25/10/2019
LTS: Một bài viết hay, dám nhìn thẳng vào vấn đề, của đại tá nhà báo Nguyễn
Như Phong, cựu Phó TBT báo CAND, cựu TBT báo PetroTimes, bình luận về chuyện
nghị trường, cũng như tình hình thế cuộc.
Ông Nguyễn Như Phong càng ngày viết càng hay. Có vẻ
như sau khi bị thu hồi thẻ nhà báo, bị mất chức Tổng Biên tập báo PetroTimes,
ông đã trở thành con người tự do, dám viết những gì ông nghĩ, dám nói những điều
ông cho là đúng. Xin được giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Như Phong:
______
25-10-2019
Tôi thấy tại kỳ họp lần này, một số đại biểu tranh
luận về “thế nào là người tài” và thực sự ngạc nhiên, và nghĩ: Có lẽ quốc hội
không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn thảo, đưa ra “tiêu chí” về
“thế nào là người Tài”.
Lạ thật, từ xửa từ xưa, khái niệm người tài, thì ai
cũng hiểu đó là người có trí tuệ, có những phẩm chất mà người thường không có…
Và nôm na đó là người: Làm giỏi công việc của mình và có sự sáng tạo…
Còn muốn biết người đó có tài hay bất tài, hay bình
thường, thì chỉ có người lãnh đạo có Tài, có Đức mới cảm nhận được, phát hiện
được, và muốn có người Tài thì cũng phải có cách chăm bón, rèn rũa và quan trọng
hơn cả là: Phải tạo điều kiện cho người Tài phát triển.
Có một thực tế là, hiện nay, với các cơ quan Nhà nước,
Doanh nghiệp Nhà nước… người Tài không có đất “dụng võ”, không được tạo điều kiện
phát triển, bởi lẽ: Chúng ta đang làm công tác cán bộ theo… “quy trình”. Cái gì
cũng phải đúng quy trình, đúng quy hoạch… tài ở đâu không biết, nhưng nếu không
đúng quy trình thì “hãy đợi đấy”.
Một vấn đề nữa là chúng ta đang thực hiện nguyên tắc
“lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”. Chính nguyên tắc này đã “góp phần”
quan trọng vào “triệt tiêu óc sáng tạo, tư duy độc đáo cũng những người Tài.
Khi thành công thì đó là “trí tuệ tập thể”, còn khi
thất bại, thì chả mấy khi tập thể chịu trách nhiệm, mà lúc đó cá nhân giơ đầu
chịu báng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, câu khẩu hiệu “dám nghĩ,
dám làm, dám chịu trách nhiệm” đã biến mất trong hệ thống chính quyền và doanh
nghiệp Nhà nước. Và hiện nay, có câu rất hay: “Không làm lãnh đạo không
chết. Nhưng không có quyền công dân là… chết!“, cho nên, chẳng việc gì
phải hăng hái? Bởi lẽ, làm mười việc, đúng 9 thì được tờ giấy khen A4, còn sai
một tý là coi như… đứt! Cho nên “an toàn là…bạn!”.
Cũng tại kỳ họp này, đã có những ý kiến là phải “cắt
lương hưu”; phải ” cắt chữ “nguyên…” với những cán bộ bị kỷ luật.
Tôi thấy hình như những người nêu ra ý kiến này, hoặc
là dốt nát về luật pháp, hoặc là cay cú, hằn học với những người bị kỷ luật, hoặc
bị xử lý hình sự…
Còn thưa các vị, khi các vị đang ngồi ghế “nghị sĩ”,
các vị nói như Thánh, giọng điệu cao đạo, dạy dỗ… Nhưng ai dám đảm bảo rằng,
ngày mai, ngày kia, không có vị lại phải đến cơ quan điều tra, khai “Tên tôi
là…”
Cho nên, “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ! Các
đồng chí nên bớt mồm đi… Hãy tự đốt đuốc mà soi chân mình trước đã“.
------------------------------
BBC Tiếng Việt
25 tháng 10 2019
"Đừng
mây gió nữa" là nhận xét của Facebooker Tinh Vuong Xuan khi nói về những
thảo luận trên diễn đàn quốc hội hôm qua.
Ý kiến này cho rằng thay vì thảo luận về những chuyện
thiết thực và hiệu quả thì các đại biểu lại dành thời gian để thảo luận những chuyện
như cắt lương hưu với những người bị xóa tư cách chức vụ hay định nghĩa thế nào
là người tài.
Cắt lương hưu không hợp lý
Chuyện cắt lương hưu những người bị xóa tư cách chức
vụ được đưa ra bàn thảo vào hôm qua, 24/10, khi quốc hội thảo luận về dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
Dự thảo này bổ sung nguyên tắc, gắn hình thức xử lý
kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng. Theo đó, với từng hình thức xử lý kỷ luật
"cảnh cáo", "khiển trách", "xóa tư cách" thì cán
bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ cắt một số quyền lợi về vật
chất mà người đó được hưởng.
Nhưng như thế nào là tư cách chức vụ, một khái niệm
khá mơ hồ và theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập
pháp, đại biểu tỉnh Lâm Đồng) thì trong văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay
không có văn bản nào dùng khái niệm là 'tư cách chức vụ.'
Mà tư cách chức vụ nào bởi thời gian qua, có những
trường hợp vi phạm ở giai đoạn họ giữ chức vụ cuối cùng của quá trình làm việc
trước khi nghỉ hưu.
Chẳng hạn, ông Vũ Huy Hoàng (bị đảng CSVN cách chức
Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, sau đó Ủy ban Thường
vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, cuối
cùng Thủ tướng quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn
2011 -2016); ông Lê Phước Thanh (bị đảng cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
giai đoạn 2010-2015).
