Wednesday, 23 October 2019

BÀN CỜ SYRIA : NGA CAO TAY ẤN - ERDOGAN ĐUỔI MỸ GIÚP PUTIN (RFI)




NỘI DUNG :




--------------------------------


Minh Anh – RFI
Đăng ngày 23-10-2019

Le Figaro và Les Echos hôm nay 23/10/2019 cùng quan tâm đến cuộc gặp giữa nguyên thủ Nga Vladimir Putin với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, trước thềm thượng đỉnh Nga – châu Phi. Le Figaro nói đến « thỏa thuận giữa Putin và Erdogan » về Syria. Còn Les Echos có bài giải thích làm thế nào « Putin kềm hãm đà tiến của Erdogan tại Syria ».

Sau sáu giờ bàn thảo, hai bên đã đạt được đồng thuận về việc thiết lập « vùng an toàn » theo như ý muốn của Ankara cũng như là những lực lượng nào phụ trách việc kiểm soát khu vực. Trước đó, Damas và đồng minh Teheran đã cảnh báo là họ phản đối ý định của Ankara muốn thiết lập các căn cứ quân sự.

Quả thật, tổng thống Erdogan từng dự kiến lập 12 chốt quan sát tại Syria. Tuy nhiên, dưới áp lực của điện Kremlin – đồng minh chủ chốt của chế độ Bachar al-Assad, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đổi giọng, khẳng định « không có ý định ở lại phía bắc Syria. » Nhưng ông nhắc lại muốn đưa một nửa trong số 3,6 triệu người tị nạn Syria hiện đang sống trong các trại tạm cư ở Thổ Nhĩ Kỳ vào trong vùng an toàn này.

Một dấu hiệu khác cho thấy ảnh hưởng của Nga đối với Ankara : Recep Tayyip Erdogan tuyên bố có thể chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng Syria tại những khu vực thuộc « vùng an toàn », với điều kiện không có sự hiện diện của người Kurdistan thuộc lực lượng YPG. Mặt khác, dường như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ quân nổi dậy chống Damas, cũng đã bí mật bắt liên lạc với chế độ Assad thông qua trung gian Nga.

Điện Kremlin dường như đã đề nghị thành lập một vùng an toàn do một liên minh quốc tế kiểm soát trong đó có cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, binh sĩ Nga sẽ hiện diện ở cả hai phía biên giới. Quân đội Nga sẽ tháp tùng binh sĩ Syria tuần tra khu vực. Giờ đây, cờ Nga phấp phới tại những nơi mà Mỹ từng đồn trú để hỗ trợ chiến binh Kurdistan.

Tóm lại trong ván cờ này, phương Tây trơ trọi vì thiếu tầm nhìn và chiến lược dài hạn, Hoa Kỳ thì rút lui trong làn mưa chỉ trích, chỉ có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nghiễm nhiên trở thành chủ nhân cuộc chơi, quyết định vận mệnh của Syria và nhất là Bachar al-Assad !

Thượng đỉnh Nga - Châu Phi: Putin phô trương thế mạnh
Cũng liên quan đến Nga, Le Monde và Libération có bài nhận định về cuộc họp thượng đỉnh Nga – Châu Phi lần thứ nhất, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/10/2019, tại Sotchi, Nga. Theo hai nhật báo Pháp, qua sự kiện này, tổng thống Vladimir Putin khẳng định những tham vọng kinh tế - chính trị của Nga tại châu lục đen này.

Nước Nga đang trở lại châu Phi, đây chính là thông điệp của tổng thống Nga khi lần đầu tiên tổ chức thượng đỉnh Nga – châu Phi. Một sự kiện mang tính biểu tượng cao. Bởi vì, con số hơn 40 nguyên thủ quốc gia về dự thượng đỉnh vượt xa số những vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga tại Bắc Phi và Tây Phi.

Nếu như mục tiêu của cuộc gặp cấp cao lần này là dành để bàn về hợp tác kinh tế, thì theo hai nhật báo sự kiện còn mang dáng dấp của một sự biểu dương thế mạnh. Nói một cách khác, Matxcơva đang cho thấy rằng không có phương Tây, nước Nga vẫn có những giải pháp thay thế. « Phía châu Phi cũng có cùng lập luận. Một cuộc họp cấp cao như thế cho phép kích động sự cạnh tranh giữa các cường quốc khác, nhất là những cường quốc có nhiều phương tiện hơn Nga », bà Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) lưu ý.

