Thursday, 3 October 2019

VỀ NGOẠI LỆ HỒNG KÔNG (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)




3/10/19

Các biến động tại Hồng Kông đã được nhiều người dân chủ Việt Nam theo dõi một cách phấn khởi. Nhiều kết luận được rút ra làm nổi bật một lần nữa một phản xạ có trong mọi dân tộc nhưng đặc biệt thông thường nơi người Việt, đó là chỉ cố tìm những lý do để củng cố một lập trường hợp ý mình. Tình trạng nghiêm trọng của đất nước vẫn chưa khiến nhiều người thấy rằng phải suy nghĩ và phát biểu một cách trách nhiệm.

Vấn đề của người Hồng Kông là họ phải rất cảnh giác trước những mưu toan gia tăng kiểm soát của Bắc Kinh trong khi chờ hạn kỳ 2047. 

Ngoại lệ Hồng Kông
Trước hết chúng ta không thể rút ra một bài học trực tiếp nào từ Hồng Kông vì Hồng Kông là một ngoại lệ lớn. Năm 1997, giữa cao điểm của một giai đoạn trong lịch sử thế giới được coi là làn sóng dân chủ thứ ba trong đó chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và đa số các chế độ cộng sản chuyển hóa về dân chủ thì Hồng Kông đang có dân chủ được bàn giao cho chế độ cộng sản Trung Quốc. Đó là một sự kiện cực kỳ vô lý của di sản lịch sử.

Người ta thực hiện một giao ước trước đó một thế kỷ, trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác. Sự vô lý này khiến Hồng Kông không giống với thực tại của bất cứ dân tộc nào. Trong khi nhiều dân tộc, như Việt Nam, phải tranh đấu loại bỏ ách độc tài để có tự do thì người Hồng Kông tranh đấu để đừng bị áp đặt ách độc tài và giữ nguyên cuộc sống tự do đang có.

Sau đó Hồng Kông giống như một cái chợ hơn là một cộng đồng, càng không phải là một quốc gia. Có một thiểu số rất giầu, trong đó có một số tỷ phú cực kỳ giầu lập nghiệp từ lâu tại Hồng Kông hay vừa đến từ Hoa Lục; những người này làm giầu nhờ Hồng Kông nhưng họ cũng có thể di cư bất cứ lúc nào sang một nước khác, đối với họ Hồng Kông trước hết là một cơ sở kinh doanh. Tiếp theo là một thành phần trung lưu gắn bó với Hồng Kông và lo sợ trước viễn ảnh Hồng Kông bị sáp nhập vào Trung Quốc dưới chế độ toàn trị. Cả hai thành phần này, tổng cộng non một nửa dân số, đều tích cực chống lại mọi toan tính gia tăng quyền kiểm soát của Bắc Kinh lên Hồng Kông. Họ là những người đã xuống đường biểu tình. Nhưng còn cả một khối người nghèo đông đảo hơn, trong đó có hơn một triệu người mới đến từ lục địa sau năm 1997, phần lớn chỉ sống tại Hồng Kông vì không có chọn lựa nào tốt hơn. Họ sống chen chúc trong những căn nhà chật hẹp, trên những thuyền hay những căn "buồng hộp" rộng 2 m² với giá thuê 300 USD mỗi tháng. Những người này chỉ nhìn những cuộc biểu tình, cũng như cuộc sống hàng ngày tại Hồng Kông, với con mắt của những người ngoài cuộc. GDP bình quân trên mỗi đầu người của Hồng Kông là 45.000 USD/năm, cao hơn Châu Âu, nhưng 20% dân chúng và 45% người già trên 65 tuổi sống với thu nhập thấp hơn 15 USD mỗi ngày, trong khi có gần 200.000 triệu phú. Chênh lệch giầu nghèo thách đố và hầu như không có liên đới xã hội. Hồng Kông không giống và cũng không thể trở thành một quốc gia.

Nhưng Hồng Kông còn cả một khối người nghèo đông đảo hơn, họ sống chen chúc trong những căn nhà chật hẹp, trên những thuyền hay những căn "buồng hộp" rộng 2 m² với giá thuê 300 USD mỗi tháng.

