Tuesday, 27 February 2018

GALA : TIỀN NHIỀU & THÁCH THỨC CŨNG NHIỀU (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà - RFI
Phát Thứ Ba, ngày 20 tháng 2 năm 2018

Năm 2017, thần tài tận tình chiếu cố các tập đoàn tin học Mỹ trong nhóm được gọi tắt là GAFA hay GAFAM nếu cộng luôn cả Microsoft với Google, Apple, Facebook và Amazon. Năm công ty này cộng lại có trị giá chứng khoán lên tới 3.000 tỷ đô la, "nặng" hơn GDP của cả nước Pháp. Dù vậy, 2017 cũng là năm uy tín của các đại tập đoàn High Tech này sụt giảm và phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong bản tổng kết 2017, năm tập đoàn đang thống lĩnh thế giới tin học GAFAM đều trưng ra những con số tiền lãi và tỷ lệ tăng trưởng đến chóng mặt. Nhãn hiệu Quả Táo - Apple chẳng hạn, cho biết lãi trong năm tăng hơn 25% so với 2016. Chỉ riêng trong tháng 12, tức là tháng mà mọi người đua nhau đi tìm quà tặng Giáng Sinh, doanh thu của tập đoàn này lên tới 73 tỷ đô la. Lãi đạt 17 tỷ và như vậy trung bình thì mỗi giây, Apple thu vào khoảng 2.000 đô la.

Còn công ty của Jeff Bezos trong cùng thời kỳ thu vào 50 tỷ đô la doanh thu, Amazon làm ăn có lãi hơn năm cũ 69%. Doanh thu của mạng xã hội Facebook tăng 1/3 so với một năm trước đó. Sau cùng, Microsoft nhờ những dịch vụ tin học mới như Cloud hay Azure mà doanh thu lên tới gần 29 tỷ đô la, vượt ngoài mong đợi của chính ban điều hành.

Thử hỏi có bao nhiêu công ty trên thế giới đem về bấy nhiêu tiền ? Theo thẩm định của cơ quan tư vấn tài chính S&P Capital Inc., "đây là lần đầu tiên từ nhiều thập niên qua, mới trông thấy hiện tượng một số nhỏ các tập đoàn áp đảo thị trường tài chính".

Dù vậy, năm 2017 cũng là một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của nhóm GAFA. Từ Google đến Apple trong năm qua đã chịu nhiều búa rìu của công luận. Uy tín của những con chim đầu đàn trong công nghệ kỹ thuật số này phần nào bị sứt mẻ trong mắt người sử dụng vì những tai tiếng "fake news". Phía các chính quyền chỉ trích nhóm GAFA áp đảo thị trường, bóp nghẹt mọi khả năng cạnh tranh và nhất là luồn lách thuế. Nguồn quảng cáo có nguy cơ bị đe dọa cạn dần.

Nguy cơ cạn nguồn quảng cáo

Gần đây nhất là đầu tháng 2/2018, Keith Weed, giám đốc thương mại của tập đoàn Unilever trực tiếp dọa ngưng các chiến dịch quảng cáo trên mạng với hai đối tác lớn là Facebook và Google. Cần biết rằng Unilever có ngân sách quảng cáo trên mạng 8,9 tỷ đô la.

Nhà báo Dominique Baillard, phụ trách hồ sơ kinh tế của RFI giải thích về nguyên nhân khiến Unilever phẫn nộ :

"Các diễn đàn trao đổi đã trở thành những vùng đầm lầy với đầy rẫy những thông tin thất thiệt, những tin nhắn mang tính kỳ thị, quá khích và miệt thị về mặt giới tính". Bằng những lời lẽ cứng rắn như trên, tại California tuần qua, giám đốc thương mại Unilever, Keith Weed, đã mở ra một chương mới trong cuộc đọ sức kéo dài từ nhiều tháng qua với các tập đoàn tin học thuộc nhóm GAFA. Uniliver là nguồn quảng cáo lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có Procter and Gamble của Mỹ, do vậy tập đoàn Anh và Hà Lan này dễ dùng đòn hù dọa, kể cả với những Google hay Facebook.

Mặt khác, Unilever đang lo ngại vì nhóm GAFA này đang trở thành một phương tiện để quảng cáo quá lớn mạnh. Từ năm ngoái, thị trường quảng cáo trên mạng của thế giới đã qua mặt luôn cả thị cả thị trường truyền thống là các kênh truyền hình. Như vậy là trong năm qua, các công ty chi ra 200 tỷ đô la để quảng cáo trên internet, mà ở đó Google và Facebook trong thế áp đảo gần như tuyệt đối.

