Saturday, 12 October 2019

MARK ESPER ĐẾN VIỆT NAM : NHÌN LẠI HAI CHUYẾN CÔNG DU CỦA JIM MATTIS (Việt Nam Thời Báo)




12/10/2019

Người vừa trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - Mark Esper - sẽ có một chuyến công du Việt Nam, nhiều khả năng diễn ra tháng 10 năm 2019, với mục đích danh nghĩa là “thảo luận việc gia tăng hợp tác quốc phòng giữa hai nước”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper

Đó sẽ là chuyến công du Việt Nam lần thứ ba của hai đời Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - một mật độ đặc biệt, cho thấy Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên chiến lược xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương và mối quan tâm về vấn đề Biển Đông và Việt Nam.

Vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Jim Mattis đã có đến hai lần công du Việt Nam - tháng Giêng và tháng Mười.

Chuyến công du Việt Nam tháng 3 năm 2018 của Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiến vào giai đoạn căng thẳng của chiến dịch dựng đứng hàng rào thuế quan đầu tiên do Tổng thống Donald Trump là tổng đạo diễn, trong khi các hạm đội 7 và hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ ngày càng áp sát Biển Đông, trong bối cảnh ngày 10/10/2018 Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.

Còn tương lai về một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này đang dâng lên như một cơn sóng thần cấp độ vừa phải.

Chuyến công du trên cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất.

Lần đầu tiên Jim Mattis đặt chân đến Hà Nội là vào tháng Giêng năm 2018, tiếp liền sau chuyến đi Washington của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch mà có thể hiểu như lời cầu cứu rõ như ban ngày: chính thể độc đảng ở Việt Nam liên tiếp bị ‘bạn vàng’ Trung Quốc gây sức ép cả về chiến thuật ‘ngoại giao tàu cá’ lẫn tàu hải giám và tàu quân sự vây bọc khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam - một chiến dịch mà Bắc Kinh đã quá thành công trong việc ‘hù’ Việt Nam, khiến công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha (liên doanh với Việt Nam) phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này.

Khi đó, tình cảnh của Bộ Chính trị Việt Nam thật chẳng khác gì ‘mỡ treo miệng mèo’: ngay cả dầu khí trong vùng biển được xem là ‘chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.

Trong khi đó, Mỹ lại đang cần đến cái gật đầu của Việt Nam để phát triển triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’ ở Biển Đông - như một cách lý giải của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho báo giới quốc tế, bắt đầu từ năm 2016 và vẫn tồn tại cho đến giờ. Tuy vậy, các hạm đội Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không phải cần đến sự chuẩn thuận của giới chóp bu Việt Nam như một điều kiện cần, mà chỉ là điều kiện đủ trong bối cảnh dù Việt Nam có gật hay lắc thì các tàu chiến Mỹ cũng đã áp sát quần đảo Hoàng Sa - trên danh nghĩa là thuộc Việt Nam nhưng đã thuộc về sự chiếm cứ của ‘người đồng chí tốt’ từ hơn bốn chục năm qua.

Chỉ vài tháng sau chuyến đến Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đến tháng Ba năm 2018 đã hiện ra một hình ảnh chưa từng có tiền lệ kể từ thời điểm 1975: một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng - vùng biển mà 5 năm trước lần đầu tiên đã có 3 tàu chiến của Mỹ cập bến để ‘giao lưu hải quân’ với phía Việt Nam.

Nhưng ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam: một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol một số tiền lớn - có thể từ 400 triệu USD đến hàng tỷ USD, nhưng còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.

Còn vào lần này, Tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến giàn khoan của Trung Quốc còn lâu mới chịu kết thúc. Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, và sau đó là hàng lô hàng lốc phương tiện khai thác dầu như tàu cẩu Lam Kình, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 kéo vào Biển Đông, giễu qua ngay trước mũi Bộ Chính trị Việt Nam, và có trời mới biết còn bao nhiêu hình ảnh ngáo ộp nữa sẽ được Bắc Kinh cho trình diễn trong tương lai gần…, đã làm tê tái những kẻ vẫn cắm mặt giương cao lá cờ mang tên’Mười sáu Chữ Vàng’ ở Hà Nội.

-------------------------------------

13/10/2019

(VNTB) - Bãi Tư Chính ngày càng trở nên phức tạp, và bản thân Hà Nội hoàn toàn bất ngờ về diễn biến của nó. Chính vì thế mà vào sáng 7/10, khi hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII) họp tại Hà Nội, ông Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ‘đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông’.

Việt Nam vẫn đang lưỡng lự trong các lựa chọn, và mới đây, GS Chu Hảo trong một chia sẻ tại tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” cũng đã cho biết, vài người bạn ở Bộ Ngoại giao Mỹ có nói với tôi rằng phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng.

Thực tế, đối sách của Việt Nam vẫn là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, và đấu tranh trên cơ sở ngoại giao.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, trong buổi tiếp xúc cử tri Tp. HCM đã cho biết: Có người hỏi rằng chúng ta có sẵn sàng kiện Trung Quốc hay không, có sẵn sàng đánh nhau với Trung Quốc hay không. Những điều này là đều có thể hết, nhưng không phải là điều chúng ta mong muốn.

