Sunday, 17 November 2019

CÔNG ƯỚC THẾ GIỚI VỀ TIẾP CẬN NƯỚC SẠCH - HRWS (Lê Quang)




17/11/2019

Có lẽ phần lớn người dân Hà Nội không biết rằng Công Ước về Quyền của Con Người đối với Nước sạch (HRWS) đã được công nhận trong Luật pháp Quốc tế thông qua các hiệp ước về Nhân quyền mà VN đã tham gia.

Định nghĩa cụ thể nhất về “Quyền Con Người đối với Nước’’ được Ủy ban Liên Hợp Quốc về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đưa ra trong Nhận định chung số 15 dự thảo năm 2002. Đó là một cách diễn giải không cần ràng buộc rằng: Việc tiếp cận với nước sạch là điều kiện để đạt được quyền sống đủ tiêu chuẩn, liên quan chặt chẽ đến quyền có tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất, và đó là Nhân quyền.

Nó tuyên bố như sau: “Quyền của con người đối với nước cho phép TẤT CẢ mọi người có ĐỦ nước sử dụng, AN TOÀN, DỄ TIẾP CẬN, GIÁ CẢ PHẢI CHĂNG cho toàn bộ sử dụng CÁ NHÂN và NỘI ĐỊA”

HRWS bắt buộc mọi chính phủ phải đảm bảo rằng công dân có thể được hưởng nguồn nước và vệ sinh sạch sẽ. Các quốc gia ký kết phải đạt được dần – dần và tôn trọng tất cả các quyền của con người, bao gồm cả nước và vệ sinh. Họ phải làm việc nhanh chóng và hiệu quả để tăng quyền truy cập và cải thiện dịch vụ.

Theo công ước trên, tất cả các hoạt động gây nguy hiểm đến an toàn nước sạch, phá hủy nguồn nước có chủ ý, cạnh tranh thiếu lành mạnh, đầu cơ, hay tham nhũng chính sách đối với nước sạch để dẫn tới độc quyền – đều bị liệt vào cáo buộc “Chống lại Loài người”.

Các bệnh lây truyền qua đường nước vẫn là một vấn đề lớn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng họ chịu trách nhiệm cho khoảng 84% bệnh tật toàn cầu ở trẻ em dưới 14 tuổi. Cũng như các tác động tài chính cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, điều này cũng gây ra chi phí hậu quả gián tiếp cao cho những người bị ảnh hưởng và gia đình họ.

Chính vì vậy, Chính sách nước sạch tại Việt Nam luôn cần được củng cố. Ai cũng biết rằng nước ta còn nghèo, lạc hậu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng chúng ta cứ mãi trì trệ về chính sách. Các bộ chính sách về nước cần phải có và được xây dựng dần dần qua dự thảo. Nước nào cũng làm, chứ không phải chỉ có nước giàu hay Tây quăng vẽ chuyện. Một đất nước phát triển, không chỉ bởi nước đó giàu hay nghèo (Trung Quốc là một ví dụ điển hình, nền kinh tế lớn thứ 2 TG nhưng chưa bao giờ được coi là nước phát triển). Sự “Phát triển” mà ta đang nói đến nằm ở sự chặt chẽ trong chính sách quản lý và hạ tầng.

Chính sách là do con người tạo ra để quản lý xã hội, nó không từ trên trời rơi xuống hay cũng không phải là kiểu câu hỏi ngu ngơ ấm ớ “Thế anh có đưa ra được giải pháp gì không”. Ta đều biết rằng Chính sách không được tạo nên bởi một cá nhân, nó cần được xây dựng dựa trên sự đồng lòng của một xã hội. Mà muốn xã hội có sự đồng lòng, thì họ cần được tiếp cận với nguồn thông tin trung thực, biết thông tin thì mới hiểu vấn đề và có hành động (lựa chọn) đúng đắn. Đó là một quá trình và đừng nên ấm ớ ở bất kì bước nào.

Chính sách nước của Đức rất rõ ràng, nó tóm lại trong tuyên bố sau “Người Đức không cần tiết kiệm nước, người Đức cần sử dụng nó một cách khôn ngoan”. Dự thảo sau đó có bản đầy đủ rất chi tiết về quản lý trữ lượng, bảo vệ, trợ giá, nguyên tắc vận hành, bảo đảm nước uống, bảo đảm lượng nước mặt và nước ngầm, hợp tác và phối hợp trong lưu vực sông, định hướng cạnh tranh, nhà cung cấp, và quan trọng nhất là sự tham gia của toàn xã hội. Các hệ thống chính sách của nước Đức là nguồn tham khảo quý báu cho VN bởi sự tương đương về dân số, trữ lượng nước ngầm, nước mặt và lượng mưa gần như nhau (trên thực tế VN luôn nhỉnh hơn Đức vì có lượng mưa cao hơn). Nền kinh tế lớn gấp 20 lần VN này, đã chốt giá nước chỉ 1.7 eur/mét khối (khoảng 43.000 VND). Chính sách của Đức thì phổ biến rộng rãi, tra cứu dễ dàng, ai biết tiếng Anh hoặc Đức đều tìm đọc được mà học tập.

Gần đây VN đã có nhiều bước tiến đáng khích lệ trong quản lý nước và người dân Hà Nội nên hiểu rằng, tiếp cận Nước (để sử dụng hoặc lấy thông tin) là Quyền của Con Người.
Người ta gọi bạn là gì cũng được, Chó hoặc Mèo, điều đó không ảnh hưởng gì đến việc ta biết về Nhân quyền của mình. Nếu họ chỉ nói vu vơ thì kệ họ, việc của chúng ta là được tiếp cận thông tin trung thực như những gì LHQ đã quy định, nhỡ đâu người ta đang làm lợi cho mình thì sao?

Còn nếu ai ngăn cản bạn được tiếp cận thông tin thì kẻ đó đang chống lại Công Ước và hành động đó là sai trái.






No comments:

Post a Comment

View My Stats