Saturday, 19 October 2019

MUỐN THẮNG TRONG ĐCS, PHẢI CÓ TỐ CHẤT GÌ? (Đỗ Ngà)




19/10/2019

Tranh đoạt quyền lợi bằng cách giết chết đối thủ là một hình thức tranh đoạt của những tổ chức ngoài vòng pháp luật. Hình ảnh này nó rất phổ biến bên trong những tổ chức tội phạm. Đây là luật đấu tranh sinh tồn của tự nhiên, nó ngự trị trong những bầy thú hoang dã chứ nó không phải là luật của con người văn minh. Luật của con người văn minh là luật pháp đề cao tính công bằng không đề cao sức mạnh của kẻ mạnh.

Nhưng có một điều là, khi là tổ chức tội phạm sử dụng loại luật của kẻ mạnh thì làm sao nó tồn tại thế nào trong lòng luật pháp đây? Không! Nó không thể sống chung với luật pháp được mà nó phải tạo ra một thế giới của riêng nó, nơi mà luật pháp không thể chạm đến. Thế giới đó, người ta gọi là thế giới ngầm. Tổ chức mafia, xã hội đen vv.. là những tổ chức ngoài vòng pháp luật và sử dụng loại luật riêng như vậy.

Với tổ chức ĐCS, chúng ta cũng thấy họ cũng có luật chơi riêng chứ họ không dùng chung một loại luật với nhân dân. Ở Việt Nam, luật cho dân là pháp luật, còn luật cho đảng là Điều Lệ Đảng, điều này không cần phải bàn cãi. Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “Hiến Pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng bậc nhất sau nghị quyết đảng”. Đây là một thực tế đã tồn tại từ 74 năm qua. ĐCS đã thiết lập cho nó một nơi có luật chơi riêng mà luật pháp không thể với tới. Chỉ cần 1 chỉ thị của đảng, thì luật pháp sẽ bị vô hiệu hóa ngay. Năm 2016, thiếu tướng Phan Anh Minh phó giam đốc Công an TP. HCM đã thừa nhận “Công an không được trinh sát Đảng viên, vì vướng chỉ thị 15”. Được biết đây là chỉ thị mật được ban ra bởi Nông Đức Mạnh.

Như vậy qua đây chúng ta thấy sự khác nhau giữa ĐCS và mafia là ở điểm nào? Thực chất, giữa ĐCS và tổ chức mafia chỉ khác nhau ở quyền lực chính trị. ĐCS nắm quyền điều khiển nhà nước còn mafia thì phải trốn tránh sự trừng phạt của nhà nước, chỉ vậy thôi. Còn về những gì nó thiết lập bên trong, chẳng khác nhau là mấy. Nói về mức độ nguy hiểm với xã hội, ĐCS nguy hiểm hơn tổ chức mafia rất nhiều. 

Cuộc chiến có trọng tài và cuộc chiến đối kháng một mất một còn rất khác nhau về bản chất. Nói đến trọng tài là nói đến cách phân xử theo luật, nói đến đối kháng một mất một còn là không có luật gì cả mà muốn thắng thì phải vận dụng mọi thế mạnh và mọi thủ đoạn. Trong nhà nước dân chủ, chính trị gia và nhân dân đều chịu sự chi phối của luật pháp, chính vì thế ở nơi này, các chính trị gia tranh nhau giành chiếc ghế nào đó trong nhà nước họ giao cho nhân dân làm trọng tài. Còn ở Việt Nam, ĐCS đứng ngoài vòng pháp luật, cho nên ai muốn giành cho mình một chiếc ghế quyền lực nào đó thì họ đấu nhau kiểu mafia. Đó là lý do tại sao trước các kỳ đại hội đảng, những trò triệt hạ bẩn thỉu mang màu sắc mafia trở nên nở rộ là vậy. 

Giết người dựng hiện trường giả là một trò khá quen thuộc trong các cuộc tranh giành ảnh hưởng hoặc thiết lập vị thế mới trong thế giới ngầm. Đã là người trong một tổ chức tội ác thì không thể giết người ngẫu hứng kiểu nổi khùng lên cơn điên là ra tay, mà muốn ra tay thì phải ủ mưu lên kịch bản hẳn hoi. Tạo hiện trường giả sau vụ án mạng chính là một loại kịch bản. Chúng ta thấy, sự tranh giành quyền lực quyền lợi trong ĐCS cũng tựa như vậy. Họ cũng ủ mưu, cũng lên kịch bản, rồi ra tay. Cái khác nhau là, khi dựng hiện trường giả thì ý đồ của mafia là để tránh né luật pháp còn với quan chức CS là để đánh lừa dư luận chứ không phải để né tránh pháp luật, vì đơn giản ĐCS trên pháp luật.

Ông Lê Hải An là người khoa bảng, có năng lực về trí tuệ, học vị thật, học hàm xứng đáng theo đánh giá của công chúng và theo đánh giá của giới chuyên môn. Ông ta sẽ là kẻ thắng nếu sống trong một đất nước thượng tôn pháp luật, đất nước mà chính quyền và nhân dân cùng dùng chung 1 thứ luật duy nhất – pháp luật. Nhưng đây là ĐCS, nó có luật chơi riêng của nó và sự tranh đoạt trong nó cũng mang đập chất mafia không có nhân dân làm trọng tài. Vì thế, ông không ác, không thủ đoạn thì ông thua. Chính trị ở CHXHCNVN phải có tố chất tranh đấu kiểu mafia. Thế thôi.

-Đỗ Ngà-






No comments:

Post a Comment

View My Stats