Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 15-10-2019
Khủng
hoảng Syria trở lại tâm điểm thời sự quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp miền bắc
Syria, Damas dàn quân tiếp chiến : NATO bối rối, Nga ngấm ngầm điều khiển cuộc
chơi. Nguy cơ Hồi Giáo cực đoan trỗi dậy tăng vọt sau cuộc can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ,
khiến nhiều tù binh Daech và thân nhân tẩu thoát. Đây là vấn đề được báo chí
Pháp theo dõi sát.
Can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ chống người Kurdistan, đông bắc
Syria, tháng 10/2019. Vùng đất màu tím do lực lượng Ả Rập - Kurdistan kiểm
soát.Copy d'ecran : La Croix
Quân Thổ Nhĩ
Kỳ và quân Damas có nguy cơ chạm trán tại miền bắc Syria hay không ? Nga đóng
vai trò nào trong cuộc đối đầu này ?
La Croix có bài phân tích đáng chú ý, mang tựa đề : ‘‘Syria
và Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu: Nga làm trọng tài’’. Trước hỏa lực và số lượng áp đảo
của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sau vài ngày chống trả, hôm Chủ Nhật vừa qua, lực lượng
kháng chiến Kurdistan đã buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền độc tài
Bachar al-Assad, với một thỏa thuận được nhiều người đánh giá là ‘‘đau đớn’’, bởi
phía Kurdistan ắt hẳn phải chấp nhận đánh đổi nhiều quyền tự trị mà họ đã giành
được bằng xương máu, trong những năm chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vừa qua.
Người Kurdistan hy vọng với việc Damas tham chiến, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đẩy
về phía bên kia biên giới. Xung đột tại miền đông bắc sẽ đi về đâu ?
Xung đột miền đông bắc Syria đi về đâu ?
Theo một số chuyên gia, cuộc đọ sức trực tiếp Damas
– Ankara khó xảy ra, hoặc nếu có xảy ra cũng ở quy mô hạn chế. Nhà chính trị học
Jana Jabbour, giáo sư Viện Chính trị học Paris (IEP) (chuyên gia về chính sách
ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ), giải thích lý do : ‘‘chế độ Syria đã kiểm soát được phần
lớn lãnh thổ, và đụng độ vũ trang với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ khiến Damas bị mất
đất’’. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara không có phương tiện kinh tế cho một cuộc đối
đầu quân sự và chiếm đóng lâu dài lãnh thổ Syria. Mục tiêu của Ankara là ‘‘tiêu
diệt trong thời gian ngắn nhất’’ chủ lực quân của người Kurdistan, rồi sớm rút
quân để không ảnh hưởng đến quan hệ với Iran và Nga.
Trong bối cảnh
hiện nay, Nga nắm trong tay ‘‘mọi lợi thế’’. Theo ông Kirill
Semenov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hồi Giáo ở Matxcơva, thì ngay từ tháng
8/2019, tổng thống Nga đã chấp nhận nguyên tắc lập vùng đệm dọc biên giới Syria
– Thổ Nhĩ Kỳ, theo đòi hỏi của Ankara. Cho dù Matxcơva không trực tiếp thể hiện
đồng tình với chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại miền đông bắc Syria, Nga rõ
ràng đã bật đèn xanh, với việc ngừng tấn công Idlib, thành trì cuối cùng của lực
lượng nội dậy chống Damas, được Ankara hậu thuẫn. Việc Nga ngừng đánh tại miền
tây bắc Syria cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tập trung toàn lực vào miền đông bắc Syria.
Nga dàn xếp ‘‘lằn ranh đỏ’’ giữa Syria – Damas ?
Cho đến nay,
Nga đứng ở vị trí trung tâm của xung đột Syria. Matxcơva
‘‘có thể đối thoại với tất cả các bên đối địch’’. Một mặt, ủng hộ Damas về quân
sự và chính trị, mặt khác tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt với
hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400. Nga cũng được coi là có quan hệ hữu
nghị với người Kurdistan. Nga không phản đối đòi hỏi tự trị của người
Kurdistan. Theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hồi Giáo ở Matxcơva, thì Nga ủng
hộ việc người Kurdistan kêu gọi quân đội Damas giúp chống Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ
toàn vẹn lãnh thổ. Đối với
Matxcơva, ‘‘nguy cơ chính là các chiến dịch của hai phe Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vượt
quá lằn ranh đỏ, đã được thảo luận từ trước’’.
