Saturday, 24 February 2018

SAPA : THẤY DỰ ÁN, KHÔNG THẤY GIANG SƠN (Hân Hương - Người Đô Thị)





Hân Hương / Người Đô Thị 
Thứ bảy, 24/02/2018

Anh lái xe nghêu ngao hát: “Dù có đi bốn phương trời, mà vẫn ngỡ đang ở Nhổn...” lúc chúng tôi chạy tránh thị trấn Sapa để vượt đèo Ô Quy Hồ sang Bình Lư đi Sìn Hồ (Lai Châu). Không chỉ chúng tôi, những người từng yêu Sapa nay đều hầu như không còn ai muốn chui vào “đống bê tông lổn nhổn” ấy nữa, dù nó ngay trước mặt.

Nếu lấy mốc 1897 chính quyền Pháp mở cuộc điều tra dân số đầu tiên về các tộc người vùng núi cao, từ đó Sapa được phát hiện, tính đến nay tròn 120 năm. Tôi lên đó đầu những năm 90 thế kỷ trước, rồi còn vài lần nữa, nhưng không sao nhớ nổi chuyện mỗi lần, hơn 30 năm rồi còn gì.

Mấy mảnh hình ảnh

Ký ức hiện ra như ta đứng ở sườn núi nhìn xuống những cảnh quan dưới bóng mây lớn, bay thấp. Các thửa ruộng bậc thang, con suối lững thững chảy, rừng cây samu, vài người Mông gùi ngô trong chiều cô liêu... chợt bừng sáng rực rỡ, rồi tức khắc thẫm lại dưới bóng rợp của mây vùn vụt trôi.

Hồi đó đường đi Mường Hoa, Tả Phìn… đang mở rộng cho ô tô đi, có duy nhất chiếc U Oát không mui chở khách “đường tới đâu đi tới đó thôi” chạy đi chạy về nhặt tiền lẻ. Thực ra nó chỉ chạy được vài km là hết đường, thả khách xuống đi bộ, người đi bộ cũng chỉ cố đến được Bãi đá cổ, bản Cát Cát, hay bản Lao Chải, Tả Van... rồi quay lại bắt xe kịp về thị trấn trước khi trời tối còn xem chợ Tình.

Sapa có ba giá trị lớn: khí hậu, cảnh quan và cuộc sống người thiểu số. Ảnh: Thanh Vy

Từ các rặng núi xa người Mông, Dao đến “chợ luyến ái” từ trưa, chiều thứ Bảy, đàn bà con gái sau một chặng đường dài (có thể họ đã đi cả ngày) tìm chỗ khuất thay đồ trước khi vào thị trấn.

Trong đêm rét căm căm và sương núi mù mịt, lũ chúng tôi lang thang sà vào vào các nhóm hát tình tự rải rác quanh chợ, nhà thờ, các con phố nhỏ... Có nhóm các chàng vây mấy cô trẻ, nhiều bà luống tuổi ngủ gà nằm ngồi kề bên ngủ gà gật. Người già không thể còn tham dự vào cuộc tình ái nào nữa, nhưng cần đắm chìm trong không khí đó, tìm lại thủa thanh xuân của mình.

Bóng đêm xóa ngăn cách, tôi cũng len sát một cô, trong số những bàn tay chen chúc nắm tay cô gái, vẫn bị cô nhận ra, gạt tay tôi, bảo: “Cán bộ về tìm tay cán bộ đi”. Chạy qua nhóm khác có tới hơn chục gã đủ lứa tuổi, từ ông già hom hem ho sù sụ đến chú bé con vắt mũi chưa sạch... xúm  bên một người đẹp, cùng nhau chinh phục.

Cả nhóm một can rượu ngô, một bát nhựa chuyền tay nhau uống giáp vòng theo nguyên tắc: “Nước không ngập lưng ếch, ếch không kêu/ rượu không uống đầy chén, làm sao hát”, và cuộc thi hát đối đáp công bằng này chỉ kết thúc khi cô gái chọn được một kẻ trong số họ.

Trong tâm trí tôi giờ đây Sapa gồm vô số những mảnh hình ảnh tương tự thế. Trời chưa sáng, góc phố  có người đàn ông Mông cõng can rượu đến quán phở vịt phủ phục ngủ chờ chủ quán mở cửa; tốp phụ nữ Mông chân trần gùi củi đi trong tuyết bay lất phất, vào chợ vẫn thấy họ cõng củi trên lưng kiên nhẫn đứng chờ người mua; vòm trời xanh tinh khiết chỉ thấy ở núi cao bỗng thoáng chốc ngập mây bồng bềnh, thung lũng mùa lúa chín chan hòa nắng, có lúc dãy Hoàng Liên chỉ nhẹ như làn khói mỏng, mấy người Dao hoảng hốt nép vội vào vách núi  khi chiếc U Oát sồng sộc đổ dốc...

Du khách đến Sapa không chỉ để xem nhà cửa, mà cần tận hưởng thiên nhiên và khí trời trong lành bao phủ, làm nên "đặc sản" của Sapa. Ảnh: Cua Dong

Ông lão nguy kịch rồi

Người ta vẫn nói Sapa có ba giá trị lớn: khí hậu, cảnh quan và cuộc sống người thiểu số. Tôi không muốn xếp thứ tự, ngẫu nhiên viết vậy, vì thực ra khó tách riêng các giá trị để nhận thức một cách đơn lẻ, bởi chỉ hội đủ, chúng mới làm nên sức hấp dẫn của Sapa.

Dẫu thế, cũng đành phải nói trong ba giá trị, cảnh quan và cuộc sống của người Mông, Dao, Xá Phó... mong manh hơn, theo nghĩa dễ bị tổn thương, biến dạng hơn.

Hẳn đang, hay sẽ có những ai đó thầm lặng nghiềm ngẫm toàn diện về các hậu quả sau gần ba mươi năm Sapa bị đô thị hóa mạnh, hoặc các thị trấn miền núi nói chung đều đã bị “đồng bằng hóa” như thế nào. Nhưng đó phải là một câu chuyện dài, rất khó khăn, mà một kẻ thất vọng với Sapa hôm nay như tôi, chỉ có thể kể đôi chút về cái giá trị cảnh quan ấy đã tàn tạ ra sao.

Cảnh quan, hiểu một cách sơ sài có thiên nhiên và nhân tạo. Sapa đã hầu như không còn rừng như gần 3/4 lãnh thổ này từng có rừng, nên “mất mát ấy không cá biệt” chẳng đáng nói. Vâng, thì nói cảnh quan nhân tạo vậy, nôm na là những gì do con người xây cất để trú ngụ, như nhà cửa ở thị trấn này chẳng hạn.

Ngày 21.1.2003 được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam (văn bản 85/CP-QHQT) UBND tỉnh Lào Cai chính thức hợp tác với Vùng Aquitaie - Cộng hòa Pháp để lập “Quy hoạch tổng thể và Quy chế đô thị khu du lịch Sapa - Lào Cai” với tham vọng “Thúc đẩy thị trấn Sapa trở thành khu du lịch nổi tiếng với tiêu chuẩn quốc tế”.

Gần một năm sau (nhờ sự nỗ lực của gần 10 chuyên gia Pháp từ Đại học Bordeaux và nhóm kỹ sư người Việt) bộ Quy chế đô thị Sapa được chính thức công bố ngày 8.9.2004.

Tại thời điểm đó cảnh quan kiến trúc Sapa đã bị đánh giá trên mấy nét chính.
1/ Về khu phố cổ: “Do tăng mật độ xây dựng và đô thị hóa một cách tự phát đã làm hỏng đáng kể, cho thấy nguy cơ không thể cứu vãn”.
2/ Về các khu phố biệt thự: “Việc phá bỏ những vườn cây tư nhân làm mất các vẻ đẹp vốn có của khu phố”.
3/ Về nạn dịch nhà ống (liên kế) đã dẫn tới : “Việc san gạt các đồi cây (làm đường, xây nhà) phá hỏng cảnh đẹp toàn thị trấn”.

Tất cả chúng hợp sức: “Tạo nên một hình ảnh lộn xộn và dang dở, cản trở các góc nhìn phóng xa tầm mắt tới toàn cảnh, chèn kín các khoảng trống giữa các cụm nhà, chỉ còn lại những không gian chật hẹp, tối tăm và rất ẩm thấp…” (trích Quy chế đô thị Sapa).

