Friday, 14 June 2019

MIỀN TRUNG ĐANG CHẾT CHÁY (Phụ Nữ Online)




14/06/2019

Sông nhiễm mặn, nước sinh hoạt thiếu, trẻ em và người già nhập viện ồ ạt, ruộng đồng khô cháy, cây trồng héo hon… Miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng khốc liệt. Dải đất gian khó này như bỏng rộp lên.


CHẮT CHIU TỪNG GIỌT NƯỚC SINH HOẠT

Nắng như thiêu, ở biển càng rát hơn bởi gió mang hơi nước mặn. Gió mang lưỡi lửa càn quét những gì nó gặp đã đành, mà còn hút kiệt chút ẩm ướt còn sót lại dưới đất sâu. “Chúng tôi ở đây thiếu nước quanh năm, nhưng năm nay đã thiếu lại càng thiếu” - ông Trương Tấn, ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên, nói.

Do đặc điểm địa chất, bình thường các xã ven biển vùng này vốn thiếu nước, và năm nay, từ tháng Ba, họ đã bắt đầu gồng lên kiếm nước sinh hoạt bởi nắng nóng đến sớm quá. Tất cả giếng nước trong thôn đều trơ đáy. Để không phải chết khát, cách duy nhất là bỏ tiền ra mua nước với giá cao, trung bình mỗi nhà chi thêm 400.000 - 500.000 đồng để mua nước, khi giá một mét khối nước vọt lên 40.000 đồng.

Hơn 20ha lạc ở phường Hương An, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) do nắng hạn thiếu nước đã chết

“Không lẽ chịu chết, nhưng cực quá, lại không biết bao giờ trời mưa”. Lời ca thán của ông Tấn xót cháy như ngậm phải than đỏ. Bao giờ, chỉ có trời biết. Giá nước sinh hoạt cao, không phải do người bán “đục nước béo cò”. Ông Trần Đình Nam - ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, người cung cấp nước sinh hoạt ở đây - cho hay: “Nước sạch ở xa, giá xăng dầu cứ vọt liên tục, nên chở một mét khối nước về bán cho bà  con, chi phí lớn thôi”.

Một tháng qua, cả xã có 10 xe công nông chở nước bán, cái cảnh hiếm thấy mấy năm về trước. “Cứ tình hình này kéo dài, tôi lo khả năng hơn 10.000 hộ dân của xã sẽ thiếu nước sinh hoạt” - ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, nói. 

Giếng nước khô cạn, nhiều người dân ở Nghệ An phải đi xin hàng xóm, thậm chí đi mua để sinh hoạt hàng ngàyGiếng nước khô cạn, nhiều người dân ở Nghệ An phải đi xin hàng xóm, thậm chí đi mua để sinh hoạt hằng ngày - ẢNH: PHAN NGỌC


“Chia lửa” với biển là núi. Nắng, nóng đã khiến sông suối cùng hệ thống nước ngầm H.Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) khô cạn, đẩy 1.600 hộ ở 19 thôn thuộc 5 xã gồm Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và Xuân Lãnh sắp lâm vào cảnh “muốn pha trà, đừng rửa mặt; muốn rửa mặt, chớ pha trà”.

Mỗi tối, họ lại dán mắt lên, ráng ngó bản tin thời tiết. Không cần nghe cô biên tập viên nói gì, hễ thấy màu đỏ rực chỗ mình đang ở thì chồng nhìn vợ, cha nhìn con, buông câu “chắc chết quá”. Nóng dữ dằn chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tôi nghe ngoài Bắc bắt đầu mưa, không biết có mưa tới mình không?” - chị Phan Thị Nhân, ở thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, hỏi như thể tôi là… ông trời. Không lẽ cười, tôi cũng đành ngửa mặt ngó trời. Chị cũng như hàng ngàn hộ dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đang chắt chiu với từng giọt  nước sinh hoạt.

