Saturday 10 February 2018

BẢN TIN TỐI 10/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo VnExpress đưa tin: Trung Quốc có thể đưa tiêm kích tàng hình J-20 xuống Biển Đông. Theo tin từ Global Times, cố vấn cấp cao thuộc Hiệp hội giải trừ quân bị và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc Xu Guangyu cho biết: “Chúng tôi vừa tiếp nhận tiêm kích Su-35 của Nga và ra mắt dòng tiêm kích J-20 vào năm ngoái. Giờ đây chúng tôi có thể đưa những máy bay này vào thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu thật sự tại Biển Đông”.

Ông Xu nói thêm: “Sự xuất hiện của tiêm kích tàng hình J-20 và chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35, những loại máy bay có khả năng tấn công tàu chiến, trên Biển Đông là nhằm đáp trả động thái ‘khiêu khích’ của Mỹ tại khu vực”.  


Quan hệ Việt – Trung
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Các Đảng Cộng sản Việt Nam-Trung Quốc tăng cường trao đổi tạo đột phá. Trong cuộc “trao đổi thân mật” với Phó Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương ĐCS Trung Quốc Vương Á Quân, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã bàn về thành quả trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc năm 2017: “Lần đầu tiên, cả Tổng Bí thư hai Đảng, Chủ tịch nước hai bên thăm lẫn nhau trong cùng một năm, đạt những nhận thức chung quan trọng”.

Bài báo cho biết thêm: Ông Khôi và ông Vương đã “trao đổi về một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi qua kênh hai Đảng, vừa đổi mới, sáng tạo hình thức giao lưu, hợp tác”.

Có lẽ lãnh đạo CSVN không cần “sáng tạo” thêm biện pháp ngoại giao, mà chỉ cần tiếp tục im lặng trước chuyện Trung Quốc liên tiếp triển khai máy bay chiến đấu thế hệ mới, tàu chiến, mạng lưới giám sát trên Biển Đông là đủ làm hài lòng Bắc Kinh.

Nhân quyền cho Việt Nam
Báo Công An ND đưa tin: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Trường. Cơ quan điều tra cho rằng ông Trường đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong chuyện làm video clip, viết bài trên mạng xã hội Facebook “với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan Nhà nước làm công tác tố tụng ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Facebooker Nguyễn Phú Cường viết“Hôm nay chúng bắt Facebooker Nguyễn Văn Trường ở Thái Nguyên và ghép tội anh tuyên truyền. Các anh chị em live stream trong quốc nội sẽ hãy sáng suốt trong ngôn từ đừng để chúng có cơ hội áp đặt tội cho chúng ta. Không thể để chúng đàn áp tiếng nói chúng ta”.

Ông Nguyễn Văn Trường tại Cơ quan An ninh điều tra. Ảnh: CAND

Facebooker Trịnh Bá Tư cập nhật tình hình dân oan Cấn Thị Thêu ngày mãn hạn tù: “Cô Bùi Thị Minh Hằng và các bạn đã đón và đưa mẹ, bố và anh trai tôi đến sân bay Pleiku, 2h chiều máy bay sẽ cất cánh, khoảng 3h30 đến 4h chiều mẹ tôi sẽ về tới nhà tại tổ dân phố Trung Bình – Dương Nội – Hà Đông – Hà Nội”.

Facebooker Trịnh Bá Phương chia sẻ video clip ghi lại lời phát biểu của bà Cấn Thị Thêu ngày ra tù: https://www.facebook.com/trinhbaphuong.trinhba/videos/1975563652705328/

Công an “nhân dân”
Báo Đất Việt có bài tổng hợp vụ tranh luận trước quán massage với sĩ quan: Tự va dùi cui. Về chuyện thanh niên tên Nhí bị thương nặng ở đầu và thủng bụng sau khi tranh cãi với CSGT, phía công an khẳng định: “Nhí ‘va’ liên tiếp vào dùi cui của viên cảnh sát”. Bài viết nhắc lại sự kiện một người chết vì trúng đạn khi công an bắt đánh bạc ở tỉnh Hải Dương, để lưu ý hiện tượng: Người dân tự “va” vào đạn dược, vũ khí của công an.

Vụ phó công an xã Sùng Đô ngăn đoàn từ thiện phát quà: Bất ngờ nội tình, báo Đất Việt đưa tin. Theo đó, ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Quan điểm của huyện là luôn ủng hộ, tạo điều kiện để nhân dân nhận được quà hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Có thể vị phó công an xã mà đoàn từ thiện nói đến là người có tinh thần không bình thường hay say rượu nên gây cản trở”.


“Lỗi hệ thống”
Nhân dịp VOV có bài: Đảng viên, công chức phải gương mẫu không vụ lợi trong hiếu hỉ, báo Dân Việt “hưởng ứng” bằng bài:  “Có người báo tin cơ quan họ chuẩn bị cả chục phong bì đi biếu Tết”. Theo đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, thừa nhận: “Có trường hợp gọi điện đã báo tin một cách chính xác việc lấy tiền của tập thể để chuẩn bị đi biếu tặng trong dịp Tết thế nào”.

Dân gian có câu: “Phép vua thua lệ làng”. Trong trường hợp này, chuyện Thủ tướng Phúc yêu cầu “viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức” đã không được cấp dưới xem trọng bằng “lệ làng”.  

Báo Dân Trí đưa tin: Nhóm cựu cán bộ thuộc Tổng cục Thủy sản kiếm chác tiền tỷ. Theo cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án xảy ra ở Trung tâm 3K thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, một số cựu lãnh đạo ở trung tâm này đã “nhận hồ sơ của các doanh nghiệp để làm, chỉnh sửa văn bản, làm sai lệch nội dung phụ lục sản phẩm được cấp phép lưu hành” trong giai đoạn 2014-2015, dù Bộ NN&PTNT đã “tạm dừng việc xem xét hồ sơ”.

Báo Dân Việt có bài: Điện Biên: Thực hư tố cáo bị trù dập ở TT Bồi dưỡng chính trị. Theo đơn tố cáo của ông Trần Văn Dương, ông Đặng Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị TP Điện Biên Phủ đã có hành vi “trù dập, vu khống, áp đặt đối với nhân viên, đuổi nhân viên ra khỏi phòng làm việc”. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Xoa, một cán bộ ở trung tâm này và ông Hùng đều phủ nhận thông tin trong đơn tố cáo.

Báo Công An ND đưa tin: Kế toán trưởng Chi cục kiểm lâm “rút ruột” công quỹ. Theo quyết định khởi tố bị can Huỳnh Ngọc Tuấn do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên công bố, ông Tuấn đã cùng với thủ quỹ Nguyễn Thị Thanh Nguyên “rút ruột” tiền tỷ từ công quỹ Chi cục kiểm lâm Phú Yên để dùng cho mục đích cá nhân, khiến cho cơ quan này “không có nguồn tiền thanh toán một số dự án liên quan đến hoạt động quy hoạch, bảo vệ rừng”.


Vấn đề đất đai
Báo Lao Động bàn về chuyện quản lý đất công sản, nhìn từ vụ Vũ “nhôm”. Theo bài viết, vụ Vũ “nhôm” không phải là trường hợp cá biệt “trong bối cảnh việc quản lý đất công lâu nay còn lỏng lẻo dẫn đến lãng phí, thất thoát”. Tác giả cho rằng: Nghị định 167/2017-NĐ-CP do Chính phủ ban hành cuối năm 2017 và vừa có hiệu lực có thể “ngăn chặn một cách có hiệu quả tình trạng mua bán, sử dụng sai mục đích đất công sản hiện nay”.

Bài thứ 4 trong loạt bài trên báo Pháp Luật Plus về sai phạm đất đai ở An Giang: Chính quyền huyện Tri Tôn bị “tố” thiếu trách nhiệm với dân khi giải quyết khiếu nại? Theo đó, chính quyền thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn khi tiến hành dự án mở rộng kênh thủy lợi đã lấp cả đất nông nghiệp của ông Trần Văn Được, nhưng ông Được “không được chính quyền địa phương hỗ trợ đền bù”. UBND thị trấn Ba Chúc đã từ chối đơn kiện của ông Được, với lý do: “Phần đất bờ đê và lòng kinh Xã Võng là thuộc sở hữu nhà nước”.

