Saturday, 20 April 2019

KHÁC BIỆT GIỮA BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM & BÁO CHÍ THẾ GIỚI (RFA)





RFA
2019-04-19

Trong hội nghị các hãng thông tấn Châu Á - Thái Bình Dương (OANA) vào ngày 19/4 với chủ đề ‘Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo’, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu cho biết OANA đang cung cấp 2/3 lượng thông tin toàn cầu, khẳng định vai trò kiểm chứng thông tin và mang lại niềm tin của công chúng với báo chí chính thống.

Nhận xét về phát biểu vừa nêu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Đặng Vỹ, một cựu nhà báo ở Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm cho rằng với ông, không có khái niệm báo chính thống hay không chính thống, mà thực chất báo chí chỉ có nhiệm vụ là phải truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, đúng nguyện vọng người dân đến với bạn đọc. Còn tính chính thống chỉ do nhà cầm quyền tự đặt ra, tự phong cho mình là cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, nhà báo Đặng Vỹ cũng cho rằng con số 2/3 lượng thông tin mà Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đưa ra hoàn toàn không có cơ sở:

“2/3 là con số không được kiểm chứng, mà đến giờ phút này bạn đọc chờ đợi thông tin từ mạng xã hội nhiều hơn. Bạn đọc chỉ chờ đợi thông tin ở báo chính thống để xác tín thông tin, chứ mạng xã hội đã đưa tin trước rồi.”

Tình trạng thông tin trên báo chí Nhà nước chậm trễ hơn mạng xã hội cũng là một nội dung chính trong hội nghị lần này. Vẫn theo lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện tại có hơn 4 tỷ người sử dụng Internet trên toàn thế giới, trong đó hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Vì thế, báo chí và truyền thông phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ mạng xã hội. Do đó, ông cho rằng các cơ quan truyền thông vừa phải đảm bảo duy trì những nguyên tắc cơ bản của báo chí, vừa phải kịp thời tự làm mới để không bị tụt lại phía sau.

Trái ngược với phát biểu này, anh H., một phóng viên 13 năm kinh nghiệm làm cho Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang công tác tại Hoa Kỳ cho biết trong thực tế, những nguyên tắc báo chí không được áp dụng tại Việt Nam:

“Báo chí cộng sản đi ngược lại hoàn toàn với tiêu chí báo chí thế giới nói chung. Báo chí cộng sản là sự kiểm duyệt với nhiều tầng lớp kiểm duyệt khác nhau như cấp phòng, cấp ban, thậm chí là cấp giám đốc, tổng biên tập.”

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) vào ngày 18/4 có ra thông cáo báo chí với nội dung ‘Tự do báo chí châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính trị’.

Theo RSF, những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn chế tự do báo chí trong khu vực này bao gồm tình trạng chính phủ kiểm duyệt gắt gao và tự kiểm duyệt ngày càng nhiều; quấy rối trên mạng và thông tin sai lệch khiến nền dân chủ và tự do báo chí bị xói mòn.

Xác nhận những thực trạng này trong môi trường báo chí nội địa, anh N., một người từng hơn 10 năm làm báo ở Việt Nam, hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ trả lời qua email cho RFA biết:

“Viết báo trong nước trước tiên phải viết đúng chủ trương đường lối, đúng định hướng chỉ đạo, chủ yếu nêu những mặt tích cực của cuộc sống, để ủng hộ chính quyền. Ở trong nước báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng nên phải đưa tin phục vụ cho đảng, nhà nước trước, sau đó mới đến dân. Nếu không đưa tin theo chỉ đạo, hoặc theo đúng định hướng, nhà báo sẽ bị nhắc nhở, khiển trách, kỷ luật, hoặc tù tội. Nói tóm lại, ở Việt Nam không có tự do báo chí.”

Còn theo anh H., phóng viên, nhà báo ở Việt Nam có tâm huyết muốn đi tìm sự thật để đưa đến cho độc giả là thật sự rất khó khăn vì dưới sự kiểm duyệt gắt gao như vậy, sau một thời gian dài làm việc trong môi trường như thế thì tự phóng viên sẽ có ý thức tự kiểm duyệt chính bản thân mình khi làm bất cứ nội dung gì :

“Tự kiểm duyệt tức là ví dụ như làm vấn đề gì thì phải biết là vấn đề đó có được đề cập và được lên mặt báo hay không, bạn biết trước rồi. Nếu bạn biết nó không được lên mặt báo và sẽ bị kiểm duyệt gắt gao thì lúc đấy bạn tự khắc nản chí và cũng không muốn làm nữa.”

Ngoài ra, anh H. còn cho biết thêm thông tin về ‘thế lực phía sau’ của những tòa soạn, nhà đài:
“Khi bạn được điều động đi thực hiện phóng sự nào đấy mà báo chí trong nước vẫn gọi là ‘đánh’ một nhân vật cấp cao như thứ trưởng hoặc bộ trưởng, hay những nhân vật của tập đoàn lớn như Vingroup hay Sungroup, bạn cũng tự hiểu là lãnh đạo của mình đã có sự yểm trợ của một lực lượng đủ mạnh phía sau lưng mới dám đưa ra quyết định yêu cầu bạn làm phóng sự đánh những nhân vật và tập đoàn quan trọng như vậy.”

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, tình hình báo chí trong nước xưa nay vẫn được đánh giá là theo đường lối tuyên truyền, định hướng.

Trong Bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF, Việt Nam hiện đứng hạng 176 trong danh sách 180 nước.

Do đó, dẫu biết so sánh môi trường báo chí giữa Việt Nam và các nước khác là khập khiễng, nhưng nhà báo H. vẫn cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa dân chủ và cộng sản trong báo chí ở Việt Nam và Mỹ :

“Khi mới tiếp xúc và làm báo bên này tôi cũng thật sự thấy sung sướng bởi vì báo chí ở đây chỉ đi tìm sự thật và duy nhất sự thật mà thôi để đưa đến cho khán giả và độc giả của mình.”

-------------------

Tin, bài liên quan







No comments:

Post a Comment

View My Stats