Wednesday, 23 October 2019

"CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG 1958" PHIÊN BẢN 2019 ? (Nguyễn Hồng Phúc)




23/10/2019

Báo chí Việt Nam đưa tin là ‘Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu, khẳng định lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh sáng 21/10’.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu, khẳng định lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh sáng 21/10/2019

"Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế ; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Liên hiệp quốc, các nghị quyết của Hội đồng bảo an, thỏa thuận tại cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh quốc tế và khu vực, trong đó có ADMM+ [1] ; đó vừa là yếu tố đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quan hệ giữa các nước và đặc biệt là trong xử lý các mâu thuẫn, bất đồng ; đồng thời cũng là đặc trưng của một xã hội văn minh và phát triển mà chúng ta đang hướng đến, ở đó không có cường quyền và áp đặt".

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có đoạn diễn văn như trên tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, theo như những gì đăng tải trên báo chí của Việt Nam, thì đoạn tường thuật sau đây cho thấy rất đáng lo ngại cho một kịch bản tương tự vụ ‘công hàm Phạm Văn Đồng 1958’ [2] :

 "Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng phát biểu rằng, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải cần được kiên trì xử lý theo tinh thần Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".

Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’ là thỏa thuận được ký kết thời gian nào, có những điều khoản chi tiết ra sao [3] ? 

Các thỏa thuận này, về nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền – dù là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì vẫn buộc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua ngày 09/04/2016, hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 ; hoặc phiên bản trước đó của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, số 41/2005/QH11.

Tư cách công dân Việt Nam, người viết yêu cầu cần Quốc hội phải tường minh về "thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước" mà ông Ngô Xuân Lịch đã phát biểu công khai tại Bắc Kinh. 

Cũng tại Diễn đàn Hương Sơn, có lẽ vì hiểu rất rõ nội dung trong ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’, nên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa đã có bài phát biểu khẳng định : "Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi". 

Biển Đông và Hoa Đông là hai vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng, trong đó ở Biển Đông là với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, ở biển Hoa Đông là với Nhật Bản trong đó có quần đảo Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.

Tại Hà Nội, quan sát phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội hôm 21/10, từ "Biển Đông" đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại hội trường Diên Hồng, bao gồm bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh và ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

"Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm" là cụm từ được sử dụng trong các diễn văn của những ông, bà lãnh đạo hôm 21/10. Như vậy, xem ra nếu vì lý do gì đó không thể/ chưa thể làm rõ lời phát biểu tại Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Ngô Xuân Lịch về cái gọi là ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’, thì cần thiết việc Quốc hội Việt Nam ban hành một nghị quyết, về yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến hành một khởi kiện ra tòa quốc tế thích hợp cho việc tranh chấp về chủ quyền này. 

Hồ sơ của vụ khởi kiện đó sẽ làm lộ mặt ai là những kẻ bán nước, những tên mãi quốc cầu vinh ở hôm nay.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB  23/10/2019

-------------------------
Chú thích :

[1] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác (ADMM+)

[2] Công hàm của ông Phạm Văn Đồng viết như sau : "Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng Lí rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể".

Phía Trung Quốc lập luận rằng, với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng năm 1958, Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

---------------------
Ghi thêm của Thông Luận :

[3] Những thỏa thuận nói trên đã được phía Việt Nam và Trung Quốc công bố qua những Tuyên bố chung năm 2015 : Những thỏa thuận hậu Thành Đô 5 - Bằng chứng của một sự phản bội :

1. Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam ngày 08/05/2015 tại Bắc Kinh giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng :"Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc"

2. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 06/11/2015 tại Hà Nội giữa Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình :

- Nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc" :

- Hai bên tuyên bố khởi động hoạt động khảo sát chung trên thực địa tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào trung tuần tháng 12 năm 2015, cho rằng đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc hai bên triển khai hợp tác trên biển ; thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này ; Nhất trí gia tăng cường độ đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, tuyên bố khởi động dự án hợp tác nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.

- Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), thúc đẩy sớm đạt được "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.



-------------------------------------

24/10/2019

(VNTB) - Không ai yêu cầu VN phải khiêu khích hay tấn công TC nhưng yêu cầu tự vệ, đáp trả, không làm nhục quốc thể là những yêu cầu chính đáng.

Ngô Xuân Lịch tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9. Ảnh của báo Quân đội

BBC đưa tin:
Tại buổi lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn thứ 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10, trước sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, người đồng cấp Trung Quốc Nguỵ Phượng Hòa đã tuyên bố:
"Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại,"

Tuy nhiên, trong phát biểu của mình tại diễn đàn này, Ngô Xuân Lịch không hề nói được một câu khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và các đảo ở Biển Đông. Càng không một lời nhắc đến hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại bãi Tư Chính đang diễn ra từ đầu tháng 7 đến nay của phía Trung Cộng. Ông ta chỉ dám nói những ý chung chung nghe đã nhàm chán như “Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, “tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế”. Gan góc lắm thì ông ta  chỉ nói đến mức “tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp” mà không dám nói ra kẻ nào đang làm cho tình hình ngày càng phức tạp trên Biển Đông.

Khi đưa tin về diễn đàn này, báo chí VN cũng không hề nhắc đến lời phát biểu ngang ngược trên của phía Trung Cộng. Truyền thông VN chỉ cần mẫn đưa tin những lời nói lòe bịp thiên hạ của Ngụy Phượng Hòa mà không có một lời phân tích, bình luận như thể đang tuyên truyền cho chính sách (bịp bợm) của Trung Cộng.

Diễn đàn Hương Sơn chỉ là nơi để TC ba hoa về một Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các nước nhỏ, trong khi việc làm của chúng hoàn toàn ngược lại. Thậm chí TC còn lu loa lên rằng chúng bị VN... bắt nạt, bị VN xâm phạm lãnh thổ.

Lẽ ra, trước phát biểu ngang ngược của Bộ trưởng quốc phòng TC, Ngô Xuân Lịch phải lên tiếng khẳng định chủ quyền của VN, tố cáo hành động xâm lăng của TC đối với VN. Báo chí VN phải đồng loạt phản đối và Bộ ngoại giao VN phải ra tuyên bố bác bỏ ngay lập tức.

Có câu “im lặng tức là đồng ý”. Khi Ngụy Phượng Hòa tuyên bố trước diễn đàn quốc tế rằng các đảo ở Biển Đông là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc và đưa ra những lời đe dọa mà phía VN không có phản ứng gì thì quốc tế sẽ hiểu rằng, VN đã chấp nhận ý kiến của phía TC.

*
Nhà cầm quyền VN thường giải thích, thậm chí ca ngợi chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, trong quan hệ với TC. Tuy nhiên, dù mềm dẻo đến đâu cũng phải giữ thế bình đẳng trong quan hệ ngoại giao. Để giặc tự do vào vùng đặc quyền kinh tế của mình khảo sát tài nguyên mà chỉ biết theo dõi thì đâu phải là mềm dẻo khôn khéo. Là nước chủ nhà, TC nói vỗ vào mặt đoàn đại biểu VN như thế mà phía VN không dám mở miệng, đâu phải là mềm dẻo, khôn khéo. Nó chỉ nói lên sự nhục nhã, đớn hèn.

Không ai yêu cầu VN phải khiêu khích hay tấn công TC nhưng yêu cầu tự vệ, đáp trả, không làm nhục quốc thể là những yêu cầu chính đáng.

Qua sự việc ở Diễn đàn Hương Sơn, những người quan tâm đến vận mệnh của đất nước không thể không nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của giới cầm quyền Việt Nam









No comments:

Post a Comment

View My Stats