LO LÚA SẼ CHÁY ĐEN

Mấy tuần rồi, nhà máy nước Phước Sơn gồng mình chạy mà như đang tê liệt. Dân la trời. Chính quyền cũng quắn lên. Nhà nào có máy bơm thì có nước dùng, rồi bán cho cả xóm. Hộ nào cũng tốn tiền mua nước hằng tháng đến 300.000 - 400.000 đồng, mà nước mua chỉ dùng để nấu ăn. Tắm rửa, giặt đồ phải dùng nước mặn của đầm Thị Nại, tắm xong xối qua nước ngọt để tiết kiệm nước. Có người cả tuần không tắm vì không có nước. Khu vực này không khoan giếng được nên chỉ sử dụng duy nhất nước máy.
Giếng nước khô cạn, nhiều người dân ở Nghệ An phải đi xin hàng xóm, thậm chí đi mua để sinh hoạt hằng ngày - ẢNH: PHAN NGỌC
Giếng nước khô cạn, nhiều người dân ở Nghệ An phải đi xin hàng xóm, thậm chí đi mua để sinh hoạt hằng ngày - ẢNH: PHAN NGỌC

Nạo vét hói Bến Trâu xã Quảng Thái để đưa nước vào cứ hơn 300ha lúa và hoa màu tại huyện Quảng Điền. Ảnh: Thuận Hóa

Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định - cho biết, theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay, tỉnh Bình Định sản xuất 43.298ha lúa, trong đó có 9.104ha lúa vụ hè được gieo sạ từ ngày 25/3 - 15/4 và 34.194ha lúa vụ thu được gieo sạ từ ngày 1 - 20/5. Cũng theo ông Phú, với tình hình này, đến cuối vụ hè thu, những cánh đồng ăn nước của hệ thống tưới Lại Giang (H.Hoài Nhơn) sẽ thiếu nước; những cánh đồng phía dưới đê Đông thuộc các xã Phước Sơn, Phước Thuận (H.Tuy Phước) cũng sẽ lâm cảnh tương tự.

Người dân miền núi Quảng Trị lấy nước từ khe suối để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày: Ảnh Thuận Hóa

Trời nóng, thiên hạ đổ về biển để xả hơi, nhưng tại Cù Lao Chàm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi mỗi ngày có hàng ngàn khách tìm đến, mấy ai biết những người làm du lịch ở đây đang chòi đạp, xoay xở đủ cách để đáp ứng nhu cầu nước sạch của khách. Bà Hồ Thị Thanh Tâm - chủ nhà hàng Nhân Tâm tại Bãi Ông - cho hay, dù chiều tối mấy ngày qua đã xuất hiện mưa, nước suối về giúp cho nước sinh hoạt đỡ căng thẳng, nhưng du khách tắm rửa đều phải dùng nước giếng bơm. “Nước ngầm vẫn có nơi bị phèn, hôi. Tôi chỉ còn cách hòa nước suối và nước ngầm để khử mùi. Khổ quá, nhưng biết làm chi bây chừ”.

Có lẽ chẳng ai nỡ bắt bẻ bà. Dân Cù Lao Chàm được khuyến cáo là hạn chế sử dụng nước ngầm để giữ gìn nguồn nước tự nhiên, nhưng họ đành thúc thủ. Bà Mai Thị Cúc - chủ nhà hàng Mai Khoa ở Bãi Ông - ngao ngán: “Dùng nước ngầm nhiều không tốt, nhưng ở đây không dùng nước giếng bơm thì không có nước dùng”.

Người dân ở xã Quảng Thành (H.Quảng Điền –Thừa Thiên Huế) đưa máy bơm di động vào tận bờ ruộng để cứu lúa.

Thiên tai đến, gây họa đâu chỉ một hai ngày. Mực nước hồ chứa tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi đang xuống thấp. Mối lo hiển hiện trong vụ hè thu tới. Nước thiếu, nhất là ở vùng cuối kênh. Tại Quảng Ngãi, ngoài 9.000ha lúa hè thu chưa xuống giống, có đến trên 25.000ha lúa đã gieo sạ. Nông dân lại thấp thỏm lo dịch hại. “Đây là thách thức rất lớn trong vụ hè thu, bởi bên cạnh bệnh khô vằn - đối tượng gây hại chính có nguy cơ bùng phát - thì hiện nay, bệnh sâu keo mùa thu cũng đã xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương” - ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, không giấu được lo toan.

