Thanh
Hà – RFI
Đăng ngày 25-10-2019
Những "cuộc
đọ sức" dưới muôn hình vạn trạng chiếm nhiều trang báo Paris ngày
25/10/2019. Dân Bolivia chống đối tổng thống bám quyền, Chilê tổng đình công bảo
vệ miếng cơm manh áo, 1/4 dân số Liban vùng lên chống giới quan lại tham ô vơ
vét công quỹ.
Biểu tình tại thủ
đô Santiago. Ảnh ngày 25/10/2019.Reuters
Tại thủ đô Luân Đôn, thủ tướng Boris Johnson đương đầu
với Nghị Viện đòi bầu cử trước thời hạn, coi đây là điều kiện để tránh kịch bản
Brexit No Deal, tức là chia tay với Liên Hiệp Châu Âu mà không đạt được thỏa
thuận.
Trên chính trường Mỹ, tổng thống Trump "sa
lầy vì hồ sơ Ukraina, bị đả kích về chính sách Syria". Nhà tỉ phú địa ốc
New York này đang lao vào cuộc "đọ sức" với cái mà
ông gọi là "cả một hệ thống nhà nước chống đối ông".
Hai ông khổng lồ của thế giới tin học, Google và
Facebook, kẻ thì "đọ sức" với làng báo châu Âu trên
vấn đề bản quyền, người thì "đọ sức" với Quốc Hội Mỹ
chung quanh kế hoạch cho ra đời đồng tiền ảo Libra.
Phải chăng chỉ còn lại Matxcơva là một "ốc
đảo bình yên" ?
Sotchi, trung tâm
ngoại giao của thế giới ?
Vào lúc các nền dân chủ trên thế giới, bất luận lớn
hay bé, đau đầu vì các cuộc xuống đường của dân chúng, hay biến thành đấu trường
giữa đảng cầm quyền và phe đối lập, thì tại Nga, tổng thống Vladimir Putin ghi những
bàn thắng quan trọng về ngoại giao.
Le Figaro và Les Echos cùng trở lại thượng đỉnh Nga-
Châu Phi đầu tiên vừa khép lại tại thành phố biển Sotchi. "Chủ
nhân điện Kremlin muốn có được một bức ảnh lưu niệm đẹp, Vladimir Putin đứng cạnh
các lãnh đạo của châu Phi tương tự như các thượng đỉnh Pháp – Phi hay Trung Quốc
và châu Phi". Sotchi là cơ hội cho phép thực hiện mong muốn ấy, cho dù
về thực chất, "không có nhiều hợp đồng được ký kết" nhân
sự kiện ngoại giao này.
Dù vậy, theo phóng viên báo Le Figaro, Matxcơva đã
khai thác lá bài an ninh để khẳng định dấu ấn của mình tại Lục Địa Đen. Trong
bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh, nguyên thủ Nga đã nhấn mạnh : "Khủng
bố và mùa xuân Ả Rập gây trở ngại cho đà phát triển của châu Phi. Các chi phí về
an ninh là một gánh nặng đối với các quốc gia trong vùng, do vậy Nga sẽ "hỗ
trợ nhóm nước G5 trong vùng Sahel - gồm Burkina Faso, Mali, Mauritanie, Niger
và Tchad - trong nỗ lục chống khủng bố". Matxcơva không úp mở về
ý định xóa bớt nợ cho châu Phi. Theo tác giả bài báo, lời lẽ này của nguyên thủ
Nga nhằm khiêu khích Paris : Pháp là điểm tựa chính của nhóm G5 tại Sahel.
Châu Phi: Putin
sao chép thành công của Trung Quốc
Báo kinh tế Les Echos đưa ra cùng quan điểm : Các
bên không thông báo những biện pháp cụ thể tại thượng đỉnh Nga –Châu Phi đầu
tiên. "Những dự án bạc tỉ Vladimir Putin hứa hẹn vẫn chưa được khởi
động". Thế nhưng đây là cơ hội để Matxcơva nối lại mối quan hệ đặc
biệt với châu lục này. Hơn thế nữa Sotchi là phiên bản của thượng đỉnh Trung Quốc
– Châu Phi vào thời điểm mà một phần công luận tại châu lục rộng lớn này bắt đầu
dè chừng với chủ nợ là Bắc Kinh.
Nhưng nếu Bắc Kinh có tiền thì Nga có vũ khí. Gian
trưng bày vũ khí của tập đoàn sản xuất súng trường Kalashnikov tại Sotchi trong
ba ngày hội nghị vừa qua đông không ngớt khách. Hàng loạt các chính khách và
quan chức châu Phi xếp hàng dài để được chụp ảnh bên những khẩu AK. Đấy là một
trong những biểu tượng của quan hệ Nga –Phi. Nhưng tham vọng của Matxcơva không
dừng lại ở đó. Ngoài vũ khí, nhiều tập đoàn Nga trong các lĩnh vực nông nghiệp,
dầu khí, năng lượng hạt nhân, đường sắt đều đã có mặt và có rất nhiều kế hoạch
hợp tác với các nước châu Phi. Trên mặt trận này, một lần nữa Nga muốn gặm nhấm
thị trường trường vốn được xem là sân sau của Pháp và thậm chí là một bãi đáp
tiện lợi của các tập đoàn Trung Quốc.
Châu Mỹ Latinh :
Công phẫn của quần chúng
Phần tin quốc tế trên tờ Libération dành hai trang để
nói về tình hình Chilê. Bên trên bức ảnh đen trắng người biểu tình trèo lên tượng
đài ở thủ đô Santiago trong ngày đầu tiên cuộc tổng đình công hôm 23/10/2019 là
hàng tựa : "Dân nghe thấy những hứa hẹn của chính quyền nhưng tức
giận vẫn không nguôi".
