Friday, 2 February 2018

BẢN TIN TỐI 2/2/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOV có bài phỏng vấn: Học giả Mỹ có sáng kiến mới về bảo vệ Biển Đông. Bài viết dẫn lời ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, Trung tâm CSIS, phân tích Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông: “Về mặt chính trị, đây là một kế hoạch hoàn toàn khả thi, bởi bản kế hoạch này bỏ ngoài những yếu tố tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc các bên có yêu sách chủ quyền tham gia vào kế hoạch cũng như đồng ý các nội dung trong bản kế hoạch không đồng nghĩa họ thỏa hiệp với nhau”.

Ông Gregory Poling bàn thêm về vai trò của Ấn Độ trong tiến trình duy trì hòa bình trên Biển Đông: “Tôi cho rằng Ấn độ đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng vai trò của Ấn độ cũng sẽ hạn chế bởi vì Ấn độ khó lòng tham dự những hoạt động có tính chất quan trọng ở Biển Đông, ví dụ như tập trận”.

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Indonesia sẽ hối thúc ASEAN kết thúc đàm phán về COC. Theo thông tin từ báo Jakarta Globe, hôm qua, ông Chandra Yudha, Vụ trưởng phụ trách hợp tác chính trị và an ninh ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, “cho biết Jakarta sẽ hối thúc ASEAN ký kết một hiệp ước dẫn độ khu vực trong năm nay và kết thúc các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) tại hội nghị ngoại giao dự kiến diễn ra ở Singapore vào tháng này”.

Trung Quốc có thể vừa củng cố khí tài trên một tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đông: Bắt mạch bức ảnh Trung Quốc chĩa súng điện từ trên tàu Haiyangshan, theo báo Người Lao Động. Bài viết bàn về những bức ảnh trên mạng xã hội thể hiện khả năng Trung Quốc đã lắp được súng điện từ cho “tàu Haiyangshan hoạt động trong Hạm đội Biển Đông của PLAN. Con tàu đã thực hiện ít nhất một chuyến đi sau khi được sửa đổi”.

Bức ảnh cho thấy Trung Quốc lắp súng điện từ trên tàu Haiyangshan. Ảnh: Twitter/NLĐ


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Thanh Niên Công Giáo viết: Cậy gần nhà xã vượt mặt huyện và tỉnh. Bài báo cho biết: “Trong khi nhà cầm quyền sở tại không làm lại cho người dân nơi đây một con đường sạch đẹp để đi lại, thì Linh mục Cao Dương Đông đã vạch ra một công trình nhằm thuận tiện cho việc đi lại”. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không vừa lòng và đã cho an ninh, dân phòng đến phá hoại con đường này.

Tác giả chia sẻ: “Khi mà công trình đạt điểm hoàn thành, thì giới cầm quyền huyện, tỉnh không biết từ động lực nào, mà vào khoảng 8h, ngày 02/02/2018 đã huy động lực lượng tới ngang ngược, lấy số đông nhằm đập phá con đường của người dân đi”.

Chính quyền xã Liên Trạch cử người xuống phá đường ở Giáo xứ Thanh Thủy. Ảnh: FB Điểm Martyr Vincent/FB Thanh Niên Công Giáo.


Công an “nhân dân”
Báo Một Thế Giới đưa tin: TPHCM: Một nhóm người ngang nhiên cưỡng chế ngôi nhà đang tranh chấp. Đó là căn nhà số 6/28 đường Tân Hóa, “đang đợi phán quyết của Tòa án”,  nhưng lại có nhóm người “hiên ngang xông vào đánh đuổi người dân đang sinh sống, đập phá căn nhà”. Bài viết lưu ý về một số dấu hiệu cho thấy công an địa phương đang tiếp tay cho “lực lượng cưỡng chế” trái phép này. Hai người chỉ huy nhóm côn đồ còn có thể “tác động được một cách trực tiếp đối với các công an tại địa phương”.

Tác giả cho biết: “Khi bị nhóm người xông vào áp chế, gia đình chị Mai đã trình báo đến nhiều cơ quan chức năng để tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ nhưng chính cách xử lý của các cơ quan này lại khiến gia đình rơi vào ‘hố tuyệt vọng’.”

“Nhóm người này còn canh giữ 24/24 không cho ai vào bên trong” thì công an địa phương xem như không có chuyện gì. Đến khi gia đình này mời LS đến hỗ trợ, thì… “công an lại yêu cầu người nhà ra khỏi nhà và lập biên bản vi phạm về cư trú đối với Luật sư Hoàng Anh”.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh do Trung tá công an Lê Hoàng Dũng ký. Ảnh: MTG

Trang Pháp Luật Việt Nam bàn về những mắt xích “bảo kê” xe vua, xe quá tải chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương? Theo bài viết, “nhiều người dân và cánh tài xế xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng, đất đá, cát sỏi trên địa bàn tỉnh Hải Dương liên tục phản ánh thời gian gần đây có rất nhiều xe tải mang logo ‘TT’ có dấu hiệu cơi lới thùng xe, chở quá tải ngang nhiên hoạt động trên các tuyến đường huyết mạch” nhờ sự tiếp tay của cán bộ ngành GTVT và công an.

Tác giả lưu ý người có biệt danh “S. cơ động”: “Theo một ‘cò’ trao đổi, ‘S. cơ động’ tên thật là Nguyễn Văn S. hiện đang công tác tại lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Hải Dương và đang được phân công tăng cường, phối hợp với Tổ đặc biệt của PC67, đi tuần tra, kiểm soát các tuyến địa bàn”. Nhờ sự giúp sức của “S. cơ động”, các xe chở quá tải mang logo “TT” có thể “hoạt động được thuận lợi”.  

“S. cơ động” khẳng định khi doanh nghiệp gặp khó khăn gì sẽ đứng ra xử lý. Ảnh: PLVN


“Đầy tớ của nhân dân”
Báo Đất Việt đưa tin: Biệt phủ khủng của nguyên lãnh đạo huyện: ‘Không thiếu loại gì’. Bài viết bàn về “biệt phủ khủng và nhiều nhà đất” của ông Trần Ngọc Quang, cựu Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ông Quang cho biết: “Việc điều tra xác minh này có gì đâu mà tôi phải lo ngại, mà lo ngại cái gì. Nguồn gốc đất đai và việc xây dựng như nào tôi có giấy tờ đầy đủ, không thiếu loại gì”.

Tác giả chia sẻ: “Ông Quang làm căn nhà gỗ này mất 3 năm. Nhóm thợ gỗ miền Trung đã về thị trấn Ea Súp làm ròng rã 3 năm mới xong. Trong nhà, ông Quang bày trí bộ bàn ghế rất to. Ông cho biết, trị giá bộ bàn ghế là một tỷ đồng”.

Một tỷ đồng là cả gia tài đối với dân thường, nhưng “chỉ” đủ mua một bộ bàn ghế trong “nhà” của một cựu Chủ tịch huyện. Đấy là nghịch lý vẫn tồn tại trong một thể chế thường tuyên truyền: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”.

Đường bêtông trên kênh chính Tây vừa qua cổng “biệt phủ” của cựu chủ tịch UBND huyện Ea Súp thì hết vốn. Ảnh: TT


Vũ “nhôm” và chính trường Đà Nẵng
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Nguyên thư kí ông Xuân Anh nhận uỷ quyền nhà Vũ ‘nhôm’. Theo đó, Vũ “nhôm” không chỉ “tặng xe biển số xanh 43A-299.99 hiệu Toyota Avalon Limited và giao hai nhà 45-47 Nguyễn Thái Học cho ông Nguyễn Xuân Anh (cựu Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng) sử dụng” màcòn “uỷ quyền nhà số 51 Nguyễn Thái Học cho ông Hồ Ánh”, người từng làm thư ký cho ông Nguyễn Xuân Anh.

Bài báo cho biết: “Tháng 12-2013, ông Phan Văn Anh Vũ và vợ đã làm hợp đồng uỷ quyền cho ông Hồ Ánh cùng vợ quản lý sử dụng lô đất và tải sản gắn liền với đất tại thửa số 15, tờ bản đồ số 21 địa chỉ 51 Nguyễn Thái Học (phường Hải Châu 1, quận Hải châu, TP Đà Nẵng)”.

Hợp đồng uỷ quyền của ông Vũ “nhôm” cho ông Hồ Ánh. Ảnh: PLTP


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng
Trong phiên xử sáng nay, đại diện VKS cho rằng: Đủ căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm Tham ô tài sản, theo báo Một Thế Giới. Tuy nhiên, VKS không thực hiện được đề nghị thực nghiệm đưa 14 tỉ vào vali, mà chỉ dựa vào “căn cứ lời khai của các bị cáo tài tòa”. Theo đó, các “đồng chí” của Thanh khai rằng: “Trịnh Xuân Thanh đã nhận và chuyển vali tiền vào trong nhà. Sau đó Đinh Mạnh Thắng yêu cầu Trịnh Xuân Thanh trả lại tiền theo yêu cầu của Thái Kiều Hương”.

Đáp lại VKS, Trịnh Xuân Thanh khẳng định: ‘Bị cáo không có một tí tội nào trong vụ án này’, báo Thanh Niên đưa tin. Bài báo cho biết: “Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục nêu quan điểm ‘thất vọng” vì cả lời luận tội lẫn đối đáp của Viện Kiểm sát nhân dân mang tính chất quy kết”. Ông Thanh nói thêm: “Bị cáo không có một tí tội nào trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân đưa ra các bằng chứng vu vơ để buộc bị cáo nhận một cái án chung thân rất vô lý”.

Trang VietNamNet bàn về vụ Xử Trịnh Xuân Thanh: ‘Ai cũng chối tội, bị cáo giúp sức cho ai?’ Bài viết lưu ý “điểm chung” trong lập luận của các bị cáo“Bây giờ thì ai cũng chối tội”. Theo đó: bị cáo Đào Duy Phong khẳng định “cầm 10 tỷ không có động cơ cá nhân”, bị cáo Đinh Mạnh Thắng nói: “Bị cáo không phải là người chủ động tham gia vào việc tác động đến Trịnh Xuân Thanh”,  bị cáo Thái Kiều Hương “mong được xem xét lại cáo buộc”.

Thông Tấn Xã Việt Nam có video khẳng định: Đủ cơ sở để truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh tội tham ô tài sản.
                         https://www.youtube.com/watch?v=C7VCiTB4IOo


Các “quả đấm thép”
Trang An Ninh Tiền Tệ có bài: ‘Vận đen’ kéo lợi nhuận của PVX giảm thê thảm. Bài báo cho biết: Lỗ lũy kế cuối năm 2017 của PVX “đã nâng lên 3,278 tỷ đồng, sắp ‘đuổi kịp’ vốn góp của chủ sở hữu là 4,000 tỷ đồng. Riêng trong quý 4, PVX đã lỗ tới 325 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 193 tỷ của cùng kỳ 2016”.

PVX đạt được “thành quả’ này còn nhờ “công lao” của các dự án nhiệt điện: “Chi phí quản lý tại dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 từ đầu dự án chưa kết chuyển; chi phí một số hạng mục tại dự án này chưa có đầu thu, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án NMNĐ Quảng Trạch 1, công nợ phải thu được đánh giá khó có khả năng thu hồi”.

Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo về “hiệu quả” gây ô nhiễm của nhiệt điện than, nhưng quan chức CSVN quyết đổi môi trường lấy dự án, kết quả là “mất cả chì lẫn chài”.

Thập niên trước, ngành dầu khí và điện lực là hai trong số các “quả đấm thép” được hy vọng sẽ tạo nên “kỳ tích” về kinh tế. Hôm nay, trang VnMedia đặt câu hỏi: Vì sao ngành điện và dầu khí khó thu hút đầu tư nước ngoài? Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giải thích rằng cả giá dầu và giá điện hiện nay đều không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài:

“Doanh nghiệp luôn tính toán đến lợi nhuận khi đầu tư nhưng giá dầu khí hiện nay chưa khuyến khích… Hiện giá điện là do Chính phủ quyết định và sau một thời gian dài mới quyết định tăng 6,5% hồi đầu tháng 12/2017”.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Dừng dự án muối Kali nghìn tỷ: Ai chịu trách nhiệm? Theo thông tin từ trang web của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), “đây là một dự án có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10 nghìn tỷ đồng)”. TS Lưu Bích Hồ, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, chia sẻ: “Tôi biết đến dự án này từ cách đây 10 năm. Đáng lẽ đến giờ dự án đã sắp phải đi vào hoạt động, có những sản phẩm đầu tiên mới đúng”.

Tác giả bình luận: “Ở Việt Nam hay có chuyện, các Tập đoàn khi thuyết trình dự án để được phê duyệt thường đưa ra các viễn cảnh rất tuyệt vời, dự án trên có lẽ cũng giống như dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ”. “Thành quả” của hai dự án lớn này là sự lãng phí hàng nghìn tỷ được “hợp thức hóa”.

Thêm dự án “nghìn tỷ” trở thành vô dụng: Đạm Ninh Bình: ‘Nhà nước không cho tiền, Tập đoàn không có tiền, nhà máy khó khăn, không biết dùng tiền nào’, theo trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam. Bài viết dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ:

“Nhà nước yêu cầu xử lý nhưng lại cũng yêu cầu không dùng tiền ngân sách để xử lý thì không biết phải dùng tiền nào. Hiện nay Tập đoàn Hóa chất đang rất khó khăn mà Đạm Ninh Bình cũng chỉ là một thành viên của Tập đoàn thôi”.

Hiện trạng 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương. Ảnh: TT


Đất nước thời “tận thu”
Báo Công An Nhân Dân đưa tin: Bộ Tài chính đề xuất mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, “Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi với quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội”. Nói cách khác, các quan chức CSVN muốn thúc đẩy lộ trình “tận thu” của dân, nhưng vẫn chú ý diễn giải theo hướng “vừa đánh, vừa xoa”, dù thực tế họ chỉ “đánh” chứ chẳng “xoa”.

Bài báo cho biết thêm về lộ mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập cá nhân: “Thực hiện mở rộng cơ sở thu thuế thông qua việc bổ sung quy định thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyển sử dụng tài nguyên internet theo quy định của Luật Viễn thông thuộc đối tượng chịu thuế”.




Giáo dục Việt Nam: thêm gánh nặng, thêm “giáo sư”
Cô giáo Phan Tuyết viết: Chương trình mới sẽ khiến trẻ em phải đi học thêm từ 4-5 tuổi. Trong bài có đoạn bàn về gánh nặng của những đứa trẻ lên 5: “Độ tuổi này chủ yếu đang vui chơi, ca hát. Thế nhưng vào lớp 1, ngay từ đầu năm, các em đã phải vùi đầu vào học đủ các môn học như các anh chị khối 3, 4. Khá nhiều giáo viên dạy lớp 1 than rằng, mỗi ngày buộc các em học một âm vần, vừa đọc thuộc vừa viết vài trang vở là quá sức”.

Cô Tuyết đặt câu hỏi về bản chất của chương trình “cải cách” giáo dục bậc tiểu học: “Hình như các nhà biên soạn chương trình đã lấy chuẩn kiến thức của học sinh lớp 2 ở chương trình hiện hành lắp vào cho học sinh lớp 1 trong chương trình mới để thấy được cái ‘đổi mới’ hay sao?”

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Oái oăm chương trình dạy trò lại đem “thực nghiệm” trên thầy. Tác giả chia sẻ về “quy trình” của các tiết “thực nghiệm” giáo dục ở Việt Nam: “Tiết dạy phải đi đầy đủ các bước mà giáo viên quen gọi là quy trình, từ ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, nhận xét, tuyên dương, đặt câu hỏi, trả lời, nhận xét, bổ sung…Có điều, học sinh lại chính là những giáo viên đang đi học tập huấn. Giáo viên được cử đứng lớp hôm ấy vẫn phải xem giáo viên ngồi dưới là học sinh”.

Trang Zing đặt câu hỏi: Vì sao số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng 60%? Bài viết dẫn lời GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, lý giải: “Thời hạn nộp hồ sơ dài hơn nên số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng tới 1.537 hồ sơ. Trong đó, 151 ứng viên giáo sư và hơn 1.300 ứng cử phó giáo sư. Đồng thời, số lượng đăng ký đầu vào cũng cao hơn”.

Ông Nhung khẳng định: “Chất lượng của giáo sư, phó giáo sư được đảm bảo”, chủ yếu dựa vào tiêu chí: “Số lượng công bố quốc tế, giảng viên trực tiếp giảng dạy, khả năng giao tiếp tiếng Anh tăng, số thành viên là nữ và nằm ngoài Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong sự mong muốn”.


Bộ trưởng Kim Tiến đạt chuẩn giáo sư năm 2017
Trang VietNamNet đưa tin: Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đạt chuẩn giáo sư năm 2017. Có lẽ nhờ những sự cố nghiêm trọng xảy ra trong ngành Y năm 2017 như: 8 người tử vong khi chạy thận ở Hòa Bình, 4 trẻ sinh non tử vong do sốc nhiễm khuẩn, vụ công ty VN Pharma nhận 9.300 hộp thuốc H-Capita giả, hay dịch sốt xuất huyết tấn công, rồi Bộ trưởng Kim Tiến đi diệt lăng quăng, nên bà Kim Tiến đạt chuẩn giáo sư?

Nhà báo Huy Đức bình luận: “Một ‘Fulbrighter’, làm tiến sỹ ở Mỹ về nước giảng dạy đại học gần 20 năm nay vẫn chỉ là giáo viên. Anh trả lời câu hỏi sao không ‘làm’ giáo sư của tôi, ‘Tôi không hợp với cái thước của người ta và không có năng lực để đáp ứng các nhu cầu của các thành viên hội đồng’. Anh nói thêm, ‘Thầy giáo là ở trong tim người học chứ đâu ở tờ giấy mà mấy người không đủ tư cách trao cho’.”


***

Tin thế giới

Con trai trưởng của Fidel Castro tự sát
Truyền thông Cuba đưa tin, con trai trưởng của Fidel Castro là Fidel Ángel Castro Díaz-Balart, thường được gọi là Fidelito, đã tự tử chết ở Havana sáng nay, thọ 68 tuổi. Fidelito tự tử vì bệnh trầm cảm nặng. Ông là một nhà vật lý hạt nhân, được đào tạo ở Liên Xô cũ. Ông là cố vấn khoa học của Hội đồng nhà nước Cuba và giữ chức vụ phó chủ tịch Học viện Khoa học Cuba trước khi qua đời.

Fidelito là người con duy nhất của Fidel Castro và bà Mirta Díaz-Balart. Bà là một trong hai người phụ nữ kết hôn với Fidel Castro. Họ kết hôn năm 1948, bảy năm sau thì ly dị. Fidel Ángel Castro Díaz-Balart là đứa con duy nhất của hai người.

Sau khi ly dị, bà Díaz-Balart sống cùng gia đình ở Florida (Mỹ). Fidel Castro không cho bà quyền nuôi con. Lúc còn bé, cậu con trai đi thăm bố ở Mexico và đã bị bố bắt cóc mang về Cuba. Sau này, thỉnh thoảng bà Díaz-Balart có qua Cuba thăm con, nhờ sự sắp xếp của ông chú Raul Castro.

Bà Díaz-Balart chính là cô ruột của ông Mario Díaz-Balart, dân biểu Mỹ, bang Florida, và là cô của cựu dân biểu Lincoln Diaz-Balart, cũng là nhà hoạt động nhân quyền ở Florida. Hai người này chống Fidel Castro và chính quyền độc tài Cuba. Bà Díaz-Balart cũng là cô ruột của ông Jose Diaz-Balart, là một nhà báo và là người dẫn chương trình của đài truyền hình NBC, phụ trách chương trình NBC Nightly News và MSNBC Live.


Gene Sharp qua đời
đưa tin, ông Gene Sharp qua đời ở tuổi 90. Gene Sharp, giáo sư khoa học chính trị Mỹ và là cha đẻ của tư tưởng cách mạng bất bạo động, đã làm thay đổi thế giới hiện đại. Ông Sharp được cho là người đứng đằng sau cuộc lật đổ chính phủ Ai Cập bằng phương pháp bất bạo động. Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng: Từ độc tài đến dân chủ.

TC Luật Khoa có bài: Gene Sharp: một đời dành trọn cho đấu tranh phi bạo lực. Bài viết có đoạn: “Cốt lõi tư tưởng của Sharp về đấu tranh phi bạo lực là, ông luôn tin rằng quyền lực của người dân có thể đánh bại những kẻ độc tài, thúc đẩy những người lãnh đạo cuộc phản kháng đối mặt với nỗi sợ và bạo lực, bởi những kẻ áp bức sẽ chẳng thể nào cai trị nếu không được người dân ủng hộ“.

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Mỹ: một nhà ngoại giao kỳ cựu từ chức. Thomas Shannon, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, là một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm, xếp hàng thứ ba trong Bộ Ngoại giao, đã loan báo từ chức sau gần 35 năm phục vụ trong ngành ngoại giao. Ông Shannon đã từng giữ quyền Ngoại trưởng 12 ngày hồi năm ngoái, trong khi chờ ông Rex Tillerson nhận chức Bộ trưởng.

Ngoại trưởng Tillerson cho rằng sự ra đi của ông Shannon là một mất mát đối với Bộ Ngoại giao. Ông Tillerson ca ngợi ông Shannon là một cuốn “bách khoa tự điển” về ngoại giao, ông nói: “35 năm kinh nghiệm không phải là chuyện có thể thay thế một sớm một chiều… Tom Shannon luôn luôn ở trong lòng mọi người tại Bộ Ngoại giao”.

Vụ từ chức của ông Shannon theo sau hàng loạt các vụ ra đi của các viên chức cao cấp chuyên nghiệp, đã phải rời Bộ Ngoại giao kể từ khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc. Trong tuần này đã có hai nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ tuyên bố từ chức, đó là ông Andrew McCabe, Phó Giám đốc FBI, từ chức ba ngày trước và hôm nay là ông Thomas Shannon, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.


***


***

***

***

***








No comments:

Post a Comment

View My Stats