Lâm Hoài Thạch/Người
Việt
November 2, 2019
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/dai-nhac-hoi-ton-vinh-chu-nuoc-ta-va-vinh-danh-quan-luc-vnch-o-little-saigon/
WESTMINSTER,
California (NV) – “Chúng tôi đã chuẩn bị trong sáu năm để thực
hiện chương trình lớn và có ý nghĩa này. Chủ đề thứ nhất là tôn vinh Chữ Nước
Ta. Chủ đề thứ hai là vinh danh Quân Lực VNCH, trong đó vinh danh tất cả những
chiến sĩ từ xã ấp lên đến cấp trung ương.”
Thi văn sĩ Quốc Nam, trưởng ban tổ chức, nói với nhật
báo Người Việt vào trưa Chủ Nhật, 27 Tháng Mười, tại Đại Nhạc Hội tôn vinh Chữ
Nước Ta và vinh danh Quân Lực VNCH tổ chức ở hội trường Gymnasium của trường
Warner Middle School, Westminster.
“Tôi là một người lính đã từng bị thương ngoài mặt
trận suýt chết hai lần, và cũng là người cầm bút từ 1961, cho đến nay đã được
58 năm liên tục. Đối với tôi, tôi có nghĩa vụ tổ chức một chương trình có hai
chủ đề lớn này,” ông nói thêm.
Phần trình diễn của
Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trong chủ đề tôn vinh Chữ Nước Ta, diễn giả Giáo Sư
Tiến Sĩ Trần Huy Bích nói về cố học giả Huỳnh Tịnh Của. Theo giáo sư, Huỳnh Tịnh
Của là một người Công Giáo, có tên thánh là Paulus, nên thường được gọi là
Paulus Của, hay Huỳnh Tịnh Paulus Của. Ông có tên hiệu là Tịnh Trai, nên cũng
có khi được gọi là Huỳnh Tịnh Trai. Ông sinh tại làng Phước Thọ, huyện Phước
An, thời xưa thuộc tỉnh Biên Hòa, thời VNCH là tỉnh Phước Tuy.
Các cựu hải quân
trong Quân Chủng Hải Quân VNCH. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Ông là người chịu ảnh hưởng Tây phương. Cùng với
Trương Vĩnh Ký cổ động người Việt dùng chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự La Tinh.
Nhưng ông cũng tỏ ra là người yêu chuộng văn hóa dân tộc, biết gìn giữ, khai
thác di sản tinh thần của ông cha để lại bằng cách phiên âm, phổ biến những áng
văn xưa của người Việt. Về đời sống, ông mặc dầu được nhà cầm quyền Pháp ưu
đãi, có chức vị khá cao, nhưng ông lại tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị,
làm công chức cao mà vẫn thanh bần. Ông cũng được ghi nhận là người ‘hình dung
nho giả, tánh nết cẩn thận, hiền lành,’” giáo sư nói.
Thi văn sĩ Quốc
Nam, trưởng ban tổ chức, phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Được tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Âu Tây, Huỳnh Tịnh
Của chia sẻ quan niệm với Trương Vĩnh Ký, theo đó, xã hội Việt Nam cần vận dụng
các kiến thức và kinh nghiệm của học thuật Âu Tây về các vấn đề khoa học, kỹ
nghệ, kinh tế, chính trị… để canh tân, nhưng vẫn cần giữ gìn, đào sâu và phát
triển văn hóa Đông phương cổ truyền để duy trì bản chất độc lập,” Giáo Sư Bích
nói thêm.
Tiếp theo, diễn giả Giáo Sư Dương Ngọc Sum cho hay:
“Nói về chữ viết của người Việt thì chúng ta có bốn loại chữ viết. Khởi đầu là
loại chữ Khoa Đẩu, đó là chữ cổ của chúng ta có dạng hình con nòng nọc mà các cụ
xưa đã khắc trên trống đồng của chúng ta. Nhưng, khi người Trung Hoa sang đô hộ
dân tộc Việt một ngàn năm, họ đã cướp rất nhiều những trống đồng về Trung Hoa để
lấy kim loại, đồng thời họ cũng muốn hủy văn hóa của chúng ta. Rồi họ còn đem
chữ Hán để dạy cho dân tộc ta suốt gần một ngàn năm. Đó là loại chữ thứ hai mà
người Việt viết.”
Giáo Sư Trần Huy
Bích. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Sau đó, dân tộc ta chống lại chữ Hán bằng cách
thành lập bộ chữ Nôm, cũng là loại chữ thứ ba mà người Việt để sử dụng, mà chữ
Nôm là lấy từ chữ Hán ghép lại, cho nên chúng ta cũng khó học về cách viết theo
lối chữ này. May mắn thay, vào giữa thế kỷ 19, có quý vị giáo sĩ mới lấy mẫu tự
La Tinh để ghép lại làm thành chữ Quốc Ngữ của chúng ta. Thời bấy giờ, những
nhà tiền phong có Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes, ông Petrus Trương Vĩnh Ký,
và ông Paulus Huỳnh Tịnh Của mới phát động ra phong trào sử dụng chữ Quốc Ngữ để
viết chữ Việt của chúng ta. Từ đó mới có phong trào tiếp thu văn hóa Tây phương
để làm thành nền văn hóa chữ Quốc Ngữ của Việt Nam,” giáo sư nói tiếp.
“Hôm nay, trong buổi vinh danh Chữ Nước Ta thì ngoài
việc ông Alexandre de Rhodes là người đã có công sáng lập chữ Quốc Ngữ, chúng
ta cũng phải vinh danh ông Petrus Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của là hai nhà
tiên phong đã phát động phong trào sử dụng chữ Quốc Ngữ,” Giáo Sư Sum khẳng định.