Quyết định tăng giá vé metro chỉ là ngòi nổ của một
cuộc khủng hoảng âm ỉ tại quốc gia thịnh vượng và ổn định nhất tại châu Mỹ
Latinh. Thật vậy kinh tế Chilê liên tục tăng trưởng trong ba thập niên. Mới chỉ
cách nay hai tuần, tổng thống Pinera không khỏi tự hào tuyên bố "Chilê
là ốc đảo bình yên trong lúc châu Mỹ Latinh đang trải qua bão tố (...) Chilê tạo
thêm được 176.000 việc làm một năm người lao động được tăng lương". Cách
nay vài tháng, con trai tổng thống Brazil tham quan Chilê đã không ngớt lời ca
ngợi chính sách hưu bổng trên đất nước của tổng thống Pinera.
Nhưng đằng sau những thống kê đẹp đẽ đó thì Chilê
trong nhiều thập niên qua cũng là một đất nước nơi khoảng cách giàu nghèo, cơ hội
thăng tiếng thuộc hàng "bất bình đẳng" bậc nhất. Đây
là nơi 1 % dân số trên toàn quốc kiểm soát đến 25 % tài sản quốc gia. Theo nhà
xã hội học Emmanuelle Barozet được Libération trích dẫn, phẫn uất lại càng chồng
chất trước những bất công. Những người có chức có quyền dù có phạm tội cũng chỉ
bị phạt lấy lệ. Gần đây hơn vừa lộ ra vụ tổng thống Pinera và người tiền nhiệm
Michelle Bachelet từ nhiều năm qua không hề phải đóng thuế thổ trạch tại những
ngôi nhà nghỉ mắt của họ.
Tờ Les Echos chán ngán ghi nhận tại Bolivia và
Chilê, "tổng đình công kéo dài và phong trào phản kháng không có dấu
hiệu hụt hơi". Cũng tờ báo này chú ý nhiều hơn đến một quốc gia
khác trong khu vực là Achentina. Chủ Nhật 27/10/2019 cử tri Achentina bầu lại tổng
thống. Cánh tả có cơ may trở lại nắm quyền. Tổng thống Macri thất bại trên vế
kinh tế. Đối thủ của ông hiện đang dẫn đầu đến 15 điểm trong các cuộc thăm dò về
ý định bỏ phiếu.
Trump sa lầy vì
Ukraina
Trong bài viết mang tựa đề "Donald
Trump sa lầy trong vụ Ukraina", Le Monde điểm lại một cách chi tiết
những cuộc điều trần với những lời khai ngày càng bất lợi cho tổng thống Mỹ. Tờ
báo nhận định bên đảng Cộng Hòa "dày công gây trở ngại cho công việc điều
tra" về nghi ngờ Donald Trump nhờ Kiev triệt hạ một đối thủ chính trị. Và
trong quá trình điều tra người ta khám phá ra rằng, cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani không ngần ngại
đi đêm, lập hẳn một kênh ngoại giao riêng chỉ để phục vụ quyền lợi của cá nhân
ông Trump.
Tờ Le Figaro nói đến hai mặt trận Donald Trump phải
đương đầu đang diễn ra ngay tại thủ đô Washington : một là hồ sơ Ukraina và hai
là chính sách Trung Đông của chủ nhân Nhà Trắng đang bị đảng Cộng Hòa chỉ
trích.
Liên quan đến cáo buộc ông Trump cầu viện Ukraina
can thiệp vào chính trị Mỹ, Nhà Trắng hô hào rằng đấy là một đòn bẩn của bên đảng
đối lập Dân Chủ dùng để tấn công ông, tựa như điều họ đã làm ngay từ khi nhà tỉ
phú New York vừa đắc cử năm 2016. Bị ngay chính đảng Cộng Hòa chỉ trích bỏ rơi
đồng minh Kurdistan, phó mặc chính sách Trung Đông cho chính quyền Nga, tổng thống
Donald Trump ầm ĩ cho rằng đấy là thủ đoạn của giới chính khách ở Washington, của
những tầng lớp ăn trên ngồi trước, thù ghét ông. Có điều, như ghi nhận của tờ
báo, điểm mạnh của Trump là ông đã bắt mạch đúng công luận : dân Mỹ mệt mỏi với
các cuộc chiến kéo dài ở Trung Đông và số này sẵn sàng "nhường" hồ sơ
Trung Đông lại cho nước Nga của Vladimir Putin.
Đáng lo ngại hơn cả, theo như ghi nhận của Jeff Gedmin,
tổng biên tập tạp chí The American Interest chuyên về quan hệ quốc tế, nền dân
chủ của Hoa Kỳ đang bị chao đảo, ngay cả khi nước Mỹ sang trang được những năm
tháng dưới chính quyền Trump. Nói cách khác, ngay cả trong trường hợp tổng thống
Trump có bị truất phế đi chăng nữa và đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống vào năm tới,
thì "gốc rễ nuôi dưỡng chủ nghĩa Trump sẽ còn tồn tại" và
chưa chắc gì đảng Dân Chủ sẽ tránh được vết xe đổ của bên đảng Cộng Hòa. Chuyên gia này cho rằng, những lập
trường mang tính mị dân và bảo hộ, chủ trương cô lập nước Mỹ với thế giới bên
ngoài là một trào lưu có thực trên đất Mỹ và trào lưu đó có nhiều cơ hội để
phát triển mạnh thêm nữa trong tương lai.
No comments:
Post a Comment