Chuyện về con đường “thông minh” ở Hà Tĩnh: Đường đi vào nhà “lạc” sang sổ đỏ nhà hàng xóm, theo báo Dân Việt. Năm 2009, chính quyền xã Đức Dũng cho phép gia đình ông Phan Trường Lưu mở đường vào nhà nối từ đường bê tông bên ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2013, con đường này lại “lọt” vào sổ đỏ của người hàng xóm là ông Phan Quốc Liên. Vợ ông Lưu chia sẻ: “Tôi thấy quá vô lý nên đã làm đơn gửi UBND xã Đức Dũng phản ánh nhưng từ đó đến nay, xã vẫn không giải quyết cho”.


“Lực lượng nòng cốt” của đảng
Về vụ lãnh đạo người Hàn Quốc của Công ty KL Texwell Vina về nước, trong khi còn nợ lương công nhân gần 13,7 tỷ đồng và nợ tiền bảo hiểm xã hội khoảng 17,5 tỷ đồng, LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng: Phải bán tài sản công ty để trả lương cho 1.900 công nhân, theo Zing. Về quy trình, LS Nghiêm phân tích:

“Với tư cách là những chủ nợ, công nhân có quyền yêu cầu người đại diện, ở đây là Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đề nghị tòa án tuyên bố công ty KL Texwell Vina phá sản. Sau đó, cơ quan tòa án mới có quyền quản lý và phát mãi tài sản để lấy tiền trả lương cho công nhân”.

Báo Người Đưa Tin viết: Lãnh đạo công ty lặng lẽ về nước, 2.000 công nhân mất Tết, không tiền về quê. Bài báo cung cấp thông tin: PV liên hệ với phòng nhân sự của công ty KL Texwell Vina thì được hướng dẫn làm các thủ tục vào công ty. “Tuy nhiên, khi đến cổng công ty, lực lượng bảo vệ và công an không cho vào với lý do không đảm bảo an ninh”. LĐLĐ Đồng Nai cho biết đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam về chuyện “hỗ trợ mỗi công nhân 500.000 đồng”.

Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương phân tích“Những người lãnh đạo của công đoàn cũng như các cấp chính quyền không có hướng giải quyết gì cho công nhân. Như vậy những người công nhân này biết dựa vào ai? Vì kể cả những người hưởng lương trực tiếp từ họ còn không bảo vệ được cho họ”.

Trang Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Công nhân Công ty THNN Điện tử BSE đình công. Theo đó, “chiều nay lúc khoảng 15h công nhân công ty điện tử BSE tại khu C khu công nghiệp Nam Cấm thuộc xã Nghi Xá huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An đã đồng loạt đình công do các phần quà thưởng tết của công ty kém chất lượng”.

Công nhân Công ty BSE đình công. Ảnh: TNCG

Tiếp tục vụ 40 công nhân bị bỏ rơi ngày giáp Tết: Cai thầu đã lộ diện, báo Dân Việt đưa tin. Cai thầu Nguyễn Văn Sơn trả lời phỏng vấn: “Sáng nay 8 giờ, em đã mang 140 triệu về thanh toán trước cho 37 công nhân. Số tiền này là do em đi vay tiền để lo cho mọi người chứ em không chạy trốn”. Tuy nhiên, một người trong nhóm công nhân chia sẻ: “Anh Sơn mới chỉ thanh toán một phần tiền công và viết giấy hẹn ra Tết thì sẽ thanh toán hết”.

Báo Giao Thông có bài: Vụ cai thầu “mất tích” bỏ mặc 40 công nhân: Nhà thầu lên tiếng. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty CPĐT Xây dựng số 3 Quảng Ninh, cho biết: “Công ty chỉ thanh toán hết số tiền trong hợp đồng theo khối lượng khi cai thầu có văn bản ủy quyền cho người đại diện công nhân lên thanh toán”.

Một nữ công nhân chia sẻ với báo Lao Động: Được “thưởng” 20.000 đồng cũng là đã quá may! Tác giả viết: “Chúng tôi là những công nhân mất việc khi Tết Mậu Tuất đang đến gần. Chắc ai cũng tưởng tượng ra được cảnh Tết đến ‘không việc, không lương’ chứ nói chi đến ‘không thưởng’.” Cho nên, được “thưởng” 20.000 đồng vẫn còn may, vì dù không mua nổi bát phở ngon, nhưng vẫn mua được gần chục gói mì cầm hơi trong lúc chờ lương!?

Công nhân Công ty Nam Phương ngừng việc vào những ngày cuối năm vì lương. Ảnh: LĐ


“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Báo Dân Việt đưa tin: Sắp Tết, nông dân Hà Tĩnh lại điêu đứng vì giống lúa Nhị Ưu 838. “Nhờ” giống lúa được phân phối “qua các HTX dịch vụ nông nghiệp xã với giá 74.000/kg”, nhiều nông dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, mất ăn mất ngủ. Một nông dân ở xã Hòa Hải chia sẻ: “Tôi làm loại lúa này gần hai chục năm nay rồi, năm nào lúa cũng phát triển tốt cho thu hoạch khá. Nhưng năm nay, chúng tôi đăng ký giống tại thôn và HTX là đơn vị cung ứng giống thì lúa lại có vấn đề”.

Chuyện buồn của nhiều nông dân ở Tiền Giang: Thương lái đồng loạt ép giá, nông dân trồng sầu riêng điêu đứng, theo báo Người Đưa Tin. Bài viết bàn về thủ đoạn ép giá nông sản của thương lái: Chấp nhận trả đúng giá vụ đầu, những vụ sau nông dân trồng nhiều thì trả giá thấp dần. Một nông dân chia sẻ: “Ngày cận Tết, nếu nông dân không bán thì sẽ không bán được cho ai. Đặc biệt, sầu riêng chín rộ và rụng nên buộc lòng nông dân chấp nhận thua lỗ, bán với giá thấp”.

Trang VnEconomy có bài: Đường bắp Trung Quốc chặn đứng đường Việt. Lý do: “Lúc cao giá nhất như đầu năm 2017, đường bắp 11.000 – 12.000 đồng/kg, trong khi đường trắng 17.000 – 18.000 đồng/kg”. Tuy nhiên, giá rẻ của hàng Trung Quốc luôn đồng hành với “hoá chất độc hại và bắp biến đổi gen thủy phân… có thể dẫn đến mỡ gan, tiểu đường, tim mạch, thậm chí ung thư”. Trong khi đó, “nông dân thua lỗ, nhiều nhà máy không thu mua mía, nông dân kêu trời”.

Về chuyện Bộ Công Thương áp thuế tự vệ lên phân bón, ông Lê Triệu Dũng, Phó Cục trưởng Cục PVTM khẳng định: Vì lợi ích lâu dài của nông dân, báo Tiền Phong đưa tin. Theo đó, dù giá phân bón sẽ tăng cao, nhưng nông dân vẫn “có lợi”, vì Bộ Công Thương vẫn bảo vệ được hệ thống nhà máy sản xuất phân bón trong nước.


Chuyện “cát tặc”
Báo Tài Nguyên và Môi trường đặt câu hỏi: Uông Bí – Quảng Ninh: Chủ đầu tư “xóa dấu” hiện trường bơm hút cát trái phép? Bài báo cho biết: Sau khi chuyện bơm hút cát trái phép của Công ty Tân Thành bị phanh phui trên báo chí, công ty này liền huy động máy xúc, xe tải để xóa dấu vết ở hiện trường.

PV Báo TN&MT đã tìm cách gặp ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình Xây dựng TP Uông Bí, 2 lãnh đạo này đều lấy lý do: “Bận họp”, để từ chối cung cấp thêm thông tin về sự việc. Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, chịu tiếp PV nhưng vẫn khẳng định Công ty Tân Thành không lợi dụng chuyện làm dự án để khai thác cát trái phép.

Công ty Tân Thành vội vàng cho san lấp moong khai thác cát sau khi báo chí phản ánh sai phạm. Ảnh: TN&MT


***


Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Tòa Bạch Ốc đang đối mặt với cơn bão lửa khi có thêm một viên chức nữa từ chức hôm nay. Đó là ông David Sorensen, là người soạn diễn văn, làm việc với ông Stephen Miller, cố vấn hàng đầu của Trump, đã đệ đơn từ chức vì tội bạo hành vợ cũ. Chỉ hôm nay đã có tới hai nhân vật trong chính quyền Trump từ chức. Trước đó, bà Rachel Brand, là nhân vật xếp thứ ba ở Bộ Tư pháp cũng dứt áo ra đi.

