Friday 23 February 2018

BIA MIỆNG (Trân Văn - Thiên Hạ Luận)




Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận
23/02/2018

Vậy là Tết đã qua, dư luận về cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 ở Huế đã lắng xuống. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường – người bị cáo buộc là một trong những thủ phạm chính khiến 6.000 người Huế thảm tử - đã có thể cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút cho đến… Tết năm tới!

Theo một số thân hữu của ông Tường, ông vừa phiền, vừa uất vì năm nào cũng trở thành đối tượng để thiên hạ đàm tiếu, chỉ trích mỗi khi năm hết, Tết đến. Trước, chỉ có thân hữu thay ông Tường phân biện về chuyện ông vô can, không dính dáng gì đến vụ thảm sát Mậu Thân 1968 ở Huế song bất kể là ai, phân biện kiểu nào thì dư luận cũng vẫn thế. Năm nay, lần đầu tiên, ông Tường mượn chỗ trên mạng xã hội, chính thức thú nhận ông đã nói dối khi trả lời phỏng vấn của những người thực hiện đoàn làm phim “Việt Nam – Thiên sử truyền hình”.

Dẫu ông Tường phân bua, ông nói dối chỉ vì “hăng hái bảo vệ cách mạng” nhưng chẳng có mấy người thông cảm cho ông.

Điều ông Tường thú nhận không những không có tác dụng “giải độc dư luận” mà còn khiến công chúng bất bình hơn.

Tại sao? Nhận xét của nhiều người cho thấy, họ không thể cảm thông vì dù đã “gần đất, xa Trời”, ông Tường vẫn chưa thành thật.

Hao-Nhien Q. Vu nhận xét, nếu ông Tường vẫn không tỏ ra hối hận vì đã bỏ cả đời phục vụ cho và hưởng ân huệ từ một chế độ đã tàn sát dân Huế và dân chúng miền Nam, tàn phá di sản của Cố Đô thì sẽ chẳng còn điều gì khác có thể dằn vặt ông Tường khi ông ra đi?

Dường như cảm thấy chưa đủ, trong một status khác, Hao-Nhien Q. Vu viết thêm, thư ngỏ có tính chất như “lời cuối cho một câu chuyện quá buồn” mà ông Tường viết, phù hợp với những gì mà facebooker này biết về cộng sản: Họ không hối hận với tội ác Mậu Thân mà chỉ tiếc là bị phát hiện cũng như ông Tường chỉ tiếc là đã nói dối trong một bộ phim tài liệu – giờ không thể hủy. Họ vẫn sợ sự thật và rất có thể là vẫn sợ bị đảng của họ trả thù nên ông Tường không cho biết ai phải chịu trách nhiệm chính về cuộc “thảm sát Mậu Thân 1968”. Cái gọi là “lý tưởng cách mạng” của trí thức cộng sản (mà ông Tường nói ông từng có vào năm 1981) là sự lấp liếm cho tất cả những gì đã làm, bất kể đúng sai nhằm “phục vụ cách mạng”.

Hoang Hung cũng nêu hàng loạt nhận định gần giống như vậy. Dẫu tội nghiệp nhưng không ai có thể biện minh cho ông Tường vì khi nói dối ông đã tự tạo ra chứng cứ chống lại chính mình. Chuyện ông Tường nói dối trong “Việt Nam – Thiên sử truyền hình” một cách nhiệt thành đã hại ông. Hoang Hung – một người dân miền Bắc - bảo rằng, ở giai đoạn diễn ra cuộc nội chiến tàn khốc 1954 – 1975, có thể do “ngây thơ, dại khờ” mà nhiệt thành nhưng đến bây giờ mà những trí thức miền Nam vẫn tự hào về việc đóng góp cho công cuộc “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” thì không thể hiểu nổi. Nếu lúc này tổ chức trưng cầu dân ý về cuộc chiến ấy, sẽ có khá nhiều người ân hận vì đã không lường được Việt Cộng lại làm quốc gia trì trệ, tụt hậu như vậy và cuối cùng chính quyền cộng sản đã phản bội sự hy sinh của nhiều người, chỉ chăm chăm bảo vệ đặc quyền cho một nhóm người.

Mạnh Kim tâm sự đã từng tự nhủ sẽ không viết gì thêm về vụ thảm sát hồi Mậu Thân 1968 ở Huế nữa nhưng sau “lời cuối cho một câu chuyện quá buồn” mà ông Tường nhờ đưa lên Internet đã nói thêm rằng, việc ông Tường không có mặt ở Huế, có chứng cứ “ngoại phạm”,… là vô nghĩa bởi “gây án” với lịch sử, dính dáng trực tiếp hay gián tiếp với lịch sử thì không thuộc phạm vi phán xét của các quan tòa. Nó phụ thuộc sự đánh giá của dân tộc và sự phán xét của tòa án lương tâm. Mạnh Kim nhấn mạnh rằng ông không lên án sự chọn lựa chỗ đứng trong lịch sử của những người như ông Tường trong quá khứ. Điều cần quan tâm là thái độ và cách thức nhìn lại mình của những người như ông Tường trong thời gian vừa qua. Thắc mắc chỉ xoay quanh sự lựa chọn hiện nay và cách nhìn hiện tại khi nhắc lại quá khứ.

Những facebooker trẻ hơn như Kimdung Tong thì tâm tình, hóa ra “Việt Nam – Thiên sử truyền hình” một bộ phim tài liệu được đánh giá cao cũng có những điều dối trá và chúng đã được loan truyền khắp thế giới. Đó là lý do đừng bao giờ dựa vào những “kiến thức lịch sử” đã được dạy dỗ trong thời gian mài đũng quần dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Trước sau, những anh hùng kiểu như Lê Văn Tám,… sẽ được “điểm danh”. Lịch sử thật sẽ rất công bằng.

***
Đầu thập niên 1980 – thời điểm ông Tường tiếp xúc với đoàn làm phim “Việt Nam – Thiên sử truyền hình” – là giai đoạn muốn gặp những nhà báo ngoại quốc, nói gì với họ cũng phải được “tổ chức” đồng ý và duyệt nội dung những câu trả lời. Chắc chắn ông Tường không phải là ngoại lệ và chắc chắn ông Tường không lường được hậu họa.

Chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường – Mậu Thân 1968 – Cuộc thảm sát ở Huế là minh họa sống động, rõ ràng cho câu ca dao “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Tuy nhiên có một điều rất đáng ngạc nhiên là giới lãnh đạo hệ thống công quyền Việt Nam vẫn chẳng “rút ra được bài học kinh nghiệm” nào từ câu chuyện ấy. Họ vẫn rất vô tư khi đưa ra hàng loạt “chủ trương”, “chính sách”, “tuyên bố” và thực hiện hàng loạt hành động mà bia miệng đã hoặc sẽ lưu danh.

Chẳng hạn, sau khi đã bị mỉa mai vì khẳng định dân chủ, tự do ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam “gấp vạn lần” thiên hạ, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, vừa mới khẳng định: “Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng và có tác động mạnh mẽ trên khắp cả nước”!








No comments:

Post a Comment

View My Stats