Saturday, 5 October 2019

VÌ SAO TỔNG THỐNG TRUMP THÚC TRUNG QUỐC ĐIỀU TRA ÔNG BIDEN? (tổng hợp)




Vietnam Plus
 04/10/2019 15:37 GMT+7 

Nội dung tin nhắn cho thấy ông Volker đã hứa hẹn với ông Yermak về một chuyến thăm tới Washington của vị tân Tổng thống Ukraine để đổi lại việc Kiev tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Biden.

Ngày 3/10, 3 nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện đã công bố các cuộc trao đổi tin nhắn giữa các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump và quan chức Ukraine nhằm làm rõ những nghi vấn xung quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cáo buộc gây sức ép đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski để tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban giám sát và cải cách Hạ viện Mỹ Elijah Cummings và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel đã gửi các đồng nghiệp một bản cập nhật các nội dung trao đổi này.

Bản cập nhật bao gồm hơn một chục cuộc trao đổi tin nhắn văn bản giữa cựu Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, Kurt Volker, quan chức đại sứ quán hàng đầu của Mỹ tại Ukraine Bill Taylor, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland, luật sư riêng của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani và Andriy Yermak, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine Tổng thống Zelenski.

Theo AFP, nội dung tin nhắn cho thấy ông Volker đã hứa hẹn với ông Yermak về một chuyến thăm tới Washington của vị tân Tổng thống Ukraine để đổi lại việc Kiev tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Biden.

Vài ngày trước khi hai Tổng thống trao đổi với nhau, ông Volker đã viết cho ông Gordon Sondland rằng "quan trọng nhất đối với ông Zelenski là cam kết rằng sẽ điều tra."

Việc công bố nội dung tin nhắn diễn ra đúng vào ngày ông Volker phải trả lời chất vấn của các luật sư Hạ viện trong hơn 8 giờ đồng hồ, tập trung vào vai trò của ông trong vụ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cho là gây sức ép đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski.


Lãnh đạo 3 ủy ban trên nhấn mạnh các tin nhắn văn bản này phản ánh "những lo ngại nghiêm trọng của một quan chức Bộ Ngoại giao về tác động bất lợi đối với Ukraine do việc trì hoãn viện trợ quân sự cho quốc gia này, cũng như tầm quan trọng của việc sắp xếp một cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine."

Ngoài ra, các nghị sỹ này cũng bày tỏ lo ngại rằng việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine và cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước bị trì hoãn nhằm gia tăng áp lực để Ukraine tiến hành các hoạt động điều tra đối với gia đình ông Biden.

Chính trường Mỹ đã “dậy sóng” khi Hạ viện Mỹ thông báo tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump liên quan đến cuộc điện đàm hồi tháng Bảy giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky.

Cuộc điện đàm gây tranh cãi trên được thực hiện sau khi ông Trump quyết định đóng băng gần 400 triệu USD tiền viện trợ cho Ukraine.

Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump sử dụng tiền đóng thuế làm đòn bẩy nhằm đạt mục đích chính trị cá nhân, và lợi dụng sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ. Sau khi nội dung điện đàm bị tiết lộ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống.

Về phần mình, Tổng thống Trump đã bác bỏ mọi cáo buộc, và chỉ trích mạnh mẽ cuộc điều tra của Quốc hội.

Ông chủ Nhà Trắng kêu gọi sự ủng hộ của người dân, cảnh báo Mỹ "đang bị đe dọa hơn bao giờ hết" sau khi ông trở thành mục tiêu trong cuộc điều tra luận tội với cáo buộc lạm quyền.
Ông cũng lặp lại cáo buộc rằng cuộc điều tra luận tội là "cuộc săn phù thủy," ám chỉ hành động cố tình quy chụp các tội danh để hạ uy tín của ông.

Ngày 3/10, Tổng thống Trump đã chính thức kêu gọi Trung Quốc và Ukraine điều tra ông Biden và Hunter Biden, con trai ông Biden./.
 
*
Trung Quốc cho biết “sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Mỹ” sau khi Tổng thống Donald Trump hối thúc Bắc Kinh điều tra đối thủ chính trị Joe Biden.

*
Dân Trí
Thứ Sáu 04/10/2019 - 14:44

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/10 đã kêu gọi Trung Quốc điều tra cựu Phó tổng thống Joe Biden - ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống 2020, nhằm vào sự liên quan của con trai ông Biden với một quỹ tìm cách huy động vốn của Trung Quốc.

Ông Trump cáo buộc Hunter Biden sử dụng vị thế của cha để đảm bảo sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các khoản đầu tư của mình. Ông chủ Nhà Trắng không đưa ra bằng chứng chứng minh cáo buộc này, và ông Hunter cũng nhiều lần bác bỏ bất kỳ hành động không phù hợp nào.

Cơ sở nào để ông Trump kêu gọi điều tra Hunter Biden?

