫn đến vụ điều tra luận tội tổng thống do Đảng Dân chủ đối lập dẫn đầu.

Những sự kiện nói trên che lấp đi một không gian quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay là Đông Nam Á, giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại Bangkok, Thủ đô Thái Lan, từ 2/11 đến 4/11/2019, đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh 10 quốc gia ASEAN, trong đó đại diện của Washington là một viên chức cấp thấp của Bộ Ngoại giao, ông Robert O’Brien.

Nếu chúng ta nhìn những người đại diện cho nước Mỹ đến vùng này từ năm 2017 đến nay (năm 2017 Tổng thống Trump dự, 2018 Phó Tổng thống Pence dự) thì rõ ràng là sự hiện diện của nước Mỹ giảm dần.

Biểu hiện tượng trưng này đi kèm theo sự sụt giảm về quân sự kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực.

Các chuyến hải hành tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ ngang biển Đông đã không còn được đưa lên hàng đầu nữa, sau chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Carl Vinson hồi tháng 5/2018, mà những người tỏ tường cho rằng, nó đã được dự tính từ thời còn ông Obama, trong bối cảnh xoay trục sang châu Á của Mỹ lúc đó.

Đầu năm nay, có nhiều tin không chính thức nói đến việc một hàng không mẫu hạm nữa sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019, nay có vẻ thời gian không còn nhiều nữa để chuyến đi ấy thành sự thật.

Khoảng trống quyền lực quân sự rõ ràng đã được hình thành, và Bắc Kinh không ngần ngại trám ngay vào chỗ trống. Người ta chứng kiến tàu vũ trang và không vũ trang của Trung Quốc tung hoành biển Đông trong suốt hai tháng trời.

Một khoảng trống về kinh tế cũng dần dần lộ rõ, bắt đầu bằng việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay khi ông Trump lên cầm quyền.

Ngày 3/11/2019, tại Bangkok, các nước Đông Nam Á, cùng Bắc Kinh thỏa thuận sẽ thúc đẩy một khối mậu dịch tự do, viết tắt là RCEP, bao gồm các quốc gia vùng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, mà không bao gồm nước Mỹ. Khoảng trống kinh tế, như vậy cũng được Bắc Kinh nhanh chóng trám chỗ.

Đứng trước việc khoảng trống quyền lực của Mỹ được Bắc Kinh “tiếp quản”, các nước Đông Nam Á, phải làm gì?

Họ, nhất là Việt Nam, biết rằng, chơi với Bắc Kinh là rất dễ bị chèn ép, nhưng làm thế nào để sống bên cạnh một gã nhiều tiền hay bắt nạt này?

Thế là trong cuộc gặp gỡ được dự tính trước vào tối thứ hai 4/11 tại Bangkok với các vị đứng đầu Đông Nam Á, 10 quốc gia ASEAN chỉ đưa ra ba ông thủ tướng đến gặp vị đại diện Mỹ, đó là Thủ tướng Thái Lan, nước chủ nhà, hai ông còn lại là Lào, phụ trách điều phối quan hệ US-ASEAN, và Việt Nam, quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN sang năm.

Phía Mỹ được biết rất bực tức trước việc này. Nhưng bên cạnh đó một quan chức ASEAN nói với hãng tin AP rằng, Đông Nam Á rất bất bình việc ông Trump không đến dự, và nếu như ông ta không đến, thì chí ít cũng phải gửi ai đó phụ trách các bộ chứ!

Thái độ bực tức của vị đại diện Mỹ, cũng như việc hồi tháng Sáu năm nay, Ngũ Giác đài có ra một báo cáo về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, vốn bị khá nhiều chỉ trích là chỉ có lời nói và ước muốn mà thôi, có thể là chỉ dấu cho thấy người Mỹ đang ở trong một trạng thái dùng dằng với Đông Nam Á, đi cũng dở vì, chẳng lẽ để Bắc Kinh lấn lướt, mà ở thì không xong với vị tổng tư lệnh “America First”.

Dù sao quan hệ Mỹ Đông Nam Á vẫn chưa phải là mất hết.

