Tuesday, 27 February 2018

ĐÀN BÀ VIỆT KHỔ? (FB Nguyễn Thị Bích Ngà)





Tôi là đàn bà, lại là đàn bà ở một đất nước đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến, chịu nhiều ràng buộc bởi nền văn hóa Nho giáo, dù tôi đang sống ở thời kỳ đất nước tiền hiện đại nhưng vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo và những rối loạn xã hội, nên tôi khá rõ về những nỗi khổ của đàn bà Việt và nhận ra những trái khoáy ngộ nghĩnh làm tôi nhiều lần tự đặt câu hỏi: Đàn bà Việt khổ vì đâu? Có khổ thật không?

Như phần mở đầu, mình đã viết, do văn hóa Nho giáo nên người đàn bà trong xã hội Việt bị triệt tiêu sự phản kháng, không có tiếng nói và vai trò trong gia đình, xã hội chỉ là thứ yếu. Họ là người được đặt cho trách nhiệm chăm lo, quán xuyến mọi thứ trong nhà từ cơm nước cho đến giặt giũ, quét dọn, con cái và phải có trách nhiệm giữ gìn tiết hạnh, lễ giáo gia phong. Người đàn ông được đặt trách nhiệm trụ cột kiếm sống cho gia đình và lo việc ngoài xã hội, giải quyết mọi vấn đề mang tính nặng nhọc và lớn lao. Sự phân công khá rõ ràng và mang tính áp đặt.

Cái văn hóa Nho giáo đó thường bị chê bai và bài trừ ở thời hiện đại khi người Việt tiếp nhận văn hóa phương Tây. Nhưng, ta hãy tự hỏi, cái triết lý Nho giáo sai hay con người hiểu và áp dụng sai? Khi tiếp nhận văn hóa phương Tây nam nữ bình đẳng trong mọi việc để loại trừ văn hóa Nho giáo, ta cũng hãy tự hỏi, ta có hoàn toàn loại trừ được văn hóa Nho giáo và tiếp nhận được đủ đầy văn hóa phương Tây chưa? Có hiểu được triết lý trong khái niệm “nam nữ bình đẳng” một cách đủ đầy chưa? Hay ta đang bị rối nùi trong mớ bòng bong giữa cũ và mới nên chúng ta đang sống một cách lạc lối và đầy nghi hoặc, không thể phân biệt cái nào đúng cái nào sai cái nào cần giữ cái nào cần loại bỏ? Con người sống trong một giai đoạn xã hội như vậy thật dễ bị tâm thần. Một xã hội như vậy thật là một xã hội đầy rối rắm và không thể phát triển bởi chẳng biết đi đâu về đâu. Không có một nền tảng nào cho con người làm điểm tựa để có thể đứng vững, nói gì đến chuyện tiến lên.

Nhiều lần, tôi nói với anh em bạn bè rằng, dân tộc mình là một dân tộc hời hợt và mờ nhạt. Những triết lý đi vay mượn, những tư tưởng đi vay mượn, những văn hóa cũng đi vay mượn, bắt chước nhưng thường không hiểu sâu, hiểu đúng và làm theo nguyên mẫu mà lại hiểu và làm một cách biến tấu theo ý thích của mình để lấy đó làm cơ sở cho rằng đó là thứ của mình. Người Việt khổ vì vậy, và vì người Việt khổ nên đàn bà Việt khổ.

Ta hãy thử lấy Nho giáo làm nền tảng xã hội, ta có: Đàn ông kiếm tiền, lo việc nặng nhọc, việc xã hội. Đàn bà làm việc nhà, nuôi dạy con, giữ gìn tiết hạnh lễ giáo. Nếu con người ai ai cũng hiểu đúng và đủ, thực hành đúng vai trò và trách nhiệm của mình thì xã hội đó có tốt đẹp không? Tôi tin là có. Nhưng, con người lại thường không thể làm được trách nhiệm của mình. Người đàn ông không thể kiếm tiền nuôi sống gia đình, đặt luôn gánh nặng đó lên vai phụ nữ nhưng đồng thời lại bắt người phụ nữ phải lo việc nhà tốt chứ mình thì không thay thế phụ nữ lo việc nhà. Ở chiều ngược lại, cũng có những người phụ nữ không chăm lo được việc nhà nhưng cũng không thể thay thế đàn ông làm cái việc kiếm tiền. Và khi phụ nữ thay thế vai trò của đàn ông trong việc kiếm tiền để cho đàn ông làm việc nhà của phụ nữ thì họ sẽ thường rơi vào trạng thái tâm lý “nhìn chồng của cô hàng xóm” để phân bì và hành hạ, khinh thường cái thằng đàn ông “vô dụng” trong nhà mình. Ta thấy ở đây con người sai, không phải triết lý Nho giáo.

Ta hãy thử lấy văn hóa phương Tây làm nền tảng xã hội, ta có: Nam nữ bình đẳng. Người đàn bà và đàn ông đều phải đi làm việc kiếm sống, đều phải chia sẻ tiền bạc trong cuộc sống gia đình, đều phải nuôi dạy con cái và đều phải làm việc nhà. Người đàn ông, đàn bà Việt có làm được điều này không? Không. Vẫn là không thể làm tròn được trách nhiệm và vai trò của mình rồi đổ lỗi cho văn hóa tương tự đổ lỗi cho Nho giáo.