Tổng thống Trump cho rằng ông Hunter Biden kêu gọi Trung Quốc đầu tư 1,5 tỷ USD vào một quỹ mà ông này có liên quan ngay sau khi tháp tùng cha trong một chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 12/2013, khi ông Joe Biden vẫn là phó tổng thống.

“Khi con trai của Biden rời Trung Quốc với 1,5 tỷ USD trong một quỹ, và những quỹ lớn nhất trên thế giới không thể mang tiền ra khỏi Trung Quốc thì ông ấy lại có mặt trong đó cho một cuộc gặp chóng vánh và ông ta đi trên chuyên cơ Không lực Hai. Tôi nghĩ đó là một điều tồi tệ”, ông Trump cho biết hồi tháng trước.

Những người chỉ trích cho rằng ông Trump đã cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra luận tội mà các nghị sĩ Dân chủ đang theo đuổi liên quan tới cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine, trong đó ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Kiev điều tra ông Biden và con trai ông.

“Giờ đây, khi chính quyền của ông ta đang rơi tự do, Donald Trump đang khủng hoảng trên truyền hình quốc gia, tuyệt vọng bám vào các thuyết âm mưu mà các tổ chức tin tức độc lập và đáng tin cậy bác bỏ”, chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết trong một tuyên bố phát đi hôm qua.

Các khoản đầu tư của Hunter Biden là gì?

Vào năm 2009, Hunter Biden đã đồng sáng lập Rosemont Seneca Partners cùng Christopher Heinz, con riêng của vợ cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, và Devon Archer, một doanh nhân Mỹ từng là bạn cùng lớp của Heinz tại Đại học Yale.

Vào năm 2012, Hunter và Archer đã nói chuyện với nhà đầu tư cổ phần tư nhân Trung Quốc Jonathan Li về việc kết hợp các nguồn lực trong một quỹ có thể đầu tư vốn của Trung Quốc - và có thể là vốn từ các quốc gia khác bên cạnh Trung Quốc, tạp chí New Yorker cho biết trong một hồ sơ về ông Hunter hồi tháng 7.

Vào năm 2013, Li, Archer và những người khác đã lập một quỹ có tên gọi BHR Partners, và ông Hunter đã tham gia với tư cách là thành viên không nhận lương của hội đồng quản trị.
Ông Hunter nói với tạp chí New Yorker rằng ông gặp ông Li trong chuyến thăm vào tháng 12/2013 nhưng miêu tả đó là một cuộc gặp bình thường. “Sao mà tôi có thể đến Bắc Kinh, cách nửa vòng trái đất và không gặp họ, gặp Li để uống cà phê?”, ông nói.

George Mesires, một luật sư của ông Hunter, cho biết thân chủ của ông bắt đầu với tư cách là thành viên ban cố vấn cho BHR và chỉ trở thành nhà đầu tư trong quỹ này với 10% cổ phần vào năm 2017, khi ông Joe Biden không còn là phó tổng thống.

Luật sư Mesires nói khoản đầu tư của ông Hunter trong quỹ là 420.000 USD, ngụ ý rằng quỹ này có tổng vốn là 4,2 triệu USD.

Theo trang web, BHR Partners là chi nhánh đầu tư xuyên biên giới của một công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc được nhà nước phê duyệt và được hỗ trợ bởi một số tổ chức tài chính lớn nhất của Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung Quốc.

Một phiên bản lữu trữ của trang web của BHR từ năm 2014 cho hay BHR được 2 nhà quản lý tài sản Trung Quốc thành lập vào năm 2013 cùng với Rosemont Seneca Partners và Thornton Group LLC.

Con số 1,5 tỷ USD mà ông Trump nhắc tới có thể xuất phát từ cuốn sách “Các đế chế bí mật” của tác giả Peter Schweizer xuất bản năm 2018. Cuốn sách đề cập tới một bài báo của Wall Street Journal tháng 7/2014 dẫn lời một phát ngôn viên của Ngân hàng Trung Quốc nói rằng tập đoàn BHR đặt mục tiêu gây vốn 1,5 tỷ USD để đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc.

New Yorker hồi tháng 7 cho hay ông Hunter và các đối tác kinh doanh của ông cho biết họ chưa nhận được khoản tiền nào từ BHR.

An Bình
Theo Reuters

------------------------------

October 4, 2019

Điểm tin buổi sáng 04/10/2019:

-TT Trump đã nói với Trung Quốc điều tra cha con ông Biden từ Tháng Sáu

-Chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang cảnh cáo ‘ứng viên tìm sự giúp đỡ của nước ngoài là phạm pháp’

-Cảnh sát viên giết 4 đồng nghiệp tại Paris đã cải đạo thành Hồi Giáo trước khi hành động

-Dân chúng Hongkong tức giận vì chính quyền cấm đeo mặt nạ nơi công cộng

-New York City cấm dùng chữ ‘illegals’ và ‘illegal alien’

-Phi trường Los Angeles sắp cấm Uber và Lift đón khách bên lề đường

-Phụ nữ vô gia cư hát Opera tuyệt diệu, được mời thâu đĩa nhạc










No comments:

Post a Comment

View My Stats