Friday, 9 February 2018

BẢN TIN SÁNG 9/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tới Biển Đông. Dẫn nguồn từ Hoàn cầu Thời báo đưa tin, máy bay chiến đấu Su-35 được Trung Quốc đưa tới Biển Đông, báo Japan Times của Nhật bình luận, “đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai chuyện đưa chiến đấu cơ tới vùng tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam”.

Báo Người Lao Động viết: Biển Đông trên không rủi ro không kém dưới biển. Về khả năng xảy ra xung đột trên không phận Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bày tỏ hy vọng, các nước ASEAN có thể đàm phán về chuyện thành lập Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên không ở biển Đông.  


Quan hệ Việt – Trung
VOA đưa tin: Chủ tịch Trung Quốc chúc Tết ông Nguyễn Phú Trọng. Theo tin từ Tân Hoa Xã, trong thư chúc Tết gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bàn về thành quả ngoại giao của 2 nước, liên quan đến “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”, cùng với mục tiêu 100 tỷ đôla trong thương mại hai chiều năm 2017.

Đầu tháng 1/2018, BBC có bài phân tích về mối liên quan giữa “Sáng kiến Vành đai và Con đường” với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông: Từ Biển Đông đến Một Vành đai của Trung Quốc. Theo nhận định của ông Bill Hayton, chương trình “Một vành đai” chính là cách để Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nước tham gia tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Bài: VN ở đâu trong ‘Vành đai và Con đường’ của TQ của BBC hồi giữa năm 2017 có đoạn bàn về chương trình “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”. Theo TS Nguyễn Hữu Quyết, chiến lược “một trục hai cánh” là cách để Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm lên các nước tiểu vùng sông Me-kong và vành đai kinh tế xung quanh vịnh Bắc Bộ. Về lâu dài, tất cả các yếu tố này đều có thể khiến Việt Nam chịu thiệt hại “trong vấn đề Biển Đông”.


Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: HRW kêu gọi Việt Nam ngưng đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo. Về phiên xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sắp diễn ra, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu: “Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình”.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung, một trong 6 người sắp bị xử bởi TAND huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: FB Đạo Tràng Út Trung/ RFA

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy đặt câu hỏi: “Nạn nhân” của thầy giáo Vũ Văn Hùng: Bí mật quốc gia? Theo đó, công an phường Thanh Xuân Bắc bắt thầy Hùng vì lý do “gây thương tích” cho người khác, nhưng đến nay, “nạn nhân” của thầy Hùng vẫn chưa xuất hiện. “Chẳng lẽ ‘nạn nhân’ của thầy Hùng là bí mật quốc gia?… Hay Vũ Hùng ‘gây án’ nhầm vào một ông ủy viên Bộ chính trị nào đó?”

VOA đưa tin: Giới hoạt động gửi thỉnh nguyện thư đòi thả tù nhân lương tâm. Theo đó, những người “quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam” đã gửi thỉnh nguyện thư tới lãnh đạo CSVN yêu cầu trả tự do cho “các tù nhân bị kết án vì bất đồng chính kiến”. Bức thư được ký ngày 3/2, trùng với ngày sinh nhật đảng CSVN, và “được đăng hôm 7/2 lên trang change.org”.  

RFA bàn về hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam. Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương nói về hoạt động của tổ chức Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt tự do: “Hai tổ chức nhưng cùng một mục tiêu là giúp đỡ những người công nhân nói lên sự bất công mà giới chủ doanh nghiệp đàn áp họ, hay là những cái mà công đoàn Việt Nam không bảo vệ họ, thì chúng tôi, Lao động Việt hay Phong trào Lao động Việt làm mọi cách để hướng dẫn họ”.

Nhạc sĩ Việt Khang, cựu tù nhân lương tâm và là tác giả các bài hát nổi tiếng về hiện tình xã hội và chủ quyền đất nước đã rời Đài Loan bay vào Mỹ. Theo tin từ đài SBTN, nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ hôm nay là nhờ “một quá trình can thiệp lâu dài của chính quyền Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế đối với chính quyền CSVN”.

