03/10/2019
Nhiều ngày qua, thông tin về việc hàng loạt người
Trung Quốc phạm nhiều tội danh nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay thậm chí đặc
biệt nghiêm trọng tại Việt Nam được trao trả cho chính quyền Trung Quốc khiến
người dân lo lắng liệu Việt Nam có đang trở thành thiên đường tội phạm cho
Trung Quốc hay không? Dù không được ghi nhận trên các trang tin tức chính thống,
một số tờ báo hoạt động ngoài vùng kiểm soát của chính quyền như VOA hay viettin.de đã ghi nhận lại một
số bình luận của những nhà quan sát Việt Nam về vấn đề này.
Và thật sự thì người dân Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ
quyền và lý do để lo lắng về hiện tượng nói trên. Nếu vài năm trước đây chúng
ta chỉ nghe về việc du khách Trung Quốc tràn ngập tại các địa điểm du lịch lớn
của Việt Nam và cách hành xử có phần thiếu văn minh của họ, thì giờ đây, tội phạm
Trung Quốc có tổ chức, tinh vi và đặc biệt nguy hiểm đã bắt đầu xuất hiện, đe dọa
nghiêm trọng đến trật tự an ninh quốc gia cũng như mối quan hệ Việt –
Trung.
Bắt đầu với tin tức về việc bằng cách nào đó 400
người Trung Quốc có thể vào Việt Nam, thuê nhà xưởng, lắp đặt một hệ
thống đánh bạc hoàn thiện và tham gia vào hoạt động đánh bạc giữa thanh thiên bạch
nhật trong một thời gian dài, người dân lại nhận thêm một cú sốc khi nghe
tin bảy
đối tượng có quốc tịch Trung Quốc khác vận hành một cơ sở và đường dây
sản xuất ma túy đã tập kết được khối lượng chất ma túy lên đến 13 tấn. Trước
đó, các thông tin về việc ba
thanh niên Trung Quốc giết tài xế taxi để cướp của hay việc nhiều thành
phần xấu quốc tịch Trung Quốc tại Đà Nẵng dụ dỗ thiếu nữ Việt Nam để
thực hiện hành vi giao cấu và đồng thời sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy cũng khiến
nhiều nhà quan sát bất ngờ về sự phổ biến và liều lĩnh của tội phạm Trung Quốc
tại Việt Nam.
Qua theo dõi của người viết, cho đến nay, ngoại trừ
vụ việc tại Đà Nẵng đã có quyết định khởi
tố chính thức sáu đối tượng người Trung Quốc, các vụ việc còn lại hoặc
đã trao trả cho chính quyền Bắc Kinh, hoặc có thông tin bảy đối tượng
trong vụ sản xuất ma túy cũng có khả năng cao sẽ được trao trả.
Trao trả không phải là tương trợ tư pháp
Trước hết, người viết cần khẳng định rằng những lập
luận viện dẫn Hiệp định Tương trợ Tư pháp Việt – Trung 1998 để lý giải cho việc
trao trả những người Trung Quốc tại Việt Nam là hoàn toàn sai, đồng quan điểm với
tác giả Võ Văn Quản trong bài viết 5
vấn đề lớn của vụ trao trả 400 người Trung Quốc đánh bạc tại Việt Nam đã
được Luật Khoa đăng tải cách đây không lâu.
Hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế (tên tiếng Anh
thường gọi là mutual legal assistance treaties), thường được ký kết
song phương giữa các quốc gia với nhau nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn
cho việc cơ quan điều tra, công tố, xét xử của hai bên hợp tác và thi hành nhiệm
vụ của mình. Nội dung phổ biến nhất được thỏa thuận trong các hiệp định tương
trợ tư pháp thường là về dân sự và hôn nhân gia đình. Kế đó, phải kể đến các vấn
đề hình sự.
Tuy nhiên, nội dung tương trợ thông thường sẽ giới hạn
trong các yêu cầu về hỗ trợ dịch thuật, hỗ trợ thu thập bằng chứng, điều tra,
làm chứng, xác minh thông tin, giấy tờ, công nhận và quyết định thi hành, yêu cầu
miễn hợp pháp hóa lãnh sự, cũng như cách thức và ngôn ngữ được sử dụng trong
quá trình tham vấn – yêu cầu v.v.