Về điểm này, cả Libération lẫn Le Monde có cùng nhận xét là Nga có lợi thế lịch sử tại châu Phi : Không có quá khứ thực dân. Nước Nga không tham dự vào việc phân chia thuộc địa tại hội nghị Berlin năm 1885. Ngược lại, thời còn hoàng kim, Liên Xô ủng hộ mạnh mẽ các phong trào giải phóng chống đế quốc, thắt chặt quan hệ với nhiều nước « anh em » trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Và nhất là, Nga không bao giờ áp đặt mô hình điều hành đất nước như phương Tây và luôn bảo vệ chế độ hiện hành.

Mặt khác, Nga có thể trông cậy vào số 1,5 triệu trí thức châu Phi được đào tạo ở Nga, cũng như là số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác đá và kim loại quý hay công nghiệp thực phẩm.

Dù vậy, cả hai nhật báo Pháp cùng nhận thấy khả năng bành trướng ảnh hưởng của Nga cũng có những hạn chế. Nước Nga khó có thể đóng vai trò « anh cả » do những khó khăn về kinh tế ở trong nước dưới tác động của các lệnh trừng phạt. Đầu tư của Nga tại châu Phi còn thua xa so với Trung Quốc hay là Pháp. « Vì là chú lùn kinh tế, nên thật ra Matxcơva cần đến châu Phi nhiều hơn là châu Phi cần đến Nga », theo như một ghi chú của Arnaud Kalika, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, đăng tải hồi tháng 4/2019, được Libération trích dẫn lại.

Tuy nhiên, Libération và Le Monde đều nhìn nhận rằng để có được ngày trở lại châu Phi đầy ngoạn mục này, nước Nga đã dựa vào một chiến lược « chờ thời và giá rẻ » hiệu quả. Theo phân tích của chuyên gia Poline Tchoubar, trong một bài viết do Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) đăng tải, được Libération trích dẫn : « Cách tiếp cận kết hợp hợp tác quân sự và ảnh hưởng truyền thông chẳng tốn kém là bao và cho phép có được một tác động đến mức tối đa khi cam kết cung cấp một dịch vụ tối thiểu nào đó.

Nga đến thâm nhập vào những vùng đất mới bằng cách lấp vào những chỗ trống do các cường quốc phương Tây để lại (như tại Trung Phi chẳng hạn, sau khi Pháp rút quân khỏi chiến dịch Sangaris năm 2016). So với phương Tây, Nga giống như Trung Quốc, ít đưa ra những ràng buộc về cách điều hành trong nước có nguy cơ gây cản trở việc nước này đi sâu vào những mối quan hệ tham nhũng với chính quyền để có được các hợp đồng của Nhà nước ».

Quả thật, theo Le Monde, sự trở lại của Nga tại châu Phi được đánh dấu bằng hợp đồng cung cấp vũ khí khổng lồ cho Algeri và quyết định xóa nợ cho nước này vào năm 2006. Giờ đây, Nga được xem như là quốc gia cung cấp vũ khí quan trọng cho hầu như toàn châu lục, từ vũ khí hạng nhẹ cho đến cả trực thăng. Các tập đoàn quân sự tư nhân của Nga đóng một vai trò ngày càng lớn, bất kể là trong lĩnh vực hợp tác quân sự hay đầu tư kinh tế, khai thác khoáng sản, hay cung cấp các dịch vụ bảo đảm an ninh…

Brexit : Nghị viện Anh đồng ý đi ra, nhưng còn lưu luyến !
Đề tài Brexit tiếp tục ngự trị các trang báo Pháp ngày hôm nay. Le Figaro thông báo Nghị viện Anh « đồng thuận việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ».

Hôm 22/10, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu chấp thuận về nguyên tắc dự thảo thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Anh Boris Johnson đạt được với Bruxelles. Tuy nhiên, niềm vui đó không trọn vẹn đối với ông Johnson. Bởi vì, Nghị Viện lại bỏ phiếu bác lịch trình xem xét văn bản thỏa thuận, bị cho là quá ngắn để mà có đủ thời gian nghiên cứu tập tài liệu dày 110 trang, chưa kể các phần chú thích dầy đặc.

Trong hoàn cảnh này, tờ Les Echos cho rằng « quả bóng một lần nữa trên sân Bruxelles ». Với Le Figaro, « Bruxelles chuẩn bị cho một giải pháp hoãn Brexit tạm thời ». Với việc bác lịch trình thảo luận, Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải nhanh chóng cho Anh Quốc biết về nguyên tắc và thời gian của hạn định mới. Các nghị sĩ Anh một lần nữa lại làm cho Bruxelles phải khốn khổ. Một điều chắc chắn, một khi xong Brexit, các đại biểu châu Âu sẽ là những chuyên gia toán học chuyên giải đố những bài toán hóc búa !

Nam Mỹ sôi sục
Trong lĩnh vực xã hội, các cuộc khủng hoảng tại Nam Mỹ là đề tài chính của La Croix. Trên trang nhất, nhật báo công giáo chạy tít lớn « Những rạn nứt tại Nam Mỹ ».