Facebooker Dominic Phạm có clip tường thuật hình ảnh Việt Khang đặt chân xuống phi trường quốc tế Los Angeles, California: https://www.facebook.com/dominic.pham.12/videos/1607341156022787/


Hồ sơ Formosa
RFA đặt câu hỏi: Nạn nhân Formosa đón tết ra sao? Gần hai năm trôi qua sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra, các cơ sở hải sản khô và đông lạnh ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường thiệt hại. Một chủ cơ sở hải sản khô ở Hà Tĩnh chia sẻ: “Chiều nay mới nhận được 30% tiền cá khô, tủ đông chứ còn tiền sứa chúng tôi chưa nhận được… Còn 70% nữa thì trong văn bản quyết định không thấy nói đến”.

RFA cho biết, “đã liên hệ với chính quyền các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng như chính quyền xã Thạch Bằng và xã Lộc Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh (hai địa phương có nhiều hộ nói chưa được bồi thường), tuy nhiên họ đều cáo bận hoặc cúp máy”, còn ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh thì trả lời rất ngắn và không thỏa đáng.


Chính trường Việt Nam
BBC đặt câu hỏi: VN: Quốc hội mất nhiều quyền vào tay Chính phủ? Về dự án nghĩa trang 1.400 tỷ cho đảng viên cao cấp, một dự án “được quyết định hoàn toàn bởi Chính phủ mà không thông qua Quốc hội”, bài viết nhận định: “Chính phủ Việt Nam là chính phủ nắm nhiều quyền rộng rãi nhất so với chính phủ các nước trên thế giới trong việc chi tiêu ngân sách quốc gia”.

Trang Một Thế Giới lưu ý hiện tượng: ‘Đúng quy trình‘ vừa lắng thì ‘lịch sử để lại‘ đã vùng lên. Các lãnh đạo CSVN gần đây thường đổ lỗi… cho lịch sử về những bất ổn trong hệ thống, như vụ thu phí ra vào 19 sân bay, hay chuyện Vụ Đối ngoại thuộc Bộ KH-ĐT có tới 2 vụ trưởng. Khái niệm “lịch sử để lại” đang dần thế chỗ “đúng quy trình” và “lỗi đánh máy” để trở thành “lý do bào chữa cho những bất cập trong cách thức quản lý và hoạt động”.


Chiến dịch “đốt lò”
Báo Nhân Dân có bài: Chống rửa tiền để ngăn chặn tham nhũng. Bài báo bàn về mối liên hệ giữa thủ đoạn rửa tiền và hành vi tham nhũng, dựa trên thông tin của phía ngân hàng và công an về các giao dịch mờ ám. Vụ án Giang Văn Hiển, Giang Kim Đạt, cựu Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, là điển hình của chuyện rút tiền “hoa hồng” thông qua rửa tiền. “Với việc đưa vụ án rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng ra xét xử nghiêm minh, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chống tham nhũng”.

Trang VietNamNet viết về hiện tượng “tham nhũng quyền lực”: Luân chuyển thần tốc thế còn đâu chức mà ‘leo’? Bài viết nói về các khiếm khuyết trong công tác cán bộ tạo nên các đường dây lợi ích nhóm: “Thực tế chứng minh công tác cán bộ mà bị hổng thì hệ quả không chỉ có nạn tham nhũng, tha hoá, tiêu cực trong bộ máy chính trị mà ngay cả đến sự nghiệp phát triển đất nước cũng sẽ bị kéo lùi”.

BBC đưa tin: Ông Đinh La Thăng lại ra tòa ‘sau Tết’. Về chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “vụ 800 tỷ đồng tại OceanBank thì để sau Tết”, LS Phùng Thanh Sơn cho rằng chuyện này phù hợp với văn hóa cổ truyền, nhưng “ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo”. Bên cạnh đó, “trên mạng xã hội cũng có ý kiến cho rằng, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như thế là can thiệp vào công tác xét xử, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án”.


Vụ án “siêu lừa” Huyền Như
Về diễn tiến ngày thứ nhất của phiên tòa xử vụ án lừa đảo ở Vietinbank: Rối tố tụng trong vụ ‘siêu lừa’ Huyền Như, theo báo Pháp Luật TP HCM. Bài báo lưu ý tình tiết: Hành vi lừa đảo của bị cáo Võ Anh Tuấn bị xem xét 2 lần, nên “trong phần thủ tục, LS của bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên và VKS đến phiên xử trả lời các vấn đề về tố tụng”. Tuy nhiên, HĐXX từ chối vì không thấy có ai khiếu nại gì về tố tụng.


