Monday, 11 November 2019

DÂN VIỆT DÙNG MẠNG XÃ HỘI NHIỀU, NHƯNG VIỆT NAM ĐỨNG CHÓT BẢNG TỰ DO INTERNET (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
9 tháng 11 2019

Trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Việt Nam dẫn chiếu nhiều kết quả trong quản lý nhà nước của bộ này, nhất là với mạng xã hội (MXH).
Nhưng càng quản lý, tự do Internet ở Việt Nam càng tệ.


Bảng điện tử cho thấy, có tới 83 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng liên quan đến những vấn đề về quản lý báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo, thông tin điện tử, chuyển đổi số tiến tới nền kinh tế số...
Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm chất vấn nhiều vẫn là quản lý mạng xã hội.
Trả lời chất vấn, ông Hùng cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.
Ông đưa ra con số Việt Nam hiện đang có 50 triệu người dùng Facebook.
"Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới," ông Hùng nói.

Một trong những kết quả của quản lý nhà nước về mạng xã hội được ông Hùng viện dẫn là việc Việt Nam tiếp tục yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới chặn các nội dung chính trị.
Ông Hùng nói: "Trước đây với Facebook nếu chúng ta [chính phủ Việt Nam] yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỉ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài."

"Rất ít nước làm được việc này"

Đó là nhận xét của ông Hùng khi trả lời về việc phát triển các mạng xã hội Việt Nam.
Theo ông Hùng, việc người Việt Nam dùng một mạng xã hội cũng giống như "não người Việt Nam tập trung vào một chỗ, mà chỗ đó không nằm ở Việt Nam."
"Đấy là an ninh quốc gia. Rất nguy hiểm," ông Hùng nói.
Và bởi vậy, theo ông Hùng, việc ra đời các mạng xã hội của Việt Nam chính là để tạo sự phân tán về thông tin, tạo ra sự an toàn.
"Đây là một trong số rất ít nước làm được việc này," ông Hùng nói trên diễn đàn Quốc hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, ông Hùng cũng cho biết, các mạng xã hội của Việt Nam có 65 triệu tài khoản. Trong đó có 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ.
Theo ông Hùng, nếu tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì đến năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam có thể đạt mục tiêu 90 triệu tài khoản, tương đương với các mạng Facebook Google.
Với các mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng nói sẽ không hạn chế nhưng sẽ quản lý.
"Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam," ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng thì cơ bản Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài.
Ông Hùng cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam tuyên bố là khủng bố.

VN vẫn chót bảng về tự do Internet


Điều đáng chú là những kết quả tích cực trong quản lý nhà nước về mạng xã hội mà ông Hùng nói trước Quốc hội cũng nằm trong những điểm liên quan đến những tiến triển mới gây ảnh hưởng đến tự do Internet ở Việt Nam, theo báo cáo "Freedom on the Net 2019" (Tự do trên mạng 2019), do tổ chức Freedom House công bố hôm 5/11.
Báo cáo này xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet, với số điểm 24 trên tổng số 100.
Với con số này, Việt Nam đứng gần chót bảng và chỉ trên có Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc.
Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp sau tất cả các nước được đánh giá kể cả các nước láng giềng Đông Nam Á và chỉ trên Trung Quốc.
Vị trí này của Việt Nam không mấy thay đổi so với đánh giá của tổ chức Freedom House vào năm 2018.

Cụ thể, theo báo cáo, các bước phát triển mới của Việt Nam trong năm 2019 gây ảnh hưởng đến tự do Internet là sự ra đời của Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1/2019 "cung cấp sức mạnh càn quét cho các cơ quan chức năng để kiểm duyệt nội dung internet và lấy dữ liệu người dùng… tiếp tục hạn chế quyền của người dùng internet".

Tiếp đó, tháng 10/2018, tòa án phúc thẩm ở Hà Nội đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng, y án 20 năm tù với ông.
Theo báo cáo này, đây là một trong những bản án nặng nền nhất đối với một nhà hoạt động trực tuyến trong những năm gần đây.
Tương tự, một số nhà báo và nhà hoạt động trực tuyến đã nhận án tù.