Le Figaro hôm nay tập trung một phần lớn số báo để
làm rõ cuộc xung đột tại miền đông bắc, bùng phát với can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ,
trong đó vai trò đặc biệt của Nga. Bài ‘‘Một thế trận mới có lợi cho Damas’’ của
Le Figaro, dẫn lời một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, phụ trách hồ sơ Syria,
cho hay : Matxcơva đang nỗ lực trong hậu trường để Ankara và Damas ‘‘đàm phán
trực tiếp’’. Nga có thể chấp nhận sự hiện diện tạm thời của Thổ Nhĩ Kỳ tại dải
đất giữa hai thành phố Tall Abyad và Ras al-Ain (chừng 120 km) dọc theo biên giới.
Theo nhà ngoại giao này, đối với Matxcơva, Syria chỉ có thể lấy lại toàn bộ
lãnh thổ với điều kiện là ‘‘bảo đảm được an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực
biên giới với Syria’’.
Người Kurdistan bị đánh: Nguy cơ thánh chiến trỗi dậy, độc
tài thắng thế
Xã luận của Le Figaro, với tựa đề ‘‘Trong bẫy’’, dự
đoán bên thua thiệt nặng nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là người
Kurdistan, bởi nhà độc tài al-Assad đã bảo đảm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ
đánh đổi việc Ankara ngừng tiến quân, bằng cách dập tắt khát vọng tự trị của
người Kurdistan.
Le Figaro nhìn nhận cuộc can thiệp quân sự của Thổ
Nhĩ Kỳ đang diễn ra tại đông bắc Syria như đỉnh điểm của một cuộc chiến tranh,
đã kéo dài 9 năm, với khoảng 500.000 người chết, 2 triệu người bị thương, 6 triệu
người phải lánh nạn. Sau 4 năm can thiệp, Nga đã cứu thoát chế độ Damas và trở
thành cường quốc bảo trợ duy nhất tại khu vực, ‘‘đủ sức ngăn chặn các tham vọng
bành trướng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ’’.
Về phần mình, sau khi chính quyền Trump rút, nước
Pháp cũng buộc phải nhanh chóng đưa 400 binh sĩ đặc nhiệm về nước, để bảo toàn
lực lượng. Hai nguy cơ lớn đối với Pháp, mà Le Figaro chỉ ra là ‘‘sẽ có nhiều
máu đổ, khi các thành phần thánh chiến Hồi Giáo tẩu thoát, nhân cuộc can thiệp
Thổ Nhĩ Kỳ’’ và nhà độc tài Assad lợi dụng nhu cầu chống thánh chiến mới, để
‘‘tìm lại sự thừa nhận quốc tế’’.
‘‘Cuộc tháo chạy trong rối loạn’’ của nước Mỹ, tổng thống
Trump dửng dưng
Về vai trò của chính quyền Mỹ, Le Monde có bài phân
tích mang tựa đề ‘‘Cuộc tháo chạy trong rối loạn của ông Trump và nước Mỹ’’.
Về mặt hình thức, áp lực của cuộc tấn công Thổ Nhĩ Kỳ buộc tổng thống Trump
tuyên bố rút gần như toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Tuyên bố được bộ trưởng Quốc Phòng đưa ra vào lúc
ông Trump đang trên đường đến câu lạc bộ chơi golf tại Virginia.
Trên Twitter, tổng thống Mỹ nhận định dửng dưng : ‘‘Người Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh nhau
từ nhiều năm. Thổ Nhĩ Kỳ coi đảng PKK có liên hệ với người Kurdistan Syria là
những kẻ khủng bố nguy hiểm nhất. Một số lực lượng khác muốn can thiệp để ủng hộ
bên này hoặc bên kia. Hãy để mặc họ đánh nhau ! Chúng ta sẽ theo dõi sát tình
hình…’’.
Trên thực tế, việc Hoa Kỳ rút quân khỏi đông bắc
Syria làm Washington mất đi một lợi thế cuối cùng, khiến cho tiếng nói của Mỹ
còn có một trọng lượng nhất định trong khủng hoảng Syria. Cựu chủ tịch ủy ban Đối
Ngoại Thượng Viện Bob Corker, đảng Cộng Hòa, lên án quyết định của ông Trump là
‘‘một sai lầm chiến lược’’ và ‘‘làm suy yếu thêm’’ vị thế đại cường của Mỹ.
Theo ông Brett McGurk, cựu đặc phái viên của tổng thống Mỹ trong liên quân quốc
tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, thảm họa đang diễn ra tại Syria đã có thể
hình dung trước được, vào thời điểm Donald Trump thông báo sẽ rút quân.