“Nghề tay trái” của cán bộ
Báo Đất Việt bàn tiếp vụ điều chuyển Chánh thanh tra bị tố bảo kê: ‘Không liên quan’. Theo đó, ông Ngô Mạnh Tuấn, phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: Ông Trần Đăng Hải được luân chuyển về chức vụ lãnh đạo khác trong Sở GTVT Hà Nội do quyết định của Sở, không liên quan đến chuyện ông Hải “bảo kê” cho xe quá tải, thời ông còn làm Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội. Nói cách khác, ông Hải vẫn không phải chịu trách nhiệm về chuyện “bảo kê”.

Báo Đất Việt đưa tin: Lời thật Chánh thanh tra Sở VH-TT bị tố nhận phong bì. Ông Bùi Quang Nam, Chánh thanh tra Sở VH-TT Quảng Ninh, người bị tố cáo nhận tiền để bỏ qua lỗi của quán Karaoke T.K, bình luận về đoạn video clip tố cáo: “Nghe người này người kia nói sao được. Khi đoàn của tôi đang kiểm tra quán karaoke T.K thì có người nào đó đến xem rồi cóp lại toàn bộ hình ảnh đó để chế biến ra cái này thôi”.


“Nghiệp vụ” của công an
Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Vụ tài xế xe buýt ở Hà Tĩnh bị đánh có “chìm xuồng”(!?) Theo bài viết, tài xế xe buýt Nguyễn Văn Trường bị một nhóm người hành hung vào sáng 29/1/2018. Tuy nhiên, đến chiều 7/2/2018, vụ việc vẫn… đang được điều tra. Anh Văn Sỹ Tiến chia sẻ: “Nhận được tin tài xế của công ty bị đánh, chạy xe xuống thì thấy Công an huyện Đức Thọ đã có mặt… đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao sự việc vẫn chưa được điều tra rõ ràng”.


Luật kiểm duyệt báo chí ở Đà Nẵng
VOA đưa tin: Đà Nẵng hủy lệnh đòi kiểm duyệt báo chí do bị phản ứng. Về công văn của Sở 4T Đà Nẵng yêu cầu các báo địa phương cung cấp bản thảo trước khi đăng bài, nhà báo Võ Văn Tạo bình luận: “Nó quá lạc hậu rồi. Trước đây nhà nước Việt Nam cũng có chuyện đó. Nhưng mà sau này đã bỏ hết những cái đó rồi. Sở TT-TT Đà Nẵng ra văn bản quy định như thế gây cho tôi cảm giác rất kinh hoàng, rất là bất ngờ”.

Báo Lao Động viết: Thường trực Thành ủy Đà Nẵng không chỉ đạo báo chí cung cấp bản thảo trước khi in ấn. Bài báo cho biết: Sở 4T Đà Nẵng khẳng định vấn đề ban hành luật kiểm duyệt báo chí địa phương được thực hiện “căn cứ theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng”. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phủ nhận toàn bộ chuyện này.


“Khúc ruột ngàn dặm”
Ngày trước, lính cộng sản sẵn sàng xả súng vào người vượt biên, giờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chính phủ do dân, vì dân và Việt Kiều cũng là dân”, theo VOA. Trong chương trình “Xuân quê hương 2018”, ông Phúc nói với đại biểu kiều bào rằng “Tổ quốc luôn lắng nghe hơi thở của bà con” và kêu gọi họ “chung tay xây dựng Tổ quốc”. Bài viết có nêu thêm trường hợp doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình để lưu ý rằng: Lãnh đạo CSVN có khi quan tâm tới “kiều hối” hơn kiều bào.


Hiện tượng “lạm phát” học hàm, học vị
Trang Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi: Nhiều hay ít giáo sư? Nền giáo dục Việt Nam vừa có thêm 1.200 GS, nhưng “có tới 34% GS, trên 53% PGS được xét duyệt vừa rồi không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng”. Nghĩa là có nhiều học hàm, nhưng có ít thành tựu tương xứng.  