Ở tỉnh sát hông là Quảng Nam, người ta lo cho vụ sản xuất tới, thiếu nước là 8.633ha lúa tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc… sẽ cháy đen.

Trời đã nắng dân còn khổ vì dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Huế thi công ì ạch gây ô nhiễm môi trường. Ảnh : Thuận Hóa.Trời đã nắng, dân còn khổ vì dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế thi công ì ạch, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thuận Hóa
Trời đã nắng, dân còn khổ vì dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế thi công ì ạch, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thuận Hóa


Ở phía bên kia đèo Hải Vân, gió Lào tiếp tay với lửa từ trời khiến sông, hói trơ đáy. Tại xã Quảng Lợi của H.Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã có thêm  65ha đất lúa trong số 2.870ha bị bỏ hoang từ tháng Ba đến nay. Gió thổi kiệt, héo cả mặt người, xác xơ cây cỏ. “Sẽ có hơn 700ha lúa bị khô hạn” - ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay. Điều đó cũng có nghĩa, gian khó đã và sẽ tiếp tục như lửa táp lên từng mái nhà.

NGƯỜI NHẬP VIỆN, ĐẶC SẢN HÉO KHÔ

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 9 - 13/6, trung bình mỗi ngày, ở các bệnh viện tuyến dưới trực thuộc sở, tỷ lệ người già và trẻ em nhập viện do thời tiết nắng nóng tăng từ 20 - 30%.

Tháng Bảy, Tám chưa đến. Không biết chuyện gì sẽ đến nữa, vì lúc đó mới là cao điểm nắng nóng. Nhưng những ngày này, đi dọc tuyến đường dẫn vào vùng Lìa (H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), hình ảnh dễ bắt gặp nhất là cảnh từng đoàn người rồng rắn với đủ các loại dụng cụ, cùng nhau đi lấy nước từ các khe suối. Xã A Xing đang là tâm điểm của nắng nóng. Ông Hồ Văn Thuần - Chủ tịch UBND xã  A Xing - như la trời: “Nhiều diện tích sắn của bà con mới trồng bị chết khô, không thể phục hồi, người dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”.

Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế những ngày nắng nóng

Dân vùng Lìa, Thanh, Thuận, A Túc, Xy, cũng như A Xing, ráng lết ra sông Sê Pôn để kiếm nước. Ngẩng cái nhìn như dại đi vì nắng, chị Hồ Thị Tho - người dân tộc Bru Vân Kiều - nói như sắp đứt hơi: “Hằng ngày, cử (tôi) đều phải đi bộ gần 2km đến đây lấy nước, mỗi lần chừng 10 lít nước về phục vụ ăn uống cho cả gia đình 5 người”. Tại xã A Xing, đã có 36 giếng khoan cùng gần 30 bể nước tự chảy được đầu tư xây dựng từ năm 2007 đến nay, giờ hỏng hết rồi.

Ngoài kia, H.Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), nơi được xem là “chảo lửa” của Miền Trung, vẫn đang đỏ rực. “Không chỉ ngày mà đêm, nằm trong nhà cũng như cái lò vậy. Giường chiếu gì cũng nóng như rang, quạt càng chạy càng nóng hơn nên có ngủ nổi đâu. Gần một tuần qua, sau giờ cơm tối, vợ chồng tui cùng ba đứa con thường chở nhau ra bờ hồ hoặc tán cây để dễ thở” - chị Nguyễn Thị Minh, ở xã Hương Trạch, H.Hương Khê, cho biết.

