Wednesday, 6 December 2017

MẤY Ý KIẾN VỀ CẢI CÁCH CHỮ VIẾT (Lê Thanh Dũng - Người Đô Thị)


Lê Thanh Dũng  Người Đô Thị    
Thứ sáu, 01/12/2017

Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, giao tiếp trong cộng đồng, giao tiếp với nước ngoài (người ta có thể học để giao lưu với người bản xứ), giao tiếp giữa các thế hệ (các tác phẩm văn hoá, các tư liệu lịch sử truyền cho đời sau...).

Đã là công cụ thì phải sắc bén, tiện lợi, dễ học dễ sử dụng (có thể lạ lẫm lúc đầu nhưng phải hợp lý để quen nhanh).

Vì vậy tôi hoàn toàn tán thành việc cải tiến chữ viết, sao cho ngày một hoàn thiện hơn, hợp lí hơn. Điều này các nước đã làm. Kết quả và hiệu quả là quan trọng, cho nên không nhất thiết phải có một hội đồng, một tổ chức nào đấy soạn thảo ra mà hoàn toàn có thể một hay vài người đề xuất. Tiếng Trung Quốc hiện nay song song với chữ tượng hình truyền thống đã có chữ phiên âm kiểu chữ cái Latinh, rất dễ sử dụng, đặc biệt cho người nước ngoài, có thể học nói tiếng Trung mà không cần học chữ Hán.

Người Trung Quốc có thể nhắn tin hoặc gửi email cho nhau chỉ bằng chữ phiên âm Latinh mà không cần dùng chữ tượng hình truyền thống. Và tác giả của hệ thống phiên âm này là một người cụ thể. Đề xuất của ông đã được quốc gia hàng tỷ người chấp nhận.

Vì vậy phương án cải tiến chữ viết của ông Bùi Hiền đưa ra rất đáng để xem xét một cách nghiêm túc.

Ý tưởng cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt của PGS-TS. Bùi Hiền gây tranh cãi trong những ngày qua, không ít người gay gắt phản đối. Ảnh: TL

Nhưng rất tiếc phải nói rằng, tôi thấy thất vọng hoàn toàn về phương án cải tiến này. Tôi ngạc nhiên nếu đó là kết quả của sự nghiên cứu 40 năm của một học giả vốn nhiều kinh nghiệm và có tác phong làm việc nghiêm túc!

Tôi xin thẳng thắn nêu lên mấy điều tôi cho là không thể chấp nhận được.

Tiếng Việt cũng như nhiều thứ tiếng khác là loại tiếng mà chữ và âm thanh phát ra phụ họa cho nhau, ăn ý với nhau. Nó không chỉ ghép chữ với chữ thành chữ mới mà còn ghép âm thanh với âm thanh thành âm thanh mới. Thí dụ: ghép chữ t với h thành th. Ta hãy thử đọc nhanh chữ “tờ” và “hờ” xem, quả nhiên một âm mới, âm “thờ” bật ra. Từ đó ta có vô khối chữ mới nữa. Đọc nhanh thờ - a ta có “tha”; thờ - u ta có “thu”. Tiếp theo, đọc nhanh ư và ơng ta có “ương”; ghép tiếp với th ta có “thương”. 

Vậy mà bây giờ tác giả đề xuất thay chữ th bằng chữ w (!) Là cái gì vậy? Ta không có chữ w, mượn của nước ngoài. Không sao. Nhưng ai cũng biết chữ ấy người ta phát âm thế nào. Chữ w trong “we”, “why”, “wagon”... chẳng có bóng dáng gì chữ và âm của th  mà lại lấy nó thay cho th? Điều này là đánh đố người Việt và cả người nước ngoài muốn học tiếng Việt.

Ta có thể vẽ một hình tam giác và đặt tên ba đỉnh là ABC hay DEF tuỳ ý. Nhưng đặt chữ cho âm xin đừng tuỳ tiện như vậy.

Lại nữa, chữ q trong tiếng ta và tiếng nước ngoài đều mang sắc thái của âm “cờ” như quạnh quẽ, quanh quẩn, quantum, pourquoi, Iraq, quiet, question... Tác giả lại lấy chữ q thay cho ng. (!) từ đó ra chữ qaqaq. Trông mặt chữ như thế mà bắt người Tây và cả người ta phải đọc là “Nga”, là “Ngang” ư? Chữ x chính tác giả cho nó cái âm xờ, vậy mà lại không ngần ngại cho nó thay chữ kh. Riêng chỗ này ông lại mượn tạm tiếng Nga (!) Lung tung quá.

Tôi ngờ tư duy của ông (chỉ xin nói riêng về cải tiến chữ viết) cũng chỉ như đặt tên ba đỉnh tam giác là ABC hay DEF vậy thôi, muốn gán thế nào thì nên thế.

Còn một số điều đáng bàn nữa như đồng nhất tr và ch, s và x. Phải nói là kinh khủng. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Việt, cả tiếng Trung quốc đều có phân biệt hai cặp âm này, vậy mà tự nhiên tác giả định đánh đồng làm một. Có liều lĩnh, võ đoán, tuỳ tiện không?

Nếu thế hệ sau cứ viết và nói những tên riêng một cách đại khái nhưng “đúng chính tả” là Hồ Trí Minh, Chường Trinh, Phan Bội Trâu và chữ nước ngoài, nhất là chữ Hán sẽ viết tên các vị ấy cùng hàng triệu tên người Việt ra sao, tác giả có nghĩ đến không? Tôi vất vả để viết cho đúng chữ cưq căk, cha mẹ ơi đó là tên vị anh hùng lừng lẫy trong lịch sử nước nhà (!) Dễ mấy ai nhận ra đó là cái tên rất đẹp trong tâm hồn người Việt: Trưng Trắc! Và Hà Nội có quận tên là quận Hai Ba Cưq (!)

Người Hà nội và người Bắc nói chung phát âm lẫn lộn mấy âm ch, tr và s, x cũng không thể chấp nhận viết lẫn lộn được thì người miền Trung miền Nam càng không thể đồng tình.

Quả thật tôi không muốn mất thì giờ của mình và của người đọc bàn thêm về phương án mà tôi cho là tuỳ tiện và không đủ nghiêm túc này.

Xin nhấn mạnh tôi đang nói về tác phẩm chứ không phải nói về tác giả.

Lê Thanh Dũng

------------------------------

XEM THÊM

5-12-2017

5-12-2017

30-11-2017

29-11-2017

28-11-2017

28-11-2017









No comments:

Post a Comment

View My Stats