Giáo Sư Dương Ngọc
Sum. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trong phần vinh danh Quân Lực VNCH, trưởng ban tổ chức
Quốc Nam bày tỏ: “Hôm nay tập thể Quân, Dân, Cán, Chính VNCH, chúng tôi tề tựu
về đây để cùng vinh danh Quân Lực VNCH qua hình ảnh bất tử của những Quân Chủng
Hải Quân, Không Quân và Lục Quân, gồm các sư đoàn Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục
Chiến, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Cảnh, Địa Phương
Quân, Nghĩa Quân, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Huấn, Tiếp Vận… Xin quý
vị cùng chúng tôi lớn tiếng vinh danh Quân, Cán, Chính VNCH cùng hai nhân vật
làm đẹp chữ nước ta suốt từ thế kỷ 19 đến bây giờ, đó là cố học giả Huỳnh Tịnh
Của và cố bác học ngôn ngữ Petrus Ký. Nguyện cầu Trời, Phật phù hộ chúng ta và
cho ngôn ngữ Việt bất diệt trong bất cứ nghịch cảnh nào.”
Kế đến là chương trình văn nghệ vinh danh Quân Lực
VNCH với nhiều nhạc cảnh đậm đà tình quân dân, và tình yêu tổ quốc, với tiếng
hát của các ca sĩ Mỹ Lan, Thùy Linh, Đào Anh Tuấn, Nhật Hạnh, Hoài Trang,
Erlinda… cùng ban văn nghệ Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ban Tứ
Ca Hùng Việt, Vũ Đoàn Việt Cầm, và các ban văn nghệ của quân đội như Hải Quân,
Không Quân, Binh Chủng Nhảy Dù.
Ban Hùng Việt trong
ca khúc “An Lộc Vang Danh Thế Giới.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Cô Phạm Diệu Chi, cựu nữ quân nhân Quân Lực VNCH,
bày tỏ: “Chữ Quốc Ngữ của mình đã có trên ba trăm năm nay, đó cũng là nhờ cố
bác học ngôn ngữ Petrus Trương Vĩnh Ký và cố học giả Huỳnh Tịnh Của, nếu không
có các vị này thì chúng ta cho đến bây giờ phải viết chữ Việt theo lối chữ Nôm
xưa. Nhưng đối với người Cộng Sản Việt Nam, hiện giờ họ đã chỉnh sửa rất nhiều
từ ngữ, mà theo tôi thì thấy không đúng. Vì thế, chúng ta phải dùng chữ Quốc Ngữ
của chúng ta như thời VNCH thì nghe nó êm tai và chính xác. Nói về vinh danh
người lính VNCH thì không có ngôn từ nào mà biểu lộ cho hết sự hy sinh về thân
xác, sự nhẫn nại kiên trì chiến đấu chống Cộng Sản để cho toàn dân miền Nam được
tự do, dân chủ và nhân quyền. Tiếc thay, nghĩa khí của anh chưa thành tựu thì
các anh đã phải đau lòng, uất hận trong ngày gãy súng.”
Cựu Hải Quân Trương Văn Song cho rằng: “Cho dù Cộng
Sản Việt Nam có thay đổi một vài từ ngữ, nhưng nếu chữ Quốc Ngữ còn thì dân tộc
còn, người Việt còn nói tiếng Việt thì tổ quốc Việt Nam còn. Nhưng, chúng ta phải
thận trọng là cho dù Cộng Sản có sửa đổi chữ Việt Nam, thì chúng ta phải kiên
trì quyết định là không bao giờ dùng những ngôn từ mà chúng đã chỉnh sửa. Và,
phải dạy cho con cháu của chúng ta nói và viết chữ Quốc Ngữ mà ngày xưa cho đến
bây giờ chúng ta vẫn nói và viết như thế.”
Đồng hương đến dự Đại
Nhạc Hội tôn vinh Chữ Nước Ta và vinh danh Quân Lực VNCH. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người
Việt)
Bác Sĩ Trần Văn Nam, hội trưởng Cựu Học Sinh Petrus
Ký Bắc California, từ San Jose về, tâm tình: “Ngày xưa, chúng tôi là những cựu
học sinh của trường Petrus Ký, nên đối với bác học Trương Vĩnh Ký, chúng tôi
lúc nào cũng quan tâm và hãnh diện vì mình đã học ngôi trường được lấy tên của
ông, và ông cũng là một trong những người đã có công sáng lập ra chữ Quốc Ngữ
mà chúng ta đã sử dụng từ xưa đến bây giờ. Còn đối với người Cộng Sản, hiện tại
trong nước đã cố ý chỉnh sửa vài từ ngữ thì khi nghe qua có nhiều ngôn từ mà
tôi không hiểu gì cả. Vì thế, muốn bảo tồn chữ Quốc Ngữ chính gốc, chúng ta phải
sử dụng ngôn từ của thời VNCH chớ đừng dùng theo lối của Cộng Sản.”
Theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, chủ tịch Hội Đồng
Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, thì “Tại miền Nam California ít thấy một tổ chức
mà được kết hợp giữa văn hóa và quân đội. Vì thế, theo lời mời của ban tổ chức,
chúng tôi và Mục Sư Lê Minh có mặt hôm nay để nói lên lòng biết ơn của chúng
tôi đối với những người đã sáng lập ra chữ Quốc Ngữ, cũng như cám ơn Quân Lực
VNCH. Vì chúng tôi cũng là cựu quân nhân trước năm 1975.” (Lâm Hoài Thạch)
No comments:
Post a Comment