Hoàng An / CafeF
12-06-2019 - 14:03 PM
Bản
thân Trung Quốc đã "tẩy chay" điện than trong nước, nhưng lại đầu tư
nhiệt điện vào các quốc gia hoàn toàn có tiềm năng về năng lượng mặt trời như
Việt Nam.
Kể từ khi công bố vào năm 2013, Sáng kiến "Vành đai và Con đường" trị giá 1 nghìn tỷ USD của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình ở các quốc gia đã gặp phải nhiều chỉ trích về sự thiếu minh bạch, tham
nhũng, chi tiêu lãng phí, phụ thuộc quá mức vào các nhà thầu Trung Quốc và tiêu
chuẩn chất lượng kém.
Nhiều chuyên gia kinh tế gần đây đã tập trung vào
các cáo buộc về chiến lược ngoại giao "bẫy nợ" của Trung Quốc. Các
khoản vay từ Trung Quốc đang trở thành gánh nặng với các quốc gia tham gia vào
sáng kiến "Vành đai và Con đường", một số nước có nguy cơ mất khả
năng chi trả. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ buộc họ phải trao quyền kiểm soát các
tài sản kinh tế và quân sự chiến lược, như cảng, đường sắt và nhà máy điện, đến
Trung Quốc để "gán nợ".
Một số chuyên gia khác lại quan tâm nhiều hơn về các
hậu quả môi trường của nó, đặc biệt là xuất phát từ ngành điện. Trong khi Bắc
Kinh liên tiếp đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trong nước và chuyển sang
các nguồn năng lượng tái tạo sạch hơn, thì các công ty năng lượng của họ lại
đang tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài.
Họ hứa hẹn sẽ tài trợ Sáng kiến Vành đai và Con đường cho các nước kém phát triển hơn và giúp các chính phủ này xây dựng
nhà máy nhiệt điện. Nếu những lời hứa này được thực hiện, các nước nghèo hơn có
thể sẽ chiếm khoảng 50% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, theo một báo cáo
của Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhận thức việc
các quốc gia vô cùng lo ngại về môi trường xung quanh sáng kiến của ông. Ông Tập
đã cố gắng xoa dịu những nỗi lo đó bằng một diễn đàn được tổ chức vào tháng 4,
tuyên bố Vành đai và Con đường nhằm mục đích thúc đẩy phát triển bền vững. Bất
chấp những ngôn từ ca ngợi rằng Trung Quốc đang là quốc gia đi đầu về năng lượng
tái tạo, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ nguồn điện gây ô nhiễm.
Một báo cáo được phát hành vào tháng 1 bởi Viện phân
tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho thấy các
tổ chức tài chính Trung Quốc đã trợ cấp hoặc cam kết trợ cấp 36 tỷ USD cho hơn
một phần tư nhà máy điện than hiện đang được phát triển bên ngoài Trung Quốc -
giữa thời điểm các tổ chức tài chính quốc tế lớn đang từ chối tài trợ cho điện
than.
Hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài trước giờ vẫn
đầy tai tiếng về mặt môi trường. Từ năm 2000 đến 2017, Ngân hàng Phát triển
Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp khoảng 52 tỷ USD
tài chính cho các dự án điện than ở nước ngoài.
Tất nhiên, một số quốc gia sẽ phải đối mặt với rủi
ro ô nhiễm cao hơn các quốc gia khác. Việt Nam có thể là quốc gia có nguy cơ
cao nhất với số lượng tương đối lớn các nhà máy nhiệt điện than được tài trợ cả
bởi Trung Quốc và các quốc gia khác. Với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì
liên tục, nhu cầu điện của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 8% mỗi năm cho đến năm
2025.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Việt Nam sẽ cần đến
96.500 megawatt điện vào năm 2025. Cho đến nay, các ngân hàng Trung Quốc đã
cung cấp 9,3 tỷ USD tài trợ cho 14 nhà máy nhiệt điện than từ năm 2000 đến
2018. Mặc dù cảnh giác với Trung Quốc, Việt Nam vẫn đang nhận một khoản tiền lớn
từ Bắc Kinh để xây dựng nhà máy nhiệt điện. Với tổng công suất đốt than được đề
xuất là 13.380 megawatt, Việt Nam đã thu hút 3,6 tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc.
"Rõ ràng là Việt Nam cần
điện, nhưng phụ thuộc quá lớn vào điện đốt than sẽ đi ngược lại mọi nỗ lực làm
sạch môi trường", đại diện IEEFA cho biết. "Đầu
tư vào năng lượng tái tạo là một hướng đi thông minh hơn, thay vì mù quáng chấp
thuận các khoản đầu tư vào nhà máy điện than đắt đỏ và lỗi thời".
Không như nhiều quốc gia khác, Việt Nam có tiềm năng
rất lớn về sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời, với khoảng 1.600 đến
2.700 giờ ánh sáng mặt trời mỗi năm và tốc độ gió trung bình 7-11 mét mỗi giây ở
Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng năng lượng tái
tạo vẫn phải vật lộn để có thể phát triển ở Việt Nam.
Mặc dù nhận được sự quan tâm của các nhà phát triển
và các dự án điện mặt trời trên quy mô nhỏ đang xây dựng thì năng lượng mặt trời
ở Việt Nam vẫn bị tụt hậu nghiêm trọng so với phần lớn khu vực, với công suất lắp
đặt chỉ 8 megawatt.
Việt Nam rõ ràng có cơ hội lý tưởng để khai thác tiềm
năng năng lượng mặt trời và gió dồi dào, nhưng việc bù đắp vẫn còn tương đối thấp
cho các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp sản xuất điện thông qua các phương tiện
tái tạo khiến các nhà đầu tư vẫn e dè với điện sạch.
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều tổ chức quốc
tế hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề khó khăn này, nhưng các cơ quan quản
lý cần phải tỉnh táo trước lời đề nghị từ Bắc Kinh, nếu không các dự án năng lượng
tái tạo sẽ bị lấn át bởi điện "bẩn".
Hoàng
An
Theo Trí thức trẻ/South China Morning Post
No comments:
Post a Comment