Hơn20ha lạc ở phường Hương An thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) do nắng hạn thiếu nước đã chếtHơn 20ha lạc ở phường Hương An thị xã Hương Trà ( Thừa Thiên Huế) do nắng hạn thiếu nước đã chết
Hơn 20ha lạc ở phường Hương An thị xã Hương Trà ( Thừa Thiên Huế) do nắng hạn thiếu nước đã chết


Bưởi Phúc Trạch - đặc sản Hương Khê - giờ đang thành trái bóng cho trẻ con đá. Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, H.Hương Khê - Trần Quốc Khánh - lắc đầu tiếc xót: “Hơn 200ha bưởi đang phải đối diện với chết khô”. Láng giềng là H.Con Cuông (tỉnh Nghệ An) cũng không thua gì. Tại xã Mậu Đức, có hơn 1.400 hộ thì hiện đã có khoảng 500 hộ rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Mọi thứ rối tung lên. 94/96 hồ chứa ở Nghệ An chỉ đạt 50% dung tích chứa.

Người lao động mưu sinh giữa trưa nắng nóng ở TP. Huế. Ảnh: Thuận Hóa

“Lửa” quét trên đồng và không biết khi nào dừng lại. Người già, trẻ em lấy bệnh viện làm nhà ngày càng đông. Để giữ ổn định sản xuất, các địa phương đã đề ra lịch thời vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung nguồn lực chống hạn; kêu gọi trung ương hỗ trợ. Nhưng tất cả cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Bài toán chống hạn và chống lũ ở Miền Trung lâu nay vẫn luôn cùng một cách là “đụng đâu đỡ đó”, khi căn cơ là môi trường đã bị tàn phá nghiêm trọng. Việc xây dựng công trình phá hủy hệ thống nước ngầm kéo dài chưa dứt.

Người lao động mưu sinh giữa trưa nắng nóng ở TP. Huế. Ảnh: Thuận Hóa
Người lao động mưu sinh giữa trưa nắng nóng ở TP. Huế. Ảnh: Thuận Hóa
Người lao động mưu sinh giữa trưa nắng nóng ở TP. Huế. Ảnh: Thuận Hóa

Mưa lũ hay hạn hán, nạn nhân đầu tiên là nông dân ở vùng trũng, vùng thiếu nước, ven sông suối. Có câu hỏi đau đáu là nắng nóng thế, dân có bỏ ruộng không? Rằng, bỏ thì đã bỏ lâu rồi. Càng bám thì càng khổ, nhưng ở quê, không làm ruộng thì làm chi bây giờ? Chỉ còn cách đứng đó chịu thôi, bởi chạy đâu cho khỏi nắng.

NHỮNG CUỘC LY HƯƠNG TRỐN NẮNG

Hứng chịu nắng nóng kéo dài, nhiều ngôi làng Miền Trung rơi vào cảnh đồng khô cỏ cháy, thiếu nước sinh hoạt. Đất “chết”, người dân bắt đầu một cuộc ly hương kiếm kế sinh nhai.
5g sáng, chuyến xe khách mang biển số tỉnh Quảng Ngãi đổ khách tại bến xe Miền Đông (TP.HCM). Chúng tôi bắt gặp anh Hà Văn Đạt (quê ở H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) xách túi đồ nghề làm thợ hồ lê bước ra bắt xe buýt về tỉnh Bình Dương. Mấy tháng trời, nắng nóng hoành hành ngoài quê, ngọn cỏ ngóc đầu lên không nổi, đàn bò đã bán, ruộng gieo trồng không được, anh Đạt thất nghiệp. Nghe người trong xóm nói, mùa này Bình Dương xây dựng nhiều, anh Đạt sắm lại bộ đồ nghề để Nam tiến, mong kiếm ít đồng trang trải qua mùa này.

Kênh mương thủy lợi ở tỉnh Quảng Ngãi khô hạn nhiều tháng nay

Nhiều năm rồi, cứ đến mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất, hàng ngàn người dân Quảng Ngãi lại rời quê đi làm ăn xa. Người thì vào Nam bán hủ tíu, buôn ve chai, người thì lên Tây Nguyên hái cà phê. Nhưng có lẽ, chưa năm nào, người ta di cư nhiều như năm nay bởi mùa nắng hạn ở Quảng Ngãi đã kéo dài mấy tháng trời.