Bản thân tôi là “nạn nhân” của sự rối loạn xã hội cũng giống như mọi người Việt khác. Tôi cố thoát khỏi sự hỗn loạn bằng cách chọn cho mình một nền văn hóa duy nhất: hoặc Nho giáo hoặc phương Tây. Tôi chọn phương Tây và tìm hiểu thật kỹ, thật rõ để hiểu một cách đủ đầy và thực hành nó một cách nhất quán. Rồi tôi thấy, rất nhiều người không thể, không muốn chọn một cách cho chính mình. Và vì vậy, họ tự làm khổ bản thân, trong đó dĩ nhiên có phụ nữ.

Những trình bày ở trên là những giải thích cho những câu hỏi mà tôi thắc mắc lâu nay: Tại sao đàn bà Việt khổ? Có khổ thật không?

Tôi chứng kiến rất nhiều cảnh người đàn bà Việt khổ. Họ bị chồng đánh đập, họ bị gia đình chồng hành hạ, họ phải vất vả kiếm sống nuôi gia đình nhưng vẫn phải chu toàn tất cả việc gia đình nhỏ cũng như gia đình chồng, họ phải chịu đựng trong hôn nhân kể cả khi chồng ngoại tình vẫn không bỏ…Họ than thở, họ trách móc, họ kể lể và họ tiếp tục chịu đựng chứ không thể bứt thoát và họ viện đủ cớ, đủ lý để không bứt thoát và cái cớ cái lý được họ sử dụng nhiều nhất là: vì con, vì gia đình nên phải hi sinh!

Tôi cũng được nhiều chị em tâm sự, chia sẻ nỗi khổ của mình, và với nền tảng sống là văn hóa phương Tây, tôi lập tức đưa ra giải pháp để giải quyết tình huống, giải quyết vấn đề. Nhưng những người phụ nữ này không đón nhận giải pháp, họ không giải quyết vấn đề. Sau nhiều trường hợp, tôi nhận ra rằng họ kể với tôi không phải để tìm giải pháp mà chỉ là để tìm một sự đồng cảm. Họ cần một sự thương cảm, một lời an ủi để họ tiếp tục chịu đựng bởi sự thương cảm là liều thuốc phiện ru tinh thần họ trong trạng thái: ngoài kia có những kẻ cũng khổ giống mình, mình chịu đựng như vầy là đúng, không sai, hãy cố gắng chịu đựng hơn nữa!

Trước đây, tôi nghĩ họ là nạn nhân vừa đáng thương vừa đáng trách. Tôi trách họ không tự giải thoát cho chính mình khỏi những ràng buộc, lề thói và tư duy sai lệch, không dám đấu tranh cho chính mình và hi sinh vô nghĩa. Nhưng khi đào sâu nghiên cứu một cách cẩn trọng hơn, tôi thấy họ là nạn nhân của xã hội và việc họ không thoát được là lẽ đương nhiên. Tôi nhận ra họ lạc lối trong một xã hội rối loạn không có nền tảng văn hóa, lâu dần nó làm họ bị bệnh về tâm lý nhưng bản thân họ không thể nhận ra trong một xã hội không thể cứu chữa bởi chẳng ai để ý đến việc cứu chữa.

Khổ hay không khổ? Khi xã hội không thể cho mình một môi trường, một nền tảng văn hóa rõ ràng để sống tốt, người dũng cảm và có chiều sâu sẽ cố gắng làm thay đổi môi trường để xây dựng cho mình và mọi người một nền tảng văn hóa tốt, người nhận biết được bản thân sẽ cố gắng chọn cho mình một nền tảng văn hóa làm căn bản để sống và cố gắng sống nhất quán với sự lựa chọn của mình. Những người kể trên là số ít. Phần đông, con người không thể thoát khỏi những gì họ phải tiếp nhận trong môi trường và văn hóa chung kể cả khi biết nó sai, nên họ chịu đựng và họ khổ. Khi nào xã hội có đủ người nhận biết, dũng cảm lựa chọn và thay đổi thì xã hội mới thay đổi.

Tôi có cảm hứng viết bài này khi nhìn hình ảnh này trên trang của anh Hà Phan kèm caption “Phụ nữ VN quá khổ, nhất là những nơi nặng nề cỗ bàn như 1 số tỉnh phía Bắc, nhiều cô phải dành cả tuổi thanh xuân để rửa bát…”

Người đàn bà trong hình này có phải một mình rửa từng này chén bát hay không? Tôi không bàn tới. Nhưng tôi biết cô chụp cái ảnh này để than khổ cho bản thân và nhiều người phụ nữ khác, trong khi cô và nhiều người thực ra không nhất thiết phải khổ. Khổ hay không là ở sự lựa chọn của chính mình. Và hình ảnh này là sự minh họa tốt nhất cho bài viết về sự rối loạn, lạc lối trong văn hóa của Việt Nam-nguyên nhân gây ra sự khổ của đàn bà Việt và cả đàn ông, dĩ nhiên.









No comments:

Post a Comment

View My Stats