Trịnh Cung
9/4/2019
VIỆT
NAM, QUÁ KHỨ LÀ MỞ ĐẦU (Vietnam - Past is Prologue)
Một Tác Phẩm Nghệ Thuật Đa Phương Tiện của Nữ Nghệ
Sĩ TIFFANY CHUNG, Một Công Trình Nghệ Thuật-Chính Trị Khổng Lồ, Giá Trị Nhất về
Chiến Tranh Việt Nam sau 44 Năm Kể Từ 30-4-1975.
Với Tác Phẩm Nghệ Thuật Đa Phương Tiện Mang Tên
“Vietnam, Past is Prologue”, đang được trưng bày tại Smithsonian American Art
Museum, Washington DC, Tiffany Chung, một ngôi sao nghệ thuật đương đại Việt
Nam đã dành hết nước mắt cho một quá khứ của quê hương mình đã bị bức tử kể từ
30-4-75.
Dẫn Nhập
Thật khó tưởng tượng được và cũng là sự trông mong của
tôi từ lâu là sẽ có một ngày được nhìn thấy một công trình nghệ thuật xứng tầm
cho một bị kịch lịch sử không chỉ có một không hai đối với lịch sử người Việt
mà cho cả thế giới vào những thập niên cuối thế kỷ 20, được sáng tạo bởi một họa
sĩ Việt Nam, dù rằng trước đây và hiện nay cũng không nhiều thì ít đã có một số
nghệ sĩ đương đại Việt Nam thuộc thế hệ trưởng thành sau 1975 đã làm ra những
tác phẩm chạm đến xương cốt của cái ác, cái cam tâm đang hủy hoại dân tộc mình.
Có thể kể đến những cái tên: Trương Tân, Nguyễn Mình Thành, Nguyễn Mạnh Hùng,
Nguyễn Thái Tuấn, Nguyễn Thuý Hằng… Tuy nhiên, tất cả đều, hoặc phải bỏ cuộc hoặc
phải sử dụng thứ thủ pháp ẩn dụ để tránh sự truy bức của chính sách nhà nước Cộng
Sản.
Tiffany Chung, nghệ sĩ đương đại người Mỹ gốc Việt.
May thay, hôm nay, sau 44 năm, Tiffany Chung đã xuất
hiện với một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ, vĩ đại cả về kích thước, hình thức lẫn
nội dung, cả về ngôn ngữ và phẩm chất sáng tạo.
Như tôi đã mô tả, đây là một tác phẩm khổng lồ, vĩ đại
vì riêng chỉ qui mô không thôi, nó đã chiếm hết một không gian gồm 3 gian
phòng, mỗi gian phòng rộng ước tính trên 16 mét vuông, chúng nằm kề và liên
thông với nhau. Kế nữa là vì chúng là một khối chứng liệu bằng hình ảnh, bằng
tranh vẽ, bằng 21 video clip phát hình và tiếng nói của 12 nhân chứng nam và 9
nữ đang là những người Việt lưu vong, và sau cùng là tấm bản đồ thế giới chiếm
gần hết bức tường do chính Tiffany Chung thực hiện mô tả hằng chục hải trình
trên các đại dương mà người Việt đã liều chết ra đi tìm đất sống và tự do. Điều
này trên thế giới chưa có một tổ chức dân sự hay bất cứ nhà sử học hiện đại nào
làm kể cả cơ quan Cao Uỷ Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn. Cuộc mở những con đường
máu để đến bến bờ tự do của họ không chỉ đến Mỹ hay châu Âu như chúng ta thường
biết, mà đến cả châu Phi, Trung Đông và Mỹ La Tinh. Để làm được việc này, nữ
nghệ sĩ đã bỏ ra nhiều năm để khám phá từ những kho tư liệu nằm im lặng tại cơ
quan UNHCR (Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc) ở Geneve – Thụy Sĩ.