Mấy ngày qua, anh Hồ Tâm (quê ở H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) lại được cư dân ở “xóm vé” trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM dẫn đi cho rành đường sá, học nghề bán vé số. Ở quê, có mấy sào ruộng, thường thì mùa này đã vào vụ lúa hè thu nhưng năm nay nắng hạn, không có nước. Mấy sào ruộng nằm phơi mình khô khốc, anh Tâm buộc phải tìm đường vào Nam. “Sức khỏe yếu, phụ hồ không nổi nên người ta chỉ tôi làm nghề bán vé số. Vào đây làm mới mong kiếm đồng ra, đồng vô chứ ở quê bó tay rồi” - anh Tâm nói.

Ở xóm vé số anh Tâm, có năm đứa nhỏ và hai cụ già cũng mới từ Quảng Ngãi vào để… trốn nóng. Nắng nóng ở Quảng Ngãi kéo dài nhiều tháng nay, cây trồng sống không nổi đã đành, nước giếng sinh hoạt cũng cạn khô. Người dân chỉ còn cách “tháo chạy” để tìm đường sống.

Chỉ tính riêng huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã có khoảng 200 héc-ta đất ruộng bị bỏ hoang vì khô hạn

Đứng trước cánh đồng rộng hàng chục héc-ta nhưng chỉ còn một màu đất bạc trắng, lão nông Tạ Văn Mật (xã Phổ Cường, H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) như muốn bật khóc. Mọi năm, người dân Phổ Cường sống bằng hai vụ lúa, có năm còn làm được vụ thứ ba. Năm nay, nắng hạn kéo dài, ruộng chỉ làm được một vụ. Không có nước, nông dân đành bỏ mặc đất phơi mình dưới nắng. “Ngọn tre cũng bị nắng nóng thiêu khô lá thì cây gì sống nổi! Mọi năm khô hạn, không trồng lúa thì người dân trồng đậu, trồng bắp. Nhưng năm nay, nước giếng bơm cũng cạn, không cây trồng nào sống nổi” - ông Mật lắc đầu.

Ông Trần Nguyên Giang - Chủ tịch UBND xã Phổ Cường - cho biết: “Năm nay, Quảng Ngãi hứng chịu đợt nắng khắc nghiệt nhất. Mọi năm có khô hạn nhưng vẫn còn sản xuất được chứ không như bây giờ. Do nắng nóng, thiếu nước nên diện tích đất ruộng bỏ hoang rất nhiều. Có nhiều nơi trong xã, lúa đã sạ rồi nhưng do nắng nóng, thả nước không kịp nên lúa cháy, phải bỏ”.

Nắng nóng kéo dài khiến ngọn tre cũng cháy trụi lá

Ông Giang nói thêm, nhiều vùng thiếu nước uống, nước sinh hoạt nên người dân phải “tản cư mùa nóng”, tức là gia đình nào có người thân ở TP.HCM thì đưa con cháu vào đó nghỉ hè, qua mùa nóng mới về.

“Ở xã, có khoảng 50% người dân ở độ tuổi lao động vào Nam làm ăn. Cái này thành “truyền thống” rồi. Mùa này nắng nóng khắc nghiệt, người dân càng bỏ đi nhiều hơn, làng quê càng thưa vắng người hơn” - ông Giang tâm sự.

Ông Võ Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND H.Đức Phổ - cho biết, năm nay, H.Đức Phổ có khoảng 200 héc-ta đất ruộng không thể gieo sạ được. Con số này có thể tiếp tục tăng do mấy tháng nay không có mưa, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và cả nước tưới cho nông nghiệp.

Nhóm PV Miền Trung, Sơn Vinh
Kỹ thuật: Ngô Tới








No comments:

Post a Comment

View My Stats