Từ Ecuador cho đến Chilê, đi qua cả Achentina, « một làn sóng phản đối đang làm rúng động cả Nam Mỹ », bạo động bùng nổ khắp nơi. Người dân xuống đường biểu tình phản đối tăng giá các dịch vụ công : xăng dầu (Ecuador), vé tầu điện ngầm (Chilê)…

Tại Achentina, thất vọng vì một cuộc khủng hoảng mới về kinh tế, người dân có thể sẽ thể hiện sự phẫn uất qua lá phiếu bầu cử trong ngày Chủ Nhật 27/10 này để chối bỏ vị tổng thống mãn nhiệm theo xu hướng tự do.

Nguyên nhân vì đâu ? Theo giải thích của ông Juan Antonio Morales, giáo sư kinh tế đại học công giáo Bolivia, các nước Nam Mỹ, giống như Venezuela, chủ yếu sống dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Khi giá cả lên, két tiền Nhà nước được lấp đầy. Nhưng khi giá xuống, do không có những ngành sản xuất công nghiệp, những nước này bắt đầu ăn lạm dần vào nguồn dự trữ vốn dĩ rất có hạn.

Trong khi đó, mấy đời chính phủ liên tiếp lại không có những chính sách kinh tế - xã hội phù hợp, thích ứng với những biến đổi kinh tế thế giới để thúc đẩy tăng trưởng, duy trì nguồn thu. Hệ quả là chi nhiều hơn thu, lạm phát tăng vọt, tầng lớp bình dân, vốn quen được hưởng các khoản trợ cấp xã hội, nay phải thắt lưng buộc bụng là bị ảnh hưởng nhiều nhất !

-------------------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 23-10-2019 

Giấc mơ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là kiểm sóat một vùng biên giới Syria dài 440 km và sâu vào bên trong lãnh thổ láng giềng 32 km. Donald Trump bật đèn xanh, nhưng chiến lược của Ankara bị tổng thống Nga Vladimir Putin khôn khéo chận lại qua thỏa thuận Sotchi. Cụ thể ra sao ?

Với lý do cần một vùng trái độn an toàn dọc theo biên giới Syria để đưa 3,8 triệu người Syria tị nạn hồi hương và để dập tắt mưu đồ lập quốc của người Kurdistan kéo dài từ Syria, Irak đến Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan mở chiến dịch « Nguồn Hòa Bình » vào ngày 09/10. Sau một tuần lễ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được hai thành phố và 40 ngôi làng dọc 120 cây số biên giới. Sau đó, theo tinh thần thỏa hiệp với phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 17/10, Ankara chấp thuận ngưng bắn trong 5 ngày để cho chiến binh Kurdistan triệt thóai.

Những gì Trump không làm được, Putin lại thành công
Trên thực tế, những gì Donald Trump không làm được, Vladimir Putin thành công.
Theo thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/10, Hoa Kỳ không những triệt thoái mà còn buộc đồng minh Kurdistan-Syria rút bỏ một vùng kiểm sóat sâu 30 km tính từ biên giới Syria và để toàn bộ khu vực dài 420 km cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Tổng thống Erdogan vẫn khẳng định không có tham vọng lãnh thổ, nhưng ngoại trưởng Mevlut Çavuşoğlu, tuyên bố một cách hứng khởi : Quân đội chúng ta sẽ ở lại.

Thế rồi, một ngày trước khi lệnh hưu chiến hết hạn, tổng thống Erdogan, theo lời mời của tổng thống Nga sang Sotchi đàm phán một thỏa thuận khác. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ thương lượng, Putin đã thuyết phục được Erdogan đồng ý một thỏa thuận ngưng bắn khác mà theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một « quyết định lịch sử ». Trước đó, theo yêu cầu của lực lượng Kurdistan, quân đội Syria và quân cảnh Nga được đưa lên vùng biên giới.

Erdogan mất hai phần ba chỉ tiêu ban đầu ?
Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23 tháng 10 nói gì ? Nga bảo đảm để cho chiến binh Kurdistan rút khỏi khu vực 440 cây số chiều dài và 30 cây số chiều rộng như Ankara yêu cầu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được quyền kiểm soát 120 cây số biên giới đã chiếm được. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là không giao hết diện tích đất đai vùng biên giới Syria, 13200 km2, cho Thổ Nhĩ Kỳ. So với thỏa thuận với phó tổng thống Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ kiểm sóat được có một phần ba.

Đã vậy, thỏa thuận Sotchi còn quy định hai bên Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung dọc theo 320 cây số còn lại ở khoảng cách « 10 cây số » cách biên giới, hầu bảo đảm « toàn vẹn lãnh thổ Syria ». Nhưng toàn bộ 320 cây số biên giới là do Nga và Syria kiểm sóat.

Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện được kế hoạch tự kiểm soát một vành đai an ninh 13200 cây số vuông. Sau khi hãnh diện tuyên bố « đuổi Mỹ ra khỏi khu vực », tổng thống Erdogan gặp lính Nga.

Chưa hết, chiến dịch « Nguồn Hòa Bình » chống người Kurdistan xem như chấm dứt. Vấn đề là liệu về lâu dài có giải quyết được khủng hoảng hay không ?

Theo chuyên gia Maxim Souchkov thuộc Hội Đồng Quốc Tế Vụ của Nga, tình hình vẫn còn nhiều bất trắc : Nếu quyết định triệt thoái của chiến binh Kurdistan đã được Damas và đại diện của phe này thỏa thuận với nhau rồi, thì cuộc đàm phán tại Sotchi là màn đạo diễn tuyệt vời của tổng thống Putin. Còn nếu chưa có thỏa thuận thì coi chừng diễn biến phức tạp.

Liên minh ngầm Damas-Kurdistan ?
Chưa chi mà phát ngôn viên điện Kremlin cảnh báo « Mỹ đã khuyến khích chiến binh Kurdistan ở lại chống quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ».

Ai khuyến khích ? Hư thực chưa rõ.

Điều chắc chắn là mưu kế của tổng thống Erdogan trấn đóng lâu dài tại miền bắc Syria sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng thống Bachar al Assad nhiều lần tuyên bố sẽ không để thế lực ngoại nhập kiểm soát Syria. Dù có lệnh ngưng bắn, ông sẽ tiếp tục chiến dịch tái chiếm lãnh thổ. Hôm thứ Ba, khi nhắc đến tình hình biên giới, lãnh đạo Syria lên án Thổ Nhĩ Kỳ «là bọn cướp đất» và cam kết sẽ « ủng hộ mọi cuộc kháng chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược » tuy không nhắc tên lực lượng võ trang Kurdistan.

----------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 23-10-2019 

Sau cuộc đàm phán 5 tiếng đồng hồ hôm thứ Ba 22/10/2019 tại Sotchi, tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đạt được thỏa thuận về Syria : Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria. Đổi lại, lực lượng Kurdistan trấn đóng dọc biên giới sẽ rút đi hết trong vòng 6 ngày, theo cam kết của Matxcơva. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là « thỏa thuận lịch sử ».

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong cuộc họp báo tại Sotchi sau thỏa thuận về Syria, ngày 22/10/2019. Sergei CHIRIKOV / POOL / AFP

Từ Sotchi, đặc phái viên Daniel Vallot tường thuật :

« Đây là một quyết định quan trọng và mấu chốt mà chúng tôi đạt được » theo tuyên bố của tổng thống Nga. Vladimir Putin đã mất hơn năm tiếng đồng hồ với Erdogan mới đi đến thỏa thuận này : Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không mở lại chiến dịch quân sự ở vùng biên giới phía bắc của Syria. Đổi lại Nga bảo đảm là lực lượng Kurdistan sẽ rút khỏi vùng biên giới.

Hai nhà lãnh đạo để cho Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov thông báo các nét chính : Kể từ 12 giờ ngày 23 tháng Mười, quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ tạo điều kiện cho các nhóm chiến binh Kurdistan cùng với vũ khí rút khỏi vùng lãnh thổ sâu 30 km dọc theo đường biên giới. Cuộc triệt thoái sẽ phải hoàn tất trong vòng 150 tiếng đồng hồ.

Cũng theo thỏa thuận này, lực lượng Syria và Nga sẽ đảm trách kiểm soát toàn thể biên giới, trừ một đoạn dài 120 km mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được. Các đơn vị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tuần tra chung ở phía đông và phía tây của khu vực này. Tổng thống Erdogan đánh giá đây là một thỏa thuận lịch sử và tỏ ra tin tưởng vào những bảo đảm mà phía Nga đưa ra. Về phần tổng thống Nga Vladimir Putin, ông tự hào với hai thành tích : vừa đóng vai trò trọng tài mà cũng vừa giúp cho chế độ Bachar al Assad, đồng minh của Nga, mở rộng vùng ảnh hưởng.

Bình luận về thỏa thuận Sotchi, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết thêm là nếu chiến binh Kurdistan vẫn còn trong khu vực sau thời hạn « 150 tiếng đồng hồ », lực lượng Syria và Nga sẽ rút khỏi nơi đây để cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ « thẳng tay nghiền nát ». Dmitri Peskov cáo buộc Hoa Kỳ, sau khi phản bội chiến binh Kurdistan, đã khuyến khích họ ở lại để đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats