Saturday, 22 June 2019

TRUMP, KHAMENEI & KIM JONG UN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
June 21, 2019

Không ai đoán được ông Donald Trump sắp làm gì. Ông Trump biết như vậy, và cố ý làm cho người ta thấy như vậy. Đó là chiến thuật “Lấy hư làm thực, lấy thực làm hư,” theo sách Tôn Tử.

Khi nghe tin chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rớt trong Vịnh Hormuz, ông Trump nói ngay rằng Iran đã phạm một “Lầm lẫn lớn!” Đây là một lời đe dọa rất nặng, khi một vị tổng thống Mỹ nói ra. Sau đó, ông lại nói, chắc đây là một vụ bắn lầm, ngụ ý chắc giới lãnh đạo Iran không ra lệnh nhưng thuộc cấp tự ý bắn.

Ngày hôm sau, ông Trump cho biết ông đã ra lệnh tấn công ba địa điểm ở Iran để trả đũa, nhưng sau mười phút đã quyết định thôi. Nhiều người nghĩ các hỏa tiễn sắp phát pháo hay máy bay đang trên đường tới đánh các đài radar và căn cứ phòng không ở Iran để trả đũa, nhưng sau mười phút đã được lệnh ngưng, hoặc quay trở về. Nhưng sau đó ông Trump nói rõ hơn: Ông chưa ra lệnh chuẩn bị đánh.

Ông Trump đã thành công: Không ai biết ông sẽ làm gì, sau khi gửi hai mẫu hạm và thêm 2,500 quân tới vùng Vịnh Oman và Biển Ba Tư, tất cả đều nhắm vào Iran.

Nếu chưa quen với địa lý vùng này thì quý vị có thể hình dung từ Vịnh Oman trong Ấn Độ Dương đi vào Biển Ba Tư phải qua Eo Biển Hormuz. Bên bờ phía Đông là nước Iran, phía Tây là các nước Ả Rập, trong đó nước Saudi lớn nhất. Phía Bắc là các nước Iraq và Kuwait.

Các nước Ả Rập theo phái Sun Ni, còn Iran theo phái Shi A, hai phái trong Hồi Giáo đã kình chống nhau hàng ngàn năm nay. Iraq đa số dân theo Shi A, chính phủ do quân đội Mỹ lập nên và bảo vệ; còn các đám dân quân Shi A được Iran giúp nhưng vẫn hợp tác với chính quyền. Tất cả các nước trên đều sản xuất dầu, cho nên một phần ba số dầu lửa của cả thế giới đi qua Eo Hormuz rộng mấy cây số. Nếu chiến tranh xảy ra thì giá dầu sẽ tăng vọt, kinh tế toàn cầu sẽ gặp nguy.

Vì vậy, không ai muốn chiến tranh xảy ra.

Kể cả ông Trump. Vì kinh tế suy thoái là điều bất lợi cho cuộc tranh cử sang năm của ông. Ông Trump đã muốn rút quân Mỹ ra khỏi Syria, Iraq, Afghanistan, ông không tính đem quân tới Venezuela và ông ngưng cả những cuộc tập trận lớn với Nam Hàn vì không muốn làm ông Kim Jong Un mất vui. Như vậy thì khó lôi kéo ông vào một cuộc chiến tranh với Iran.

Vậy ông Trump tính toán gì trong những hành động gần đây với Iran?

Chủ đích của ông là bắt Iran phải thương thuyết lại với Mỹ và sáu cường quốc khác để sửa đổi bản thỏa hiệp Mỹ đã đạt được năm 2015, sau khi ông Obama lôi kéo được Anh, Pháp, Đức và các đồng minh Âu Châu ngưng nhập cảng dầu lửa của Iran, bắt buộc Iran phải chấp nhận ngưng sản xuất năng lượng có thể làm bom nguyên tử.

Ông Trump đã rút ra khỏi bản thỏa hiệp, nước Mỹ cấm vận Iran lại như cũ và gia tăng các biện pháp ngăn không cho Iran xuất cảng dầu lửa. Ba nước Âu Châu và Nhật, Nga, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện thỏa hiệp 2015. Nhưng các công ty và ngân hàng của các nước này cũng bị Mỹ cấm vận nếu làm ăn với Iran, cho nên họ phải cắt đứt quan hệ, nhất là ba nước Âu Châu và Nhật. Cho nên kinh tế Iran ngày càng yếu trong gọng kìm của Mỹ.

Trong cuộc đấu giữa Trump và Khamenei hiện nay mỗi bên tìm cách tăng áp lực của mình. Trump hy vọng kinh tế Iran sẽ suy đến độ Khamenei không chịu đựng được, phải bắt lấy đề nghị gặp ông Trump cho yên thân.

Ông Trump tin rằng với áp lực cấm vận, ông sẽ buộc giới lãnh đạo Iran phải xin đàm phán, nếu không kinh tế sẽ suy sụp. Ông mở cửa trước, tuyên bố sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Giáo Chủ Ayatollah Khamenei. Như ông đã bắt tay ông Kim Jong Un sau khi vừa cấm vận kinh tế vừa dọa đánh.

Nhưng Iran khác với Bắc Hàn. Xứ này từng là trung tâm một đế quốc từ thời thượng cổ, tranh đua với các đế quốc ở Hy Lạp, Ấn Độ và Iraq. Và ông Khamenei biết có thể được Nga, Trung Cộng ủng hộ, các nước Âu Châu không muốn cắt đứt mọi quan hệ kinh tế.

Để tạo áp lực trên các nước Âu Châu, Iran đã tuyên bố sẽ ngưng không thi hành một điều trong bản thỏa hiệp năm 2015. Họ sẽ bắt đầu tinh luyện các chất tạo năng lượng nguyên tử phải ngưng sau khi ký thỏa hiệp; nhưng vẫn nói sẽ không chế tạo bom nguyên tử. Iran hứa sẽ thu lại quyết định này nếu các nước Âu Châu tiến hành một hệ thống tài chánh giúp Iran tránh bớt những tai hại do việc cấm vận của Mỹ gây ra.

Trong cuộc đấu với Iran, Mỹ dùng đòn bẩy kinh tế khiến các công ty và ngân hàng khắp thế giới phải ngưng hợp tác với các công ty và ngân hàng của Iran; nếu không sẽ bị các xí nghiệp và ngân hàng Mỹ cắt đứt liên lạc. Tất cả các giao dịch quốc tế đều dùng đồng đô la Mỹ, do đó phải đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Các nước Âu Châu có thể giúp Iran tránh ra ngoài “vòng kim cô” này nếu lập một hệ thống chỉ dùng đồng euro khi mua bán, và được Trung Cộng chấp nhận thì vòng kim cô của ông Trump sẽ bị nới lỏng. Bắc Kinh thì đã sẵn sàng nhận cho Iran thanh toán bằng đồng nguyên của họ, thu được khi Iran bán dầu cho Trung Quốc.

Iran còn những đòn bẩy khác để chống lại áp lực của Mỹ. Một là mối đe dọa làm cho Eo Biển Hormuz bị tắc nghẽn. Iran sẽ không chính thức nhúng tay nhưng có rất nhiều nhóm những đội quân của người theo phái Shi A ở khắp vùng Trung Đông có thể đánh vào quyền lợi Mỹ và đồng minh của Mỹ trong vùng. Trong thời gian qua những nhóm này, từ các nước Yemen, Syria, Lebanon và cả Iraq có thể đã tấn công vào các nhà máy lọc dầu, ống dẫn dầu và làm cháy mấy tàu chở dầu trong vùng Vịnh Oman. Mỗi biến cố đều làm cho giá dầu trên thế giới tăng lên.

Ayatollah Khamenei khác Kim Jong Un. Khi Tổng Thống Trump làm áp lực với Chủ Tịch Kim Jong Un, Bắc Hàn hoàn toàn bị cô lập, Nga không có khả năng giúp gì về kinh tế, và ngay cả Trung Cộng cũng thờ ơ vì ông Kim Jong Un tỏ ra bất phục tòng. Hiện nay ba nước Âu Châu, Nhật Bản và Nga, Trung Cộng vẫn còn tôn trọng thỏa hiệp năm 2015 với Iran. Những nước này có thể giúp Iran về ngoại giao cũng như về kinh tế.

Năm 2017 Tổng Thống Trump dọa sẽ tiêu diệt Bắc Hàn. Lãnh tụ Kim Jong Un có thể lo bị Mỹ và Nam Hàn đánh phủ đầu, bắt đầu bằng những cuộc không kích phá các kho vũ khí nguyên tử. Nhưng ông Khamenei có thể tin rằng chính phủ Mỹ sẽ không tấn công Iran một cách toàn diện, sau khi Mỹ đã rút kinh nghiệm vụ đánh Iraq. Iran phóng hỏa tiễn “địa không” trúng chiếc máy bay không người lái của Mỹ cho thấy hệ thống phòng không của họ mạnh hơn Iraq năm 2003 rất nhiều.

Cho nên trong thời gian tới Trump và Khamenei sẽ chỉ tiếp tục đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh tự kiềm chế.

Tổng Thống Trump cho biết ông ngưng không tấn công ba mục tiêu đã chọn sau khi một vị tướng báo cáo cuộc không tập đó có thể làm chết 150 người Iran. Ông Trump nói như vậy là “không cân xứng.” Nghĩa là không nên giết 150 người Iran để trả đũa vụ máy bay bị bắn không chết một người Mỹ nào!

Nhưng ông Trump không ngưng tạo áp lực. Ông đã từng cho bắn hỏa tiễn vào Syria hai lần; và sau đó lại tính rút quân khỏi Syria, các tướng lãnh Mỹ phải ngăn cản. Ông có thể tiếp tục đánh vào một số mục tiêu ỏ Iran theo lối đó, nếu bị khiêu khích.

Và Iran không dại gì khiêu khích. Bộ tư lệnh quân đội Iran còn cho biết họ đã chọn bắn chiếc máy bay không người lái của Mỹ mà tránh không bắn một chiếc máy bay chở quân cụ khác trên đó có 35 quân nhân Mỹ trong cùng thời gian đó đang bay vào không phận Iran. Họ cũng không muốn khiêu khích để bị trả đũa “cân xứng.” Hai chữ “cân xứng” có ý nghĩa. Mỗi bên đều muốn giới hạn cuộc đụng độ để không làm mất mặt bên kia khiến cho chiến tranh lớn có thể bùng nổ. (Ngô Nhân Dụng)

------------------------

XEM THÊM

Nguyễn Đạt Thịnh
June 21, 2019
Chính phủ Trump đang thông báo cho Quốc Hội biết là Iran có liên hệ với Al-Qaeda, tổ chức khủng bố đã thực hiện cuộc tấn công 9/11, gây tổn thất nặng nề cho Mỹ.

Thông báo cho Quốc Hội biết điều đó, là biện pháp chuẩn bị về mặt pháp lý, vì sau cuộc tấn công ngày 11 Tháng Chín 2001, Quốc Hội thời đó đã ban hành một đạo luật cho phép chính phủ tấn công bất cứ nước nào có liên hệ, chứa chấp, hay giúp đỡ tổ chức Al-Qaeda.

Osama Bin Laden, lãnh tụ sáng lập của Al-Qaeda đã bị giết từ ngày 2 Tháng Năm, 2011, tại Pakistan, tổ chức khủng bố đó cũng đã bị Mỹ đánh tan, nhưng đạo luật 18 năm cũ vẫn còn hiệu lực để giúp Tổng Thống Trump tấn công Iran.

Hôm Thứ Tư, 20 Tháng Sáu 2019, bị chất vấn về nghi vấn  tấn công Iran, ông Brian Hook, viên chức cao cấp ngoại giao đặc trách về Iran ngập ngừng, rồi trả lời, “Chính phủ sẽ làm mọi việc trong tinh thần tôn trọng luật pháp.”

Ý ông Hook muốn nhắc đến đạo luật A.U.M.F. (Authorization for Use of Military Force) đạo luật “cho phép sử dụng sức mạnh quân sự” đã được cả Tổng Thống Bush (con) lẫn Tổng Thống Obama khai thác, diễn dịch để tấn công những lực lượng khác như Shabab tại Somalia và Islamic State.

Giờ này đến Tổng Thống Trump sử dụng luật  A.U.M.F. để tấn công Iran, một nước Hồi Giáo Shiite tử thù của Al-Qaeda, vì tổ chức này thuộc giáo phái Sunni.

Iran và Iraq đã lâm vào một cuộc chiến tranh dài 8 năm 1980-1988 trong trận chiến tranh đó, Mỹ ủng hộ Iraq.

Ngay trong trận chiến mới đây giữa Mỹ và Iraq, tài xế lái xe bom của giáo phái này vẫn lủi xe bom vào giáo đường của giáo phái kia giết hàng trăm tín đồ vô tội.

Nghị Sĩ  Dân Chủ Tim Kaine, bang Virginia nhận định, “Hành pháp tìm mọi cách để giúp tổng thống tấn công Iran mà không cần đến quan điểm của Quốc Hội.”

Tổng thống vừa gửi thêm 2,500 quân đến vùng này tăng cường một hải lực hùng hậu thừa sức “trừng phạt” Iran bằng hỏa tiễn và hải pháo mà quân lực Iran không có khả năng chống trả; và nếu chỉ sử dụng quân lực tới mức đó, ông vẫn có thể đánh sập những cơ sở nguyên tử mà chuyên viên kiểm soát nguyên tử của Mỹ đã biết rõ từng vị trí và chi tiết bên trong.

Một tuần lễ là thời gian thừa đủ dài để Hạm Đội 5 của Mỹ san bằng mọi công trình xây dựng cơ sở, mọi tiến bộ khoa học nguyên tử của Iran.

Điều cấm kỵ duy nhất là Mỹ đừng đưa bộ binh vào chiến trường, dù chỉ đưa vào Saudi Arabia hoặc UAE (United Arab Emirates), 2 cái cạm bẫy mà Iran sẽ tìm mọi cách để lôi kéo quân Mỹ vào đó để cứu viện quân địa phương, rồi sa lầy tại đó, như Tổng Thống George W. Bush đã sa lầy.

Cách dễ nhất mà Iran sẽ làm là đốt phá những ống dẫn dầu, thả mìn, thủy lôi ngăn chặn đường chở dầu; giáo dân theo phái  Shia lên đến 15% trong tổng số 20 triệu dân Saudi, nên việc tổ chức phòng ngừa phá hoại là việc rất khó khăn, mà quân đội Mỹ không có khả năng giúp quân Saudi được.

Tuy nhiên đó chỉ là cái cạm bẫy chưa đến ngay lúc này.

Trong giai đoạn hiện tại, chính phủ còn đang giải quyết những khó  khăn pháp lý với Quốc Hội; nghị sĩ Kaine (gốc lính) tôn trọng những bí mật quân sự mà ông được biết; ông chỉ tiết lộ một điều là chính phủ cho thành viên Quốc Hội biết việc Iran chứa chấp thành phần Al-Qaeda; điều đó cần thiết để áp dụng đạo luật A.U.M.F.

Dân Biểu Dân Chủ Elissa Slotkin, bang Michigan, nguyên là một chuyên viên phân tích tin tức, làm việc với CIA lại đánh giá là những điều liên quan đến sự liên hệ giữa Al-Qaeda với viên chức Iran không đủ thuyết phục cô.

Ngoại Trưởng Pompeo cũng gốc lính và là nguyên chỉ huy trưởng CIA lại đang nỗ lực thuyết phục thành viên Quốc Hội tin là có liên hệ quan trọng giữa Iran và Al-Qaeda, trong lúc quyền Tổng Trưởng Quốc Phòng Patrick M. Shanahan xin từ chức, dù được hứa hẹn là nếu tiếp tục phục vụ chính phủ, ông sẽ trở thành tổng trưởng quốc phòng chính thức, chứ không chỉ là quyền tổng trưởng như hiện nay nữa.

Hôm Thứ Hai, 17 Tháng Năm, 2019, hai nhân viên cao cấp của Ngũ Giác Đài (ông Michael P. Mulroy, thứ trưởng đặc trách Trung Đông, cùng ông Brian Hook) và ông chánh sở tình báo quốc phòng đến Hạ Viện thuyết trình cho quý vị phụ tá của các dân biểu về những tin mật liên quan đến Iran.

Dân Biểu Dân Chủ Ted Deutch, bang Florida đặt câu hỏi, phải chăng chính phủ muốn thông báo cho Quốc Hội biết là họ sẽ căn cứ vào việc Iran có liên hệ với Al-Qaeda để khai chiến với Iran.

Câu trả lời là, “Chúng tôi luôn luôn ý thức được và tôn trọng quyền hạn của Quốc Hội, chúng tôi tuân hành mọi luật lệ.”

Sau khi nắm quyền kiểm soát Hạ Viện, đảng Dân Chủ đã thông qua một đạo luật, trong đó có phần tu chính hủy bỏ đạo luật A.U.M.F., nhưng Thượng Viện sẽ cắt bỏ phần tu chính.

Các viên chức Mỹ không tin là Iran sẽ giúp Al-Qaeda có thuận lợi để tấn công Mỹ.

Một số nghị sĩ Cộng Hòa cũng không tán thành việc tổng thống tấn công Iran; Nghị Sĩ Rand Paul, bang Kentucky, và Nghị Sĩ Mike Lee bang Utah cùng với 3 vị nghị sĩ Cộng Hòa  khác, viết thư bảo tổng thống là, “Quốc Hội không hề chấp thuận một cuộc chiến tranh với Iran, và không một đạo luật hiện hành nào cho phép Hoa Kỳ tiến hành chiến sự chống lại chính phủ Iran.”

Hy vọng phản ứng của Quốc Hội đủ minh bạch để tổng thống xét lại, không tạo ra một cuộc chiến tranh đẫm máu nữa, chỉ để nguôi giận về việc ông Sayyid Ali Hosseini Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran, nặng lời nhắn thủ tướng Nhật là ông ta không trả lời thư của Tổng Thống Trump, người mà ông ta cho là không lương thiện. (Nguyễn Đạt Thịnh)






No comments:

Post a Comment

View My Stats