Một điều oái oăm khác là Hồng Kông lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc và giầu có chủ yếu vì Trung Quốc là một chế độ cộng sản. Đó là cửa ra vào Trung Quốc của hàng hóa đồng thời là một trung tâm tài chính nhờ vai trò trung gian giữa Trung Quốc và nhiều nước tư bản lớn. Trung Quốc mở cửa ra với thế giới bao nhiêu thì vai trò trung gian kinh tế và lợi nhuận của Hồng Kông giảm đi bấy nhiêu. Điều này có thể nhận thấy rất rõ trong bốn thập niên qua. Vào năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa về kinh tế thị trường, GDP của Hồng Kông gần bằng 40% GDP của Trung Quốc, ngày nay tỷ lệ này là 3%. Hồng Kông giầu có bởi vì Trung Quốc là một chế độ cộng sản. Như thế cuộc đấu tranh của Hồng Kông chỉ là để giữ nguyên tình trạng hiện nay chứ không phải là để tiến tới một tương lai dân chủ như cuộc đấu tranh của Việt Nam.

Vấn đề của người Hồng Kông là họ phải rất cảnh giác trước những mưu toan gia tăng kiểm soát của Bắc Kinh trong khi chờ hạn kỳ 2047. Họ đã liên tục đấu tranh chống lại những toan tính đó. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông tương đối giản dị. Họ luôn luôn biết phải biểu tình ở chỗ nào và vì lý do nào, hơn nữa đấu tranh để chống lại một đe dọa ghê rợn trước mắt dễ động viên hơn nhiều so với đấu tranh cho một tương lai khác.

Năm 2003 tất cả các tổ chức chính trị và xã hội dân sự đã đoàn kết biểu tình rầm rộ chống lại việc Bắc Kinh đòi sửa đổi Luật Căn Bản tương đương với hiến pháp của Hồng Kông.
Năm 2012 họ lại xuống đường chống lại việc Bắc Kinh đòi thêm mục "giáo dục yêu nước", trên thực tế là một tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vào chương trình trung học.

Năm 2014, họ biểu tình quyết liệt hơn nữa chống lại quyết định của Bắc Kinh giành quyền chọn trước các ứng cử viên vào chức vụ đặc khu trưởng (thị trưởng). Cuộc biểu tình lần này rất quy mô, đươc tổ chức rất chu đáo và mang tên Chiếm Lĩnh Trung Hoàn Với Tình Yêu và Hạnh Phúc (Occupy Central with Love and Peace). Nó cũng còn được gọi là cuộc Biểu Tình Dù Vàng. Năm 2014 đã đánh dấu một bước tiến rất ngoạn mục của cuộc đấu tranh bảo vệ tự do của người Hồng Kông cần được nhìn rõ.

Đầu năm 2016 người Hồng Kông lại xuống đường phản đối việc Bắc Kinh bắt một số công dân lục địa có hoạt động tại Hồng Kông trong lãnh vực sách báo. Cuộc biểu tình này không liên quan đến vấn đề tự quản của Hồng Kông nhưng cũng đã khiến chính quyền Bắc Kinh bối rối.

Mùa hè năm nay các cuộc biểu tình nhắm chống lại một dự luật dẫn độ cho phép chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông giải giao cho Bắc Kinh những công dân Hoa Lục bị truy tố về tội hình sự nghiêm trọng và trốn qua Hồng Kông. Trên nguyên tắc đây là một luật không chỉ chính đáng mà còn cần thiết. Hồng Kông đã có thỏa thuận dẫn độ với rất nhiều nước. Vấn đề là chế độ cộng sản Trung Quốc không đáng tin về mặt công lý. Họ có thể dựng đứng những tội hình sự không hề có để bách hại những người khác chính kiến. Những cuộc biểu tình năm nay -vẫn còn diễn ra trong lúc này- thực ra không chống lại việc dẫn độ mà chỉ phủ nhận sự lương thiện và tính chính đáng của chính quyền Bắc Kinh. Chính vì thế mà nhượng bộ là một quyết định rất mất thể diện cho Bắc Kinh. Họ đã chỉ chấp nhận rút lại dự luật sau ba tháng căng thẳng, năm tháng nếu kể cả giai đoạn có tính chuẩn bị hành động của đối lập Hồng Kông. Các cuộc biểu tình đã đạt quy mô và cường độ chưa bao giờ thấy và khó hình dung : hơn một triệu người ngày 9 tháng 6, gần hai triệu người một tuần sau.

Luôn luôn thắng lợi vượt mục tiêu, nhưng…

Ngoại trừ cuộc biểu tình tháng 01/2016 chỉ nhắm mục đích tố giác những vi phạm nhân quyền tại Hoa Lục, các đợt biểu tình khác đều nhắm bảo vệ hiện trạng Hồng Kông và đều thành công hơn cả mức được coi là trọn vẹn. Sau cuộc tranh đấu năm 2003, Bắc Kinh không chỉ rút lại dự định sửa đổi luật căn bản của Hồng Kông mà vấn đề sửa đổi không đặt ra nữa. Cũng thế, sau năm 2012 việc giảng dạy công dân giáo dục kiểu cộng sản không chỉ được rút lại mà không đặt ra nữa. Sau cuộc đấu tranh năm 2014, Bắc Kinh không chỉ phải rút lại việc đòi chỉ định trước các ứng cử viên vào chức vụ đặc khu trưởng mà còn phải hứa sẽ để cho người dân Hồng Kông trực tiếp bầu ra đặc khu trưởng trong tương lai, dù là lời hứa chưa được thực hiện. Bây giờ, 2019, họ lại còn phải chịu mất mặt bỏ hẳn yêu cầu dẫn độ mà Hồng Kông đã chấp nhận với nhiều nước khác.

Bắc Kinh cứ phải liên tục nhượng bộ mỗi lần người dân Hồng Kông biểu tình không phải vì họ thiếu sự hung bạo. Họ đã chứng tỏ tại quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước là họ không hề ngần ngại trước tội ác, nhưng đàn áp như vậy tại Hồng Kông sẽ có hậu quả nghiêm trọng gấp nhiều lần. Các nước dân chủ sẽ bắt buộc phải phản ứng một cách rất cụ thể và quyết liệt trước sự kiện Bắc Kinh tự ý tiêu diệt một nền dân chủ. Hồng Kông sẽ không còn là một con bò sữa nữa mà chỉ còn là lý do của các biện pháp trừng phạt. Hơn nữa giới tài phiệt Hồng Kông đứng sau lưng các cuộc biểu tình này cho đến nay đã đầu tư rất nhiều vào lục địa, họ sẽ trả đũa bằng cách không chỉ rút vốn ra mà còn cố gắng gây thiệt hại tối đa cho Bắc Kinh. Hậu quả là chắc chắn Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng. Thực ra Bắc Kinh không có chọn lựa.

Điều cần được lưu ý trong đợt phản kháng vẫn còn đang tiếp tục hiện nay, sau hơn ba tháng sôi sục, là người Hồng Kông vẫn tiếp tục tranh đấu dù đã thắng lợi hoàn toàn. Dự luật dẫn độ đã bị tuyên bố hủy bỏ và sẽ không còn được đặt ra trong tương lai nữa, nhưng họ vẫn biểu tình và bây giờ là biểu tình chống Bắc Kinh.

Nhưng người Hồng Kông có thể đòi gì ? Họ không thể đòi tự trị hay độc lập vì Bắc Kinh không thể nhượng bộ và thế giới cũng không sẵn sàng hỗ trợ họ trong tham vọng này. Chuyến du thuyết của anh thanh niên Hoàng Chí Phong đã không thành công một phần cũng vì anh không đưa ra được những đòi hỏi mà thế giới có thể ủng hộ. Có lẽ trong thâm tâm người Hồng Kông cũng hiểu là họ không thể mong muốn gì khác hơn là giữ nguyên tình trạng hiện nay và họ chỉ làm mạnh để Bắc Kinh từ nay đừng toan tính kiểm soát và khống chế họ nữa.

Tương lai của Hồng Kông sẽ ra sao ?

Trên nguyên tắc vào năm 2047 qui chế đặc khu sẽ chấm dứt và Hồng Kông sẽ hoàn toàn thuộc quyền cai trị của Bắc Kinh theo thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc. Nhưng có mọi triển vọng chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ không còn tồn tại vào lúc đó. Nó sẽ sụp đổ trong một tương lai gần và Trung Quốc có thể sẽ bị phân chia thành nhiều khối trong đó Hồng Kông sẽ là một thành viên trong khối phát triển nhất ở phía Đông Nam cùng với Đài Loan, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Hải Nam. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông như vậy chủ yếu là để đừng có thay đổi. Nhưng đàng nào Hồng Kông cũng sẽ bắt buộc phải tự thay đổi để có thể tiếp tục tồn tại vì không thể duy trì mức độ bất công xã hội thách đố hiện nay.

Bài học thực sự từ Hồng Kông

Một trong những "bài học Hồng Kông" được nhiều người rút ra một cách vội vàng là Hồng Kông đã chứng tỏ rằng có thể đấu tranh cho dân chủ mà chỉ cần những khuôn mặt biểu tượng chứ không cần tổ chức và lãnh đạo. Kết luận này rất sai.

Như đã nói trong đầu bài này Hồng Kông là một ngoại lệ của thế giới, do đó chúng ta không thể rút ra một bài học trực tiếp nào. Tuy vậy Hồng Kông vẫn nhắc lại một lần nữa một quy luật căn bản đúng ở mọi nơi và mọi thời : đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức.

