Sunday, 13 October 2019

XÂY ĐẬP CHẶN DÒNG MÊ-KÔNG NHƯNG KHÔNG LẤY ĐIỆN, TRUNG QUỐC TOAN TÍNH GÌ? (Lan Ngọc - The Leader)





Lan Ngọc  –  The Leader
08:28, 09/10/2019

Mặc dù lượng điện có sự lãng phí lớn tại các công trình thủy điện của Trung Quốc, nước này vẫn tiếp tục xây dựng với tính toán cho vài thập kỷ tới.

Được khởi công xây dựng từ năm 2002 và kết thúc vào cuối thập kỷ trước tại tỉnh Vân Nam, đập Tiểu Loan (Xiaowan) của Trung Quốc gây choáng ngợp bởi công suất 4.200MW, trở thành đập thủy điện lớn nhất trên sông Mê Kông và có công suất lớn thứ 3 thế giới.

Không chỉ có con đập này, hàng loạt đập thủy điện khác đã và đang được Trung Quốc tiếp tục xây dựng tại khu vực sông Mê Kông. Tại thượng nguồn, 11 đập đã được hoàn thành trong tổng số 19 đập.

Điều đáng chú ý là mặc dù các đập thủy điện nổi lên với nhiều công trình có công suất lớn, sản phẩm điện được tạo ra lại không được sử dụng.

Tại hội thảo “Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mê Kông” tổ chức bởi Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ cho biết, năm 2018, có tình trạng lãng phí điện tại các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.

Tại tỉnh Vân Nam, lượng điện “bỏ không” thậm chí còn gấp đôi sản lượng điện tiêu thụ của toàn Thái Lan.

Việc xây dựng các đập thủy điện tại thượng nguồn khiến dòng chảy bị chặn lại.

Những nhà máy nằm tại khu vực đường bờ biển của Trung Quốc không sử dụng lượng điện trên mà thay vào đó là điện than vì lý do cuộc sống của người lao động, người dân xung quanh. Cùng với đó, việc vận chuyển điện cũng gặp khó khăn do khoảng cách địa lý xa.

Ông Brian Eyler suy luận rằng, việc xây thêm các đập nhằm mục tiêu tích trữ nước cho lục địa này, dự đoán rằng, trong khoảng 3 thập kỷ tới, Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya sẽ cạn dần.

Mặc dù những dòng chảy sẽ kết thúc tại Việt Nam, một viễn cảnh khác sẽ diễn ra nếu Trung Quốc tiến hành khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử.

Ông Brian Eyler nhấn mạnh các đập thủy điện dọc sông Mê Kông không chỉ cắt giảm lượng nước chảy xuống hạ nguồn mà còn khiến giảm dòng phù sa, giảm luồng cá di cư cũng như làm mất tính đa dạng sinh học của dòng sông.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc thiếu nước từ thượng nguồn, thiếu phù sa bù đắp cùng với xâm nhập mặn của nước biển gia tăng sẽ dẫn đến tình trạng bị thu hẹp diện tích. Ước tính cứ 1 mét nước biển dâng sẽ làm mất 30% diện tích đất.

Dự kiến có khoảng 374 đập thủy điện sẽ được xây dựng tại hạ nguồn sông Mê Kông, trong đó có hơn 300 đập tại Lào. Trung Quốc và Thái Lan sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư tại các dự án này.

Trước tình trạng trên, ông đề xuất Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện.

Trong khi Thái Lan không tham gia hợp đồng xây mới hay mua điện từ Lào và Campuchia, Việt Nam trở thành khách hàng chính, từ đó có thể "đặt hàng" để Lào và Campuchia phát triển các năng lượng sạch khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.

Chuyên gia của Trung tâm Stimson cho rằng, tình trạng hiện nay cần giải pháp toàn diện, có sự phối hợp giữa các bên, tuy nhiên cũng lưu ý rằng, an ninh nguồn nước liên quan đến những nỗ lực ngoại giao và điều này lại không hề dễ dàng. 

------------------------------------

XEM THÊM

Joep Janssen
Nhà nghiên cứu


Thời tiết khắc nghiệt cùng với bàn tay tàn phá của con người đang khiến nguy cơ bị xoá sổ của đồng bằng sông Cửu Long ngày một rõ ràng hơn bao giờ hết.

Trong một lần đi về Châu Đốc (An Giang), tôi tình cờ tìm thấy một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa. Ngôi làng mới chỉ tồn tại ngót nghét gần 20 năm, được chính quyền xây dựng lại sau trận lụt lịch sử năm 2000. Đón tiếp tôi là sự chào đón nồng hậu ấm áp từ những người dân làng.

“Chúng tôi không còn sống trong nỗi sợ con cái mình có thể bị chết đuối bất cứ lúc nào”, một người dân vừa ngấp ngụm trà vừa chia sẻ. “Thế nhưng, việc mưu sinh cũng nhọc nhằn hơn”, ông nói tiếp.

Ngôi làng mới nằm nơi hẻo lánh, cách nơi ở cũ 3 km. Và rồi, những người chủ cũ chẳng còn gọi đến dân làng ông. Khoảng cách xa xôi khiến người ta ưu tiên thuê mướn ai ở gần.

“Chúng tôi từng có công việc, nhưng điều kiện sống không an toàn. Còn bây giờ thì ngược lại”, người đàn ông thở dài.

CÁNH ĐỒNG BIẾN MẤT, KHU CÔNG NGHIỆP MỚI MỌC LÊN 

Câu chuyện của người nông dân nọ là minh chứng rõ rệt cho những vấn đề chồng chéo mà đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như loay hoay giữa ngã ba đường, đau đầu tìm cách giải quyết. Thậm chí, khu vực này có khả năng “bị xóa sổ” trong vòng 100 năm tới dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với bàn tay tàn phá của con người.

Khắp vùng đồng bằng Tây Nam Bộ, nơi đâu cũng có dấu vết của quá trình đô thị hóa. Các cánh đồng biến mất, các khu công nghiệp mới mọc lên.

Quá trình bồi lắng tự nhiên và sự di cư của nhiều loài sinh vật bị ảnh hưởng đáng kể, hậu quả của việc xây dựng các đập thượng nguồn, đê cao và khai thác cát để xây dựng những khu dân cư mới.

Hệ quả nhãn tiền có thể nhìn thấy rõ là ĐBSCL đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng trong nhiều năm qua. Những cánh đồng trở nên khô cằn, sản lượng đánh bắt giảm còn người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa vì bờ sông xói mòn, sạt lở.

Năm 2009, tôi làm việc cho một công ty kiến trúc địa phương và sau đó có dịp hợp tác với một nhà phát triển dự án. Trải nghiệm này giúp tôi có cơ hội hiểu sâu thêm về cách quy hoạch xây dựng tại Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn này, tôi nhận được khoản tài trợ để viết cuốn sách Living with the Mekong (Tạm dịch: Cuộc sống bên dòng Mekong), xoay quanh các thách thức về nguồn nước ở ĐBSCL.

Không đơn thuần là người tham gia dự án, tôi trở thành một “quan sát viên”, trực tiếp chứng kiến bộ mặt cuộc sống của người dân nơi đây. Chẳng mất bao lâu để nhận ra những vấn đề về nguồn nước sạch ngày càng phức tạp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và gia tăng dân số.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và ĐBSCL thuộc khu vực nhạy cảm, “dễ bị tổn thương nhất”.

Nhiệt độ trung bình tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa. Lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Các bệnh truyền nhiễm xuất hiện với tần suất dày đặc. Hàng triệu người có nguy cơ mất trắng nhà cửa, buộc phải tìm nơi định cư khác do nước biển dâng cao và xâm thực mặn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là mức độ sụt lún nhanh chóng của đất đai tại khu vực này. Mỗi năm, trong khi mực nước biển cũng chỉ tăng vài mm thì bề mặt của đồng bằng lại sụt đến vài cm.

Nguyên nhân của thực trạng này đến từ việc khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và trang trại thủy hải sản. Việc khai thác càng được đẩy mạnh bởi quá trình đô thị hóa và tăng trưởng dân số.

Tất cả những điều kể trên đều gây hậu quả lớn cho cuộc sống ở vùng ĐBSCL.

Cuộc khủng hoảng nguồn nước ở khu vực này cần được giải quyết nhanh chóng, bởi đây không chỉ là nơi sinh sống của 20 triệu cư dân mà còn là khu vực sản xuất, cung cấp lúa và thủy hải sản cho gần 100 triệu người trên khắp Việt Nam.

KHÔNG "NẰM IM CHỜ CHẾT"

Thoạt tiên, bài toán khó này có vẻ thuộc về phạm vi kỹ thuật, công nghệ, tức nhiệm vụ tìm ra lời giải thuộc về các nhà khoa học, kỹ sư hay các nhà hoạch định chính sách. Thực tế, nhiều hội nghị, diễn đàn về chủ đề ĐBSCL cũng chỉ là nơi những người này lên tiếng, đề xuất ý tưởng mới.

Tuy nhiên, các cư dân của vùng đồng bằng chẳng bao giờ xuất hiện tại các cuộc thảo luận như vậy, trong khi chính họ là những người trực tiếp học cách thích nghi, tồn tại với môi trường mình sinh sống mỗi ngày.

Câu chuyện của những cư dân này cần được lắng nghe. Đó là lý do tại sao tôi quyết định đi ra ngoài thực địa và tìm hiểu liệu kế hoạch chiến lược của chính phủ có thực sự phù hợp với giải pháp thực tế của người địa phương.

Cách người nông dân đối phó với xâm thực mặn, mức độ hài lòng với cuộc sống mới, các đập thượng nguồn còn gây ra những hậu quả kinh tế xã hội nào nữa?

