Saturday, 22 June 2019

CHIẾN THUẬT 'BÃI NHIỆM' MỚI ? (Cổ-Lũy)




Cổ-Lũy
June 19, 2019

Ngày 17 Tháng Sáu, 1972, năm người Mỹ đột nhập hành dinh Trung Ương Đảng Dân Chủ tại khách sạn Watergate gồm các văn phòng lớn ở thủ đô Washington. Mục đích của họ là đặt máy ghi âm, thu hình nhằm lấy tin tức đối thủ Dân Chủ; họ thất bại hoàn toàn vì bị bắt tại trận và khám phá ra là người làm việc cho Ủy Ban Tái Cử Tổng Thống Cộng Hòa Richard Nixon. Ông Nixon tìm cách “ngăn trở công lý” che giấu “xì-căng-đan Watergate” này, đưa tới kết quả là bị bãi nhiệm hai năm sau.

Ngày 27 Tháng Bảy, 2016, ứng viên Cộng Hòa Donald Trump lên ti vi toàn quốc kêu gọi tin tặc quân báo Nga (đối thủ Hoa Kỳ), đột nhập lấy tin từ Trung Ương Đảng Dân Chủ, đối thủ Hillary Clinton và Ban Tranh Cử Dân Chủ giúp mình. Tình báo Nga sau đó cũng giúp ông Trump với những gian dối chia rẽ người Mỹ ở những thời điểm và đơn vị bầu cử ông cần để đắc cử. Ủy Ban Tranh Cử và người nhà Trump đã “liên hệ với Nga hơn 140 lần” và Tổng Thống Trump đã hơn “mười lần ngăn trở công lý” nhằm che giấu những gì xảy ra, theo điều tra của báo giới và Điều Tra Viên Đặc Biệt Robert Mueller.

Phi luân và phạm pháp thành chuyện thường 

Với bằng chứng mạnh mẽ, phía Dân Chủ với đa số ở Hạ Viện vẫn gặp khó khăn trong nỗ lực “bãi nhiệm” ông Trump, phần chính vì dư luận dân chúng chưa chín mùi. Nhằm thay đổi dư luận, Hạ Viện mở đầu những điều trần để hướng cái nhìn của dân chúng vào những điều căn bản trong báo cáo của ông Mueller về việc Nga xen vào tranh cử 2016 nhằm triệt hạ ứng viên Clinton và giúp ông Trump thắng cử, rối những che giấu sau đó của tổng thống – không khác mấy ông Nixon trước đây.

Thứ Hai trước, cựu Luật Sư Tòa Bạch Ốc John Dean, người từng âm mưu với ông Nixon và sau tố cáo ông rồi đi tù, trình bày những tương tự giữa hai ông Nixon và Trump hứa hẹn “bãi tội” cho người dưới quyền bị điều tra nếu họ không hợp tác với các công tố viên và FBI.

Ông Trump cũng nhiều lần buộc Luật Sư Tòa Bạch Ốc Donald McGahn tìm cách ảnh hưởng vào Bộ Tư Pháp dẹp bỏ ông Mueller; ông McGahn từ chối, rồi ông Trump bắt ông viết văn thư phủ nhận chuyện này để tránh dấu vết. Đây giống như ông Nixon buộc bộ trưởng và thứ trưởng Tư Pháp phải đuổi Công Tố Viên Archibald Cox; hai ông này đều từ chức để khỏi làm việc này – khác hẳn Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr hiện nay cố ý nói ngược báo cáo Mueller rằng ông Trump “không phạm tội nào.” Ông McGahn là trường hợp rõ rệt nhất trong số hơn mười bằng cớ về tổng thống ngăn trở công lý; ông đã từ chức nhưng nay bị ông Trump cấm ra điều trần.

Thứ Năm trước, dư luận báo chí và giới chính trị lại nổ bùng với tin tổng thống không biết xấu hổ về chuyện “Nga giúp mình đắc cử,” lại trơ trẽn xác định ông hoan nghênh những giúp đỡ từ nước ngoài với tin tức xấu về của ông trong tranh cử 2020.
Luật bầu cử nói rõ ngoại nhân không được giúp, và ứng viên không được xin hay nhận giúp đỡ tiền bạc, hoặc những gì có giá trị – như Nga và ông đối thủ đã làm năm 2016.
Chủ Tịch Ủy Hội Bầu Cử Ellen Weintraub nhấn mạnh đây là vi phạm nghiêm trọng.
Cựu phó giám đốc phản gián FBI nói, “Mọi cơ quan tình báo thù nghịch trên thế giới đều vểnh tai nghe… Tất cả, không chỉ Nga, Tàu hay Iran.”
Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố, “Ông không phân biệt được đúng hay sai, và đây là điều tốt nhất tôi có thể nói về ông.”
Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Adam Schiff kết luận sau xì-căng-đan “Putin giúp Trump đắc cử,” tổng thống “rành nghề mình có thể nhận giúp đỡ bất hợp pháp từ ngoại nhân mà không bị trừng phạt gì cả.”
Chủ Tịch Thượng Viện Mitch McConnell (Cộng Hòa) lại xem đây là chuyện thường, “đừng ám ảnh với bầu cử 2016 nữa.”
Bộ Tư Pháp dưới quyền ông Barr không nói một câu.
Người viết sách “The Art of the Deal” cho ông Trump, ông Tony Schwartz ghi nhận, “Ông Trump sống trong một thế giới chật hẹp và hoàn toàn phi luân… Hợp pháp và sự thật không hề có trong thế giới này.” Điều đáng sợ là những người ủng hộ và làm việc cho ông đã “bình thường hóa/ normalize” mọi gian dối, hành động phi luân và phạm pháp của ông để không lên án nhằm giữ quyền lợi của mình, và rồi bị “hủ hóa” – như phần đông người trong nội các, giới dân cử Cộng Hòa, điển hình là ông Barr, và thêm ông McConnell.

Ông McConnell, với phu nhân là Bộ Trưởng Giao Thông Elaine Chao, đã bị hủ hóa nhiều. Là chủ tịch  Thượng Viện đầy uy quyền, ông đã vâng lời tổng thống suốt hai năm qua, làm tất cả điều ông Trump muốn về bổ nhiệm viên chức liên bang cao cấp, quan tòa gồm cả Tối Cao Pháp Viện. Lý do quan trọng: Ông sẽ phải tái cử năm 2020 ở Kentucky, và hiện nay số người ủng hộ ông chỉ tới 1/3; ông cũng không thể từ chối những gì tổng thống muốn vì kinh nghiệm cho thấy ông Trump từng triệt hạ người không vừa lòng mình bằng việc đưa người cùng đảng ra tranh cử sơ bộ với hỗ trợ của tổng thống và đám cử tri trung kiên. Ông McConnell cần nhiều ủng hộ tranh cử, và “lóp-bi” là chuyện chắc ăn: Cựu Nghị Sĩ Louisiana, ông David Vitter móc nối với ông McConnell “tha cấm vận” cho một công ty của tỷ phú Nga Oleg Deripaska (đồng minh của Tổng Thống Putin và “ông chủ” của Paul Manafort, cựu chủ tịch Tranh Cử Trump, đã đi tù).

“Bỏ cấm vận” là mục tiêu cao nhất của giới tỷ phú Nga đồng minh với Putin để họ dễ làm ăn và chuyển tiền ra nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ. Hai thời tổng thống trước ông Trump, Putin đều gặp khó khăn với chuyện này.

Ngay từ đầu Ban Tranh Cử Trump đã đi lại với Nga về “bỏ cấm vận” (để đổi lấy giúp đỡ); sáu tháng đầu tại chức ông Trump cố áp lực Bộ Ngoại Giao bỏ hàng loạt cấm vận Nga nhưng bị bộ và Quốc Hội (lúc đó phía Cộng Hòa còn chưa bị hủ hóa) đồng lòng kịch liệt chống đối.

Tỷ phú Steve Mnuchin, “vua kéo nhà California” và người gây quỹ đắc lực cho ứng viên Trump, được chức bộ trưởng Ngân Khố nhờ ông McConnell, vội bỏ “cấm vận” (chắc chắn phải có tổng thống bật “đèn xanh”) để ông Deripaska được xây nhà máy nhôm $200 triệu ở Kentucky giúp dân tiểu bang có việc làm – và “mang ơn” bỏ phiếu cho ông McConnell.

Ông Vitter được việc và nhận tiền “lóp-bi” từ Deripaska; ông McConnell trả ơn bằng cách giúp phu nhân ông Vitter thành quan tòa liên bang suốt đời. Bà Elaine Chao lặng lẽ chuyển $68 triệu tiền liên bang xây cất đường xá về Kentucky giúp chồng – và giúp cả một công ty xây cất đường xá mà bà bỏ tiền đầu tư vào; mỗi khi bà lên tiếng về xây cất, giá cổ phần công ty lại vọt lên! Bà gốc Hoa và bị khám phá dàn xếp với Bộ Ngoại Giao để công ty chuyển vận của gia đình mình làm ăn lớn với Bắc Kinh. 

Đi theo tiền lệ? 

Giáo Sư Bruce Ackerman tại trường luật Đại Học Yale đề nghị Hạ Viện theo đường lối ngắn và dễ hơn bãi nhiệm: Lên án khiển trách (censure) tổng thống dựa vào những lạm dụng quyền thế – như tiền lệ thời giữa 1830, khi Tổng Thống Andrew Jackson với mục đích tốt đóng cửa một ngân hàng lớn kỳ thị nhà nghèo, nhưng dùng sai cách qua mặt Quốc Hội.

Mới hai năm, ông Trump đã có kỷ lục lạm quyền hành động xâm phạm nhiều quyền của Quốc Hội, kỳ thị tôn giáo, khinh thường tòa án, báo giới – tất cả vi phạm Hiến Pháp mà ông tuyên thệ phải tuân theo và bảo vệ. Y hệt ông Trump, ông Jackson qua mặt Quốc Hội ra lệnh cho tổng trưởng ngân khố rút tiền liên bang ra khỏi ngân hàng; ông này từ chối vì đây phạm pháp và bị cách chức. Tổng thống bổ nhiệm người khác chịu làm theo ý mình và thưởng ông này chức vụ cầm đầu Tối Cao Pháp Viện; rồi ông Jackson bị Thượng Viện làm “censure” vì lạm quyền không có trong hiến pháp.

Theo ông Ackerman, Hạ Viện phải tiếp tục điều tra vì ông Trump làm quá nhiều chuyện phi pháp, rất dễ đưa tới những bằng chứng ngăn trở công lý, như nhờ Nga giúp mình đắc cử, trốn thuế (Quốc Hội New York vừa thông qua luật ứng viên phải nộp hồ sơ thuế má), tiền “bẩn,” dùng chức vụ làm lợi cho mình khiến dân chúng và Thượng Viện phải phẫn nộ rồi đồng ý với “nghị quyết tổng thống phải ra đi.”

Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi như đi theo “censure,” giúp ít nhất sáu chủ tịch các ủy ban Hạ Viện liên tục đi thẳng tới tòa án xin lệnh buộc các nhân chứng ra điều trần, nếu không sẽ bị buộc tội “xem thường lệnh tòa,” nặng nề hơn “xem thường Hạ Viện.” Tòa liên bang vẫn được dân chúng tôn trọng hơn Quốc Hội, và đây cũng là nơi ông Trump khó xoay xở (hai tòa đã quyết định ông Trump phải nộp cho Hạ Viện hồ sơ thuế và kiểm toán tài chính). Tuy bị nhiều áp lực bãi nhiệm, trong họp riêng với giới lãnh đạo đảng bà Pelosi “muốn ông Trump vào tù hơn là bãi nhiệm.”

Nhìn về 2020 đây dễ dàng hơn: Phía Dân Chủ có thể lấy lại Tòa Bạch Ốc vì hiện năm ứng viên tổng thống đầu danh sách có triển vọng đánh bại ông Trump, với cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đạt 13% ủng hộ hơn ông Trump; thêm 22 nghị sĩ Cộng Hòa sẽ phải tái cử, với 12 người bị đe dọa lớn. Một khi rời Tòa Bạch Ốc ông Trump “sẽ bị còng tay dẫn vào tù” vì quá nhiều tội liên và tiểu bang (New York), và không còn được bảo vệ của Bộ Tư Pháp với chính sách “không buộc tội tổng thống tại chức.” (Cổ-Lũy)








No comments:

Post a Comment

View My Stats