24/10/2019
Tờ San
Diego Union Tribune (14-10-2019) cho biết, chính quyền thành phố San
Diego (California) vừa chấp nhận bồi thường 1,25 triệu USD cho đương đơn Van
Nguyen vì những thiệt hại mà ông ta gánh chịu do tai nạn lúc đi xe đạp và vấp
ngã “ngoài ý muốn”…
Bản tin trên tờ San Diego Union Tribute. (Hình:
Trích xuất từ sandiegouniontribune.com)
Tai nạn xảy ra với ông Van Nguyen vào tháng 11-2016,
khi ông đang đi xe đạp thì bị ngã bởi lề đường hỏng, khiến ông bị hất văng khỏi
xe và “bị ném vào không trung một cách dữ dội”, làm ông bị tổn thương hộp sọ,
gãy răng và mặt mày bầm dập. Sau ba năm kiện tụng, ông Van Nguyen không chỉ được
thành phố bồi thường 1,25 triệu USD mà ông chủ căn nhà (tên Billy Jean Hart),
nơi có rễ cây trồi lên làm hỏng lề đường, cũng phải bồi đền cho mình (số tiền
không được công bố). Đây không phải vụ “đi kiện cái lề đường” đầu tiên ở San
Diego. Năm 2017, cư dân Clifford Brown đã được bồi thường 4,85 triệu USD trong
một tai nạn gần tương tự ông Van Nguyen. Tháng 3-2018, chính quyền San Diego
cũng trả 1 triệu USD cho vợ chồng Edward và Mary Jo Grubbs sau khi bà Mary Jo
trượt té trên một lề đường mấp mô…
Tháng 9-2018, một số gia đình bị mất người thân
trong vụ thảm sát bởi cựu quân nhân Devin P. Kelley cũng đã kiện Không quân Hoa
Kỳ vì tội tắc trách, sau khi Không quân thừa nhận họ không báo cáo hồ sơ gây án
trong quá khứ của Devin cho các cơ quan hữu trách liên bang. Ngoài việc kiện
Không quân, họ còn kiện cả chính quyền Austin (Texas), tội “vô trách nhiệm”.
“Chính quyền chẳng làm gì cả - đúng nghĩa đen - để giải quyết vụ việc và giúp đỡ
các gia đình (có người thân bị giết)”. Đó là lý do chúng tôi phải kiện vì chẳng
có cố gắng nào được thực hiện” – một đương đơn nói…
Những vụ trên không là hi hữu ở một quốc gia mà yếu
tố trách nhiệm đối với cộng đồng luôn được nhấn mạnh như Mỹ. Nó cho thấy tất cả
mọi cá nhân, tổ chức và đặc biệt hệ thống chính quyền đều có liên đới ít nhiều
và phải chịu một phần trách nhiệm trong sự việc nào đó. Nó cũng cho thấy sự
khác biệt giữa một quốc gia mà pháp luật được tôn trọng thật sự, với những quốc
gia mà “thượng tôn pháp luật” được điều khiển và dẫn dắt bởi một hệ thống chính
trị được mặc định có quyền nhào nặn công lý sao cho “lẽ phải” luôn thuộc về họ,
trong khi sự phẫn uất người dân thể hiện trên những đơn kiện thì chỉ được đáp lại
bằng thái độ thờ ơ thậm chí còn tồi tệ hơn cả sự vô trách nhiệm hoặc cố tình
gây ra sự việc xảy ra trước đó. Hãy thử nhìn lại những năm tháng đi kiện trong
vô vọng của người dân Thủ Thiêm để thấy rõ điều này (nếu không vì “cuộc chiến
chống tham nhũng” thì còn lâu chính quyền mới thấy được sự phẫn nộ tột độ của
chiếc giày của đồng bào Thủ Thiêm ném vào sự dối trá lâu nay những tưởng có thể
mị dân thành công).
Bất luận thế nào, người dân cũng không nên tự xem
mình là “con kiến” khi đi kiện “củ khoai”. Hãy tập quen đi kiện và hãy cùng đi
kiện. Trong cái không gian eo hẹp được quy định trong một xã hội với thiết chế
độc tài phi dân chủ, hãy tận dụng tối đa quyền hạn công dân ít ỏi được ghi
trong Hiến pháp để đi kiện, đặc biệt kiện chính quyền, đặc biệt kiện với nội
dung “vô trách nhiệm”. Câu nói “hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không
đúng nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn và gây hậu quả nghiêm
trọng cho lợi ích nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”
không nên dành riêng cho các cáo buộc giữa những kẻ trong hệ thống chính quyền
khi họ “xử” nhau mà cần phải dành cho các đơn kiện mà người dân kiện chính quyền.
