Friday, 4 October 2019

CHẠY ĐÂU CHO THOÁT Ô NHIỄM? (Trân Văn)




Trân Văn - Thiên Hạ Luận
04/10/2019

Phải mất ba tuần Hà Nội mờ mờ, ảo ảo vì… khói, bụi, Hệ thống công quyền (Bộ Tài nguyên Môi trường – TNMT, chính quyền thành phố Hà Nội) mới chính thức cảnh báo, chất lượng không khí đã suy giảm tới mức “xấu”, nguy hại cho sức khỏe cư dân! Chẳng riêng Hà Nội, TP.HCM cũng đang trong tình trạng tương tự!

Từ thượng tuần tháng 9 đến nay, cho dù mạng xã hội lẫn hệ thông truyền thông chính thức tràn ngập thông tin về các chỉ số liên quan tới chất lượng không khí càng lúc càng tồi tệ, kèm vô số khuyến cáo của các chuyên viên y tế về tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, tính mạng con người không chỉ bây giờ mà còn ở cả tương lai,… nhưng các viên chức hữu trách của chính phủ và chính quyền các địa phương cùng… ngậm tăm. Ngoài việc tự cứu mình bằng cách chia sẻ thông tin, khuyến cáo, chỉ dẫn lẫn nhau về việc dùng khẩu trang, máy lọc không khí,… dân chúng Hà Nội và TP.HCM chỉ còn một cách: Chịu đựng!

Ô nhiễm giờ không còn là nguy cơ nằm trên giấy, ô nhiễm hiện hữu một cách trần trụi và từng người có thể cảm nhận một cách tường tận rằng, sức khỏe – tính mạng của chính mình, thân nhân của mình cũng như nhiều triệu người khác đang bị ảnh hưởng ra sao. Trên mạng xã hội, nhiều facebooker như MC Trấn Thành – xưa nay chỉ quan tâm đến việc giúp vui cho người khác cũng thảng thốt: Chúng ta sẽ chết dần vì sự thiếu hiểu biết và kém ý thức! Mỗi người bảo ban nhau một tiếng để cùng sống quý vị ơi! Ra đường quý vị nhớ che chắn cho kỹ. Tui thương những người phải hoạt động ngoài đường quá! Ai sẽ giúp họ đây (1)?..

Không chỉ trên mạng xã hội, ngay cả hệ thống truyền thông chính thức cũng bắt đầu xuất hiện những nhận định, các đô thị như Hà Nội, Sài Gòn không còn là nơi đáng sống vì đến hít thở cũng khó thấy dễ dàng (2). Tham gia thảo luận về đề tài này trên VnExpress, một độc giả tự giới thiệu thuộc lứa U60, tuy sinh ra, học hành, làm việc tại Sài Gòn từ bé đến lớn song giờ đang hết sức thất vọng: Xưa thì khác nhưng giờ, ai nói Sài Gòn là thành phố văn minh đáng sống, tui sẽ nói thẳng người đó nói… dóc! Hai chữ “về quê” được nhiều người cùng nhắc đến nhưng Nhu Nguyen cảnh báo: Chẳng rõ còn miền quê nào trong lành hay không. Quê tôi cũng đang ô nhiễm trầm trọng vì Khu Công nghiệp!

***
Cho dù Hà Nội, TP.HCM mờ mờ, ảo ảo trong khói, bụi, cả dân chúng lẫn báo giới rồi các chuyên gia tỏ ra hết sức sốt ruột vì không khí ô nhiễm đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng chục triệu người, tại cuộc họp báo định kỳ do chính phủ tổ chức hôm 2 tháng 10, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng TNMT vẫn thảnh niên tuyên bố: Kết quả đo đạc mức độ ô nhiễm trên các trang mạng nước ngoài (xác định Hà Nội, TP.HCM nằm trong nhóm dẫn đầu về không khí ô nhiễm) chỉ mang tính chất… tham khảo vì chưa được… chuẩn hóa (3). Cũng đến lúc đó, thay mặt chính phủ Việt Nam Bộ TNMT mới chính thức lên tiếng, giành lại thẩm quyền… phát ngôn về môi trường!

Tuyên bố của Bộ TNMT: Ô nhiễm không khí gia tăng, bụi mịn ở mức… cao, dân chúng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người mắc các bệnh hô hấp nên… hạn chế ra khỏi nhà – mở đường cho chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra một tuyên bố khác, rằng thì là… sẽ báo cáo chính phủ và phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước để tiến hành khảo sát, đánh giá đưa ra những biện pháp, giải pháp hiệu quả (4). Chưa rõ sự phối hợp trên - dưới, trong - ngoài bao giờ bắt đầu, kéo dài bao lâu, lúc nào thì có “biện pháp, giải pháp” và nếu những “biện pháp, giải pháp” này vẫn không “hiệu quả” thì… sao?

Giống như mạng xã hội, độc giả của các cơ quan truyền thông chính thức cũng nêu ra hàng loạt thắc mắc trước động tác duy nhất của Bộ TNMT đối với tình trạng không khí ô nhiễm trầm trọng: Khuyến cáo “hạn chế ra khỏi nhà”! Trường Hải – độc giả tờ Tuổi Trẻ - thắc mắc: Chúng tôi nộp thuế, trả phí môi trường chỉ để được nghe những lời khuyên… quý hóa như thế thôi sao? Khánh nêu ra một vấn đề khác: Không ra khỏi nhà để kiếm cơm có nghĩa là ở lì trong nhà để chết đói à? Với tình trạng bụi mịn tràn lan, mức độ nguy hại càng lúc càng cao (5), Thục Nữ hỏi: Không khí trong nhà sạch hơn bên ngoài à (6)?.. Những chất vấn như thế dẫu rất phổ biến nhưng giới hữu trách không bận tâm!

***
Ô nhiễm không phải là vấn nạn mới phát sinh tại Việt Nam. Cách nay hai thập niên, các chuyên gia môi trường, y tế, thậm chí kinh tế đã cảnh báo về vấn nạn này nhưng mức độ ô nhiễm chỉ tăng, không giảm, không chỉ không khí ô nhiễm, đất, các nguồn nước cũng ô nhiễm do khói, bụi, khí thải, nước thải, chất thải, hóa chất… Ô nhiễm lớn dần theo đủ loại “chiến lược” năm, mười năm, thậm chí có “tầm nhìn” đến vài chục năm. Những “chiến lược” ấy vỗ về, thúc người Việt “tự hào” với những “đáng sống”, “phát triển bền vững”, “chỉ số hạnh phúc” cao, khuyến cáo người Việt phải tham gia duy trì “ổn định chính trị”. Nay, nhìn quanh, người Việt còn thấy chỗ nào để chạy và trốn chăng?

------------------

Chú thích











No comments:

Post a Comment

View My Stats