Monday 26 February 2018

VIỆT NAM YÊN VỊ TRONG CPTTP ĐỂ . . . CHỜ MỸ (Thiền Lâm)




Thiền Lâm  -  Nhật Báo Calitoday
February 26, 2018

Vietnam – Cali Today news – Sau 8 năm xoay sở đàm phán mà không phải trả một cái giá đáng kể nào về “cải thiện nhân quyền”, rốt cuộc giới chóp bu Việt Nam sẽ có thể tạm hài lòng với một “ghế chờ” trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thay thế cho Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ được 11 nước (không có Mỹ) ký thông qua vào tháng Ba năm 2018.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand, David Parker trả lời báo giới về văn bản cuối cùng của TPP 11 tại Wellington, New Zealand ngày 21/2/2018.  Ảnh: Reuters

Gọi là “ghế chờ” vì không quan hệ thương mại song phương với một quốc gia nào có thể thay thế được và làm lợi nhiều nhất cho Việt Nam bằng quan hệ song phương Việt – Mỹ.
Trong cơ cấu giá trị sản lượng của Hiệp định TPP trước đây, Mỹ chiếm đến 60% giá trị sản lượng trong 12 nước dự kiến tham gia TPP.

Riêng với Việt Nam, hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Obama đã tỏ ra ưu ái một cách đặc biệt khi chấp nhận giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trung bình từ 15 đến 30 tỷ USD/năm. Riêng 2017 là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ đạt lên đến mức kỷ lục 38 tỷ USD – điều khiến cho Trump phải nổi giận và thẳng tay liệt Việt Nam vào danh sách 16 nước “gây hại” cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời vừa đe dọa vừa đang tung ra những biện pháp chế tài thương mại đối với Việt Nam theo nguyên tắc “công bằng và đối ứng” của Trump.

Vào đầu năm 2017, cú sốc rút khỏi TPP của Trump đã khiến giới chóp bu Việt Nam choáng váng và khiến lâu đài cát “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% khi tham gia TPP” sụp đổ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn hy vọng vớt vát vào TPP-11 không có Mỹ nhưng vẫn còn những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Úc.

Tuy nhiên, thực tế mà việt Nam đã trải nghiệm qua những hiệp định thương mại song phương (FTA) với một số nước lại không hề “dễ ăn”.

Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và châu Âu là còn xuất siêu được – lần lượt là 30 – 35 tỷ USD và 25 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là “dễ ăn”, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến 20 tỷ USD vào năm 2016 và 25 tỷ USD vào năm 2017.

Còn với Trung Quốc thì khỏi nói: con số nhập siêu chính ngạch lên đến gần 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 – 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.

Trong thâm tâm, giới chóp bu Việt Nam vẫn hy vọng Tổng thống Trump sẽ “nghĩ lại” để thay đổi quyết định Mỹ rút khỏi TPP.

Mới đây, đã xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy Trump có vẻ hơi “nghĩ lại” về TPP: trong một bài phát biểu ở Davos, Thuỵ Sĩ nhân chuyến công du 2 ngày đến quốc gia này, Tổng thống Donald Trump có nhắc đến vấn đề TPP: “Chúng tôi đã có các thỏa thuận với một số nước trong TPP. Nước Mỹ sẽ đàm phán với những quốc gia còn lại, từng nước một hoặc một nhóm nước, miễn là lợi ích chia đều cho tất cả”.

Cùng lúc, 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống Trump thúc giục suy nghĩ lại về TPP, kêu gọi những động thái cải cách tích cực cho phép Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định: “Tăng cường hợp tác kinh tế với 11 quốc gia gia nhập TPP sẽ là tiềm năng cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ hàng triệu việc làm cho người Mỹ, tăng năng suất xuất khẩu của Mỹ, và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”.

Nếu Trump thay đổi quyết định của ông ta để nước Mỹ tiến hành đàm phán và có thể chiếm cái ghế thứ 12 trong CPTPP, đó sẽ là một tin vui khó tả dành cho giới chóp bu và nhiều doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân ở Việt Nam, đồng thời phác ra hy vọng cho nền ngân sách Việt Nam – vốn đang quặt quẹo và phải đè đầu dân thu thuế để “còn nước còn tát” từng năm một cho chế độ độc đảng – có thêm một khoản thu không quá nhỏ từ việc hưởng lợi trong quan hệ thương mại song phương với Hoa Kỳ.

Nhưng dù tương lai CPTPP có Mỹ chăng nữa, rõ là thời của Trump sẽ khó chơi hơn nhiều so với thời Việt Nam được tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Ngay trước mắt, Việt Nam sẽ phải chứng minh và bảo đảm được tiêu chí về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh “một bộ phận không nhỏ” của kinh tế Việt Nam là chuyên “nhái” hàng hóa của các nước khác.

Bên cạnh đó, chủ đề công đoàn độc lập và nhân quyền – tuy chỉ là những yêu cầu phụ của CPTPP – vẫn sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với chính thể Việt Nam một khi CPTPP có mặt người Mỹ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats