Sunday, 13 October 2019

XÃ HỘI & NHÂN VẬT (Albert Einstein)




Tác giả: Albert Einstein
Nguyễn Ước dịch
12/10/2019

Khi xem xét đời sống cùng những nỗ lực của mình, chúng ta sớm nhận ra rằng hầu hết mọi hành động và khát vọng của mình đều dính kết với sự hiện hữu của người khác. Chúng ta để ý thấy rằng bản tính tổng thể của mình thì giống với của các động vật có tính xã hội khác. Chúng ta ăn thực phẩm do người khác cung cấp, mặc quần áo do người khác làm ra, sống trong ngôi nhà do người khác xây dựng. Phấn lớn kiến thức và niềm tin của chúng ta được truyền đạt bởi người khác qua trung gian của ngôn ngữ, cái cũng do người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, các khả năng tâm thần của chúng ta quả thật nghèo nàn so với của các động vật cao hơn. Vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng mình có được lợi thế hơn dã thú, chủ yếu là nhở ở thực tế mình sống trong xã hội loài người. Một cá nhân nếu để cho sống một mình từ lúc sơ sinh, sẽ vẫn mãi mãi mang tính cách nguyên sơ và giống với dã thú trong ý nghĩ cùng cảm xúc của y, tới một mức độ mà chúng ta hầu như không quan niệm nổi. Một cá nhân là cái y là, với ý nghĩa rằng tự trong tính chất cá thể của mình, y không sở hữu nhiều nhặn đức hạnh, mà thật ra, y là thành viên của cộng đồng loài người lớn lao; tập thể đó định hướng sự hiện hữu vật chất cùng tinh thần của y từ khi trong nôi cho tới lúc vào huyệt mộ.

Đối với cộng đồng, giá trị của một người tùy thuộc trước tiên vào mức độ sâu xa các cảm giác, ý nghĩ và hành động của người đó hướng tới sự thăng tiến cái thiện của đồng loại. Chúng ta gọi y là tốt hay xấu căn cứ vào thái độ của y trong khía cạnh nảy. Thoạt nhìn, có vẻ như sự đánh giá của chúng ta về một người tùy thuộc hoàn toàn vào phẩm tính xã hội của người đó.

Tuy vậy, một thái độ như thế hẳn là không đúng. Có thể dễ dàng thấy rằng mọi thành tựu đáng giá về vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội sở dĩ có là do bởi dòng chảy của vô số thế hệ qua những cá nhân có tính sáng tạo. Người nào đó từng khám phá ra lửa, người nào đó trồng trọt cây thực phẩm và người nào đó phát minh máy hơi nước.

Chỉ cá nhân mới có thể suy nghĩ, nhờ thế. tạo ra các giá trị mới cho xã hội. Không những thế, cá nhân còn đề ra các định chuẩn đạo đức mới để đời sống của cộng đồng tuân theo. Không có những cá nhân có tính sáng tạo để tư duy và phán đoán một cách độc lập thì sự phát triển hướng thượng của xã hội là điều không tưởng. Sự phát triển cá thể của cá nhân mà không có xã hội làm mảnh đất bồi dưỡng thì cũng là điều không tưởng.

Như thế, sức khỏe của xã hội tùy thuộc hoàn toàn vào tính độc lập của những cá nhân đang hợp thành nó cũng như vào khuynh hướng kết hợp chặt chẽ vào xã hội của những cá nhấn ấy. Thật rất đúng khi nói rằng chính nền tảng văn hóa Hoa Kỳ – Hy Lạp – La Mã, và đặc biệt của thời Phục hưng rực rỡ ở Ý đã đặt dấu chấm hết cho sự trì trệ của châu Âu Trung cổ, đồng thời đã và đang là sự giải phóng cũng như sự cách ly tương đối cho tính cá thể của cá nhân.

Giờ đây, chúng ta hãy xem xét thời đại mình đang sống để xem xã hội tiến bộ như thế nào, cá nhân tiến bộ như thế nào? So với các thời đại trước đây, dân số ở các xứ sở văn minh đang dày đặc cực độ; châu Âu hôm nay có dân số nhiều gấp ba lần một trăm năm trước đây. Thế nhưng số lượng những con người hàng đầu lại ít đi, xét theo mọi chiều kích. Chỉ một ít người được quần chúng biết tới như là những cá nhân, qua những thành tựu sáng tạo của họ. Tổ chức phải mở rộng tới mức nào đó để thay cho các nhân vật hàng đầu, không chỉ đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật mà còn rất mở rộng, tới độ ta có thể cảm giác được, trong lĩnh vực khoa học.

Đặc biệt, sự giảm thiểu các khuôn mặt ngoại hạng trong lĩnh vực nghệ thuật. Hội họa và âm nhạc rõ rệt là đang bị thoái hóa và gần như đánh mất sự chú ý của công chúng. Trong chính trị không những thiếu các lãnh tụ mà còn thiếu sự độc lập tinh thần, và cảm giác của công dân về công lý bị xuống cấp tới mức độ lớn lao. Tại nhiều xứ sở, chế độ dân chủ nghị viện – vốn đặt trên tinh thần độc lập – bị lung lay. Các chế độ độc tài bùng phát và được dung dưỡng là vì cảm giác của con người về phẩm giá và về quyền con người của mỗi cá nhân không còn đủ mạnh. Trong hai tuần lễ, tại bất cứ xứ sở nào, các đám động dân chúng như những đàn cừu bị báo chí kích động tột độ, lên tới trạng thái ngây ngất cuồng nộ đến mức con người sẵn sàng mặc đồng phục để giết và bị giết vì cứu cánh bẩn thỉu của vài bè đảng chính trị. Đối với tôi, nghĩa vụ quân sự cưỡng bách là triệu chứng ô nhục đáng hổ thẹn nhất của sự khiếm khuyết trong phẩm cách con người mà loài người văn minh phải chịu đựng ngày nay. Rõ ràng hiện không thiếu các ngôn sứ, những kẻ tiên tri về cuộc nguyệt thực sớm sủa của nền văn mình của chúng ta. Tôi không nằm trong hàng ngũ những kẻ bi quan ấy; tôi tin rằng đang tới những thời kỳ tốt lành hơn. Hãy để tôi trình bày ngắn gọn các lý đo khiến tôi có sự tự tin đó.

Theo ý kiến của tôi, có thể giải thích những biểu hiệu suy đồi đạo đức và văn hóa hiện nay bằng thực tế rằng các phát triển công nghệ và kinh tế đã khiến tăng cao sự phấn đấu cho cuộc hiện sinh, nhất là gây tổn hại cho sự phát triển tự do của cá nhân. Nhưng sự phát triển công nghệ còn có ý nghĩa rằng càng ngày càng ít đi công việc cần tới cá nhân để thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng. Sự phân chia có kế hoạch về lao động đang càng ngày càng trở thành một nhu cầu khẩn thiết, và sự phân chia này sẽ dẫn tới an toàn vật chất cho cá nhân. An toàn này, thời gian nhàn rỗi và năng lượng được cá nhân tùy nghi sử dụng sẽ có thể trở thành sự phát triển tính chất cá nhân của nhân vị mình. Theo cách này, cộng đồng có thể phục hồi sức khỏe của nó, và chúng ta hy vọng rằng trong tương lai, sử gia sẽ giải thích triệu chứng không lành mạnh của xã hội hiện nay như là bệnh vặt thời thơ ấu của một nhân loại đang tràn đầy hứng khởi, đơn thuần do bởi vận tốc quá nhanh mà nền văn minh này đang xốc tới.

———————————————-
Nguồn: Bài Society and Personalities, trong cuốn Ideas and Opinions của Albert Einstein, Crown Publishers, Inc, New York 1982, 1954 tt. 15-17
Nguyên thủy, được in trong cuốn Mein Weltbild (Thế giới quan của tôi), Amsteram: Querio Vrlag, 1934.

Hình bìa sách Mein Weltbild





No comments:

Post a Comment

View My Stats