Friday, 11 October 2019

DONALD TRUMP & HAI NĂM CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG (RFI)




Đăng ngày 11-10-2019 

Tương lai về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên tính chính đáng mà Washington có được thông qua mạng lưới liên minh trong khu vực. Tuy nhiên, do một số biện pháp, uy tín Hoa Kỳ với các đối tác châu Á ngày càng giảm.

Trên đây là nhận định trong bài viết “Đánh giá 2 năm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Donald Trump” của hai tác giả Elliot Silverberg và Matthew Sullivan đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 01/10/2019. RFI trích lược bài viết.

Theo một nghiên cứu mới đây tại Đông Nam Á, 59,1% số người được hỏi tin rằng sức mạnh của Mỹ đang suy giảm, 21,2% cho rằng Washington vẫn giữ nguyên được ảnh hưởng và 68% nhận định sự ủng hộ của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã suy giảm. Vào thời mà các đối tác thương mại và an ninh của Mỹ phát triển nhanh nhất đều là các nước châu Á, thì độ tin cậy của Washington tại Ấn Độ-Thái Bình Dương đang là một câu hỏi mở. Tùy theo tình hình, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực có thể sẽ không còn duy trì cam kết hoặc ngược lại sẽ mở rộng phạm vi cam kết hợp tác.

Tuy nhiên, cần lưu ý là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của chính quyền Trump là nhằm bổ sung cho chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Á. Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về chủ đề này hồi tháng 06/2019, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ xoay quanh việc tăng cường tham gia đồng thời phát triển kinh tế, hợp tác an ninh và tiềm lực. Những mục tiêu này phù hợp với hướng chiến lược trước đây trong khu vực. Hơn nữa, sự cân bằng thương mại, an ninh và quản lý trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng phù hợp với cách tiếp cận của các đối tác chủ chốt như Nhật Bản và Úc.

Tuy nhiên, cho tới nay, bất chấp những nỗ lực của Donald Trump, các đối tác trong khu vực dường như không còn tích cực cam kết xây dựng một vùng tự do và cởi mở. Theo hai tác giả Elliot Silverberg và Matthew Sullivan,vấn đề bắt nguồn từ sự khác biệt ngày càng lớn trong cách nhìn nhận giữa Hoa Kỳ và Châu Á.

Về kinh tế và an ninh, việc Washington ngày càng tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch chống lại các đồng minh truyền thống, có các chính sách loại trừ những đối thủ chiến lược và thái độ không chấp nhận bị ràng buộc trước các thách thức toàn cầu, chẳng hạn biến đổi khí hậu, đang làm biến đổi quan điểm quốc tế về cam kết cho sự thịnh vượng chung.

Về mặt quản lý, những nỗ lực của Washington - nhằm thúc đẩy nhà nước pháp quyền, tính minh bạch, trách nhiệm, nhân quyền và xã hội dân sự - đang vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các chế độ toàn trị nhiều nơi trên thế giới, vốn đã nhận ra rằng nhờ các công nghệ mới, chưa bao giờ việc kiểm soát xã hội lại dễ đến như vậy.

Về lý thuyết, các chuẩn mực và giá trị mà Mỹ ủng hộ góp phần tạo ra trật tự khu vực an toàn và vững mạnh hơn, cũng như các mối lo ngại về an ninh đối với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên ở các khu vực đang phát triển như Nam Á và Đông Nam Á, sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác với Mỹ.

Tuy nhiên, khách quan mà nói thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang suy giảm phần nào so với các cường quốc đang lên như Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà hoạch định quân sự Mỹ nhận ra Washington đã thiếu chuẩn bị so với Trung Quốc và Nga.

Chương trình Asia EDGE, Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đạo luật BUILD và các sáng kiến ​​khác gần đây của Hoa Kỳ để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ước tính lên tới 26 nghìn tỷ đô la cho châu Á tính đến năm 2030 thúc đẩy hoạt động trợ giúp phát triển về trình độ lao động, nhưng phương pháp tiếp cận của Hoa Kỳ nói chung bị hạn chế do nguồn lực và sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân có giới hạn.

Việc chính quyền Trump tấn công liên tục vào các chuẩn mực tự do mậu dịch, coi thường các định chế quốc tế và các sáng kiến ​​đa phương, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định khí hậu Paris, càng cho thấy rõ Washington đang thiếu một chính sách hợp lý.

Ngay cả việc Trump miễn cưỡng sớm chỉ trích một số quốc gia như Miến Điện và Philippines về các vi phạm nhân quyền tại các nước này, cũng như việc trong vòng chưa đầy ba năm có ba cố vấn an ninh quốc gia ra đi, cũng cho thấy rõ sự lúng túng của chính quyền trong các quyết sách về đối ngoại và an ninh quốc gia.

Trong khi đa phần người Mỹ vẫn ủng hộ các cam kết và các hoạt động giao thương, thì đặc biệt là trong số cử tri trẻ tuổi, có nhiều người quan tâm tới các liên minh và muốn hạn chế ảnh hưởng của các đối thủ lớn như Trung Quốc và Nga.

Với sự dịch chuyển liên tục của ngành sản xuất Hoa Kỳ do nhân công giá rẻ ở châu Á và các công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, người Mỹ ngày càng ủng hộ những người phản đối chính sách đối ngoại không có lợi cho Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng niềm tin này được minh họa bằng việc đảng Cộng Hòa ngả theo tư tưởng “Nước Mỹ là trên hết” của Donald Trump ; một số ứng viên phe Dân chủ muốn một chính sách đối ngoại bảo thủ hơn …

Với những đường hướng vĩ mô này, một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ là giải quyết được những kỳ vọng của nước ngoài về cam kết của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngay cả khi sự chú ý của Washington đối với Trung Quốc ngày càng đổi khác, do tương quan sức mạnh với Trung Quốc đã thay đổi.

