Wednesday, 28 February 2018

NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG : GIẢI PHÁP NÀO CHO VÙNG AN TOÀN CỦA THỔ NHI KỲ? (Đào Văn Bình)




28/02/201810:59:00

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

Một nhóm trẻ vị thành niên tiến hành một cuộc biểu tình “nằm dài” bên ngoài Tòa Bạch Ốc ngày 19/2/2018 để bày tỏ sự hỗ trợ cho những nạn nhân của cuộc thảm sát tại trường trung học ở Florida và đòi hỏi Tổng Thống Donald Trump phải có hành động để kiểm soát súng ống. Các học sinh thuộc nhóm “Vị Thành Niên Đấu Tranh Cho Sự Cải Tổ Luật Súng Đạn” (Teens for Gun Reform) thay nhau nằm dài trong ba phút là hình ảnh tượng trưng cho thấy hung thủ Nikolas Cruz có thể trong ba phút đã mua được súng đạn mà y đã dùng trong cuộc thảm sát.
            Trong khi đó Hiệp Hội Các Tâm Lý Gia đã đưa ra bản tuyên bố nói rằng xin ngừng ngay việc gán ghép các vụ thảm sát cho bệnh tâm thần để chống lại một số người trong đó có Tổng Thống Donald Trump trên Twiiter đã nói rằng cần phải chống lại vấn đề khó khăn là bệnh tâm thần đã gây ra những cuộc thảm sát.
            Hiện nay Ô. Trump đang ở vào tình thế khó khăn. Nếu ông ban hành lệnh cấm hay hạn chế việc mua súng, ông sẽ đi ngược lại cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa và đi ngược lại quyền lợi của Hội Súng Đạn Hoa Kỳ (NRA) đã góp tiền cho ông trong cuộc tranh cử vừa qua. Còn nếu ông không làm gì hết, chắc chắn uy tín của ông sẽ sút giảm, không  phải nơi Đảng Dân Chủ mà ngay cả nơi cử tri Cộng Hòa muốn bảo vệ mạng sống của người dân và của chính họ vì súng đạn được mua bán tự do và bừa bãi quá mức. Một trẻ vị thành niên 19 tuổi làm sao có thể mua được một khẩu súng AR-15 dùng trên chiến trường và mua để làm gì? Có phải vì “tâm thần” nên cần mua những thứ giết người hàng loạt này để trị bệnh tâm thần chăng?
            Rồi vào ngày 20/2/2018, một học sinh Lớp 7 đã tự sát bằng cách bắn vào đầu mình trong phòng vệ sinh của Trường Memorial Middle Township, Ohio. Không hiểu cậu học sinh này “buồn tình đời” cái gì mà tự sát như vậy? Và súng lấy ở đâu ra? Thống kê mới nhất cho biết 70 % dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc hạn chế súng đạn. Trước áp lực của công luận, Thành Phố Dallas, Texas đã yêu cầu Hội Súng Đạn Hoa Kỳ tìm nơi khác để tổ chức đại hội thường niên dù quyết định này làm thiệt hại thành phố 40 triệu Mỹ Kim. Các công ty lớn như United, Delta, Hertz và MetLife cũng đã tuyên bố cắt đứt liên hệ với Hiệp Hội Súng Đạn Hoa Kỳ. Ngày hôm nay  27/2/2018, Tiểu Bang Rhod Island ban hành quyết định tuyệt đối cấm những người có thể nguy hại tới an ninh công cộng được mua hay giữ súng. Các Tiểu Bang Connecticut, California, Washington, Oregon và  Indiana cũng có những hành động tương tự.
            Hiện nay cuộc tranh luận về kiểm soát súng trở nên sôi động, hai phe cố lôi kéo các nhà lập pháp, giới điện ảnh và các nhà hoạt động chính trị. Học sinh hăng hái tham gia chiến dịch vận đông cấm súng đạn  chưa từng có trước đây. Ô. Michael Moore – một nhà làm phim và hoạt động chính trị đã gọi Hiệp Hội Súng Đạn Hoa Kỳ là tổ chức khủng bố. Lời chỉ trích này hơi quá! NRA không phải là tổ chức khủng bố nhưng họ dùng tiền bạc để “bịt miệng” tổng thống, các ông dân biểu, thượng nghị sĩ để không ra được ra đạo luật kiểm soát nghiêm ngặt súng đạn hầu bảo vệ mạng sống của người dân vô tội…họ đang trở thành đồng lõa với tội phạm.