Cách đây vài tuần, Mỹ có ký kết với Singapore về việc mở rộng thời hạn sử dụng căn cứ quân sự của nước này.

Ông Trump lên tiếng mời các vị Đông Nam Á đến Mỹ vào năm 2020 (Việc này đã được ông Obama thực hiện hồi năm 2016, tại Sunnylands, California).

Ấn Độ, lo sợ bị hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập, tuyên bố không tham dự RCEP.

Trái ngược với các nhà quan sát Tây phương đang chú mục vào việc Tổng thống Trump tứ bề thọ địch sau vụ bê bối Ukraine, ông Param, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế người Mã Lai, viết về cuộc gặp Mỹ-ASEAN 2020 (chưa diễn ra) rằng phải tận dụng mọi cơ hội gặp gỡ để chống lại những thách thức và giới hạn.

Ông Param, người viết bài này, cũng có thể có cùng hy vọng với ông William J Burns khi ông Burns mong rằng sự tàn phá nền ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phải chấm dứt, vì vẫn còn những người can trường như bà Đại sứ Mỹ Yovanovitch, chống lại những việc làm xằng bậy của những người đứng đầu hành pháp Mỹ, rằng nền ngoại giao của nước Mỹ sẽ hồi sinh.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

----------------------

2 comments

Tập Cận Bình ngoài mặt tỏ ra lạnh nhạt nhưng thật ra Tập hưởng lợi khi Trump làm tổng thống. Chưa bao giờ TQ thao túng vùng Đông Nam Á dễ dàng như trong 2 năm gần đây, còn Putin thì hớn hở ra mặt. Đột ngột rút quân khỏi Syria không phải tính khí bốc đồng, mà có thể là thoả hiệp với Putin từ lần gặp trước. Món quà đáp lễ sự giúp đỡ của Nga kỳ bầu cử 2016.
Rất đơn giản, chỉ cần đặt câu hỏi Tại sao Putin muốn Trump làm TT Mỹ? Trả lời được câu hỏi nầy, chúng ta lần lượt sẽ hiểu được chính sách đối ngoại của TTTrump.

Sự kiện TT Trump chỉ đưa một viên chức ngoại giao cấp thấp đến dự hội nghị các nước Asean đã làm khối này thất vọng, thậm chí tỏ vẻ bực tức ?!
Các nước Asean nên bỏ ra thời gian để suy xét lại chính mình, trước khi trách cứ một nuớc bạn như Mỹ !
Các nước trong khối Asean đã thực sự coi nhau là đồng minh cùng chung chiến tuyến trên các mặt trận quân sự, ngoại giao, kinh tế...?! Đã cùng nhau đoàn kết để chống lại sự chia rẽ, hầu dễ bề bắt nạt, xâm lăng đất đai, biển đảo của mình do Trung Cộng đã và đang chủ chương chưa ?!
Vấn nạn Trung Cộng cho tàu HD 8 và các tàu bán quân sự xâm nhập vùng ĐQKT của VN cả 3 tháng, chạy tới, chạy lui điều nghiên, chụp ảnh để sẵn sàng cho một cuộc xâm lăng biển đảo, ăn cướp tài nguyên thiên nhiên của VN, cũng như Mã Lai..., và các nước trong khối Asean quanh biển Đông ?!
Hay các nước Asean chỉ là một hiệp hội ngoài mặt, còn bên trong mỗi nước có một đường lối làm việc riêng dẫu sao mang lại lợi ích cho chính mình, còn các nước anh em thì bỏ mặc kệ họ ?!
Sự an ninh, thịnh vượng, và một tương lai hoà bình hay tranh chấp của khối Asean tùy thuộc vào các việc làm tích cực của tất cả các quốc gia hội viên trong khối. Nếu biết cùng nhau đoàn kết, cùng nhau xây dựng một khối trong tình liên đới hổ tương về mọi mặt, tương lai sẽ sáng lạn. Còn nếu chỉ biết chăm lo, vun vén cho riêng mình bỏ mặc các nước khác bị chèn ép, xâm lăng..., kết quả sẽ đi đến tan vỡ !





No comments:

Post a Comment

View My Stats