Như trường hợp Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng, vừa bị Bộ Chính trị của Đảng CSVN quyết định kỷ luật bằng
hình thức cách các chức vụ trong Đảng gồm: Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương
nhiệm kỳ 2005-2010, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ
2005-2010. Đây đều không phải là chức vụ cuối cùng của ông Hiến trước khi nghỉ
hưu, vậy thì xử lý kỷ luật sẽ như thế nào?
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị rằng, với các cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý
kỷ luật, cần có thêm hình thức kỷ luật là giảm, truất lương hưu vĩnh viễn, kèm
theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng,
theo báo Lao động.
Đề xuất cắt lương hưu với cán bộ có sai phạm đã tạo
ra một cuộc tranh luận trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội.
Bởi thực ra, Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) là quỹ độc lập
với ngân sách nhà nước, do người lao động đóng góp. Tiền lương hưu là khoản mà
người lao động đã đóng góp khi họ đi làm vào quỹ hưu bổng. Bây giờ, khi về hưu,
quỹ BHXH sẽ trả lại khoản tiền đó, để họ bảo đảm cuộc sống.
Ngay cả với những người có sai phạm dẫn đến phải chấp
hành án phạt tù, họ vẫn có quyền nhận lương hưu vì Luật BHXH năm 2014 không quy
định cắt hay tạm dừng lương hưu của người đang chấp hành án tù, theo phân tích
của luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật Hừng Đông, đoàn Luật sư TP Hà Nội,
trên tờ Infonet.
Bởi vậy, điều dễ hiểu là đề xuất cắt lương hưu như một
hệ quả kèm theo của các hình thức xử lý kỷ luật 'cảnh cáo,' 'khiển trách,' 'xóa
tư cách' đã nhận được nhiều chỉ trích.
Nhà báo Ngọc Vinh viết trên facebook:
"Lương hưu là tiền của chính đương sự đóng cho BHXH khi còn làm việc
cùng một phần hỗ trợ bắt buộc từ đơn vị sử dụng đương sự. Cơ quan BHXH được
giao trách nhiệm giữ dùm và trả lại cho đương sự khi nghỉ hưu theo tỷ lệ % đã
được quy định bởi luật lao động. Tiền hưu đó ko phải của đảng hay của nhà nước
mà là của cá nhân đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Đương sự có tội thì cứ trị,
còn lương hưu của người ta thì bất khả cắt giảm. Cái gì ra cái đó, hiểu chưa
đồ ngu? Lương hưu không phải là thứ mà các đại biểu quốc hội cũng như đảng,
nhà nước có thể cư xử, quyết định tùy tiện, muốn làm gì thì làm, muốn cắt thì cắt.
Có thể lôi ai đó ra bắn nếu không thích, nhưng lương hưu vẫn phải trả cho họ nếu
họ có lương hưu."
Bàn về người tài bị cho là bàn chuyện 'mây
gió'
"Câu đối dán hai bên cửa hội trường Diên Hồng: Quốc hội bàn sâu người
tài. Người tài đứng ngoài quốc hội" là một dòng trạng
thái được nhà báo Nguyễn Thông đưa lên Facebook cá nhân về chuyện đại biểu Quốc
hội bàn về chính sách với người có tài năng, cũng được quy định trong dự thảo
luật trên.
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội Việt Nam hôm
24/10 có thể thấy, các đại biểu Quốc hội Việt Nam mất rất nhiều thời gian vào
chuyện 'người tài.'
Trong khi bản thân văn bản giải trình của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội Việt Nam cũng thừa nhận, người có tài năng nói chung là một khái
niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu
đối với người có tài năng là không giống nhau.
Vậy nhưng, các đại biểu lại sa đà vào thảo luận về
tiêu chí nhận diện người tài, rồi sa đà vào chuyện tâm và tài, công chức yêu nước
hay người đánh máy… trong khi vấn đề đáng nói hơn là phải khắc phục tình trạng
'con ông cháu cha' trong hệ thống cơ quan công quyền Việt Nam, cơ chế bảo đảm sự
công bằng về cơ hội, cũng như tạo điều kiện để công chức yên tâm cống hiến.
Bởi nếu không khắc phục được tình trạng, mà như một
đại biểu quốc hội đưa ra là 'Cán bộ trẻ hay được hỏi 'là con đồng chí
nào'," thì người tài kiếm đâu ra cơ hội để được nhận vào bộ máy đó.
Như một Facebooker nhận xét, "Cái chính là con
ông cháu cha ở mức độ cao quá nó làm tăng tính 'bất định' của tổ chức, vì sẽ có
quá nhiều biến số ngoài lề tác động tới khả năng thăng tiến của cá nhân. Từ đó,
thay vì đầu tư vào chuyên môn và công việc thì họ phải đi nhậu, tạo quan hệ với
sếp, tạo phe cánh."
Nạn con ông cháu cha triệt tiêu sự cố gắng của những
người làm việc thực sự. Và chính những 'hồng phúc dân tộc' này đang triệt tiêu
khát vọng phấn đấu của những người trẻ.
Bởi vậy, thay vì mất thời gian bàn luận về nhân tài,
hãy quan tâm đến việc bảo đảm cơ hội công bằng và minh bạch trong bộ máy công
quyền.
Hơn thế, với cơ chế như ở Việt Nam hiện nay, liệu có
bảo đảm rằng, sẽ không có sự trục lợi chính sách với những người đứng đầu trong
trách nhiệm nhận diện người tài?
Bởi thế, nhà báo Nguyễn Như Phong trên facebook đã tự
hỏi, "Có lẽ quốc hội không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn
thảo, đưa ra " tiêu chí" về " thế nào là người
tài"..."
No comments:
Post a Comment