Bùi Văn Phú
Gửi
đến BBC News Tiếng Việt từ California
10 tháng 11 2019
Tin
về cái chết của 39 người Việt, được tìm thấy trong một xe thùng chở hàng đông lạnh
tại khu công nghiệp ở Essex, Vương quốc Anh đã gây xúc động và được dư luận thế
giới quan tâm trong hai tuần qua.
Phạm Thị Trà My và Nguyễn Đình Lượng là hai người được
cho là nằm trong số 39 nạn nhân
Cùng lúc nhiều người đặt câu hỏi vì sao Việt Nam,
nay là đất nước đã có nhiều tiến bộ về kinh tế trong một phần tư thế kỷ qua để
trở thành quốc gia có thu nhập bình quân ở mức trung bình cao, mà nhiều người vẫn
rời quê hương bằng mọi cách bất chấp nguy cơ bỏ mạng xứ người.
Khi phải quyết định rời bỏ quê hương dù bằng con đường
hợp pháp, hay tìm đường nhập cư bất hợp pháp, một người luôn cân nhắc giữa những
yếu tố thúc đẩy và yếu tố lôi cuốn, gọi là "push and pull factors".
Những năm thập niên 1980 tôi làm việc trong các trại
tị nạn ở Đông Nam Á, qua tiếp xúc với nhiều thuyền nhân, nguyên nhân họ ra đi gồm:
sợ bị đàn áp bắt giam, tránh phải đi bộ đội để khỏi chết dưới tay Khmer Đỏ bên
Campuchia, bị phân biệt đối xử vì thuộc gia đình cựu quân cán chính Việt Nam Cộng
hoà, vì là người gốc Hoa, hoặc vì tôn giáo; hay ra đi để được học hành để có cuộc
sống tốt đẹp hơn... Đó là những yếu tố thúc đẩy nhiều người ra đi.
Yếu tố lôi cuốn là thông tin từ thân nhân, bạn bè vượt
biên vượt biển thành công. Họ được định cư, được trợ cấp tài chính để đi học,
hay có việc làm, mua được xe ôtô trong một thời gian ngắn và còn có tiền gửi về
giúp gia đình. Ở các nước Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Anh quốc nếu gia đình có con
nhỏ mà thu nhập thấp còn được chính phủ trợ cấp mọi mặt.
Qua hình ảnh đứng bên chiếc xe ôtô, qua những thùng
quà hay đôla gửi về giúp gia đình có đời sống khá hơn, xây được nhà mới cho bố
mẹ, đó là những sự hấp dẫn, lôi cuốn người còn ở lại muốn rời bỏ quê hương.
Người vượt biển chắc còn nhớ câu nói trước khi từ biệt
người thân: "Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi
cá". Tuy chỉ một phần may mắn so với hai phần rủi ro, có thể tử nạn, nhưng
cả triệu người đã ra đi bất chấp sóng dữ và hải tặc.
Bao nhiêu người đã vùi thây trên biển. Người viết đã
nghe nhiều câu chuyện thảm thương trên biển và trực tiếp biết chục người, là
con em của thân nhân và bạn bè đã ra đi mà không có tin tức cho đến nay. Cao ủy
Tị nạn Liên Hiệp Quốc ước tính số người chết trên biển lên đến hàng trăm nghìn.
Tại Quận Cam, California có một đài tưởng niệm thuyền
nhân tử nạn với nhiều nghìn danh tính do thân nhân cung cấp được khắc trên những
bia đá.
Đài Tưởng niệm Thuyền nhân ở Quận Cam, California.
BUI VAN PHU
Làn sóng vượt biển nay không còn.
Việt Nam sau hơn phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế đã
có nhiều tiến bộ, mức sống của người dân được nâng cao gấp nhiều lần so với thời
bao cấp, nhưng nhiều người vẫn muốn ra đi.
Ngày nay, sự kiện người dân di cư từ một quốc gia
này đến một quốc gia khác sinh sống là bình thường vì mỗi năm có cả trăm triệu
di dân trên thế giới.
Việt
Nam chỉ chiếm phần nhỏ
Số người bỏ quê hương ra đi đông nhất là từ Ấn Độ,
Mexico, Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Ukraine, Philippines với vài triệu
mỗi năm, theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM).