Tóm lại, Sapa khi ấy (2004) tựa một ông lão đã nguy kịch, chỉ những bác sĩ rất giỏi, thật sự tin vào chút sức tàn của con bệnh sẽ dần hồi sinh nếu được khẩn cấp cứu chữa đúng cách, mới mạo hiểm nhận ca bệnh.

Trên những quả đồi, Sapa đang bị bêtông hoá với các dự án cao tầng san sát nhau. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ba tập Quy chế đô thị Sapa được nghiên cứu rất bài bản, khoa học và trình bày cực kỳ công phu đưa đến các giải pháp cho việc bảo tồn toàn bộ cảnh quan, tới từng ngôi nhà, loại nhà, từng mảnh đất hiện trạng và những quỹ đất dành cho tương lai phát triển v.v.. chính là phác đồ điều trị tốt nhất cho cơ thể Sapa đang rệu rã lúc bấy giờ.

Cứu chữa một ông lão suy kiệt cũng có nghĩa phải chấp nhận và ứng xử với những tổn thương mức độ khác nhau, ở các bộ phận khác nhau trên thân thể. Thêm nữa, còn phải tính đến việc “giải phóng” bớt nhiệm vụ cho một số cơ quan nội tạng đã tự nó không thể kham nổi, giống việc chạy thận nhân tạo, hay đặt các loại xông (thông) dẫn lưu ở người.

Với tinh thần này (tôi nghĩ thế) các chuyên gia đã chia Sapa thành 4 khu lớn: khu đô thị, khu mở rộng, khu tự nhiên, và các quỹ đất dự phòng (sẵn sàng san bớt nhiệm vụ cho các khu quá tải). Rồi mỗi khu lớn lại được tiếp tục chia nhỏ hơn nữa, vẫn xác định theo các đặc tính nổi bật về cơ cấu của mỗi loại khu (bằng hệ thống bản đồ, sơ đồ, ảnh chụp, các trang mô tả…).

Từ đây họ mới lập ra các quy chế cũng bằng các công cụ bản đồ, sơ đồ, ảnh chụp, các văn bản nghiêm cấm, hướng dẫn cách khắc phục, hay xây mới... vô cùng chi tiết cho mỗi quy mô khu, cho đến mỗi loại kiến trúc... để từ ông, bà quản lý đến người dân có thể dễ dàng áp dụng.

Giữ các khoảng trống để giải phóng tầm nhìn ra đại phong cảnh từ các đường giao thông. 

Cấm san gạt tạo mặt bằng để xây nhà trong phạm vi 50m về mỗi bên của đường thủy phân. 

Các điểm quan sát và đi dạo được quy hoạch với bề sâu 20m. 

Nguyên tắc khống chế chiều cao công trình. Ảnh: QCSP

Trả lại đôi mắt

Nhưng nói thế cũng khó hiểu, nếu không dẫn ra vài thí dụ.

Về các quy định rất khác nhau để ứng xử với từng loại nhà dù chúng tồn tại trong cùng một Khu đô thị trung tâm chẳng hạn. Thì, có loại nhà nhỏ nhất Sapa (thửa 60m2) bắt buộc chiều rộng bám mặt đường không dưới 5m (để không bị băm nhỏ hơn nữa) và cũng có cả loại thửa bắt buộc tối thiểu 600m2 chiều rộng bám mặt đường không dưới 20m. Đương nhiên đó là những chỗ nào, đã được chỉ dẫn rõ đến từng số nhà.

Ra khỏi khu này sang Khu phố xanh (đồi Vi-ô -lét) diện tích thửa không được dưới 800m2, Sườn đồi Con Gái là 400m2, Đồi Quan Sáu thửa 450m2...

Tất nhiên, đối với từng loại thửa đất cho phép chiều cao công trình, mật độ xây dựng cũng khác nhau, thậm chí diện tích đất cho một cây trồng ở khu này chỉ 2m2 sang khu khác tới 50m2. Và cũng tất nhiên, để cho ra được các chỉ số này họ đã nghiên cứu rất kỹ các đặc điểm mỗi loại địa hình, tầm nhìn, hướng  nhìn, trường nhìn... của người di chuyển trong toàn bộ không gian Sapa.

