Wednesday, 10 April 2019

NHỮNG ĐỨA CON CỦA MẸ (Nguyễn Lân Thắng)





Trong bài viết trước, “Con phải tự đứng lên” tôi đã trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình về việc nuôi dạy trẻ trước các vấn đề của xã hội. Tôi rất xúc động và xin được cảm ơn mọi người, vì đã nhận được sự chia sẻ và đồng cảm rất lớn từ những bậc cha mẹ rất bình thường, vốn không phải là người hoạt động xã hội, hay cũng không phải là người thường hay lên tiếng trước các bất công.

Trước đây, tôi cũng là người rất bình thường như quý vị, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, an phận học hành rồi đi làm. Nhưng rồi đột nhiên năm 2011, tôi tham gia vào các đợt biểu tình chống Trung Quốc, và sau đó tôi dấn sâu vào các hoạt động bảo vệ quyền con người, như quyền tư hữu ruộng đất, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng và bất công xã hội…

Cả hệ thống an ninh và truyền thông nhà nước từng rất nhiều lần khủng bố và tuyên truyền rằng tôi là phản động, là chống phá chính quyền nhân dân, là bôi nhọ nhà nước, là xuyên tạc lịch sử, là thằng con bất hiếu…

Có quá nhiều cái nhãn được gắn lên tên tuổi của tôi, nên tôi hiểu mỗi khi tôi nói hay viết đâu đó trên facebook, nhiều người thường theo dõi một cách đầy cảnh giác và thận trọng. Nhiều người vào đọc và dù có thể đồng ý nhưng không dám bấm vào nút like. Có người đồng cảm, nhưng lại nhắn nhủ riêng: không làm được gì đâu bạn ơi, làm gì phải cẩn thận nhé, bạn làm đúng đấy nhưng chúng tôi nhỏ bé quá, chúng tôi luôn ở sau lưng bạn…
Rất nhiều năm tôi đã được nghe những điệp khúc như vậy. Tại sao những lời tôi nói thì khá nhiều người đồng tình, nhưng không mấy ai dám hưởng ứng? Đó là một điều mà tôi vẫn đang trăn trở trong nhiều năm qua.

Chính vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ bàn về các vấn đề xã hội của Việt Nam và thái độ của công dân cần phải có trước những chuyện xã hội. Bạn cho rằng đâu là vấn đề chính của chúng ta hiện nay? Ô nhiễm môi trường, cướp đất của dân, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, mất tự do ngôn luận, mất tự do hội họp, mất quyền biểu tình và phản kháng bất công, mất chủ quyền biển đảo, nợ công tăng cao… có quá nhiều vấn đề bủa vây chúng ta bao lâu nay, nhưng tôi cho rằng: KHÔNG, đó là những chuyện nghiêm trọng, nhưng chưa phải là vấn đề chính của Việt Nam hiện nay.

Vấn đề chính của Việt Nam theo tôi đó là, chúng ta quen hành xử như là nạn nhân. Việt Nam là đất nước của các nạn nhân. Không phải chỉ mới đây thôi, từ xa xưa trong lịch sử chúng ta đã coi mình là nạn nhân của giặc phương Bắc, là nạn nhân của thực dân Pháp, là nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu.

Ai cũng tự coi mình như là nạn nhân, và hành xử với tư cách là nạn nhân. Nạn nhân thì phải chạy trốn. Đó là vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta hiện nay. Nếu chúng ta, mỗi người thôi phản ứng với các vấn đề xã hội trong tư cách nạn nhân, đất nước sẽ thay đổi. Xã hội sẽ trở thành một môi trường tích cực, với các công dân có trách nhiệm, và rồi nhất định Việt Nam sẽ phải khác đi.

Hãy kiên nhẫn để tôi tiếp tục phân tích nhé. Có 4 cấp độ phản ứng của con người trước các bất công, từ mức yếu nhất đến mạnh nhất.

Ở mức đầu tiên, phản ứng nhẹ nhất, là phủ nhận và lãnh cảm. Việt Nam hiện nay có rất nhiều người chọn cách phủ nhận tình cảnh mà chúng ta đang trải qua. Họ muốn được tiếp tục sống một cách bình yên, quên mọi thứ đi mà sống, cho dù điều kiện sống đó thật ra rất lạ lùng, không bình thường chút nào.

Giống như một người đang bị cảm cúm. Nhiều người muốn giả vờ như Việt Nam đang bị cảm cúm, rồi bệnh sẽ qua thôi. Nhưng thực ra không phải vậy. Với các vấn nạn xã hội ngày càng trầm trọng, tôi có thể nói rằng Việt Nam đang bị ung thư. Và nếu không chữa trị thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ chết.

Chúng ta đang cần xã hội Việt Nam thay đổi. Từ những người thờ ơ và phủ nhận bệnh tật, chúng ta cần cả một xã hội thừa nhận vấn đề, và chuyển đến một cấp độ phản ứng thứ hai, đó là sự sợ hãi. Sự sợ hãi không phải là điều tích cực lắm, nhưng còn tốt hơn là phủ nhận hay thờ ơ, vì sợ hãi sẽ thôi thúc chúng ta hành động. Tại sao sợ hãi khiến chúng ta hành động, nếu muốn bàn sâu về vấn đề này, tôi đã từng có bài viết “Khi nỗi đau đủ lớn”, các bạn có thể tìm đọc lại.

Rất nhiều người Việt Nam đang sợ hãi, và thể hiện nỗi sợ đó ra ngoài. Ra đường, chúng ta phải bịt khẩu trang. Đi chợ, chúng ta phải cố sức tìm mua thực phẩm sạch. Con cái học hành, chúng ta tìm mọi cách để chúng đi du học. Bệnh viện, chúng ta tìm mọi cách lo lót và nhờ vả. Công quyền, chúng ta tìm cách đút lót để cho xong chuyện còn làm ăn.

Đây là phản ứng rất bình thường của con người trước các vấn đề, để mong đổi lấy bình an. Nhưng có một điều là, khi mọi người càng co lại, phản ứng chống đỡ thụ động và thể hiện sự sợ hãi như một nạn nhân, thì cái ác càng lộng hành và ngang nhiên tồn tại như là một kẻ làm chủ xã hội. Đó là một cái vòng luẩn quẩn diễn ra nhiều năm nay ở Việt Nam.

Chúng ta sợ. Ai cũng sợ. Và rồi tất cả cứ thế co lại trong đời sống cá nhân, âm thầm nhịn nhục tự giải quyết vấn đề của mình và ôm nỗi sợ đến chết.

Không được. Chúng ta cần thay đổi. Chúng ta cần những con người chuyển từ sợ hãi sang hành động, dám lên tiếng và đối mặt với các vấn đề chung. Chỉ khi những con người nhỏ bé đang co mình trong nhà quay trở lại xã hội, chiếm lĩnh các mặt trận và đấu tranh ở những nơi mà bất công xã hội đang hoành hành, lúc đó cái ác cái xấu mới bị đẩy lùi.

Đã có một số người hành động như vậy, tôi là một trong số họ. Nhưng nhiều người hành động với sự giận dữ. Chúng ta đi từ sợ hãi đến giận dữ. Chúng ta nói: “Tôi không thể chịu đựng được nữa. Hãy làm gì đó đi”. Và rồi đã có nhiều người hành động. Nhưng rồi có nhiều người đi tù, bất kể họ có hành vi ôn hoà hay bạo lực hay không.

Phản ứng bạo lực chính là cấp độ phản ứng thứ 3 mà tôi đang muốn đề cập ở đây. Theo thông tin báo chí đưa thì năm 2018 Việt Nam đang giam cầm 246 người chỉ vì tham gia các hoạt động xã hội, trong đó riêng năm 2018 bắt giữ 27 người, nhiều người phải bỏ chạy khỏi đất nước.

Năm 2019 trôi qua gần nửa năm và tình hình bắt giữ những người hoạt động không hề giảm đi. Chính bản thân tôi cũng đang ở trong diện có nguy cơ cao, có thể bị bỏ tù bất cứ lúc nào. Điều đó có đáng sợ không? Bắt những người lên tiếng ôn hoà ngày càng nhiều, thực ra chính nhà nước đang chứng tỏ mình ngày càng tuyệt vọng chống đỡ, và nó sẵn sàng bất chấp công lý, vơ lấy luật pháp về mình, để lấy đó làm công cụ chống lại xã hội, chống lại nhân dân.

Đáng tiếc là trong những người hoạt động xã hội, có những người lựa chọn cách hành động bạo lực. Phản kháng bằng bạo lực của cá nhân thực ra đang là tấm bình phong, giúp nguỵ trang và che mờ đi bạo lực của nhà nước, mà sức mạnh của nhà nước thì luôn tuyệt đối thắng thế trước sức mạnh của mỗi nhóm đơn lẻ nào trong xã hội.

Nếu bây giờ tôi đấm vào mặt bạn, bạn đấm lại tôi. Đó là bạn đang nguỵ trang cho cho hành động bạo lực của tôi. Bạn đấm vào mặt công quyền thì hậu quả sẽ càng tai hại hơn, vì họ sẽ càng có cớ để sử dụng bạo lực với danh nghĩa vì trật tự xã hội, vì bình yên cuộc sống. Vì thế cách thức phản ứng của công dân với những vấn đề xã hội rất quan trọng, và chúng ta cần hướng những người đang phản ứng theo cách thứ 3 này chuyển lên cách thứ 4, đó là phản ứng phi bạo lực.

Hành động phi bạo lực là những hành động mang tính hoà bình, được cân nhắc thận trọng mà không hề bị động. Nó rất dũng cảm, không khoan nhượng, rất hiệu quả mà không hề bạo lực. Thực tế ở Việt Nam trong giới đấu tranh có những ví dụ rất rõ nét về chuyện này. Trong các cuộc biểu tình từ những năm 2011, rồi 2012, 2013, 2014,…2018, nhiều người bị bắt giữ trái phép về đồn công an, uỷ ban nhân dân phường, thậm chí cả trại phục hồi nhân phẩm để khủng bố.

Đám đông người biểu tình đã tìm cách tập hợp, gọi cả người nhà người bị bắt và đến trước các nơi giữ người để hỏi người, đòi thăm gặp, đòi mang nước uống đồ ăn, đòi đảm bảo quyền có luật sư khi làm việc với cơ quan công quyền. Tất cả diễn ra trong ôn hoà, nhưng rất cương quyết. Họ nhanh chóng tạo ra một thông điệp ngầm với cơ quan nơi bắt giữ rằng: “Hãy bắt cả chúng tôi nếu người bên trong có làm gì sai, bởi chúng tôi cũng hành động như vậy. Chúng tôi sẵn sàng đợi ở đây cho các người bắt. Còn không thì hãy thả người ra ngay“.
Có những trận họ đã phải ngồi đó rất lâu đến tận nửa đêm, và với số lượng ngày càng đông. Những trường hợp này rất nhanh sau đó, người bị tạm giữ được thả ra trong ngày, và không chịu thêm nhiều sự khủng bố so với khi nếu không có ai hành động. Đó là một ví dụ đắt giá về tính hiệu quả của cách thức phản ứng phi bạo lực.

Dĩ nhiên là cơ quan công quyền có thể trả thù. Nhiều người sau đó bị khủng bố tại gia, bị đổ sơn, bị ném mắm tôm, bị an ninh điều tra và ngăn chặn tại cổng mỗi khi có chuyện gì lớn. Nhiều người còn bị cài bẫy trong các sự việc khác không liên quan, với mục đích để tống họ vào tù.

Có người dừng lại. Có người chạy đi tị nạn. Nhưng vẫn có rất nhiều người dũng cảm. Họ tan vào đám đông, lách ra chỗ khác, tạo dựng một cuộc chơi mới, với những con người mới. Hàng ngàn người hành động như vậy thì Việt Nam sẽ trở thành một đất nước khác hẳn.
Và thực tế thì bây giờ xin nói với các bạn rằng: họ vẫn đang ở ngoài kia, đang giơ tay lên, đang đòi hỏi sự phản ứng của cộng đồng, từ những việc nhỏ nhất như đi nhặt rác, lên tiếng chống nạn ấu dâm và bạo hành phụ nữ… cho đến những việc như chống BOT bẩn, chống cướp đất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chống nước mắm hoá chất, chống gian lận tuyển sinh, chống lạm thu trong trường học…

Tôi có một thời gian sống đủ lâu, đi đủ nhiều để rất yêu đất nước này, tổ quốc này, dù nó đang bị tàn phá từng ngày. Và tôi thấy rằng kể cả những bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam cũng không khó để yêu mảnh đất này. Nào những tà áo dài thướt tha, những cánh đồng quê hiền hoà, những cành hoa nở trắng núi rừng… không ở đâu sánh được với Việt Nam về lòng hiếu khách, về vẻ đẹp của sông núi, về những bí mật còn tiềm ẩn chưa được khám phá ra.

Và tôi biết đó không phải chỉ là cảm giác của riêng mình. Hãy nhìn lại cảm giác vỡ oà của cả nước trước chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Sự tận tuỵ hết lòng và sự nhường cơm sẻ áo của mọi người mỗi khi có lũ lụt thiên tai. Tình cảm nồng nàn khi chúng ta cất lên tiếng hát, những lời về quê hương, về bạn bè, và về mẹ. Tất cả điều đó nói lên rằng vẫn còn nhiều người yêu tổ quốc, yêu đất nước này và sẵn sàng hi sinh vì lẽ đó.

Với người Việt Nam chúng ta có lẽ sự xúc phạm lớn nhất là động đến mẹ của mình. Việt Nam là đất mẹ của tất cả chúng ta. Chúng ta đang đi qua giai đoạn tối tăm nhất của lịch sử, khi mà mẹ của chúng ta bị bạo hành ngay trước mắt những đứa con. Mẹ Việt Nam đang đau. Mẹ Việt Nam của chúng ta đang chờ đợi. Mẹ đợi những đứa con được sinh ra trên mảnh đất này hành động. Những đứa con của bà đâu?

Chúng ta sẽ làm gì? Kẻ thù của đất nước này đang hoành hành, đang đầu độc, đang tàn phá hết thảy những gì được coi là quý giá, là thiêng liêng của quốc gia. Nhân danh tự do, nhân danh độc lập, chúng bóc lột nhân dân và tàn phá đất nước mà không mang lại hạnh phúc cho ai.

Một trăm năm trước, cụ Phan Chu Trinh đã nhìn thấy được cảnh “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng dân vẫn làm nô lệ) mà đáng tiếc rằng bây giờ thực tế vẫn chưa thay đổi được. Vì vậy chúng ta cần những con người Việt Nam, đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ em… những người yêu tổ quốc, hãy nắm tay nhau để sẵn sàng hành động một cách khôn ngoan, nhằm thay đổi đất nước này.

Có thể ai đó còn hành động nóng nảy, vội vàng hoặc bỏ cuộc. Nhưng xin đừng trách họ. Hãy yêu thương và thông cảm với họ và động viên nhau thật nhiều. Vì nếu không hành động thì chắc chắn những gì tốt đẹp nhất, trân quý nhất của đất nước sẽ vĩnh viễn mất đi trên thế giới này.

Yêu thương tất cả.








No comments:

Post a Comment

View My Stats