Hai tập đoàn nói trên chiếm hơn phân nửa thị phần thế giới. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ này là khoảng 60 %. Còn tại Pháp, trên 100 euro quảng cáo qua internet, thì 80 rơi vào túi nhóm GAFA. Thế thượng phong này đang khiến nhiều nhãn hiệu bực mình. Nhờ vào algorithme mà nhóm này "hút hết" những tin thông điệp quảng cáo và những dữ liệu quý giá về người tiêu dùng. Có điều là tới nay, không ai biết rõ về các hoạt động ở bên trong của ngành quảng cáo qua internet.

Tại Anh chẳng hạn, hãng Havas ngưng cộng tác với Google và YouTube vì bực mình là hai cổng tìm kiếm này cho đăng bừa những bài viết với nội dung quá khích. Giám đốc tập đoàn Havas hài lòng khi thấy Unilever dọa cắt nguồn thu nhập quan trọng của các tập đoàn GAFA. Đáng nói hơn cả, là ngân sách quảng cáo trên mạng của Unilever lớn gấp 10 lần so với Havas".

Người tiêu dùng trên thế giới có thể ít biết đến Unilever nhưng lại rất quen thuộc với những sản phẩm của tập đoàn này, từ xà phòng Dove đến trà Lipton, hay những hũ kem đường Ben and Jerry’s. Unilever còn được chú ý luôn cả trong lĩnh vực thuốc lau chùi nhà cửa, xà phòng hay thuốc gội đầu... Hiện diện tại 190 quốc gia trên thế giới và có tới 2 tỷ người trên hành tinh dùng các sản phẩm của Unilever. Chỉ riêng trong ngành nông phẩm chế biến, Unilever đứng hạng thứ tư trên thế giới, sau Nestlé, Pepsi và Coca Cola.

Có điều là cho đến nay cuộc chiến chống fake news do các quốc gia chủ xướng, vậy phải chăng là bây giờ tới lượt các công ty tư nhân ?

Nhà báo Dominique Baillard trả lời :

"Giám đốc thương mại của Unilever cho rằng những thông tin thất thiệt được phổ biến trên các mạng xã hội và internet đe dọa các nền dân chủ và tầng lớp trẻ". Đương nhiên, là đe dọa luôn cả môi trường sống của những người tiêu dùng, khiến họ không còn tin tưởng vào những gì đọc được trên mạng. Thực ra Unilever nói riêng, hay các nhãn hiệu nổi tiếng nói chung, lo sợ rằng những chiến dịch tuyên truyền sai lệch đó làm xấu đi hình ảnh của họ và qua đó, thị phần của những tập đoàn này sẽ bị thu hẹp lại. Yếu tố khác nữa trong việc Unilever đe dọa nhóm GAFA là tập đoàn này muốn giành lại quyền đàm phán với các cổng vào internet về giá cả các chiến dịch quảng các trên mạng".

Bản thân Unilever cũng đang cố gắng tô điểm hình ảnh của tập đoàn, vốn bị hoen ố vì một chiến dịch quảng cáo gây nhiều tranh luận.

Dominique Baillard của đài Pháp ngữ RFI phân tích tiếp :

"Một đoạn video quảng cáo được phát hành vào mùa thu 2017 bị rất nhiều người chỉ trích. Đoạn phim cho thấy một phụ nữ da đen, sau khi dùng xà phòng Dove, hóa thân thành một người phụ nữ da trắng. Lập tức công ty đã phải thu hồi video quảng cáo này. Unilever muốn rằng 2018 là năm để tập đoàn này giành lại được nhiều cảm tình của công luận, làm tăng thêm uy tín của đại công ty này trong mắt người tiêu dùng. Unilever cam kết là sẽ chỉ đầu từ vào các địa chỉ đáng tin cậy, hợp tác với những đối tác có trách nhiệm để có ảnh hưởng tốt đối với xã hội".

Trong tầm ngắm của các cơ quan Nhà nước

Về phần mạng xã hội Facebook, fake news cũng là một vấn đề khiến ban điều hành, mà đứng đầu là Mark Zuckerberg, phải đau đầu. Tại Hoa Kỳ, Facebook đã phải điều trần trước Quốc Hội về những cáo buộc là đã để cho các thông tin thất thiệt được lan truyền trên các trang thuộc về những người có tài khoản sử dụng Facebook. Chính phủ Đức dự trù phạt đến 50 triệu euro mỗi khi tin nhảm được lưu lại trên mạng xã hội này quá 24 giờ. Pháp nghiên cứu khả năng hủy những tài khoản tung tin giả.