Chuyện phiếm và biếm: Được cái là đông, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Bài viết bàn về tỷ lệ nghịch trong chuyện “lạm phát” GS: Đã có hàng ngàn TS thì lượng GS phải tương ứng,“nhưng do danh hiệu là tất yếu nên chất lượng trường đại học không thể tất… mạnh. Còn chừng nào sẽ có đại học mạnh được xếp hạng quốc tế thì không vội gì”. Dân gian có câu: “Từ từ khoai cũng nhừ“.

Ảnh minh họa. Nguồn: Leo

Trang Mặt Trận Tổ Quốc bàn về nỗi lo “lạm phát” giáo sư, dễ dãi trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. GS. BS Tạ Thành Văn nhận định: “Việc đào tạo sau đại học ở nước ta hiện nay không gắn kết với nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến việc dù số lượng người có học hàm, học vị ngày càng nhiều nhưng các sáng chế, công trình khoa học thực sự có chất lượng, được thế giới công nhận thì vẫn ít”.


Giáo dục Việt Nam: “Trồng người” hay “trục lợi”
Báo Lao Động đưa tin: Gia Lai: Thanh tra Nhà nước tỉnh phát hiện Phòng giáo dục huyện Chư Pưh trục lợi 6 tỉ đồng. Theo tin từ lãnh đạo huyện Chư Pưh, 3 cán bộ phòng GD-ĐT huyện này là ông Phan Trung Dũng, bà Nguyễn Thị Mỹ Sang, bà Phan Thị Hồng Ca đã “giả mạo chữ kí, lập chứng từ khống để chiếm đoạt 2,8 tỉ đồng”.

Trang Công An Nhân Dân đưa tin: Một Hiệu trưởng ở Sóc Trăng duyệt chi sai hơn nửa tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Sóc Trăng,  Hiệu trưởng Phạm Ngọc Phụng và 3 Hiệu phó là Huỳnh Chí Phến, Quách Tố San, Trần Công Lý của trường THPT Hoàng Diệu đã “để xảy ra sai phạm tài chính trên 1,211 tỷ đồng”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Truyền thông Mỹ đưa tin, cựu TT Bush lên tiếng: ‘Nga xen vào bầu cử Mỹ, Putin là chiến thuật gia xuất sắc’. USA Today đưa tin, tại hội nghị ở Abu Dhabi, Arab, cựu TT Bush nói: “Đó là vấn đề mà một quốc gia bên ngoài xen vào hệ thống bầu cử của chúng ta. Nền dân chủ của chúng ta chỉ tốt khi mọi người tin tưởng vào kết quả… Liệu họ có ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử hay không là một câu hỏi khác, nhưng họ đã xen vào và đó là điều nguy hiểm cho nền dân chủ“.

Về tình hình ngân sách nước Mỹ: 2 đảng đạt thỏa thuận ngân sách, Tea Party chống đối. Ngân sách gia hạn tạm thời hai tuần trước, sẽ hết hạn vào lúc 12h đêm nay, thứ Năm 8/2. Nếu các bên không đi đến thỏa thuận thông qua ngân sách mới, chính phủ sẽ phải đóng cửa trở lại. Trước hạn sáu tiếng, Thượng nghị sĩ Rand Paul của đảng Cộng hòa đã ngăn chặn việc bỏ phiếu ở Thượng viện, truyền thông Mỹ đưa tin.

Clip TT Trump bị lộ đầu hói khi bước lên chuyên cơ, được lan truyền khắp nơi trên mạng. Thật ra thì Trump có bị trọc đầu cũng không thành vấn đề, vấn đề ở chỗ Trump luôn tìm cách che giấu chuyện hói đầu kể cả nói xạo, đến khi bị lộ ra, đã làm cho báo chí và mọi người được dịp chế nhạo. Mời xem clip: https://www.youtube.com/watch?v=vHwOMWGAg_o

Hơn nữa, Trump luôn xem hình ảnh bên ngoài quan trọng hơn kiến thức, văn hóa, cách cư xử… nên chuyện Trump bị cho là có bàn tay nhỏ cũng đủ làm ông ta tức giận. Hay mới đây, chuyện Trump nói xạo về cân nặng và chiều cao, làm cho dân Mỹ càng thêm ngám ngẫm với người đứng đầu nước Mỹ.