Thay vì than thở, hãy cùng nhau kiện. Thay vì đơn giản chấp nhận đi hứng nước sạch,
hãy cùng ký tên kiện. Thay vì chờ điều tra xem nguồn nước ô nhiễm từ đâu và từ
thủ phạm nào, hãy thực thi quyền công dân trước, bằng cách đi kiện. Và phải kiện
chính quyền đầu tiên!
Giữa năm 2019, công dân thành phố Jakarta
(Indonesia) đã cùng ký tên kiện chính quyền trước tình trạng không khí ô nhiễm
nghiêm trọng. Ở đây chẳng có chuyện ai đổ thừa ai, càng không có chuyện chính
quyền đổ thừa người dân “ăn dơ, ở bẩn”, không có chuyện chính quyền biện bạch rằng
thành phố ngày càng có nhiều phương tiện giao thông thì tất nhiên không khí phải
ô nhiễm. Trong đơn kiện gửi lên Tòa Trung tâm Jakarta ngày 4-7-2019, người dân
và giới hoạt động môi trường đã kiện tổng thống và giới chức chính quyền, yêu cầu
họ xem xét lại luật kiểm soát môi trường và có giải pháp cụ thể trong việc bảo
vệ sức khỏe người dân. Một cách tổng quát, tính đến giữa năm 2019, chính quyền
và các công ty tại 28 quốc gia đã bị kiện, liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam – một trong những nước mà
tình trạng ô nhiễm môi trường đang được xếp hạng tệ nhất thế giới – lại gần như
chẳng có đơn kiện nào, dù vấn đề ô nhiễm tại Việt Nam không chỉ ảnh hưởng không
khí; thủ phạm gây ô nhiễm không chỉ bởi một hoặc vài công ty; và vấn đề ô nhiễm
không phải xảy ra tại một hoặc vài thành phố... Một khi chẳng ai buồn kiện thì
vấn đề vô trách nhiệm sẽ còn tiếp tục xảy ra. Một khi người dân không quyết liệt
kiện thì chính quyền còn lấp lửng, đánh trống bỏ dùi và cũng chẳng màng đến việc
họ đủ xứng đáng sống và làm việc để phục vụ người dân bằng tiền thuế người dân
hay không.
Ngày 23-10-2019, ông Dư Văn Hoàng ra tát nước mưa
thì bị điện giật; vợ chồng bà Phan Thị Thanh Hằng và Ngô Hoàng Kiệt đến cứu
cũng bị điện giật chết (cả ba). Chuyện xảy ra ở Bến Tre. Tháng 7-2019, hai bé
trai bị điện giật chết. Xảy ra ở Sài Gòn. Tháng 9-2019, khi đang đi trên đường,
hai học sinh bị điện giật chết. Ở Đắk Nông. Điện giật chết, té xuống cống chết,
lọt xuống hố ga tử vong, cây gãy đổ trúng đầu làm thiệt mạng… Có hàng trăm cái
chết như thế xảy ra liên tục từ năm này sang năm kia. Báo chí vẫn thở than với
“nỗi đau xé trời”; chính quyền vẫn “cần phải làm rõ trách nhiệm”; và công an vẫn
“cần sớm khởi tố vụ án”… Thế nhưng gần như chẳng ai hề hấn gì.
Người dân có lẽ không nên tiếp tục đọc những bài báo
kêu trời “trách nhiệm thuộc về ai” trước các sự việc. Những bài báo như thế
không bao giờ giúp được cuộc sống người dân an toàn hơn, nếu người dân còn
trông cậy vào sự “truy cứu trách nhiệm” ở một chế độ mà trách nhiệm chẳng thuộc
về ai cả, sau hết sự cố này đến sự cố “gây ra hậu quả nghiêm trọng” khác. Công
lý đang bị tước mất nhưng điều đó không có nghĩa công lý không tồn tại. Công lý
sẽ tiếp tục chết khi công lý không được tiếp sức để sống, từ chính người dân.
Dù gần như không thể trông chờ công lý được thực thi và đáp trả ở chính quyền
nhưng buộc chính quyền phải biết thừa nhận sự tồn tại của “công chính” mới
là yếu tố cốt lõi để chính quyền có thể tồn tại là điều người dân có thể làm được.
Trong thực tế, người dân luôn mạnh hơn, trừ khi họ “nhường” sức mạnh cho chính
quyền. Bất luận người dân ở “thế yếu” như thế nào, họ vẫn có thể làm chính quyền
yếu hơn nếu họ cùng lên tiếng và cùng phẫn nộ, ít nhất là trên những đơn kiện,
để công lý được trả lại mà không phải tự an ủi với nhau về cái chuyện “trách
nhiệm thuộc về ai”.
No comments:
Post a Comment