Ví dụ, giả sử trong trường hợp cảnh sát Trung Quốc cần
thu thập thông tin về quá trình sinh sống và làm việc tại Việt Nam của một bị
can bị bắt và truy tố ở Trung Quốc, cảnh sát Trung Quốc sẽ gửi một văn bản
chính thức bằng tiếng Trung với dấu mộc của cơ quan yêu cầu, nhưng phải đi kèm
một văn bản dịch ra tiếng Anh có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định “phải dịch ra tiếng Anh” mới là dạng vấn đề
mà một hiệp định tương trợ tư pháp giải quyết, và cũng là quy định bạn đọc có
thể thường
tìm thấy trong các mục tiêu tương trợ. Cần đặc biệt lưu ý rằng, rất hiếm
gặp thỏa thuận tương trợ tư pháp lại thỏa thuận về thẩm quyền điều tra của cơ
quan cảnh sát và thẩm quyền công tố, xét xử của các cơ quan tư pháp khác giữa
hai quốc gia.
Đối chiếu kiến thức chung này với Hiệp
định Tương trợ Tư pháp chính thức Việt – Trung ký kết ngày 19/10/1998
và có hiệu lực từ ngày 25/12/1999, có thể thấy thỏa thuận giữa hai quốc gia
không có gì mới lạ. Cụ thể, trong chương IV của Hiệp định liên quan đến các vấn
đề hình sự, có năm điều khoản quy định liên quan đến hỗ trợ (1) tống đạt giấy tờ;
(2) điều tra, thu thập chứng cứ; (3) triệu tập, bảo hộ người làm chứng, người
giám định; (4) chuyển giao tiền và tài sản do tội phạm mà có; và (5) thông báo
bản án hình sự.
Trong các hành vi nói trên, chỉ có yêu cầu chuyển
giao tiền, tài sản do phạm tội mà có đang hiện hữu trên lãnh thổ của quốc gia
được yêu cầu là mang tính chất can thiệp vào chủ quyền và công việc nội bộ của
quốc gia này. Song bên được yêu cầu cũng bảo lưu toàn quyền xem xét và cân nhắc
yêu cầu xem chúng có tuân thủ pháp luật nước mình hay không và được quyền từ chối
khi thấy những yêu cầu này không phù hợp.
Như vậy, việc một số tờ báo và nhà quan sát (như bài
báo của tờ VietNamNet)
ghi nhận cụ thể rằng “theo hiệp ước ký kết giữa hai nước về tư pháp, vụ
án này sẽ thuộc thẩm quyền điều tra mở rộng, xử lý cuối cùng của công an Trung
Quốc” là không phù hợp với nguyên tắc chung của các loại thỏa thuận
tương trợ tư pháp cũng như thực tế nội dung của hiệp định này giữa Việt Nam và
Trung Quốc.
Trao trả không phải là dẫn độ
Khủng hoảng chính trị Hong Kong liên quan trực tiếp
đến dự thảo dẫn độ, đưa ra khả năng người dân Hong Kong – cũng như người sinh sống
làm việc tại Hong Kong có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc, hoặc bị kê biên, tịch
thu tài sản tại Hong Kong để thực hiện bản án do tòa Trung Quốc tuyên.
Không biết trùng hợp hay hữu ý, Quốc hội Trung Quốc
vừa phê
chuẩn Hiệp định dẫn độ với Việt Nam vào ngày 27/8/2019, quy định về
các loại tội phạm “có thể” dẫn đến thủ tục yêu cầu dẫn độ, trình tự, thủ tục và
văn bản cần được chuẩn bị để đề nghị thực hiện dẫn độ. Hiện báo chí Việt Nam vẫn
chưa có bài báo hay thông tin chính thức nào về vấn đề này, và về mặt lý thuyết,
Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thông qua hiệp định nói trên. Vậy nên có thể nói, nó
vẫn chưa có hiệu lực và không thể được sử dụng để giải thích các quyết định
hành chính gần đây của cơ quan điều tra Việt Nam.
Cần khẳng định, Bộ Công an không có cơ sở cả về mặt
lý thuyết lẫn thực tiễn quy phạm pháp lý để “dẫn độ” nghi phạm Trung Quốc về
Trung Quốc.
Trước tiên, cần hiểu rằng “dẫn độ” không phải là thuật
ngữ pháp lý bao hàm việc đưa công dân quốc gia mình phạm tội ở nước
ngoài trở về để tòa án quốc gia đó có thể xét xử. Các thỏa thuận dẫn độ
(extradition), có lịch
sử hàng trăm năm, chủ yếu phục vụ mục tiêu theo đuổi những kẻ trốn chạy
(fugitive), tức là những người đã thực hiện hành vi phạm tội tại quốc gia của họ
nhưng lẩn tránh sang các quốc gia khác.