- Fox News ngày 23/2/2018: “Hai y tá và một người trợ giúp đã bị truy tố về cái chết của một bệnh nhân già yếu vốn là cựu chiến binh thời Đệ II Thế Chiến. Cụ James Dempsey đã chết sau khi kêu gọi y tá cấp cứu. Gia đình của cụ Dempsey đã gắn một máy thu hình trong phòng của người quá cố tại Northeast Atlanta Heath and Rehabilition Center và đã ghi được hình ảnh đêm ông cụ chết. Băng thu hình ảnh cho thấy cựu chiến binh hải quân được tặng thưởng huy chương đã kêu gọi cấp cứu vì không sao thở được. Hình cũng cho thấy các y tá đã không tiến hành thủ tục cứu cấp mà lại còn cười khi họ bắt đầu gắn máy bơm dưỡng khí. Đài truyền hình WXIA-TV tường trình rằng cánh sát Brookhaven đã tiến hành cuộc điều tra và ngày 21/2/2018 bồi thẩm đoàn đã quyết định truy tố.
         Việc chăm sóc bệnh nhân là nhiệm vụ của bác sĩ và y tá chứ không phải là ân huệ bởi vì bác sĩ và y tá cũng như bệnh viện sống nhờ bệnh nhân. Tắc trách, lơ là trong nhiệm vụ khiến tổn thương đến sinh mạng người ta. Chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân không giống như chăm sóc một chiếc xe. Chiếc xe hỏng còn đền bù được. Người chết thì không thể thay thế bằng người khác. Do đó trách nhiệm và lương tâm của y tá, bác sĩ phải đặt lên hàng đầu và không thể có bất kỳ sự miễn trừ hoặc biện minh nào.
       Song cũng có thể đây là biểu hiện của sự nhàm chán trong công việc. Làm y tá, bác sĩ trong các viện dưỡng lão ngày nào cũng chứng kiến cảnh người chết, người rên la cấp cứu…thét rồi coi như  chuyện bình thường, không còn xúc động gì nữa., cho nên cười nói cho quên đi thực tế chẳng mấy vui…nghĩ cũng tội nghiệp. Ôi, Sinh-Lão-Bệnh-Tử gắn chặt với kiếp người! Ai cũng khổ cả!

- ABC News ngày 25/2/2018: “Cựu ứng cử viên tổng thống John Kasich- Thống Đốc Tiểu Bang Ohio, trong một cuộc phỏng vấn với ABC News nói rằng không một đảng nào có thể đáp ứng được những quan tâm và nhu cầu của người dân và ông tin rằng người ta đang chứng kiến ngày tàn của thể chế lưỡng đảng.”
     Tôi không biết liệu một đảng thứ ba có thể ra đời ở Mỹ, ngang cơ với hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ  không? Nhưng chắc chắn hệ thống lưỡng đảng -gần một thế kỷ qua- được ca ngợi như là tuyệt vời, là giấc mơ của thế giới Á-Phi và Châu Mỹ La-tinh- đang trở thành thảm họa chia rẽ trong dân chúng và làm tê liệt chính quyền. Người ta cứ tưởng rằng với hệ thống lưỡng đảng - thì hai đảng sẽ thay phiên nhau lãnh đạo đất nước một cách hòa thuận và nhịp nhàng. Không! Đảng nào cũng muốn “muôn năm trường trị”, vì quyền lợi của đảng mình, vì quyền lợi của các tập đoàn tư bản và không lý gì đến quyền lợi của đất nước, đấu đá nhau kịch liệt từ khu vực, quận hạt, thành phố, tiểu bang tới liên bang làm tê liệt chính quyền. Khi các chính trị gia đấu đá nhau như thế thì quần chúng ngơ ngác, chia rẽ nảy sinh.       Hiện nay ở nước Mỹ, cùng là công dân với nhau, cùng nổi trôi theo vận nước, cùng sống trên một quê hương, nhưng nhìn người khác đảng như kẻ thù vậy!
       Điều này cũng dễ hiểu. Trong một gia đình nếu người vợ nói gì, chồng cũng nghe. Hoặc người chồng nói gì vợ cũng nghe…thì gia đình hòa thuận. Ngược lại, nếu hai vợ chồng ngang cơ, tài sản bằng nhau, có quyền tự do và tranh cãi tay đôi…thì nguy cơ đâm chém nhau đã gần kề, may mắn lắm là đưa nhau ra tòa.
       Ôi, đạo Trời thật huyền vi, không có cái gì vĩnh viễn cả! Ở thời kỳ “ăn lông ở lỗ”  người ta trần truồng như loài thú. Rồi văn minh từ từ thấy xấu hổ bèn tìm lá rồi quần áo để che giấu thân hình. Nhưng ngày nay: Thị trấn cởi truồng, bãi tắm cởi truồng, câu lạc bộ cởi truồng đang là trào lưu “giải phóng tư tưởng” của xã hội Tây Phương. Rồi đây Đông Phương như Việt, Miên, Lào, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan …tưởng hay cũng sẽ bắt chước theo. Ô hô!
Lò cừ nung nấu sự đời.
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương! (Cung Oán Ngâm Khúc)
 
Tình hình thế giới:

            - AP ngày 18/2/2018: “ Thủ Tướng Do Thái Netanyahu nói rằng hỏa hiệp hạt nhân đã khuyến khích Tehran trở nên hung hăng hơn ở Trung Đông và ông cảnh cáo Ba Tư không nên thử thách ý chí của Do Thái khi ông khoe rằng việc bắn rơi máy bay không người lái của Ba Tư là một bằng chứng. Và nếu Hoa Kỳ xé bỏ thỏa hiệp hạt nhân 2015 mà ông chống đối thì Ba Tư cũng chẳng làm được gì cả. Nhưng Ngoại Trưởng Ba Tư Mohammad Zarif, xuất hiện sau đó hai giờ cùng Diễn Đàn An Ninh Munich đã tấn công ngược lại và cho rằng nhận định của Ô. Netanyahu chỉ là ảo tưởng. Và rằng nếu quyền lợi của Ba Tư không được bảo đảm Ba Tư sẽ phản ứng, sẽ phản ứng một cách nghiêm túc. Và ông tin rằng phản ứng đó sẽ khiến kẻ có hành động sai lầm lấy làm hối tiếc.” Vào ngày 20/2/2018, Ba Tư đưa ra lời cảnh báo dữ dội là sẽ san bằng Tel Aviv nếu Do Thái thực hiện lời đe dọa mới đây.
            Do Thái lúc nào cũng muốn Hoa Kỳ hủy bỏ thỏa hiệp hạt nhân và gia tăng cấm vận khiến Ba Tư phải quỳ gối và không còn khả năng gây nguy hại cho Do Thái về lâu về dài. Nhưng hành động này bị sáu cường quốc ký tên vào thỏa hiệp phản đối cho nên Tổng Thống Donald Trump còn đang lưỡng lự. Không biết Do Thái có dám đơn phương mở cuộc chiến với Ba Tư hay không? Tuần qua, một phi cơ F-16 của Do Thái đã bị phòng không Syria bắn rơi trong khi đang thực hiện cuộc oanh kích bên trong lãnh thổ Syria. Hiện nay Ô. Netanyahu đang phải đối đầu với cáo buộc tham nhũng và gian lận ở trong nước.

- Fox News ngày 19/2/2018: “Thủ Tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã dùng thông điệp quốc dân hằng năm để mạnh mẽ chống lại di dân, cảnh cáo những chính quyền Âu Châu đã mở đường cho sự suy thoái của nền văn hóa Thiên Chúa Giáo và gia tăng ảnh hưởng/văn hóa Hồi Giáo. Ô. Orban- người tin rằng sẽ đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba trong cuộc bầu cử vào Tháng Tư này, đã gợi lên hình ảnh của Tây Âu bị chiếm lĩnh bởi người Hồi Giáo khi nói rằng người Đức đang bị đẩy khỏi những thành phố lớn khi di dân Hồi Giáo trước hết là chiếm ngụ các thành phố lớn. (Có thể là vì công ăn việc làm) Chúng tôi là những người tin rằng hy vọng cuối cùng chính là Thiên Chúa Giáo. Nếu nhiều triệu người trẻ được phép di chuyển về phía bắc, áp lực lớn sẽ đè nặng lên Âu Châu. Nếu cứ như vậy tiếp tục, tại những thành phố lớn người Hồi Giáo sẽ chiếm đa số và Hung Gia Lợi sẽ là mặt trận cuối cùng để chống lại việc “Hồi Giáo Hóa”Âu Châu.
       Ông Orban lo ngại là phải. Lịch sử chứng tỏ rằng một nước bị nô lệ hay có ngoại bang đóng quân và ngày nay là di dân ồ ạt - sẽ làm thay đổi bản sắc dân tộc. Mà muốn thay đổi bản sắc dân tộc thì không gì nhanh chóng cho bằng cải đạo. Khác tôn giáo là khác tất cả.  
         Vì Âu Châu là các quốc gia tôn trọng dân chủ. Họ lên án, cấm vận, lật đổ các quốc gia không dân chủ. Cho nên, dù  thế nào đi nữa, dù mất cả tôn giáo hay bản sắc dân tộc…họ vẫn phải tôn trọng dân chủ. Khi mà tại các thành phố ở Âu Châu người Hồi Giáo chiếm đa số, qua tiến trình dân chủ bầu cử, lãnh đạo chính quyền sẽ về tay người Hồi Giáo. Khi người Hồi Giáo nắm được chính quyền thì chúng ta có thể tưởng tượng ra những luật lệ gì được ban hành, những gì phải tuân theo, những gì bị cấm đoán. Người Hồi Giáo không cần đổ một giọt máu mà có thể “chiếm lĩnh” Âu Châu…để trả thù cho sự tủi nhục đã bị Âu Châu đô hộ, chia cắt, đem Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo vào nước họ từ những thế kỷ trước.
       Nghĩ cho cùng âu cũng là “Nhân-Quả”. Anh tôn thờ dân chủ, sẽ có ngày chết vì dân chủ. Cứ thử chiêm nghiệm mà xem. Cho nên có thể chỉ là “lý sự cùn” khi nói rằng sách lược tối hảo vẫn là : Khi nào dân chủ thì dân chủ. Khi nào độc tài thì cần độc tài và độc tài tới nơi tới chốn. Đông Phương có thể làm điều này nhưng Tây Phương thì không thể làm được vì họ theo chính sách “đường một chiều” tức thấy đúng thì “cứ thế mà làm”. Nhưng đạo Trời rất huyền vi. Lý thuyết đúng ở thế kỷ này nhưng có thể sai ở thế kỷ sau cho nên cần phải uyển chuyển cho hợp với thời thế vì Đạo Trời không đứng yên một chỗ mà chuyển dịch không ngừng. Chỉ có Thời Gian là vĩnh viễn, ngoài ra tất cả đều biến chuyển rồi diệt mất. Đó luật Thành-Trụ-Hoại- Diệt.

- FoxNews ngày 20/2/2018: “Tổng Thống Poroshenko của Ukraina vừa ký ban hành đạo luật thu hồi/thống nhất lãnh thổ ở phía đông đang bị lực lượng ly khai do Nga yểm trợ chiếm giữ. Đạo luật được thông qua tháng rồi xác định vùng Donetsk và Luhansk là vùng tạm thời bị chiếm đóng bởi quốc gia xâm lược Nga. Đạo luật vạch kế hoạch sử dụng binh lực để lấy lại những vùng đất này. Cuộc khủng hoảng tại miền đông nổ ra sau khi Nga thôn tính Crimea và cuộc chiến khiến hơn 10,000 người chết kể từ sau Tháng 4, 2014. Dù đã có Thỏa Hiệp Minsk ký kết năm 2015 để mưu tìm hòa bình nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn.”
     Theo tôi, đạo luật này giống như thoa “thuốc dán” hay sức “dầu cù-là” để chữa bệnh ung thư, không ngoài mục đích thỏa mãn lòng căm tức hơn là thực tiễn. Nhìn lại lịch sử, cho tới năm 2014, Ukraina sống yên lành và nguyên vẹn dưới sự cai trị của Tổng Thống Yanukovych. Thế rồi dưới sự đạo diễn của NATO và CIA, phe cực hữu tiến hành một cuộc biểu tình khổng lồ lật đổ chế độ để gia nhập NATO và Ô. Yanukovych phải lưu vong qua Nga. Sau đó thì sao? Mất tiêu Crimea và hai vùng Donetsk và Luhansk ly khai rồi trưng cầu dân ý đòi độc lập rồi sẽ sát nhập vào Nga. Tội làm “mất nước” này là do phe quốc gia cực hữu Ukraina chứ không phải do dân Ukraine. Họ không hiểu rằng Ukraina là vùng trái độn, vùng an toàn của Nga. Nó giống như Mễ Tây Cơ hay Gia Nã Đại của Mỹ. Nếu Mỹ bằng mọi giá phải giữ yên Mexico và Gia Nã Đại thì Nga cũng sẽ bằng mọi giá đánh tan hoặc chia cắt Ukraina chứ không chịu để NATO đem quân áp sát biên giới của mình. Lãnh đạo đất nước mà không thông hiểu “thiên văn, địa lý” tức không biết quốc gia mình nằm ở đâu, láng giềng mình là ai và đất nước mình có phải là trọng điểm chiến lược mà các siêu cường tranh giành, dòm ngó - để hình thành sách lược ngoại giao đúng- thì sẽ là thảm họa, là kẻ phản quốc chứ không phải yêu nước. Yêu nước mà để đất nước tan nát là kẻ đại phản quốc.   
        Lãnh đạo lớn là biết “an dân và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ” đúng như lời dạy bất hủ của Nguyễn Trãi “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Dân có yên ổn mới sống hạnh phúc và đất nước mới phát triển. Trong đạo “kinh bang tế thế” không thể có thương-ghét mà phải đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia lên trên hết. Có những quốc gia rất xấu mình thù “thâm căn cố đế” nhưng vẫn phải bang giao. Nhưng có những quốc gia rất dễ thương nhưng mình vẫn phải xa lánh nếu thấy bất lợi. Lãnh đạo đất nước, đối với dân thì hiền như Bụt, nhưng đối với ngoại bang thì phải mắt mở to ra và phải có thủ đoạn nếu không thì “không có cháo mà ăn”. Xin nhớ cho, bang giao là một trong những sách lược để giữ nước. Bang giao ngu đần, đất nước tan nát. Bang giao khôn khéo, đất nước vững như bàn thạch.

-AP ngày 22/2/2018: “Một cựu chiến binh Nam Tư đã quăng một trái lựu đạn vào khuôn viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại thủ đô của Montenegro rồi sau đó tự sát. Cựu chiến binh này đã từng chiến đấu trong lực lượng phòng không trong thời kỳ NATO oanh kích Serbia và Montenegro năm 1999 dưới thời Tổng Thống Bill Clinton.”