Ngoài khó khăn về việc kiểm chứng nội dung của những người sử dụng, một cột trụ khác của nhóm GAFA là Apple phải trả lời trước những cáo buộc cho rằng nhãn hiệu Quả Táo cố ý thu ngắn độ bền của các sản phẩm, để bắt người tiêu dùng phải thường xuyên mùa đồ mới.
Google hay Amazon thì bị chỉ trích là luồn lách thuế. Liên Hiệp Châu Âu đang tìm đồng thuận về một chính sách thuế chung nhắm vào các tập đoàn tin học vì vậy mà Bruxelles đã đòi Ai Len phải thu 13 tỷ euro thuế mà từ trước tới nay Dublin đã tỏ ra khoan nhượng với Apple. Còn Liên Hiệp Châu Âu đòi Amazon phải trả 250 triệu thuế cho một nước nhỏ như Luxembourg.

Trong bối cảnh hoạt động của nhóm GAFA ngày càng bị "soi" kỹ hơn, Facebook hồi tháng 01/2018 thông báo đầu tư thêm 10 triệu euro tại Pháp, đào tạo cho 50.000 người thất nghiệp làm quen với công nghệ số...

Theo nhật báo kinh tế La Tribune, đây không đơn giản là một cử chỉ hào phóng của tập đoàn do Mark Zuckerberg sáng lập. Facebook chọn Pháp vì hai lý do : thứ nhất là mạng xã hội này càng phát triển thì càng cần các kỹ thuật mới để giữ vững thế thượng phong, mà Pháp thì đang được coi là một "lò ươm mầm" sáng giá. Thứ hai là Facebook cần dấn thân vào một số các dự án mang tính xã hội để tô điểm lại hình ảnh của tập đoàn đã bị sứt mẻ sau tai tiếng fake news - đặc biệt là ở Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2016.

Sau cùng, không chỉ Facebook mà cả nhóm GAFA đang trong tầm ngắm của các cơ quan thuế vụ và bị tố cáo thống lĩnh thị trường, bóp nghẹt mọi khả năng cạnh tranh.

Cụ thể là mùa hè năm 2017, Google đã bị Liên Hiệp Châu Âu phạt 2,6 tỷ đô la vì lý do lạm dụng thế độc quyền, loại các đối thủ trên các trang tìm kiếm của mình và thiên vị các dịch vụ do chính tập đoàn này cung cấp .

Sau cùng, với sức mạnh 3.000 tỷ đô la trị giá trên các sàn chứng khoán, GAFA ngày càng mở rộng tầm hoạt động. Google không chỉ là một cổng tìm kiếm, mà đã hiện diện luôn cả trong lĩnh vực xe hơi không người lái. Amazon thì không đơn thuần là một trung gian giao hàng đến tay người mua mà đã đầu tư rất nhiều vào ngành dược phẩm. Trong khi đó, Apple đang đi những nước cờ chiến lược để trở thành một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực y tế, giúp người sử dụng các ứng dụng của Appel giữ gìn hay chăm sóc sức khỏe...

Nói tóm lại GAFA ngày càng trở thành những người bạn đồng hành của mỗi chúng ta, và người bạn trung thành đó biết rất nhiều, rất rõ, từ thói quen đến sở thích của mỗi chúng ta. Facebook biết luôn cả những người bạn ngoài đời và trên mạng của những ai có tài khoản trên mạng xã hội này...

Hiềm nỗi, không ai biết GAFA làm gì, khai thác đến đâu với tất cả những thông tin cá nhân đó và điều gì sẽ xảy ra nếu như những dữ liệu đó lọt vào tay những kẻ có ác ý ?

Ngay cả tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng các tập đoàn tin học đang "có ảnh hưởng ngày càng lớn" đối với đời sống của mọi người. Cả một thế hệ trẻ "nghiện" Facebook. Chưa kể là với những ứng dụng và hàng loạt các dịch vụ (trong mọi lĩnh vực từ phim ảnh, đến âm nhạc, từ chuyện giúp tìm một quán ăn ngon, một khách sạn tốt hay đơn giản hơn là tìm một ông thợ hàn, thợ sửa ông khóa...) các tập đoàn tin học này đang "từ xa điều khiển cuộc sống" hàng tỷ con người trên hành tinh. Giới xã hội học cho rằng nếu không thay đổi, GAFA sẽ là một mối đe dọa đối với các mô hình dân chủ !








No comments:

Post a Comment

View My Stats