Thực sự là những đợt biểu tình tại Hồng Kông đã rất có chuẩn bị và tổ chức và cũng có những phương tiện rất dồi dào. Các tài phiệt, như Jimmy Lai hay Quách Văn Quý, đầu tư rất nhiều vào phong trào dân chủ vì tài sản và an ninh của họ. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông là do sự phối hợp của tất cả các tổ chức chính trị và xã hội dân sự trong một mặt trận chung, Mặt Trận Dân Sự Nhân Quyền (CHRF, Civil Human Rights Front), những khuôn mặt thanh niên biểu tượng chỉ là những khuôn mặt trẻ do họ chọn lựa. Những người lãnh đạo không ra mặt không có nghĩa là họ không có. Và họ đã rút kinh nghiệm từ các đợt biểu tình 2003 và 2012.

Theo tiết lộ của đài BBC và được nhiều cơ quan truyền thông lặp lại thì để chuẩn bị cho đợt biểu tình Chiếm Lĩnh Trung Hoàn năm 2014 họ đã gửi khoảng 10.000 thanh niên tham dự các khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động do tổ chức OFF (Oslo Freedom Forum) đảm nhiệm, phần lớn tại New York. Đây là một chương trình huấn luyện rất lớn và tốn kém mà chỉ có một tổ chức rất mạnh và rất giầu mới có thể thực hiện được. Ngay cả các dù vàng cũng không phải ngẫu nhiên mà có. Năm nay, trong hai tuần lễ đầu tháng 6 cuốn phim Lửa Mùa Đông (Fire in Winter) đã được đem chiếu trên 300 lần tại các công trường để thanh niên Hồng Kông học tập cách tranh đấu bất bạo động của cuộc Cách Mạng Mầu tại Ukraine.

Hồng Kông vừa nhắc lại một lần nữa rằng ngay cả những cuộc đấu tranh chính trị giản dị nhất cũng phải có một tổ chức lãnh đạo.

Hồng Kông có khoảng một triệu công nhân từ Hoa Lục được phép qua đây sinh sống. Ai có thể ngây thơ đến độ nghĩ rằng trong số này không có vài trăm ngàn người được gửi sang để hỗ trợ Bắc Kinh bằng cách phá rối những cuộc biểu tình, tạo lý cớ cho công an đàn áp ? Dùng côn đồ để đánh phá những người không cùng chính kiến nằm trong tập quán của các chế độ cộng sản. Trên thực tế các phần tử này đã hành động nhưng chúng đã bất lực bởi vì những cuộc biểu tình đã được chuẩn bị và tổ chức quá chu đáo.

Hãy thử so sánh Hồng Kông với Paris. Từ một năm nay Paris -và nhiều thành phố khác tại Pháp- đã có những cuộc biểu tình Áo Vàng mỗi thứ bẩy. Đây là quả là những cuộc biểu tình không có tổ chức và lãnh đạo, tuy vậy vẫn có những meneurs (những người dẫn dắt). Tôi quen thân với Joelle, một trong những người dẫn dắt này. Dù chỉ quy tụ trung bình vài ngàn người nhưng luôn luôn xẩy ra bạo động và đốt phá vì có một bọn tự gọi là Black Bloc phá đám và không ai dẹp được chúng dù cảnh sát Pháp đàn áp không nương tay.

Chúng ta có thể tưởng tượng cố gắng và lực lượng của ban tổ chức các cuộc biểu tình tại Hồng Kông để đương đầu với hàng trăm ngàn "hiệp sĩ" của Bắc Kinh, ngoài việc tiếp tế ăn uống, lo cứu thương và dịch vụ vệ sinh cho hai triệu người. Làm sao có thể nói những cuộc biểu tình Hồng Kông không có tổ chức ? Đó chỉ là một cách nhìn các sự kiện theo ý mình muốn.

Vậy thì bài học thật sự mà những người dân chủ Việt Nam có thể rút ra từ các biến động tại Hồng Kông là gì ? Có lẽ đó là phải khiêm tốn nhìn các sự kiện một cách trung thực để có thể rút ra những kết luận đúng thay vì nói dối với chính mình. Hồng Kông vừa nhắc lại một lần nữa rằng ngay cả những cuộc đấu tranh chính trị giản dị nhất cũng phải có một tổ chức lãnh đạo.

Nguyễn Gia Kiểng
(02/10/2019)






No comments:

Post a Comment

View My Stats