-Fox News ngày 23/2/2018: “Quốc Hội Miến Điện vừa chấp thuận ngân sách 15 triệu Mỹ Kim để xây hàng rào và những dự án liên hệ dọc theo biên giới với Bangladesh tại bang Rakhine, nơi mà khoảng 700,000 người Hồi Giáo bị ngược đãi Rohingya đã bỏ trốn từ cuộc bạo động Tháng 8 năm ngoái. Trong tổng số 293 km chiều dài, đã hoàn tất được 202 km.”
            Ô. Trump đòi xây tường ở biên giới với Mễ Tây Cơ để ngăn người nhập lậu từ Nam Mỹ. Phe đối lập Căm Bốt đòi xây tường ở biên giới Việt-Miên. Nay Miến Điện xây hàng rào. Thế là khắp  nơi đều xây tường, xây hàng rào cho “chắc ăn”. Không biết rồi đây dân tỵ nạn Rohingya đang tạm cư tại Bangladesh làm cách nào để trở về Miến Điện đây? Tình hình thế giới mỗi lúc mỗi rắc rối, và đời sống mỗi khó khăn hơn.

-Huffington Post ngày 25/2/2018: “Tổng Thống Mễ Tây Cơ Nieto đã hủy bỏ chuyến công du Hoa Kỳ sau cuộc điện đàm gay gắt với Tổng Thống Donald Trump về việc ai phải trả tiền xây tường ở biên giới.”
     Theo thiển ý, là tổng thống thì không nên gây gổ, bất cứ trong trường hợp nào. Vào ngày 15/2/2008, Ô. Bush Con bị ném giày vào mặt trong cuộc họp báo tại Thủ Đô Baghdad mà vẫn nhũn nhặn. Có lẽ hai Ô. Trump và Nieto là hai “ông Trương Phi” cho nên không ông nào nhịn ông nào. Thật đáng buồn, khi mà hai bên là láng giềng nương tựa vào nhau, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Tình hình Trung Đông:

-The National Interest ngày 19/2/2018: Trong một bài báo nhan đề: Li-băng- Một Tiền Đồn Mới Của Nga Ở Trung Đông? (Lebanon: Russia's New Outpost in the Middle East?) đã viết, “Sau khi đạt được căn cứ hải quân và không quân ở Syria, nay Nga đang dòm ngó tới Li-băng. Thủ Tướng Medvedev vừa ra lệnh cho bộ quốc phòng tìm kiếm một hợp tác quân sự với Li-băng. Mạc Tư Khoa mong muốn các hải cảng của Li-băng mở cửa cho các tàu chiến Nga thăm viếng và các phi trường sẽ là điểm tiếp vận cho phi cơ chiến đấu Nga. Thỏa thuận (nếu có) sẽ bao gồm một loạt những hoạt động như thao diễn, hợp tác chống khủng bố và Nga sẽ huấn luyệnquân đội Li-băng.” Bài báo cũng đưa câu hỏi, “ Hoa Kỳ và Do Thái nghĩ sao?”
Nếu đạt được một thỏa hiệp như thế thì Nga sẽ tạo được “thế chân vạc” cho hải quân và không quân của mình tại Địa Trung Hải, một vị trí chiến lược để triển khai sức mạnh quân sự tại vùng Trung Đông là khu vực gần như bất khả xâm phạm của Mỹ từ Đệ II Thế Chiến. Li-băng có khuynh hướng thân Syria và là kẻ thù của Do Thái. Nếu Li-băng đi với Mỹ thì muôn đời Li-băng cũng sẽ yếu hèn. Còn đi với Nga thì may ra Li-băng mới có cơ hội “nói chuyện thẳng thắn” với Do Thái. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng và rất ngờ nhưng cốt lõi vẫn xoay quanh cái trục “quyền lợi đất nước là tối thượng” giống như lời nói của Ô. Trump “Nước Mỹ Trước Đã”.

-Olivier Knox ngày 22/2/2018: “Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng Tổng Thống Donald Trump có tất cả thẩm quyền cần thiết để lưu giữ lính Mỹ vĩnh viễn tại Syria. Bức thư liên bộ cảnh cáo rằng Hoa Kỳ giành quyền tấn công để bảo vệ đồng minh chống lại Nhà Nước Hồi Giáo - như vậy là ngầm cho thấy sẽ  có những đụng độ quân sự với quân đội Syria và những đồng minh Nga của Syria (Ba Tư).”
       Rõ ràng cuộc chiến Syria đã chuyển hướng không còn tập trung vào việc tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo nữa mà nhằm tiêu diệt chế độ của Ô. Assad và các đồng minh như Ba Tư và Hezbolla, kể cả Nga. Chúng ta chờ xem cuộc thư hùng diễn ra như thế nào.

