Monday, 22 April 2019

THÁNG TƯ, CƯỜI HAY KHÓC? (Trần Mai Trung)




Trần Mai Trung
22/04/2019

Tháng Tư năm 1975, người Việt Nam phía Bắc chiến thắng người Việt Nam phía Nam. Người phương Bắc vui vẻ. Người phương Nam buồn rầu, nhưng tự an ủi là từ nay có hòa bình, anh em Việt Nam không còn bắn giết nhau.

Trong chiến tranh 1954-1975, phía Bắc không nói nhiều về hòa bình, hô hào “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” cũng tiếp tục chiến tranh ở miền Nam. Phía Nam thì nói nhiều về hòa bình, có lẽ vì chiến tranh diễn ra tại miền Nam, tàn phá chết chóc nhiều quá. Một số thanh niên “lý tưởng” ở miền Nam còn mơ mộng “nối vòng tay lớn” với người anh em phía bên kia, họ đâu biết là người CS sẽ không bắt tay với tình anh em bạn bè, đảng CS chỉ muốn lãnh đạo và ra lệnh.

Hòa bình đến khi một bên thắng và một bên thua, cuộc sum họp không có tình anh em chút nào. Hai tháng sau, hơn 200 ngàn người anh em miền Nam bị người anh em miền Bắc đưa vào các trại cải tạo tập trung, tức là tù lao động khổ sai. Nhiều người bị giam từ 5 đến 10 năm, nhiều người đã chết ở đó, có người bị giam đến 17 năm. Cuộc chiến đã chấm dứt, người CS vẫn đi theo đánh người ngã ngựa.

Hòa bình là điều mong ước của người dân miền Nam, nhưng với “bên thắng cuộc” thì nó chỉ là một chặng đường. Cuộc chiến Bắc-Nam vừa xong, họ nhìn sang Kampuchea, Thái Lan, họ muốn các nước xung quanh là cộng sản giống họ, đảng CS muốn nhân dân VN tiếp tục làm người lính tiên phong đi đánh nhau cho chủ nghĩa quốc tế vô sản. ĐCSVN sẵn sàng đi vào cuộc chiến mới.

Đảng CS xem nhân dân là vật sở hữu của mình, phải làm những gì đảng muốn. Đảng CS áp đặt chế độ độc tài đảng trị, độc quyền tuyên truyền, âm mưu biến người dân thành người máy, chỉ biết có đảng và bác, quên đi cha mẹ, ông bà, tổ tiên Việt Nam.

Không chịu nổi sự cai trị độc tài của đảng CS, hơn 2 triệu người VN đã đau lòng rời quê hương đi tị nạn ở các nước khác, hàng trăm ngàn người đã chết trên biển, nhiều người bị hải tặc Thái Lan tấn công, thật kinh hoàng.

Trong lúc hiểm nguy đó, những người da trắng không quen biết, khác màu da tiếng nói, đã đến cứu giúp người tị nạn. Còn lãnh đạo đảng CSVN, Thủ tướng Phạm văn Đồng thì đi nói xấu người tị nạn VN là trộm cướp, đĩ điếm. Ông ta là hình ảnh tiêu biểu của người cộng sản nhỏ nhen.

Cảnh diễn ra ở Đà Nẵng ngày 24/3/1975, người dân trốn chạy Cộng sản. Nguồn: Bettmann/ CORBIS

Tháng Tư lại về, bạn cười hay bạn khóc? Có người “bên thắng cuộc” đang cười vì họ đã chiến thắng, mặc dù cái giá phải trả là hàng trăm ngàn thanh niên miền Bắc phải đi đánh nhau và chết ở miền Nam. Bạn bè, đồng chí, đồng bào bị chết rất nhiều mà lại cười, đó là cái cười vô liêm sỉ. Có người “bên thắng cuộc” đang khóc, 100 ngàn thiếu nữ miền Bắc đi Thanh niên xung phong, ở trong rừng mấy năm dài, 10 ngàn TNXP đã chết trong rừng, người trở về được thì mang bệnh tật và sống cô đơn vì tuổi xuân thì đã qua.

Bên thua cuộc thì buồn hơn, ngày “giải phóng” cũng là ngày 200 ngàn người đi vào tù, người Việt Nam bị phân biệt làm nhiều hạng khác nhau. Đang sống bình thường thì bây giờ thiếu ăn, đang có tự do thì bây giờ phải nói theo ý đảng. Nếp sống đạo đức bị phá tan hoang, thay thế bằng giáo điều cộng sản. Người tị nạn VN thì mang nỗi buồn xa xứ, ngày 30 tháng Tư là lý do phải rời quê hương, là một ngày buồn.

Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối

Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương

Cả nước đã quy về một mối

Một mối hận thù, một mối đau thương!

Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường

Đảng tới là tan nát cả!

(Thơ Nguyễn Chí Thiện)

Người phương Nam đã không chiến đấu đến cùng để bảo vệ tự do, nhân phẩm, cơm áo của mình và nếp sống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Cái giá của hòa bình quá đắt.






No comments:

Post a Comment

View My Stats