Le Monde cũng chỉ ra chính sách cực kỳ mâu thuẫn của
tổng thống Mỹ tại Trung Cận Đông : cùng lúc với việc rút quân khỏi Syria, ông
Trump lại đưa quân tăng viện tại Ả Rập Xê Út. Tổng thống Mỹ giải thích lý do,
đơn giản vì Ả Rập Xê Út mua hàng trăm tỉ đô la hàng hóa Mỹ.
NATO và Liên Âu : Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tan vỡ ?
Theo Le Figaro, can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trong
những ngày gần đây có thể khiến quan hệ giữa Ankara, thành viên Liên minh quân
sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ứng cử viên vào khối Liên Hiệp Châu Âu, có nguy
cơ tan vỡ. Cho dù, trong hiện tại, đây là kịch bản rất khó xảy ra (bởi hai bên
phụ thuộc rất nhiều vào nhau), nhưng nhiều nhà ngoại giao và chính trị gia đã
công khai đặt ra vấn đề này.
Theo nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc
Quỹ nghiên cứu Chiến lược (Fondation pour la recherche stratégique - FRS), các
nước châu Âu đang bị ‘‘mắc bẫy’’. Hồi tuần trước, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công
khai đe dọa, mở cửa biên giới, để 3,6 triệu người tị nạn Syria tràn sang châu
Âu, nếu bị châu Âu gây áp lực. Nhà chính trị học Bruno Tertrais nhấn mạnh là,
cho dù đúng là Liên Âu đã mắc bẫy khi đạt một thỏa thuận người tị nạn với
Ankara, nhưng cũng cần cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy lằn ranh đỏ và khả năng trả đũa của
châu Âu.
"Phá hủy thành quả 5 năm chống Daech"
Đặt lại vấn đề quan hệ giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cũng
là đề xuất gián tiếp của ngoại trưởng Pháp. Le Figaro có bài phỏng vấn ngoại
trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, với tựa đề ‘‘Chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
phá hủy thành quả 5 năm chống Daech’’. Theo ngoại trưởng Pháp, cuộc can thiệp
Thổ Nhĩ Kỳ đặt nước Pháp, châu Âu và Trung Đông trước tình thế nghiêm trọng,
khi Ankara, một thành viên trong liên minh quốc tế chống thánh chiến (gồm khoảng
80 nước) đem quân đánh lại chính một lực lượng tham gia liên quân (người
Kurdistan – Syria).
Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là làm
sao để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch. Liên minh quốc tế chống Daech phải họp khẩn
để làm sáng tỏ lập trường của các bên. Ông Jean-Yves Le Drian nói thêm là chính sách triệt thoái của tổng
thống Trump, bị coi là bật đèn xanh cho can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ, đang bị ‘‘tranh
luận dữ dội’’ tại Washington.
Chống Hồi Giáo cực đoan: Hai xu hướng trong chính phủ
Về phản ứng trong chính giới Pháp trước nguy cơ Hồi
Giáo cực đoan trỗi dậy, mục ‘‘Mỗi ngày một sự kiện chính trị’’ của nhật báo Les
Echos ghi nhận, trong nội bộ chính phủ đang hình thành hai quan điểm trái ngược
nhau, vượt qua đối lập tả hữu truyền thống, trong những ngày gần đây.
Đối tượng tranh luận là ‘‘định chế thế tục’’
(Laicité), vốn được coi là nguyên tắc nền tảng của chế độ Cộng hòa Pháp, được
xác lập từ năm 1905, với bộ luật phân ly Chính trị với Tôn giáo nổi tiếng.
Trong cuộc chiến chống ‘‘con quái vật Hồi Giáo cực đoan biến hóa vô cùng’’, bộ
trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer, bộ trưởng Tài Chính Công Gérald Darmanin
đại biểu cho xu hướng cứng rắn, muốn điều chỉnh lại định chế này để ngăn chặn ảnh
hưởng của Hồi Giáo cực đoan, với các giải pháp như thực thi giáo dục bắt buộc đối
với trẻ em gái (để tránh cho các em nhỏ bị Hồi Giáo cực đoan nhồi sọ), hay cấm
dân biểu mang các biểu tượng tôn giáo … Về phía quan điểm duy trì nguyên trạng
định chế tục hơn trăm năm tuổi này, có thủ tướng, bộ trưởng Nội Vụ Christophe
Castaner và nhiều bộ trưởng khác.
No comments:
Post a Comment