-AP ngày 23/2/2018: “Quân chính phủ Syria tiến hành cuộc oanh kích kéo dài 6 ngày tại khu ngoại ô đông Damascus mà theo các nhà quan sát đã giết chết 32 người trong khi số chết trong một tuần oanh tạc đã vượt qua con số 400. Một cuộc biểu quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ yêu cầu một cuộc ngưng bắn nhân đạo 30 ngày khắp Syria bị đình hoãn tới ngày 24/2/2018 với nỗ lực thu ngắn thời điểm cho cuộc ngưng bắn. Cuộc oanh kích xảy ra một ngày sau khi trực thăng của chính phủ rải những truyền đơn xuống khu vực Ghouta do phiến quân kiểm soát, thúc giục người dân di tản để bảo đảm an ninh cho bản thân đồng thời kêu gọi phiến quân đầu hàng vì quân chính phủ đã bao vây chung quanh.”  
      Tin mới nhất cho biết Nga sẽ xem xét nghị quyết này, sẽ hỗ trợ nếu nó không bao gồm việc ngưng bắn đối với Nhà Nước Hồi Giáo, nhóm liên hệ với al-Quaida như Levant Liberation Committee. Cuối cùng nghị quyết ngưng bắn 30 ngày được thông qua nhưng Nga phủ quyết, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Có lúc Nga tuyên bố ngưng bắn 5 giờ một ngày.

-New York Post ngày 24/2/2018: “Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quyết định của Hoa Kỳ mở tòa đại sứ ở Jerusalem vào Tháng Năm đã phớt lờ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (Organisation for Islamic Cooperation) và cho thấy Hoa Kỳ cố tình làm thiệt hại tiến trình hòa bình. Trong một bản tuyên bố, bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quyết định này thật đáng lo ngại.”

-Business Insider ngày 26/2/2018: “Do Thái cho biết vệ tinh của họ đã phát hiện hai chiến đấu cơ tàng hình tối tân nhất của Nga Su-57s tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria nơi mà Mạc Tư Khoa thường xuyên dùng để thử nghiệm vũ khí mới.”

-CNN ngày 28/2/2018: “Tổng Thống A Phú Hãn Ashraf Ghani nói răng ông sẵn sàng công nhận Taliban như là một đảng hợp pháp như là một phần để tiến tới thỏa hiệp ngưng bắn có thể có với nhóm vũ trang này.”

Tình hình Biển Đông:

            -VOA (Anh Ngữ) ngày 17/2/2018: “Giờ đây người dân Căm Bốt phải tuân thủ Hiến Pháp để bảo vệ đất nước, cấm không được phỉ báng nhà vua bằng sự thay đổi một số luật lệ mà một số nhà quan sát cho rằng đây là sự tấn công lâu dài vào những tự do của người dân. Luật “Khi Quân” mới giống như ở Thái Lan khiến các nhà quan sát cho rằng đã được dùng để bịt miệng các người chống đối chính trị qua hình phạt tù 5 năm.”
            Tôi không rõ nhà vua ngày nay, dưới chế độ quân chủ lập hiến có bất khả xâm phạm không? Phê bình nhà vua hay hoàng tộc về cách ăn nói, đi đứng, cử chỉ, tác phong có phải là “khi quân” hay không? Cũng xin nhớ cho nhà Vua khác với Tổng Thống. Nhà vua không do dân bầu mà do lịch sử, truyền thống lâu đời trị vì, dù không nắm quyền nhưng tiêu biểu cho sự thống nhất của đất nước. Còn tổng thống, thủ tướng thì do dân bầu cho nên người dân có quyền chỉ trích, luận tội, truất phế. Không thể lấy quyền phê phán tổng thống, thủ tướng để ứng dụng cho chế độ quân chủ được. Theo tôi, đó là tùy tập tục, truyền thống của mỗi quốc gia mà mình không nên chen vào. Xin để cho dân của nước họ giải quyết. Tây Phương có những triết gia, các nhà tư tưởng vĩ đại nhưng chính quyền của các quốc gia này luôn tự coi mình là “cha thiên hạ” và có “nghĩa vụ thiêng liêng” là giáo hóa, dạy dỗ, trừng trị các nước yếu khác như Á-Phi-Châu Mỹ La Tinh, trong khi nước mình thì đồi trụy và nát bét và quên mất quá khứ mình là những ông chủ thực dân, chủ nô tạo biết bao tội ác với nhân loại và tạo ra những cuộc chiến kinh hoàng như Đệ I và Đệ II Thế Chiến.

            -AP ngày 19/2/2018: “ Đại sứ Phi Luật Tân tại Bắc Kinh nói rằng những rủi ro do tính toán sai lầm và xung đột vũ trang đang gia tăng tại vùng Biển Đông khi mà một nước Trung Hoa quân sự mạnh hơn và có khả năng thách thức Hoa Kỳ- quốc gia trước đây là cường quốc khống chế hải lộ này.”
       Theo tôi, dù chín năm đã qua, kể từ khi Tổng Thống Obama tuyên bố chính sách “Xoay Trục” sau thấy ghê quá bèn đổi thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng” thì nền tảng chiến lược của Hoa Kỳ đối với Hoa Lục vẫn không có gì thay đổi. Đó là vừa hợp tác vừa đối đầu, thường xuyên tuần tra Biển Đông, không bỏ rơi Phi Luật Tân và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để làm “nút chặn” ngăn ngừa Hoa Lục tiến ra Thái Bình Dương. Hiện thời là như vậy, nhưng chín, mười năm nữa ra sao thì không ai đoán được trước sức mạnh quân sự của Hoa Lục mỗi lúc mỗi gia tăng ở Biển Đông và trên quy mô toàn cầu.

-AP ngày 21/2/2018: “Viên chức tư pháp Phi Luật Tân vừa yêu cầu tòa án tuyên bố Đảng Cộng Sản Phi Luật Tân và nhóm vũ trang của họ (New People’s Army) là nhóm khủng bố- một chuyển động có thể làm tổn hại hơn nữa cho việc tái tục đàm phán hòa bình. Trong đơn gửi tòa án ở Manila, Bộ Tư Pháp hài ra những cuộc tấn công, bạo động bởi những người này, bao gồm việc thanh trừng nội bộ dẫm máu do nghi ngờ là gián điệp để đặt ra ngoài vòng pháp luật - một trong các nhóm cộng sản nổi dậy lâu dài nhất của Á Châu.” (Thành lập từ thập niên năm 1960 dưới thời Tổng Thống Ferdinand Marcos, độc tài, suy thoái kinh tế.)

-AFP ngày 23/2/2018: “Thủ Tướng Hun Sen đe dọa sẽ làm cho Úc Đại Lợi xấu hổ và ngăn chặn bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào Tháng Ba nếu ông bị áp lực về chính trị do việc đàn áp đối lập trong nước.”
Nguyên tắc của ASEAN là nếu một hội viên không đồng ý thì sẽ không có bản thông cáo chung. Để xem Úc Châu vì lý tưởng nhân quyền hay vì quyền lợi của đất nước.

-Miami Herald ngày 23/2/2018: “Cố vấn cao cấp nhất của Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để thảo luận về bản lượng giá về nguy cơ toàn cầu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã nêu tên Ô. Duterte cùng đứng chung với những nguy hiểm cho nền dân chủ như Căm Bốt, Miến Điện và Thái Lan. Phát ngôn viên phủ tổng thống cho biết Ô. Salvador Meidialdea- Cố Vấn Ngoại Giao của Tổng Thống Duterte đã thảo luận về Bản Lượng Giá Về Nguy Cơ Toàn Cầu của cơ quan tình báo Mỹ với Đại Sứ Hoa Kỳ Sung Kim vào ngày 22/2/2018 và cũng yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ ở Phi Luật Tân giải thích cho Hoa Thịnh Đốn biết những bước mà Tổng Thống Duterte đã phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia mà vẫn tuân thủ luật pháp.”
         Theo tôi đây là một bản báo cáo rất lạ đời! Cho rằng Căm Bốt, Miến Điện, Phi Luật Tân và Thái Lan có vi phạm nhân quyền đi nữa, liệu đó có phải là nguy cơ toàn cầu, tức nổ ra xung đột toàn cầu hay không? Tôi cho là không. Nếu những công cuộc đàn áp dân chủ đó gây bất ổn cho toàn khu vực Đông Nam Á hay Á Châu thì vẫn chưa phải là nguy cơ toàn cầu. Trong khi đó khu vực Đông Nam Á êm ru, trong nước vẫn không có sự chống đối mãnh liệt nào, vậy tại sao nói đó là nguy cơ toàn cầu? Theo tôi, bản báo cáo này chỉ có tính cách đe dọa để trả đũa lại các quốc gia này càng lúc càng lìa xa Mỹ và xích gần lại với Hoa Lục.  
        Trong bối cảnh hiện tại, một chính sách thù nghịch với các nước Căm Bốt, Miến Điện, Phi Luật Tân và Thái Lan sẽ vô cùng bất lợi cho Mỹ và càng đẩy họ vào tay Hoa Lục mà thôi. Câu hỏi đặt ra là- Mỹ không còn “phương kế” nào để kéo các quốc gia này về phía mình nữa sao?

-Bloomberg News ngày 23/2/2018: Ngày hôm nay Ô. Trump đổi giọng và nói rằng, “Ông có thể xem xét việc tái gia nhập thỏa hiệp TTP (Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương) nếu Hoa Kỳ có thể thương thảo để đạt được những điều khoản có lợi hơn.”
            Tôi không rõ hành động này có quá trễ (too late) không? Thỏa hiệp TTP đã chết, và được thay thế bởi một thỏa hiệp khác đang chờ các vị nguyên thủ quốc gia phê chuẩn. Liệu 11 quốc gia có chịu “xóa bài làm lại” không? Giả sử, đồng ý xóa bài lạm lại, nhưng thương thảo rồi Hoa Kỳ không đồng ý hoặc các nước khác không đồng ý thì sao? Chẳng lẽ lúc đó lại quay trở lại với Thỏa Hiệp Hợp Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)? Thôi thì Ô. Trump nên bỏ qua đi ý định đó đi và ký kết các thỏa hiệp song phương có lợi cho Hoa Kỳ như ông đã nói…có lẽ đẹp hơn.