Cũng theo số liệu của IOM, số người Việt đi định cư ở
nước ngoài không nhiều. Trong thời gian từ 1990 đến 2015 có 2,5 triệu người Việt
di cư ra nước ngoài, trung bình một năm có 100 nghìn người.
Những quốc gia đón nhận nhiều di dân nhất là Mỹ, Đức,
Nga , Ả-rập Saudi, Anh quốc.
Đông nhất chọn Hoa Kỳ vì nơi đây có chính sách di
dân cởi mở, có hệ thống giáo dục đại học đứng hàng đầu thế giới, có nhiều công
việc và nhiều cơ hội cho di dân tiến thân.
Di dân thành công ở Mỹ có nhiều tỉ phú, như Romesh
Wadhwani (Symphony Technology Group), Douglas Leone (Sequoia Capital), Thomas
Peterffy (Interactive Brokers Group), Andrew Cherng (Panda Express), Do Won
Chang và Jin Sook (Forever 21), Elon Musk (Tesla), Sergey Brin (Google), Micky
Arison (Carnival Cruises) là những thí dụ.
Trong hơn bốn mươi năm qua, người Việt đến Mỹ lập
nên sự nghiệp trị giá cả tỉ đôla hay vài trăm triệu đôla có Hoàng Kiều, Chinh
Chu, Lê Văn Chiêu, Trần Dũ, Triệu Phát, David Dương, Charlie Quy Ton.
Trong mọi ngành nghề đều có người Việt tài giỏi.
Quân đội Hoa Kỳ có các tướng Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn; truyền thông có
Betty Nguyễn, Leana Nguyễn, Tini Trần; chính trường có Joseph Cao Quang Ánh,
Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung), Trần Thái Văn, Janet Nguyễn, Hubert Võ,
Trâm Nguyễn, Kathy Trần, Dean Trần, Bee Nguyễn; văn học có Nguyễn Thanh Việt,
Ocean Vương, Andrew Lâm, Thi Bùi.
Những tiệm làm đẹp móng tay đã giúp cho nhiều người
Việt tạo dựng cuộc sống ổn định ở Hoa Kỳ. BUI VAN PHU
Ông David Dương những năm đầu ở Mỹ đi thu lượm thùng
giấy, trước khi thành lập công ty xử lý rác California Waste Solutions. Ông Lê
Văn Chiêu từng đi bán thức ăn trưa bằng xe (lunch truck) trước khi có chuỗi cửa
hàng bánh mì Lee's Sandwich. Ông Charlie Quy Ton từng là thợ làm đẹp móng tay
trước khi mở hàng trăm tiệm Regal Nails trong các trung tâm thương mại.
Đón nhiều di dân nhất là California. Tiểu bang với
40 triệu dân và có nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới nếu California là một
quốc gia riêng biệt.
Người Việt cũng chuộng California, vì thế trong số
1,3 triệu người Việt ở Mỹ, 40% sinh sống ở California.
Một nghiên cứu của hai giáo sư Karl Jackson từ U.C.
Berkeley và Jacqueline Desbarats từ U.C. Irvine vào đầu thập niên 1980 cho thấy
nhiều người Việt đã di chuyển từ các tiểu bang khác về California trong đợt di
cư thứ nhì sau năm 1975. Họ chọn California vì những lý do: có trợ cấp an sinh
xã hội tốt, dễ tìm được việc làm, khí hậu tốt, có đông đồng hương, dễ tìm thức
ăn Việt và California gần với quê hương Việt Nam hơn.
Người Việt đến Mỹ vào thập niên 1980, đúng lúc công
nghệ điện tử bùng phát nên "chồng tách, vợ ly" (technician và
assembly line) làm dây chuyền trong các hãng điện tử đã đem lại cuộc sống sung
túc ổn định cho nhiều gia đình chỉ sau chừng vài năm.
Qua thập niên 1990 nhiều công ty bắt đầu chuyển ra
nước ngoài thì chồng đi bỏ báo hay đi cắt cỏ, vợ làm thợ móng tay, vài năm sau
cũng có thể làm chủ một cơ sở thương mại. Nghề làm "lunch truck" đi
bán thức ăn trưa cũng có thu nhập khá để hai vợ chồng có thể mua được nhà sau
vài năm.