Và cơ sở đấu tranh của Hà Nội tựu chung là hướng tới ‘đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao hòa bình’. Điều này, phụ thuộc vào phần lớn sự hữu hảo từ phía chính quyền Bắc Kinh, cũng như khả năng nhường nhịn của Việt Nam.

Câu chuyện Bãi Tư Chính và thái độ của Hà Nội, cũng như diễn biến thời gian qua có thể cho thấy Việt Nam xoay trục về phía Mỹ như nhiều quan điểm đề ra?

Có vẻ là không, mặc dù Việt – Mỹ đang tăng cường hợp tác thương mại và củng cố nền quốc phòng của cả hai quốc gia. Hà Nội vẫn đang nghiền ngẫm bài học lịch sử mang tên ‘đồng minh’ với các cường quốc. Một đến từ mối quan hệ VNCH – Mỹ, và một đến từ Việt Nam – Liên Xô.

Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ‘đu dây’ ngoại giao, và không nghiêng về một phía nào cho đến khi sự uy hiếp trở nên trực diện hơn. Và điều này có thể biểu hiện qua việc, Hà Nội sẽ dời các hội nghị hoặc thậm chí hoãn tổ chức Đại Hội cho đến khi tình hình trở nên ổn định hơn.

Đối sách của Hà Nội theo hướng ‘không nghiêng hẳn về một bên nào’ đang gặp sự phản ứng, và quan điểm ‘3 không’ về quốc phòng được cho là sẽ khiến năng lực tự vệ của Việt Nam không đủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thế nhưng, trong một diễn biến mới nhất, một báo cáo của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) dường như đứng về phía Hà Nội trong quyết sách ‘3 không’.

Theo báo cáo này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên ngăn chặn hành vi phá hoại của Trung Quốc tại khu vực ASEAN, và việc buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington có thể phản tác dụng. Bởi các quốc gia ASEAN, thích giữ mối quan hệ mang tính xây dựng với cả hai bên, thay vì về một phía. Lý do, nếu Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào khu vực và đóng góp an ninh quan trọng, thì Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 và chi phối động lực kinh tế.

Báo cáo này cũng đề nghị chính phủ Mỹ nên điều chỉnh chính sách ASEAN bằng cách hỗ trợ các sáng kiến khu vực, tăng cường quan hệ song phương với các đối tác mới nổi như Việt Nam, tăng cường phối hợp cơ sở hạ tầng với các đồng minh và đối tác, và thậm chí chỉ định một đặc phái viên của Hoa Kỳ về cơ sở hạ tầng khu vực.

Hà Nội có thể tiếp tục ‘đu dây’, nhưng đồng thời dựa vào ASEAN để phản ứng cứng rắn hơn thường lệ.

Bahauddin Foizee, một nhà phân tích chính trị chia sẻ trên Asiasentinel rằng, một số quốc gia trong khu vực hình thành các liên minh an ninh riêng biệt để chống lại mọi mối đe dọa có thể có từ Bắc Kinh. Và vào tháng 9, Hải quân Mỹ và 10 quốc gia ASEAN đã khởi động năm ngày diễn tập hàng hải như một phần của cuộc tập trận chung kéo dài ra Biển Đông với tám tàu chiến, bốn máy bay và hơn 1.000 người.

ASEAN chỉ tụ họp lại khi có mối đe dọa, trước là nỗi lo cộng sản và Xô-Viết, và giờ chính là Bắc Kinh. Và nhu cầu liên hiệp về mặt quân sự, hoặc hình thành các liên minh an ninh giữa một số quốc gia thành viên ASEAN và một số quốc gia ngoài ASEAN như Úc, Ấn Độ hoặc Nhật Bản không thể bị loại trừ.

Điều này là phù hợp trong bối cảnh, năng lực quân sự của ASEAN yếu kém hơn so với Bắc Kinh, và hoàn toàn thiếu thống nhất.

Vào năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN, điều này trợ giúp cho Hà Nội rất lớn, không chỉ trong xây dựng dự thảo pháp lý COC trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Mà còn đảm bảo một sự hiện hữu liên kết quân sự thông qua các cuộc trao đổi quốc phòng, tạo răn đe cần thiết với Bắc Kinh trong vấn đề thuộc Biển Đông. Tận dụng được sự hỗ trợ của Mỹ đối với ASEAN trong xây dựng năng lực phòng thủ hàng hải, và đảm bảo quyền tự do đi lại tại vùng biển quốc tế Biển Đông.

Hà Nội sẽ không tìm cách xoay trục, mà tìm cách cân bằng mối quan hệ với các nước lớn. Đảm bảo khả năng phòng thủ và gây ra sức ép bảo vệ chủ quyền, nhưng đồng thời đảm bảo giữ được mối quan hệ chính trị với Trung Quốc, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển giao quyền lực trong thời gian tới, thời điểm mà Hà Nội không muốn bất kỳ trục trặc nào với Bắc Kinh xảy ra. Đó phải chăng là nguyên nhân, và gốc gác của sự ‘chậm chạp bị động rụt rè’ mà những người bạn ngoại giao Mỹ đã than thở với GS Chu Hảo?






No comments:

Post a Comment

View My Stats