Nhưng theo tôi, cái khổng lồ đáng trân trọng nhất đối
với Tiffany Chung là ý tưởng sáng tạo trên những tiêu chí cực kỳ dữ dội cho 3
chương của “VIETNAM, PAST IS PROLOGUE”, chương thứ nhất: “An Autopsy of a
Battle” và “An Excavation of a Man’s past” tạm dịch là “Khám nghiệm tử thi một
trận chiến” và “Khai quật quá khứ một người đàn ông”; chương 2 là “Collective
Remembrance of The War, The Voices from Exiles” (Hồi tưởng tập thể về cuộc chiến:
Tiếng nói từ những kẻ lưu vong) và chương 3 là Sự Tái Lập Một Lịch Sử Di Tản
(Reconstructing An Exodus History) cho thấy hằng trăm đường bay và hải trình đi
tìm tự do của 1 triệu sáu trăm ngàn người Việt đến được những nơi dung thân,
không kể đã có từ 200 đến 400 ngàn người đã vĩnh viễn chìm sâu trong lòng biển
cả.
Phi công trực thăng
Chung Tử Bửu, thân phụ Tiffany Chung.
Tiffany Chung đã chọn một đề tài chính trị – nghệ
thuật cực khó, hàm chứa nhiều bất an và hao tổn sức lực cùng thời gian nhưng lại
không mang đến cho mình những lợi lộc thực dụng nào trong lúc mình lại là một
phụ nữ.
Nội Dung và Hình Thức Nghệ Thuật
Chương 1 của “Việt Nam, Quá Khứ
là Mở Đầu” (Vietnam, Past is Prologue)
A, Lập Lại Bản Đồ Lịch Sử (Remapping History)
a, Khám nghiệm tử thi một trận chiến (An Autopsy of
a Battle)
b, Khai quật quá khứ một người đàn ông (Excavation
of a Man’s Past)
Đây là gian phòng triển lãm đầu tiên, Tiffany Chung
trình bày dưới hình thức nghệ thuật sắp đặt theo dạng một biểu đồ cho các tấm
hình và những bức tranh màu nước trên giấy khổ nhỏ để đưa người xem cùng tác giả
“Khai quật quá khứ một người đàn ông”, khai quật lại lịch sử một đất nước tự do
bị bức tử bởi bộ đội Cộng Sản Bắc Việt, lịch sử con đường máu của người Miền
Nam trốn chạy sự tàn bạo của chủ nghĩa Cộng Sản trên những con thuyền mỏng manh
trên biển cả.
Tấm hình khởi đầu cho cuộc “khai quật” đó về “quá khứ
của người đàn ông” và từ đây Tiffany Chung “khám nghiệm tử thi một trận chiến”,
đó chính là tấm hình viên phi công trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng Hòa,
Chung Tử Bửu, bố của Tiffany, bị bắt làm tù binh sau khi chiếc trực thăng do
ông lái bị quân Bắc Việt bắn rơi trong chiến dịch Lam Sơn 719 ở hạ Lào năm
1971. Chính vì tấm hình này đã khiến chị phải trở về lại Việt Nam trong rất nhiều
năm sau khi tốt nghiệp bộ môn mỹ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật studio tại một
trường đại học mỹ thuật của California để tìm hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam
bằng những tư liệu cụ thể chứ không phải bằng hư cấu và diễn giải chủ quan.
Đứng trước tấm bản đồ mô tả vùng chiến sự Lam Sơn
719 tại nam Lào năm 1971, Tiffany Chung vẽ lại bằng mỹ thuật đồ họa, trên đó đã
thể hiện đầy đủ các cánh quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tiến vào từ nhiều
hướng và cả nơi chiếc trực thăng do bố mình lái bị bắn hạ và bị địch bắt làm tù
binh. Đó là một trận chiến thảm khốc và chết chóc mà phía các lực lượng tinh
nhuệ của Việt Nam Cộng Hòa phải gánh chịu. Đây là một tổn thất to lớn và cũng
là tiền đề cho sự sụp đổ toàn bộ Miền Nam Việt Nam vào ngày 30-4-1975.
Bản đồ Chiến dịch
Lam Sơn 719 năm 1971.
Chung Tử Bửu, người sĩ quan không quân, thân phụ của
nữ nghệ sĩ, bị Cộng quân bắt, vào lúc đó chị mới được 5 tuổi mà mãi khi lớn lên
trên nước Mỹ chị mới nhận ra nơi tấm hình này ẩn chứa một câu chuyện về “Quá khứ
một người đàn ông”, quá khứ lịch sử một đất nước của ba mình bị chôn sống, bị
phản bội.
Trên con đường trở về nguồn đó, Tiffany Chung tìm thấy
được bao nhiêu cảnh đời loạn lạc, tan nát, trốn chạy trong chết chóc, trong khốn
cùng của hằng trăm ngàn người Miền Nam Việt Nam để tìm đến một nơi nào đó, bất
cứ ở đâu miễn là nơi đó có tự do qua nhiều tấm hình được lưu giữ tại những
trung tâm tỵ nạn và tại kho lưu trữ của UNHCR (Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc) nằm
tại Geneve – Thụy Sĩ.
Với sự “tái lập bản đồ lịch sử” qua hình thức kết hợp
các tư liệu bằng hình và tranh vẽ ở gian phòng đầu tiên, Tìffany Chung đã mở đầu
bản cáo trạng tội ác của chủ nghĩa Cộng Sản một cách khoa học và khách quan bằng
ngôn ngữ của nghệ thuật đa phương tiện không còn gì thích hợp hơn.
Chương 2, Hồi Tưởng Tập Thể về
Cuộc Chiến, Tiếng Nói Từ Những Kẻ Lưu Vong (Collective Remembrance of The War,
The Voices from Exiles)
Tôi bước sang gian phòng triển lãm thứ 2, một phòng tối đen đầy âm khí chỉ có tiếng nói được phát ra từ 21 nhân chứng về vì sao họ phải trôi dạt ra khỏi quê hương, tất cả gồm 12 người đàn ông và 9 phụ nữ được phát ra qua những khung hình video nhỏ cho từng người. Họ là những người lưu vong, nay đều lớn tuổi.
Bằng nghệ thuật Video Art, Tifany Chung đưa người
xem từ những dấu chân dẫn đường khám phá một quá khứ đau đớn được trình bày
minh bạch ở phòng số 1 đến một phòng của nhân chứng sống, bằng giọng thật của từng
kiếp nạn sống sót nhưng vết thương trong tâm hồn họ thì vĩnh viễn không lành.
Những vết thương vẫn cứ buốt lên, vẫn cứ dày xéo, vẫn cứ rịn mủ mỗi khi trái
gió trở trời vào dịp 30 tháng Tư hằng năm. Đứng trong gian phòng đen đầy những
lời linh hồn, người xem chỉ biết im lặng nghe mắt mình rớm lệ.
Chương 3, Tái Lập Môt Lịch Sử
Di Tản (Reconstructing An Exodus History)
Đây lại là một gian phòng khác, gian phòng cuối cùng
của tác phẩm “Vietnam, Past is Prologue” mà tôi gọi là “chương ba,” chương cuối
của cuốn tiểu thuyết lịch sử về Chiến Tranh Việt Nam do Tiffany Chung viết bằng
ngôn ngữ nghệ thuật đa phương tiện.
Ở đây, người nghệ sĩ dùng kỹ năng vẽ bản đồ, một nghề
chị từng đã trải qua ở Hoa Kỳ, để thực hiện trên chất liệu vải và bằng kỹ thuật
thêu tay. Bằng nền đen, màu xám cho toàn thế giới từ châu Phi, châu Âu, châu Á,
châu Úc và châu Mỹ, màu đỏ dùng cho các đường bay từ các trại tỵ nạn và chương
trình ODP. Một tấm bản đồ bằng vải thêu có kích cỡ khoảng 8 mét vuông (chiều
cao 2m, chiều ngang 4m), chiếm gần nguyên một bức tường. Một bức bản đồ chưa từng
được thực hiện về lịch sử một cuộc di tản khổng lồ thuộc loại bi thảm nhất của
lịch sử nhân loại mà người Việt chạy trốn Cộng Sản thực hiện sau ngày
30-4-1975.
Bản đồ những đường
bay của lịch sử di tản người Việt sau 30-4-75.
Để làm được việc này, Tiffany Chung đã phải bay đến
các trại tỵ nạn tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và cả UNHCR (Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên
Hiệp Quốc) nằm ở Geneve – Thụy Sĩ để sao lục, tập hợp lại các dữ liệu đã được
thống kê để thực hiện một cách khá đầy đủ về người Việt miền Nam đã đến được bến
bờ tự do bằng bao nhiêu con đường và trong số họ có hằng trăm ngàn người đã nằm
vĩnh viễn trong lòng đại dương. Riêng những con đường màu đỏ có thể đếm được là
hơn 100, còn lại thì chằng chịt, vô số, không thể đếm xuể.
Điều qua tấm bản đồ này, lần đầu tiên tôi biết được,
người Việt không chỉ tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Úc mà cả ớ Châu
Phi, Trung Đông và Mỹ La Tinh.
“Việt Nam, Quá Khứ là Mở Đầu,” một tác phẩm nghệ thuật
đa phương tiện (Multimedia Art) được kết thúc tại đây, theo tôi, trong hơn 50
năm vẽ tranh và luôn bị ám ảnh về đề tài những nỗi đau của phận người, của đất
nước mình nhưng chưa bao giờ làm được điều mình mong muốn. Có lẽ phương tiện
nghệ thuật mà tôi có sở trường không thể chuyển tải một đề tài lớn như những gì
mà Tiffany Chung thể hiện trong tác phẩm khổng lồ này. Nghệ thuật đa phương tiện
có đầy đủ giọng điệu, kỹ thuật thực hành tốt nhất và thích hợp nhất cho những đề
tài mang tầm vóc lịch sử – chính trị như Việt Nam, Quá Khứ là Mở Đầu của
Tiffany Chung hôm nay.
Riêng cá nhân tôi, nếu được nhân danh cho người làm
Nghệ thuật Việt Nam, xin cám ơn Tiffany Chung về một nỗ lực phi thường của chị
cho tác phẩm lớn lao này, một tác phẩm không tiền khoáng hậu cho đề tài về chiến
tranh, chiến tranh Việt Nam mà hơn 40 năm qua không một nghệ sĩ Việt từ trong
và ngoài nước làm được và thành công như thế. Tiffany Chung với tác phẩm “Việt
Nam. Quá Khứ là Mở Đầu” đã thay mặt cho hội họa Sài Gòn trả được món nợ lịch sử
đúng vào dịp Tháng Tư năm 2019.
(Viết tại Bolsa, tháng Tư 27-2019)
------------------------
LIÊN QUAN
16/03/2019
“Chiến tranh Việt Nam đã được lý giải chính thức từ
phía Việt Nam, trong đó không có tiếng nói của người miền Nam. Người Mỹ cũng lý
giải tương tự về cuộc chiến ấy, vẫn không có câu chuyện của người miền Nam.”
Tiffany Chung chia sẻ về nỗ lực giới thiệu góc nhìn về người tị nạn Việt, vốn
ít khi được nhắc tới trong lịch sử cuộc chiến Việt Nam.
Một bức tranh màu nước về người tị nạn chiến tranh
Việt Nam tại triển lãm "Tiffany Chung: Vietnam, Past is Prologue"
(Quá khứ là sự khởi đầu) ở bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian.
Là một nghệ sỹ đương đại Mỹ gốc Việt và bản thân là
người tị nạn, Tiffany nghiên cứu trong nhiều năm về di sản cuộc chiến cùng những
hậu quả để lại, thông qua các di vật, như bản đồ, video và các bức tranh nêu bật
tiếng nói và những câu chuyện của những người từng là tị nạn.
Tiffany Chung, nghệ sỹ đương đại Mỹ, đang trình bày
về các tác phẩm của cô tại triển lãm đầu tiên tại bảo tàng Smithsonian.
“Một số người chọn viết sách để nói về cuộc chiến. Đối
với tôi tiếng nói của những người miền Nam Việt Nam về chiến tranh sẽ không phải
là cái gì mang tính hư cấu hay vật chất,” Tiffany nói trước cuộc triển lãm đầu
tiên của cô tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ Smithsonian (Smithsonian American Art
Museum), Washington D.C. “Do đó tôi chọn cách làm tư liệu trực tiếp – để họ trực
tiếp kể câu chuyện của bản thân họ.”
Nhưng đó không phải là điều dễ dàng.
“Tôi đã mất đến hơn 40 năm để có thể đối mặt với cuộc
chiến tranh ở Việt Nam và lịch sử cá nhân, bao gồm cả thân phụ tôi, và cả tôi,”
Tiffany nói.
Hành trình của bố
Cách đây 16 năm, Tiffany bắt đầu về thăm Việt Nam,
tìm hiểu câu chuyện bố cô bị bắt làm tù binh chiến tranh và câu chuyện của mẹ
cô chờ đợi trong vô vọng cho sự trở về của chồng mình, nơi gần vĩ tuyến 17.
Nhưng chỉ đến khi tình cờ thấy một tấm ảnh của bố, Chung
Tử Bửu, trong trang phục phi công trước một chiếc trực thăng tại Lộc Ninh năm
1970, cô mới quyết định quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu những “chiến trường
trên không”, nơi thân phụ từng tham chiến. Những chiến trường này cùng các chiến
dịch mà thân phụ cô từng tham gia, trong đó có chiến dịch Lam Sơn 719, và những
sự kiện lịch sử khác của chiến tranh Việt Nam, được Tiffany đưa vào một biểu đồ
minh họa bằng hình ảnh và chú thích trưng bày tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ
Smithsonian.
Bức tranh mà Tiffany Chung tìm thấy về bố cô, phi
công Chung Tử Bửu, được trưng bày tại triển lãm.
“Những di vật ấy khiến tôi thực sự đào sâu vào để bắt
đầu những gì tôi làm về chiến tranh Việt Nam hôm nay,” Tiffany nói. Qua những
tìm hiểu về bố mình, cô biết được nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về Cuộc
hành quân Hạ Lào, nơi bố cô tham chiến, và Mùa hè Đỏ lửa 1972.
Trực thăng ông Chung Tử Bửu bị bắn hạ; và ông bị quân
miền Bắc bắt ở Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719, 1971. Ông bị giam trong tù đến
năm 1985, và 5 năm sau khi được trả tự do, cả gia đình đến Mỹ. Tiffany, sinh ra
ở Đà Nẵng khi cuộc chiến đang ở cao trào năm 1969, cho biết gia đình cô cũng đã
nhiều lần tìm cách vượt biên và bản thân cô từng bị giam trong tù trước khi đến
được Mỹ.
“Cuộc chinh phục cá nhân tôi đã mở đường đến những
ký ức tổng hợp của người miền Nam Việt Nam về cuộc chiến đã để lại ảnh hưởng lớn
đến cuộc sống nhiều người.”
Trước khi dựng nên các tác phẩm nghệ thuật về chiến
tranh Việt Nam, Tiffany từng có các tác phẩm nghệ thuật về cuộc khủng hoảng tị
nạn Syria. Việc tìm hiểu những câu chuyện người tị nạn Syria đã giúp Tiffany vượt
qua được “chính bản thân để đối diện với chính mình và nói về câu chuyện của
mình.” Cô thấy có sự tương đồng của hai cuộc khủng hoảng tị nạn Việt Nam và
Syria – đều là nội chiến và có rất nhiều người tị nạn. “Đó là vì sao tôi trở lại
(để đối diện chính mình).”
Lịch sử bỏ quên
Nói về chiến tranh Việt Nam thì phải nói về người Việt
Nam ở cả hai miền Nam và Bắc, theo Tiffany, người từng có thời gian trở về Việt
Nam tham gia thành lập “Sàn Art,” một diễn đàn nghệ thuật cho nghệ sỹ trẻ trong
nước.
“Ai cũng có lý do tham gia cuộc chiến. Việt Nam đã
có lý giải của họ nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện của những người thua cuộc.
Mình thua trận, thua cuộc chiến. Trẻ con lớn lên trong trường chỉ được dạy về
góc nhìn của chính phủ Việt Nam, còn góc nhìn của người miền Nam Việt Nam thì bị
xóa bỏ hoàn toàn.”
Theo cô, lịch sử người Việt tị nạn bị xóa sạch trong
lịch sử chính thống của Việt Nam.
Một trong 21 người tị nạn miền Nam Việt Nam đến Mỹ
được phỏng vấn trong các video trình chiếu tại triển lãm.
Để những câu chuyện của người miền Nam được biết đến,
Tiffany phỏng vấn hàng chục người tị nạn Việt tại Mỹ và chọn 21 cuộc phỏng vấn
qua video, trong đó có thân phụ cô, để trưng bày tại viện bảo tàng Smithsonian
trong triển lãm có tên “Quá khứ là sự khởi đầu” (Tiffany Chung: Vietnam, Past
is Prologue), mở cửa cho công chúng từ ngày 15/3 đến 22/9 năm nay.