VIDEO :
Một
người cha mất liên lạc với con trai đã đặt bàn thờ cho con mình
Những ai muốn theo đuổi con đường học vấn cũng có
nhiều cơ hội và trường để chọn theo học, từ hơn một trăm đại học cộng đồng, 23
đại học tiểu bang đến 10 trường trong hệ thống University of California đứng đầu
thế giới, là nơi để nhiều người thoả mãn ước mơ có nghề chuyên môn như luật sư,
kỹ sư, bác sĩ, khoa học gia, chuyên viên kinh tế, tài chính.
Muốn làm lao động trí óc "cổ trắng - white
collar" hay lao động tay chân "cổ xanh - blue collar" California
có rất nhiều cơ hội.
Ngay cả những người nhập cư trái phép vẫn có thể đi
học. Hai mươi lăm năm trước cử tri California bỏ phiếu chấp thuận dự luật 187
không cho người nhập cư bất hợp pháp được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục.
Những tổ chức bảo vệ di dân đã kiện và sau đó hầu như toàn bộ luật này đã bị vô
hiệu lực bởi những phán quyết của toà. Di dân không giấy tờ hợp pháp ở
California nay vẫn được đi học từ lớp 1 đến lớp 12. Lên đại học có thể được trợ
giúp tài chính.
California có nhiều việc ở những nông trại, thu hút
di dân từ Nam Mỹ. Các dịch vụ làm nhà hàng, siêu thị, sơn móng tay, cắt cỏ, dọn
dẹp cho các nhà thầu xây cất thường hấp dẫn người châu Á. Với di dân không
phép, làm những công việc này tuy thu nhập không cao, cuộc sống không giàu,
nhưng so với đời sống ở quê nhà vẫn khá hơn và còn có thể gửi tiền về giúp gia
đình.
Sống không hợp pháp tại Mỹ, nhiều di dân tìm cách hợp
thức hoá qua kết hôn để có thẻ xanh, rồi được thành công dân Mỹ. Nếu không được
như thế, nhiều người hy vọng một ngày nào đó sẽ được ân xá để trở thành cư dân
hợp pháp như đã có chính sách dưới thời chính quyền Reagan trong thập niên 1980
và chính quyền Clinton trong thập niên 1990.
Đó là lý do mà nhiều người Việt, là du học sinh, du
khách hay công nhân xuất khẩu lao động, khi đã vào được Mỹ và nếu có cơ hội hầu
hết đều tìm cách ở lại.
Chính sách mới về di dân của chính quyền Trump trong
ba năm qua có làm giảm số người nhập cư vào Mỹ, nhưng môi trường giáo dục và thị
trường lao động vẫn cho di dân nhiều cơ hội để thành công vì lúc này mức thất
nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
Với thảm kịch 39 người Việt chết trong thùng xe hàng
đông lạnh ở Anh, khi quyết định ra đi chắc chắn họ và người thân trong gia đình
cũng đã phải cân nhắc giữa thành công và rủi ro trước khi quyết định bỏ ra một
số tiền lớn để được dẫn đi.
Cuộc sống của người nhập cư bất hợp pháp ở Anh cũng
giống như ở Hoa Kỳ. Một khi đã đến nơi họ có thể tìm được việc làm, không chỉ đủ
nuôi sống bản thân mà còn giúp được gia đình.
Chiếc xe chở hàng đông lạnh nơi 39 người Việt bị
phát hiện tử nạn bên trong. GETTY IMAGES
Khi thông tin về cái chết của những nạn nhân được
truyền đi qua mạng xã hội, kèm lời nhắn của một cô gái gửi cho bố mẹ ít phút
trước khi chết vì ngộp thở, một số lời bình đã quy lỗi cho cô, cho những người
cùng đi vượt biên và chê trách họ chọn con đường đến Anh làm những chuyện phi
pháp như trồng cỏ, làm "gái" để mong chóng giàu.
Như nhiều người cùng làng xã đã qua được đến đó, đi
làm và gửi tiền về cho gia đình xây những ngôi nhà đẹp gọi là làng tỉ phú giữa
quê nghèo.
Nhập
cư lậu hay buôn người?
