Saturday, 6 April 2019

SỰ ĐỚN HÈN CÓ TỪ BAO GIỜ? (Nguyễn Ngọc Chu)





Một sĩ quan công an giao thông liều mạng lao lên đầu xe, bám vào gương xe, quyết không từ bỏ người sai phạm luật giao thông, phải trừng trị bằng được kẻ phạm luật, dẫu lỗi vi phạm rất nhỏ nhưng hành động lại nguy hiểm đến tính mạng, mà vẫn liều chết.

Ngược lại, là hình ảnh viên trung tá công an chứng kiến cảnh một nam thanh niên quật ngã người con gái, dùng kéo đâm nhiều lần, không phải vô ý mà cố tình cướp đi mạng sống, vậy mà viên sĩ quan công an không lăn xả vào cứu giúp, lại đứng xa sợ chết, cầm điện thoại gọi người khác đến mạo hiểm thay mình.

Nghĩ đến hoàn cảnh tuyệt vọng của cô gái, không chỉ trong giây lát, mà trong nhiều phút, thân phận nữ nhi yếu đuối phải tự mình chống chọi lại quỷ dữ, dãy dụa trước mắt cánh đàn ông mà không ai cứu giúp, thảm cảnh đến không cùng. Nếu biến thành ma, ma chắc chắn không thể tha thứ cho những kẻ đớn hèn tội lỗi.

Điều nêu trên không phải cá biệt. Hàng ngày chúng ta chứng kiến sự vô cảm bàng quang của đám đông trước bạo lực ngang trái diễn ra trước mắt. Dẫu đó là một nhóm nữ sinh vây đánh xé áo quần một nữ sinh, dẫu đó là một người bắt nạt một người, hay dẫu đó là một đoàn người đến phá phách nhà cửa của một nhóm người, tất cả xung quanh không ai dám cất lên một lời phản kháng, chứ đừng mong đến hành động cứu giúp.

Nhưng khi mà người đại diện pháp luật như viên công an kia trương mắt nhìn tội phạm giết người diễn ra mà không hành động, thì không phải là vô cảm hay bàng quang, mà là đớn hèn và tội lỗi.

Từ bao giờ xuất hiện sự đớn hèn đến tội lỗi này?

Từ khi chúng ta có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự đớn hèn đến tội lỗi của viên công an kia không phải là điều nguy hiểm nhất. Dẫu sao đó cũng là sự đớn hèn của người Việt trước người Việt. Mất chỉ một sinh mạng.

Nguy hiểm nhất là sự đớn hèn của người Việt trước giặc ngoại xâm. Mất không chỉ một mạng người, mà mất cả một đất nước.

Khi mà đớn hèn thành dịch bệnh huỷ hoại toàn xã hội thì sự đớn hèn nội quốc sẽ bước qua biên giới trở thành sự đớn hèn trước ngoại quốc.








No comments:

Post a Comment

View My Stats