Lần gần nhất đến ĐBSCL, tôi bị xúc động mạnh khi chứng kiến câu chuyện của người dân ở Châu Đốc và Long Xuyên. Người dân nơi đây từng chật vật vì những khó khăn do môi trường thay đổi.

Niềm vui lẫn cảm giác bất an cứ song hành trong tâm trạng cô Út. Gia đình cô sống dọc bờ sông, nơi lở đất chỉ là vấn đề thời gian. Cũng vì vậy, nhà cô mới nhận được tiền đền bù để tái định cư tới nơi an toàn hơn.

Nhưng không phải tất cả đều “nằm im chờ chết”, dân địa phương buộc phải tìm cách thích nghi với hàng loạt biến đổi như cái cách họ đã chiến đấu qua nhiều thế hệ.

Một người nông dân tên Bình tận dụng trận lụt trước đó để xây con đê nhỏ xung quanh ruộng lúa của mình, trong đó anh nuôi thêm cá, vịt. Nguồn nuôi phụ giúp này còn giúp Bình kiếm được nhiều tiền hơn so với việc thu hoạch lúa.

Một nông dân khác tên Mèo kiếm lời từ việc nuôi tôm. Việc kinh doanh có thể mất trắng nếu nguồn nước ô nhiễm nên người đàn ông này đang tìm cách chuyển sang mô hình bền vững hơn.

Những câu chuyện thực tế cho thấy bức tranh đời sống người dân ở miền Tây không phải lúc nào cũng nhuốm một màu buồn thương, u ám. Thậm chí, có rất nhiều dấu hiệu khởi sắc trong chất lượng cuộc sống của họ.

Nhiều người đã được tiếp cận với nguồn nước sạch trong nhiều thập kỷ qua. Thu nhập cải thiện và tính mạng của người dân cũng an toàn hơn khi hệ thống cảnh báo thiên tai được nâng cấp.

Hơn ai hết, cộng đồng địa phương là những người hiểu rõ nhất những khó khăn mình gặp phải và cũng chỉ họ mới làm tốt nhất việc biến những vấn đề “sát sườn” ấy thành thứ có lợi cho mình.

Nếu chính quyền có thể điều chỉnh những đổi mới phù hợp với kiến thức và nhu cầu của dân địa phương, việc phát triển các dự án tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người dân hoàn toàn khả thi.

Điều đó có nghĩa là cộng đồng địa phương cần được lắng nghe nhiều hơn, những bài học thành công lẫn kinh nghiệm cần được chia sẻ rộng rãi.

CUỘC CHIẾN NGUỒN NƯỚC

Các thách thức về nguồn nước không chỉ có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái, xã hội và kinh tế trong phạm vi một quốc gia. Mâu thuẫn về nguồn tài nguyên nước có thể đẩy các nước trong khu vực vào tình trạng căng thẳng.

Việc xây dựng các đập thượng nguồn là ví dụ điển hình. Theo báo cáo “New Climate for Peace”, khu vực sông Mekong là một trong những nơi trên thế giới có nguy cơ cao nhất về xung đột nguồn nước.

Hiện có kế hoạch xây thêm nhiều con đập khác trên dòng chính của sông Mekong. Động thái này khiến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á quan ngại và lên tiếng phản đối với quan điểm các con đập ở thượng nguồn sẽ phá hủy hệ sinh thái trong lưu vực sông và giảm sản lượng đánh bắt cá, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thủy hải sản và nông nghiệp trong khu vực.

Đầu năm 2019, dựa trên Nghị quyết 120 của Chính phủ, Việt Nam bắt đầu xây dựng kế hoạch tổng thể khu vực cho ĐBSCL cùng với sự góp sức của đội ngũ chuyên gia nước ngoài và nguồn vốn quốc tế.

Kế hoạch này và các dự án sắp tới hứa hẹn tương lai tươi sáng khi các nỗ lực quản lý nguồn nước sẽ đem lại nhiều điều có lợi cho cuộc sống của cư dân.

Những nỗ lực này chỉ có thể hiệu quả nếu các nước có chung dòng Mekong chảy qua - bất luận nước lớn hay nước nhỏ - hợp tác chặt chẽ với nhau, giải quyết thách thức về nguồn nước trong khu vực. Mục tiêu đó sẽ vẫn khó thành hiện thực nếu các nước vẫn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích chung của cả khu vực.

*
Joep Janssen
Illustration: Hà My
Biên dịch: Lân Y

-------------------------------
Joep Janssen
Nhà nghiên cứu
Joep Janssen là người sáng lập một nền tảng chuyên cung cấp thông tin về vấn đề nguồn nước trên thế giới và là tác giả của cuốn sách Living with the Mekong. Ông đang sản xuất bộ phim tài liệu có tên Me and Mekong, về khả năng thích nghi của người dân địa phương để vượt qua những thách thức về nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là bài viết riêng của ông cho Zing.vn.





No comments:

Post a Comment

View My Stats