Vụ việc này có phải là buôn người hay chỉ là đưa người
nhập cư lậu vào nước Anh mà thôi?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch của Boat People
SOS nhận định: "Đây là vụ buôn lậu người tức là đưa người đi lậu có trả tiền.
Nếu sống sót, có thể một số sẽ trở thành nạn nhân buôn người."
Hôm 2/11/2019 ông có một bài viết trên tạp chí Mạch Sống phân tích về
vấn đề này:
"Thường thì những người nhập cảnh lậu dễ trở
thành nạn nhân buôn người vì tình trạng cư trú bất hợp pháp, vì không có chọn lựa
về sinh kế, vì các khoản nợ lớn ở quê nhà, hay vì bị khống chế bởi băng đảng tội
phạm. Tuy nhiên cũng có những người nhập cư lậu không bị rơi vào tình cảnh bị
bóc lột sức lao động và do đó họ không là nạn nhân buôn người. Trường hợp của
39 nạn nhân chết trong container là buôn lậu người. Nếu sống, thì có những người
có thể trở thành nạn nhân buôn người."
Tổ chức Boat People SOS trong hơn ba thập niên qua
đã giải cứu cho nhiều nghìn người lao động Việt khỏi cảnh bị bóc lột ở đảo
American Samoa, ở Jordan, hay đưa ra ánh sáng những đường dây buôn lậu người từ
Việt Nam sang Nga.
Một số tuyến đưa người Việt sang Châu Âu phổ biến .
BBC
Tiến sĩ Thắng viết: "Mỗi đường dây buôn lậu người là lãnh địa của một nhóm xã hội đen có sự
móc nối và ăn chia với các quan chức địa phương để dễ dàng đưa người lậu xuyên
biên giới. Họ cũng sử dụng cò và môi giới để tìm các con mồi. Họ chắp nối cơ hội
với những nhóm buôn lậu người ở từng quốc gia tạo nên một xâu chuỗi dẫn từ quốc
gia khởi thuỷ đến quốc gia mục tiêu."
Đó cũng là hành trình mà 39 nạn nhân đã đi qua và thật
không may trên đoạn đường cuối cùng trước khi đến đích họ đã tử nạn.
Còn theo cô Vương Ngọc Diệp, 39 nạn nhân đã bị nhóm
tổ chức vượt biên lừa để họ tưởng là nhập cư vào Anh không khó khăn lắm và có
thể làm ra tiền dễ dàng, đâu ngờ gặp nạn chết người.
Cô Diệp hiện là chủ tịch của Pacific Links
Foundation có trụ sở ở California với nhiều chương trình chống nạn buôn người tại
Việt Nam và trên thế giới.
Miếu thờ hai cô gái tự tử chết ở tị nạn ở trại
Galang, Indonesia. BUI VAN PHU
Khi thấy có bình luận cho rằng 8 cô gái mệnh yểu tìm
đường vào nước Anh để bán thân lấy tiền, cô Diệp tỏ ra bất bình phát biểu:
"Có ai bỏ cả mấy chục nghìn đôla để
đi làm gái ở nước ngoài không?"
Nêu câu hỏi liệu người của chính quyền địa phương có
liên quan đến việc tổ chức đưa người đi vượt biên, cô Diệp cho biết:
"Khi người đi lậu, tiền thuế sẽ không thu về được nên về chính sách
mà nói, chính quyền sẽ không có lý do để ủng hộ việc đi vượt biên này. Họ chỉ
quan tâm đến những người đi xuất khẩu lạo động chính thức, vì đó là nguồn tài
chính về thuế."
Còn ảnh hưởng của ô nhiễm biển do Formosa gây ra
cách đây ba năm, cô Diệp nhận định:
"Tôi nghĩ việc này không ảnh hưởng nhiều đến cư dân trong vùng trong
quyết định bỏ quê ra đi, trả một số tiền lớn như vậy. Từ nhiều thập kỷ qua đã
có nhiều người dân đi lao động ở nước ngoài.
Nghệ An là tỉnh có nhiều người đi xuất khẩu lao động nhất Việt Nam. Đương
nhiên là có một số người vì biểu tình chuyện Formosa mà không ở lại Việt Nam được.
Rất đông người trong diện này đã đi sang Thái Lan và xin tị nạn ở đó."
Khi đọc được những lời cuối của Trà My gửi về cho gia đình, với lời xin lỗi
bố mẹ, cô Diệp xúc động nói: "Thử tưởng tượng nỗi nhục, xấu hổ của những
người thất bại và bị trục xuất về lại Việt Nam. Điều này khiến cho họ khó có
cách nào mở miệng để kể cho mọi người nghe về thực trạng của cuộc sống lao động
bên Anh."
Bia đá khắc tên người vượt biên vượt biển mất tích tại
Đài Tưởng niệm Thuyền nhân ở Quận Cam, California. BUI VAN PHU
Với cái chết của 39 người Việt trên đường vượt biên.
Họ là những nạn nhân được tìm thấy. Nhưng còn bao nhiêu người Việt nữa đã mất
tích hay chết bờ, chết bụi ở một nước châu Âu nào đó mà chỉ có gia đình nạn
nhân biết, còn công luận thì không.
Như bao nhiêu người Việt khác đã vùi thây trong lòng
biển. Trong mọi thảm kịch như thế, chính phủ Việt Nam không bao giờ nhận họ có
phần trách nhiệm trong đó.
Khi có làn sóng thuyền nhân ra đi từ Việt Nam vào cuối
thập niên 1970, dư luận quốc tế biết đến thảm cảnh qua phóng sự do phóng viên
Ed Bradley thực hiện từ trại Bidong và được chiếu trong chương trình "60
Minutes" trên kênh truyền hình CBS.
Những nhà làm chính sách, giới chức tị nạn của Liên
Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi thế giới giang tay đón nhận người tị nạn Việt Nam.
Cùng lúc chính phủ Hà Nội cũng đã chịu nhiều áp lực để tìm cách giải quyết vấn
nạn này.
Một số người tổ chức vượt biển bị Hà Nội bắt giam và
kết án tù nhiều năm. Năm 1979, chính phủ Việt Nam cũng đồng ý cho mở ra chương
trình ODP - ra đi có trật tự - để những ai đủ điều kiện được thân nhân bảo lãnh
đi đoàn tụ ở nước ngoài được rời Việt Nam bằng máy bay, tránh phải vượt biển
nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên những giải pháp đó không bền vững và hiệu
quả để làm giảm số người vượt biển. Chương trình ODP bị Hà Nội ngưng tiến hành
và người dân vẫn ra đi bằng cách hối lộ công an để mua bãi, để công an biên
phòng làm ngơ.
Có những chuyến đi còn được chính công an địa phương
tổ chức để thu đôla hay vàng.
Mãi đến đầu thập niên 1990, khi thuyền nhân phải qua
thanh lọc gắt gao và những ai không hội đủ điều kiện để được hưởng qui chế tị nạn
thì bị trả về. Sau hai mươi năm kể từ ngày đất nước Việt Nam thống nhất
30/4/1975 thì làn sóng thuyền nhân mới chấm dứt. Trang sử thuyền nhân không có
trong bộ lịch sử cận đại Việt Nam theo quan điểm của Hà Nội.
Ngày nay người Việt vẫn bỏ nước ra đi, được gọi bằng
những danh từ mới như "tị nạn giáo dục", "tị nạn môi trường".
Họ ra đi bằng con đường kết hôn với người nước ngoài, bằng đường du học hay xuất
khẩu lao động.
Việt Nam không chỉ xuất khẩu lao động sang những quốc
gia tân tiến như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Mỹ mà cả những nước nghèo như
Togo, châu Phi nơi tôi đã gặp mấy bạn trẻ qua đó buôn bán, mở nhà hàng và làm
việc tại phòng rửa hình.
Một bạn sống ở Togo tám năm cho biết ở đây ăn uống
không sợ có chất độc, không khí trong lành. Người thân cứ nghĩ đời sống bên
châu Phi khó khăn, nhưng anh nói anh có một cuộc sống rất thoải mái.
Với nhiều người Việt, những yếu tố thúc đẩy họ phải
rời quê hương vẫn còn mạnh lắm.
*
Xem thêm loạt bài về 39 người Việt tử
nạn ở Anh:
------------------------------
Bài
viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện là giảng viên
đại học cộng đồng ở California. Ông đã có nhiều năm dạy học ở Châu Phi và làm
việc tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
No comments:
Post a Comment