Rồi việc từ tháng 7 đến tháng 12/2018, hơn 1.500 mẩu nội dung trên Facebook đã bị xóa theo yêu cầu của chính quyền, tăng gấp ba lần so với sáu tháng trước.
Bên cạnh những thông tin sai sự thật thì những nội dung thông tin của các nhà hoạt động, tổ chức xã hội dân sự và người dùng bình thường cũng bị xóa.

Vào tháng 10/2018, Việt Nam đã thành lập một đơn vị quốc gia để giám sát phương tiện truyền thông xã hội và các nội dung trên web.
Nhà chức trách khẳng định rằng, trung tâm này được trang bị phần mềm có thể phân tích, đánh giá và phân loại hàng triệu bài đăng trên mạng xã hội, theo báo cáo của Freedom House
Báo cáo này cho rằng, những "hạn chế khắc nghiệt" đối với tự do internet tiếp tục ở Việt Nam, trong khi không gian mạng cho quan điểm bất đồng và tranh đấu tiếp tục bị thu hẹp.
Điều đáng nói là trong khi những nội dung quản lý mạng xã hội được Bộ Thông tin - Truyền thông chú trọng nhiều đến kiểm soát những tiếng nói bất đồng hay chỉ trích trên mạng, thì thông tin "xấu, độc" trên mạng - như cách nói của chính bộ này - vẫn lan tràn trên mạng.

Trở lại với phần chất vấn của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông sáng 8/11 trước Quốc hội Việt Nam, khi trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi về bộ lọc để phát hiện tin xấu, độc, Bộ trưởng Hùng cho biết là hiện nay có tới 2 bộ lọc, mà đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đầu tư xây dựng trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Ông Hùng cũng nói đến một lực lượng của bộ này để giải quyết các trang mạng mạo danh lãnh đạo đảng, Nhà nước của Việt Nam.
Trả lời một đại biểu khác, ông Hùng cho biết là bộ này cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Đồng thời, theo ông Hùng, sắp tới, Luật An ninh mạng yêu cầu rất nghiêm ngặt việc này, nhà mạng xã hội phải cung cấp danh tính của tài khoản. Khi cơ quan điều tra yêu cầu, thì nhà mạng phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản đấy. Những người có ý định tung thông tin giả sẽ phải ngừng tay", ông nói.

Nhưng bên cạnh đó, còn những nguồn khác phát xuất thông tin giả.
Chẳng hạn, theo chính ông Hùng, hiện có nhiều trang web mạo danh, đến nỗi chỉ trong có 2 tháng vừa qua, bộ này đã gỡ, hạ 207 website mạo danh.
Rồi quản lý nội dung quảng cáo truyên truyền hình còn để xảy ra nhiều sai phạm; vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngay trong các cơ quan báo chí của nhà nước…
Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến môi trường thông tin trên Internet.
Những giải pháp mà ông Hùng đưa ra cũng tập trung nhiều vào các quy định pháp luật hay tạo bộ lọc phát hiện và cách ly tin giả.
Chưa thấy ông Hùng nói đến một bộ lọc giúp lắng nghe những ý kiến trên mang xã hội để nhà nước điều chỉnh chính mình.


Trung Quốc vẫn tệ nhất

Báo cáo "Tự do trên mạng năm 2019" đánh giá tự do internet tại 65 quốc gia, chiếm 87% người sử dụng internet trên toàn thế giới.

Báo cáo này tuyên bố "một cuộc khủng hoảng" về truyền thông xã hội, bởi các chế độ độc tài chuyên chế ngày càng gia tăng sử dụng công cụ này để kiểm soát người dân của họ và can thiệp vào các cuộc bầu cử được tổ chức trong các nước tự do."

Trung Quốc tiếp tục bị báo cáo này coi là nước vi phạm tự do Internet tệ hại nhất trên thế giới năm thứ tư liên tiếp.








No comments:

Post a Comment

View My Stats