Hai ngày trước, Rob Porter, thư ký tòa Bạch Ốc cũng đã từ chức vì bị cáo buộc tội bạo hành hai người vợ cũ. Có khả năng ông John Kelly, Chánh Văn phòng Nhà Trắng sẽ phải ra đi vì liên quan tới hai vụ từ chức này. Hoặc là Kelly không biết lai lịch các các quan chức này, hoặc là ông ta biết mà che giấu. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao những nhân vật như Rob Porter, David Sorensen, dính tới các vụ bạo hành trước đây, lại có thể nhận được quyền miễn trừ an ninh (security clearance) để nghiễm nhiên chui vào tòa Bạch Ốc?

Sau khi cho công bố bản ghi nhớ mật do phía Cộng hòa soạn thảo và hả hê viết trên Twitter là đã được “minh oan”, Tổng thống Mỹ không tiết lộ bản ghi nhớ của phe Dân chủ. Phía Nhà Trắng nói rằng, bản ghi nhớ này “chứa đựng nhiều thông tin mật và đặc biệt nhạy cảm” và đó là lý do ông Trump không cho tiết lộ.

Mọi người không hề ngạc nhiên về quyết định này của Trump. Bản ghi nhớ Trump cho công bố hôm 2/2 vừa qua, cũng là bản có nhiều thông tin mật, nhạy cảm, và nhất là nó chứa đựng thông tin sai sự thật, nên FBI và Bộ Tư pháp đã ngăn cản, không cho công bố. Thế nhưng, Trump vẫn cho công bố, để rồi bây giờ lấy lý do “thông tin mật, nhạy cảm”, không cho công bố bản ghi nhớ do phía Dân chủ soạn thảo.

Đô đốc Mỹ cứng rắn với Trung Quốc được đề cử làm đại sứ ở Úc. Có người đoán, người thay thế ông Harris làm tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương là Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Các lực lượng hạm đội Mỹ, nhưng không phải. Người đó chính là đô đốc John Aquilino, hiện đang là tư lệnh Tư lệnh Hạm đội 5 ở Bahrain.

“Lợi dụng sơ hở của luật pháp”, 6 thiếu niên tranh cử thống đốc, tiểu bang Mỹ vội vàng sửa luật, NPR đưa tin. Ông Bryan Caskey, giám đốc bầu cử tại sở ngoại vụ Kansas, nói với báo Kansas City Star: “Theo luật Kansas, không có quy định về các tiêu chuẩn đối với một thống đốc, không có bất cứ điều kiện nào cả. Không cần bất cứ điều kiện gì: không tuổi tác, không nơi cư trú, không kinh nghiệm. Không gì cả“.


Bán đảo Triều Tiên
Bài viết trên báo Lao Động: Ẩn ý không giấu diếm, nói về ẩn ý của Bình Nhưỡng, “đó là tạo sự khác biệt rõ ràng giữa chủ động dịu với Hàn Quốc và tiếp tục găng với Mỹ, giữa đề cao và tranh thủ Hàn Quốc với hạ thấp và bất chấp Mỹ. Mục đích ở đây chỉ có thể là phân rẽ Hàn Quốc với Mỹ và dùng Hàn Quốc đối phó Mỹ“.

Quyền lực đáng gờm của “Ivanka Triều Tiên”, biệt danh mà nhiều người dùng để gọi cô Kim Yo-jong, là người có quyền hành chỉ sau người anh trai Kim Jong-un. Vẫn không rõ cô Kim Yo-jong đến Nam Hàn “để xây dựng quan hệ hòa bình hay chỉ đơn thuần là mang theo gương mặt tươi cười để làm tiêu tan đi sự nghi ngờ về một cuộc chiến sắp diễn ra”.

Trong Khi Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã bắt tay cô Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Hàn, mà báo chí gọi đó là giây phút lịch sử của bán đảo Triều Tiên tại Olympic Pyeongchang, thì thái độ của phía Mỹ hoàn toàn trái ngược: Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lạnh nhạt, né tránh em gái ông Kim Jong-un.


***

***

***










No comments:

Post a Comment

View My Stats