Nghĩa là, phải giành lại bằng được cảnh quan cho đôi mắt du khách.

Đến đây thì có lẽ các bạn đồng ý với tôi rằng cảnh quan nhân tạo không thể tách rời cảnh quan tự nhiên, dường như chúng là một. Vì đến Sapa không chỉ để xem nhà cửa, mà bạn cần thiên nhiên bao bọc nó, cần cảnh núi xanh trên mỗi hướng nhìn lúc lang thang dạo phố, cần thung lũng hoa vàng khi người tình run rẩy nép bên mình, cần các khoảng không gian trống để thấy rừng xa, mây gần… Nghĩa là các khối kiến trúc không được “xâm lăng tàn sát” thiên nhiên của bạn, điều mà người ta vẫn nói như con vẹt “tôn trọng tự nhiên”. 

Trong mắt chúng ta thuộc tự nhiên lớn nhất là địa hình. Con người khi mở đường lên núi buộc phải tạo ra 2 sườn ta - luy dương và âm (bên núi, bên vực) và thường chỉ xây cất nhà  bên ta-luy dương.

Nếu chỉ có thế thì đứng trên đường nhìn sang ta - luy âm bạn vẫn thấy được một phía của cảnh ảnh quan, dù đã tác động vào địa hình. Nhưng nếu cả bên ta - luy âm cũng chia lô xây nhà cao san sát thì toàn bộ sự nhận biết về địa hình của bạn biến mất, do bạn đã bị nhốt trong con phố với hai bên chi chít nhà cửa, làm bạn lầm tưởng vẫn đang ở con phố nào ở Nhổn hay Gò Vấp, dù đã đi gần 400km từ Hà Nội hay hàng nghìn km từ Sài Gòn đến với Sapa.

Đó là nạn “đồng bằng hóa mọi địa hình với lối xây đô thị chỉ bằng nhà chia lô” nhan nhản khắp lãnh thổ Việt Nam từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau, mà tôi không rõ có do bao nhiêu phần sinh ra từ thể chế này, bao phần từ căn tính người Việt?

Góc nhìn ra những thửa ruộng bậc thang của Sapa từ một quán cà phê đã bị bưng bít bởi một dự án cao tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Khánh

Để kháng cự lại quán tính đó, Quy chế Sapa có một chương “Bảo vệ môi trường, toàn phong cảnh và địa hình” (áp dụng từ 2004). Như, chỉ cho xây dựng trên địa hình có độ dốc tự nhiên phổ biến không quá 30 độ, nếu dốc lớn hơn thế là “khu không gian tự nhiên phi xây dựng” vì xây sẽ phá vỡ cảnh quan, địa hình; cấm san gạt tạo mặt bằng trong khoảng 100m ở các đường thủy phân và các đáy thung lũng; khi xây nhà ở các sườn dốc phải giữ nguyên cảnh quan, các tầng thực vật trong phạm vi 50m về mỗi bên v.v..

Tất nhiên để bảo vệ đôi mắt bạn, họ còn quy định đến vật liệu xây dựng và mầu sắc cho kiến trúc, như cấm mặt đứng các nhà dùng các vật liệu: gạch men sứ, đá mài ốp, đá rửa, trang trí giả đá…, cấm bôi quét các màu mạnh: tím hòa cà, xanh da trời, xanh lá cây, đỏ… và hướng dẫn các mầu thay thế.

Ghét “tư duy kế toán”

Không phải vì tôi quá dốt toán, mà vì có cảm tưởng các “bố” từ chủ đầu tư cho đến các ông, bà quản lý đô thị chỉ giỏi kế toán cho các mối lợi riêng của mình.

Chẳng hạn, ai mà chẳng biết các dải đất ở trung tâm ven sông Sài Gòn thuộc loại đẹp và quý nhất của thành phố, hay những khu đất ven biển Đà Nẵng... cũng thế. Vậy nếu được xây càng nhiều nhà cao tầng với càng nhiều căn hộ kề sông Sài Gòn, hay ken dày đặc resort ven biển Đà Nẵng, về mặt kế toán, chủ đầu tư xây dựng càng lời to.