Tiffany gọi đây là nỗ lực “dù chưa hoàn chỉnh để nói
lên được một khía cạnh nào đó về chiến tranh Việt Nam.”
“Bao nhiêu người tị nạn trải qua những kinh nghiệm
giống nhau. Nỗ lực của mình là nhằm nói lên một phần của (chiến tranh) Việt
Nam, vốn đã không được đưa vào lịch sử chính thống (của Việt Nam) cũng như
không được người Mỹ quan tâm đến nhiều.”
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm này còn có những bức
tranh màu nước được vẽ dựa trên những bức ảnh mà cô tìm được trong quá trình
nghiên cứu về di dân Việt Nam sau chiến tranh tại kho lưu trữ của Cao ủy tị nạn
Liên hợp quốc (UNHCR) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Các bức tranh màu nước được chuyển thể từ những bức ảnh
về thuyền nhân chiến tranh Việt Nam được Tiffany Chung tìm thấy tại kho dữ liệu
của UNHCR.
Những bức tranh, được một nhóm họa sỹ trẻ của Việt
Nam chuyển thể từ các bức ảnh tư liệu, cho thấy hình ảnh những nạn nhân chiến tranh
Việt Nam trên các con thuyền tìm cách vượt biển để đến một nơi nào đó trên thế
giới.
Trong số khoảng 1,6 triệu người Việt Nam tái định cư
từ 1975 đến 1997, hơn 700.000 người là thuyền nhân, theo thống kê của UNHCR. Cơ
quan này ước tính khoảng 200.000-400.000 thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển.
Một thế giới khác
Tiffany tới UNHCR hàng năm để làm các nghiên cứu và
qua đó cô “mới biết được người Việt Nam đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, gồm
châu Phi, Mỹ La tinh và Trung Đông, ngoài những nơi mà mọi người đều biết là Mỹ
và châu Âu.”
Những tuyến đường người tị nạn Việt Nam vượt qua để
tìm đến nơi “an toàn hơn” Việt Nam lúc đó đã được Tiffany đưa vào một tấm bản đồ
lớn bằng vải thêu cũng được trưng bày tại triển lãm này.
Tấm bản đồ thêu trên vải về các đường di chuyển của
người tị nạn rời Việt Nam tới các nơi trên thế giới sau chiến tranh.
Mặc dù được đào tạo về nhiếp ảnh và Nghệ thuật
Studio ở California, Tiffany lại từng là một người vẽ bản đồ. Chính cô đã vẽ lại
những đường di chuyển của người tị nạn chiến tranh Việt Nam trên một tấm bản đồ
giấy và sau đó được chuyển thể sang hình thêu trên vải.
“Rất nhiều những thứ này không được nói tới trong
văn hóa và nghệ thuật của (Mỹ). Nó thậm chí không được nhắc tới trong lịch sử,”
Sarah Newman, phụ trách nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ
Smithsonian, nói. “(Tiffany Chung) đã tới trung tâm lưu trữ của UNHCR và nghiên
cứu để tìm ra những người (Việt) đi đâu sau chiến tranh, họ đi con đường nào và
họ tới đâu trên thế giới này. Cô ấy chuyển thể chúng vào hình thức tác phẩm nghệ
thuật và chúng trở nên rất quan trọng cho tư liệu lịch sử của chúng ta; đưa
chúng ta tới một thế giới hoàn toàn khác.”
Tiffany gọi sự vắng bóng những tiếng nói của người tị
nạn Việt trong lịch sử chiến tranh Việt Nam là một sự “bỏ quên lịch sử do ảnh
hưởng của chính trị.”
“Người tị nạn không được nhắc tới trong truyền thông
chính thức. Họ không được bàn tới. không được nhớ tới,” Tiffany nói. “Mọi người
đều có quyền được biết về lịch sử, ký ức và sự thật.”
Theo người nghệ sỹ hiện đang sống ở Houston, Texas,
“Nhớ tới nó để hiểu về nó. Để lịch sử không lặp lại lần nữa.”
No comments:
Post a Comment