Ví dụ, hãy nhớ đến trường hợp của Edward Snowden,
vốn là một công dân Hoa Kỳ. Do tiết lộ những thông tin mật của hoạt động kiểm
soát an ninh mạng của chính phủ quốc gia này, Edward Snowden bị cáo buộc phản
quốc và từng tạm lánh sang Nga để trốn tránh cơ quan tư pháp Hoa Kỳ. Ngược lại,
giả dụ như một Edward Snowden thứ hai đã phạm tội và vi phạm pháp luật tại Nga,
việc Hoa Kỳ yêu cầu trao trả Edward không mang tính chất dẫn độ nữa, bởi vì Hoa
Kỳ không có tư cách để điều tra, xét xử Edward Snowden thứ hai này. Thẩm quyền
này thuộc về cơ quan tư pháp Nga.
Trở lại với Hiệp định Dẫn độ giữa Việt Nam – Trung
Quốc có thể có hiệu lực trong tương lai gần. Hiện tác giả đã được tìm được văn
bản chính thức tiếng Trung của Hiệp
định này, và nó chứng minh được hầu hết các nguyên tắc cơ bản chúng ta đã
điểm qua đối với khái niệm dẫn độ.
Điều 4 của Hiệp định ghi nhận rõ:
“Yêu cầu dẫn độ có thể bị từ chối nếu thuộc một
trong các trường hợp sau:
1. Bên được yêu cầu có thẩm quyền xử lý hình sự đối với người được yêu cầu dẫn
độ theo pháp luật quốc gia mình, và đang trong tiến trình tố tụng hoặc chuẩn bị
cho tiến trình tố tụng.
2. …”
Như vậy, cần khẳng định rằng chủ quyền quốc gia luôn
được đặt hàng đầu trong xử lý hình sự. Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam – Trung
Quốc không phải ngoại lệ, và quốc gia được yêu cầu giữ toàn quyền quyết định
trong việc có chấp thuận yêu cầu dẫn độ hay không. Quan trọng hơn, theo người
viết, cơ quan lập pháp Việt Nam cần có động thái cụ thể để cụ thể hóa khung
pháp lý kiểm soát hoạt động tiếp nhận và chấp thuận yêu cầu dẫn độ thuộc thẩm
quyền của Bộ Công an.
Lạm quyền quá rõ ràng?
Nguyên tắc chủ quyền trong thẩm quyền xét xử hình sự
vẫn là nguyên tắc chủ đạo trong việc xét xử các cá nhân nước ngoài phạm tội tại
Việt Nam.
Vậy đến cuối cùng, vì sao chúng ta lại ra quyết định
dẫn độ hàng loạt cá nhân quốc tịch Trung Quốc phạm tội nguy hiểm ngay trong
lãnh thổ quốc gia mình. Câu trả lời rõ ràng nhất cho vấn đề này đến từ giải
trình của đại diện của Bộ Công an – Thứ trưởng Lê Quý Vương trước Uỷ
ban Tư pháp Quốc hội về việc trao trả 400 người Trung Quốc phạm tội:
“Do nhóm đối tượng liên quan phía Trung Quốc. Hơn nữa,
giữa hai nước đã có ký thỏa thuận giữa hai bộ trưởng công an về hợp tác phòng
chống tội phạm”.
Như vậy, chủ quyền quốc gia và thẩm quyền xét xử
hình sự lại được bộ trưởng công an quyết định, chứ không phải Quốc hội, và ngay
cả một đại biểu Quốc hội cũng không hay biết đến. Người viết không nghĩ rằng
đây là một câu trả lời thỏa đáng.
***
Rồi sẽ đến lúc tội phạm Trung Quốc tràn ngập Việt
Nam, chủ động vi phạm pháp luật Việt Nam, và người viết thừa nhận rằng không phải
lúc nào chính phủ Việt Nam cũng sẽ đủ chi phí để kiểm soát và tiến hành tố tụng
đối với mọi đối tượng bị bắt giữ. Tuy nhiên, để duy trì niềm tin của người dân,
chính quyền cần xử lý một cách nghiêm khắc các trường hợp điển hình – nhạy cảm,
siết chặt xuất nhập cảnh, và quan trọng nhất là làm rõ thẩm quyền của Bộ Công
an trong hoạt động dẫn độ trong tương lai.
No comments:
Post a Comment