Mối quan tâm và tư tưởng giao dịch không thường xuyên mà Trump áp dụng với các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh đã gây ra hậu quả cho việc quản lý liên minh của Hoa Kỳ ở Châu Á. Chẳng hạn thái độ ngập ngừng của chính quyền Trump khi can thiệp công khai vào những bất đồng chính trị giữa Tokyo và Seoul đã tạo cơ hội cho Trung Quốc can thiệp.

Thao hai tác giả, sự suy thoái trong quan hệ Nhật - Hàn gần đây có thể là do các sai lầm ngoại giao của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, vào năm 2015, chính quyền Obama đã gây phẫn nộ cho xã hội dân sự Hàn Quốc khi phản đối việc Seoul chống lại Nhật Bản trong hồ sơ “gái giải sầu”, coi đó là một mưu đồ rẻ tiền của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Washington không phải gánh trách nhiệm hàn gắn những rạn nứt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng Mỹ hoàn toàn có thể giúp hai bên giải quyết các bất đồng.

Các nước Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với vị trí địa lý quan trọng về quân sự và thương mại, cũng do dự về quan điểm “tự do và cởi mở”. Mặc dù các nước ASEAN, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và thậm chí cả Pakistan đều phản đối chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nhằm mở rộng tuyến vận tải hàng hải đến tận Trung Đông và châu Phi, nhưng sự lệ thuộc vào các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế của Bắc Kinh khiến những nước này phải chọn cách trả lời linh hoạt và mơ hồ - vừa xoay trục khỏi Washington lại vừa hướng về Washington.

Hệ quả là khu vực có nguy cơ trở nên bất ổn hơn, nên trước tiên các quốc gia buộc phải đáp ứng nhu cầu của chính họ mà không theo một trật tự dựa trên các quy tắc gắn kết chặt chẽ.
Ở Biển Đông, trước những hành động khiêu khích không tương xứng của Trung Quốc, ASEAN vẫn cảnh giác về những hạn chế của Hoa Kỳ. Nhiều lãnh đạo, chẳng hạn tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, lo ngại phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc xa xôi mà các nhà phân tích quân sự trong khu vực ngày càng nghi ngờ.

Các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc càng không có lợi cho Hoa Kỳ. Việc Bắc Kinh yêu cầu hạn chế các cuộc tập trận quân sự chung với các cường quốc bên ngoài - nếu được chấp nhận - sẽ làm suy yếu các nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì vai trò của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

Tình hình ở Nam Á cũng tương tự. Các cuộc giao tranh biên giới gần đây giữa Ấn Độ với Trung Quốc và xung đột giữa Ấn Độ với Pakistan tại Jammu - Cachemire đã khiến Ấn Độ ngả sang hợp tác quân sự mở rộng và chia sẻ thông tin tình báo với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc Donald Trump chỉ trích Ấn Độ về chủ nghĩa bảo hộ thương mại và có thái độ ngập ngừng trước những cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại thúc đẩy chính quyền New Delhi phải đề phòng.

Vì chính quyền Washington luôn ám ảnh về cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc, Hoa Kỳ bị nhiều nước châu Á vừa và nhỏ chỉ trích là đang xa rời và vô cảm với họ.
Sự lo lắng này là một sai lầm. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của Châu Á và Hoa Kỳ có thể ngày càng tỏ ra đơn độc khi tập trung vào Trung Quốc, nhưng người Mỹ thường hướng tới một viễn cảnh rộng lớn trong khu vực. Công chúng Hoa Kỳ ít bận tâm về Trung Quốc hơn so với chính quyền Washington. Thái độ lạc quan của họ là do gần đây Hoa Kỳ có mức độ hợp tác cao với Ấn Độ - Thái Bình Dương về nhiều mặt.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn có thể làm tốt hơn để cho thấy những nỗ lực của họ trong khu vực không hoàn toàn chỉ là nhằm chống lại Bắc Kinh. Trong bối cảnh những tác động của Trung Quốc đối với khu vực không phải đều mang tính tiêu cực, thì chính quyền Trump có thể làm nhiều hơn để hướng chính sách phát triển tới nơi mà các nguyên tắc quản lý bền vững và toàn diện trở thành bài thực hành chung.

Triển vọng mở rộng này sẽ đặc biệt có ý nghĩa cho những nỗ lực của Hoa Kỳ và đồng minh trong việc tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng và nâng cao năng lực của các nước như Việt Nam và Cam Bốt, vốn bị xem là những con tốt về địa chính trị thời Chiến Tranh Lạnh. Quả thực là phản ứng của Washington về các tranh chấp phức tạp liên quan đến nước của các quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Kông với các nước ở thượng nguồn như Trung Quốc, vốn liên quan đặc biệt đến các tác hại về môi trường và kinh tế của các dự án đập thủy điện, có thể đóng vai trò như một thước đo sự ủng hộ của Mỹ trong khu vực này.

Trong bối cảnh địa chính trị đa dạng và có nhiều xáo trộn của Ấn Độ - Thái Bình Dương, con đường hướng đến cách quản lý tốt sẽ còn nhiều khó khăn. Nhưng xét về dài hạn, sự hiện diện lâu dài của Hoa Kỳ ở Châu Á có thể thuyết phục được các quốc gia, vốn hoài nghi về một hệ thống dựa trên quy tắc, tạo điều kiện để ổn định chính trị và phát triển kinh tế bền vững.




No comments:

Post a Comment

View My Stats