Cũng “về mặt kế toán” đặt trước các chính quyền đô thị ít nhất hai lựa chọn:

1/ Nếu đưa khu đất đó cho chủ đầu tư thì chỉ thu một lần tiền, nếu biến nó thành không gian công cộng để tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, có thể thu lai rai mãi mãi. Và lai rai mãi, thì số con dân được hưởng những vưu vật của cụ Nguyễn Ánh và các bậc tiền nhân mở nước, sẽ nhiều hơn các quý ông, bà có phòng ngủ kề sông hay biển.

Thêm nữa (điều này người ta hay nói một các long trọng) rằng, chính các không gian quý giá đó góp phần nặng ký nhất làm nên cảnh quan Sài Gòn, Đà Nẵng, làm nên mặt mũi, bản sắc của hai thành phố. Chứ gọi mãi Sài Gòn là thành phố sông nước mà nhà cao tầng như tường thành chắn không cho nhau nhìn thấy sông, hay resort che khuất biển Đà Nẵng... thì thà ở nhà xem bưu ảnh Sài Gòn, Đà Nẵng xưa, cho rồi.

2/ Nhưng sự kế toán cũng cho biết nếu chọn phương án vì xã hội thì các ông, bà quản lý chỉ có lương, không có “thưởng”,  mỗi lương không thưởng làm sao sống, hoặc nhiệm kỳ này nếu mình không “quyết toán được” (mà cái gì đã gọi quý giá đâu có nhiều), chẳng lẽ để phần người kế nhiệm xơi nó? v.v..     

Sapa hôm nay nhà cửa đua nhau mọc lên ken thành rừng, cũng xấu xí, bụi bặm, lầy lội, tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm... như bất cứ đô thị nào. Ảnh: TL

Gọi một cách khái quát về tầm nhìn này là họ chỉ nhìn thấy dự án chứa các mối lợi ở đó, mà không thấy giang sơn đất nước.

Bạn hỏi từ đâu ra lối nghĩ đó ư? Nó sinh từ trạng thái mất hay thiếu niểm tin vào các giá trị tốt đẹp chung, vào tổng thể, và cảnh báo rằng thiết chế xã hội đã không còn khả năng bảo vệ hệ giá trị ấy nữa, thậm chí còn ngăn trở sự hồi sinh khó khăn của các giá trị văn hóa.

Tất nhiên “tư duy kế toán” có thể giúp đưa từ một ông kế toán trưởng công ty lên chót vót đỉnh cao quyền lực đã rơi xuống vực thẳm lao lý, nhưng nó cũng kịp tàn phá những đô thị thực hành lối tư duy ích kỷ này.

Sapa hôm nay chỉ là một ví dụ, nhà cửa đua nhau mọc lên ken thành rừng, bởi “nhà nào xây biết lợi nhà nấy, ngành nào xây chỉ vì lợi ngành đó...” cũng xấu xí, bụi bặm, lầy lội, tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm, ăn xin, đánh lộn... như bất cứ đô thị tồi tệ nào.

Dù Quy chế đô thị Sapa có hiệu lực cách đây hơn 13 năm và lẽ ra nó có thể giúp bảo tồn và phát triển tổng thể đô thị tuyệt với này, nhưng những gì đang xảy ra ở đây đang cười nhạo không chỉ những người dày công xây dựng bộ Quy chế, mà tất thảy những ai từng yêu mến Sapa.

Nỗi buồn đó còn tràn tới nhiều đô thị miền núi khác nữa, dù bạn đã lên tới thành phố Điện Biên chẳng hạn. Đó là một thành phố trẻ, được xây dựng gần như từ đầu trên nền cảnh địa lý cánh đồng Mường Thanh tựa hình chiếc lá với sông Nậm Rốm chạy giữa như sống lá, được các núi thấp báo quanh; thêm chất liệu nữa là kiến trúc và cuộc sống người Thái.

Nghĩa là nó chẳng dính dáng tý gì tới Hà Nội, vậy mà vượt hàng trăm km lên Tây Bắc, lúc đi trong phố xá Điện Biên, bạn ...“vẫn ngỡ chưa ra khỏi Nhổn”. Trời ạ!

Hân Hương






No comments:

Post a Comment

View My Stats