-Fox News ngày 25/2/2018: “Đảng đương quyền của Thủ Tướng Hun Sen tại Căm Bốt tuyên bố đã thắng ở  khắp mọi nơi trong cuộc bầu cử thượng viện ngày hôm qua- một chiến thắng bảo đảm sẽ không còn đối lập gì nữa.” Rồi theo The Telegraph ngày 25/2/2018,  Đảng Cộng Sản Trung Hoa đang tính hủy bỏ hạn chế nhiệm kỳ của chủ tịch nước là 10 năm, lót đường cho Ô. Tập Cận Bình tiếp tực làm tổng thống sau 2023 và có lẽ mãn đời.
       Ô. Mugabe làm tổng thống 39 năm. Ô. Marcos làm tổng thống 20 năm. Ô. Roosevelt làm tổng thống 4 nhiệm kỳ (1933-1945) sau mới đổi lại tối đa 2 nhiệm kỳ. Trên đời này không biết thế nào là tốt-xấu. Nhiều khi cũng không biết thế nào là đúng-sai. Dường như “ghế quyền lực” có gắn “keo nguyên tử” cho nên đã ngồi vào rồi khó mà rời bỏ, phải ngồi cho đến chết hay cho đến khi bị cưa ghế. Thôi thì để Ô. Hun Sen làm thủ tướng thêm 10 năm nữa còn tốt hơn để Ô. Sam Rainsy chủ trương “bài Việt” và đòi lại Miền Nam…thì Kampuchia sẽ nát như tương rồi thế giới lại phải nhảy vào can thiệp.

Nhận Định:

            Vào ngày 19/2/2018, AP  loan tin,  các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Tổng Thống Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng Thống Putin trong đó hai bên đã quyết định hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Hai bên cũng đã thảo luận về chiến dịch của Thổ tấn công vào lực lượng người Kurd ở khu vực Afrin và nỗ lực để thiết lập những trạm quan sát tại mạn bắc của Tỉnh Idlib. Đây là trạm quan sát hỗn hợp giữa Thổ, Nga và Ba Tư thỏa thuận thiết lập một ’vùng giảm leo thang’ tại đây.
            Như thế vai trò của Hoa Kỳ coi như “người ngoài cuộc” dù là lực lượng mạnh nhất tại đây. Trong hơn bốn năm qua, Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc phiêu lưu, vừa muốn lật đổ chế độ của Ô. Assad, vừa muốn chống Nhà Nước Hồi Giáo mà lại muốn thành lập một Vùng Tự Trị cho người Kurd để chia cắt lãnh thổ Syria cho nên xung đột cùng lúc với Nga, Thổ và Syria. Đồng minh duy nhất của Hoa Kỳ ở Syria bây giờ là các nhóm phiến quân ô hợp và lực lượng người Kurd đang phải đối phó với cuộc tấn công tiêu diệt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tôi, giải pháp duy nhất cho vùng biên giới Thổ-Syria là:
-  Quân Thổ phải rút về.
 - Vùng này phải đặt dưới sự cai trị của chính quyền trung ương Syria, được tự trị về hành chính nhưng không có quân đội riêng.
-  Hoa Kỳ phải chấm dứt hỗ trợ vũ khí, tiền bạc và chiến đấu bên cạnh lực lượng người Kurd. Nhà Nước Hồi Giáo gần như bị tiêu diệt. Nên để việc còn lại cho chính quyền Syria.
-  Biên giới phải được giám sát bởi một lực lượng đa quốc gia như đang nỗ lực hình thành.
-  Còn nếu theo kế hoạch của Hoa Kỳ thì cuộc chiến sẽ kéo dài dai dẳng không biết tới bao giờ chấm dứt và sự đụng độ Mỹ-Thổ tại đây là điều không thể tránh khỏi.

Hiện nay tình hình Syria diễn biến vô cùng phức tạp. Vào ngày 20/2/2018, Tổng Thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào đoàn xe của các chiến binh ủng hộ Ô. Assad khi lực lượng này đang tiến vào Afrin để cùng người Kurd chống lại cuộc xâm lăng của Thổ.

Vùng đất Afrin đang là bãi chiến trường của các lực lượng sau đây: Quân đội Syria, chí nguyện quân Ba Tư, lực lượng người Kurd, phe phiến quân do Mỹ hỗ trợ, quân đội Thổ, binh sĩ của Hoa Kỳ và Nga! Chưa thấy một cuộc chiến nào trên thế giới hỗn loạn và phức tạp như vậy. Ấy là chưa kể Pháp hăm he không kích Syria nếu có bằng chứng Ô. Assad sử dụng vũ khí hóa học. Mà bằng chứng nếu cần thì “phịa” ra mấy hồi? Theo Al Jazeera ngày 26/2/2018, cuộc chiến Syria đã giết chết khoảng 465,000 người, hơn 1 triệu bị thương và 12 triệu-tức nửa dân số phải rời bỏ nhà cửa…và ngày càng trở nên tệ hại hơn.

Đào Văn Bình
(California ngày 28/2/2018)










No comments:

Post a Comment

View My Stats