Tình hình Bắc Hàn
Báo Người Lao Động có bài: Triều Tiên lùi một bước? (NLĐ). Buổi diễu binh ở Bình Nhưỡng hôm qua, dù được tiến hành theo kế hoạch, nhưng nó chỉ kéo dài khoảng 90 phút, ngắn hơn so với cuộc diễu binh năm ngoái. Ngoài ra, nó không được phát sóng trực tiếp, truyền thông quốc tế cũng không được mời dự.

Những thay đổi trên được cho là bước lùi của Bình Nhưỡng, nhằm giúp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Báo SGGP đặt câu hỏi: Thể thao cứu khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên? Tận dụng Thế Vận hội mùa đông để giảm bớt cô lập ngoại giao, đó là nhận định của các chuyên gia về chế độ Bình Nhưỡng.

Mặc dù có những tin lạc quan về Bắc Hàn, nhưng cựu điệp viên Bắc Hàn Kim Hyun-hui cảnh báo về Thế Vận hội Pyeongchang. Bà Kim Hyun-hui nói: “Mục tiêu sau cùng của Bắc Hàn là hoàn thiện vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn sẽ không thay đổi qua đối thoại. Họ không thể thay đổi qua đàm phán mềm mỏng. Tôi tin rằng chỉ có gây sức ép mới có hiệu quả với Bắc Hàn“.

Bà Kim Hyun-hui, 56 tuổi, từng là điệp viên của Bắc Hàn, được giao nhiệm vụ phá hoại Thế Vận hội Olympic mùa hè Seoul 1988. 30 năm trước bà đã đánh bom chuyến bay Flight 858 của hãng hàng không Korean Air, giết chết 115 người trước ngày khai mạc Olympic mùa hè.

Bà đã bị bắt ở Bahrain, dự định uống viên thuốc độc tự tử nhưng cảnh sát Bahrain phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Bà được trao trả cho cảnh sát Nam Hàn. Khi ở trong trại giam, bà được xem video về cuộc sống của người dân Nam Hàn, không phải bị đói rách, khổ sở như những gì bà được tuyên truyền để bà phải đánh đổi cả mạng sống đi “giải phóng” họ. Chỉ sau 8 ngày tù, bà đã thú nhận vai trò của mình trong vụ đánh bom chuyến bay 858, giết chết hơn 100 nạn nhân vô tội.

Tháng 3/1989, bà bị kết án tử hình. Cuối năm 1989, bà được Tổng thống Nam Hàn Roh Tae-woo ân xá, với lý do là bà đã bị tẩy não và là nạn nhân của chính quyền Bình Nhưỡng. Sau khi được ân xá, bà đã kết hôn với một viên chức tình báo Nam Hàn. Chồng bà chính là người đã từng thẩm vấn bà trước đây. Bà luôn lo sợ Kim Jong-un sẽ tìm cách giết bà. Vợ chồng bà có hai đứa con và họ có cuộc sống lặng lẽ ở Nam Hàn.

Clip đài NBC phỏng vấn bà Kim Hyon-hui gần đây: https://www.youtube.com/watch?time_continue=2&v=u_Fy04YUn88


Trung Quốc
Daimler-Mercedes phải xin lỗi Trung Quốc vì đã trích dẫn lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên Instagram hôm 5/2, BBC cho biết. Nguyên do là, một quảng cáo xe hơi của Daimler đã trích dẫn câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Nhìn vào tình huống từ mọi góc độ, và bạn sẽ trở nên cởi mở hơn”, nên làm Bắc Kinh nổi giận.

BBC dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã, cho biết, Daimler đã viết cho Đại sứ Trung Quốc ở Đức lời xin lỗi: “Daimler rất lấy làm tiếc vì sai lầm bất cẩn đã gây ra cho người dân Trung Quốc. Daimler hoàn toàn không nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề đã gây ra và chân thành xin lỗi“.


***

***








No comments:

Post a Comment

View My Stats