Thursday, 28 December 2017

NĂM 2017 : BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TÁC HẠI ĐẾN MỸ, NHƯNG TT TRUMP VẪN THỜ Ơ (Trọng Nghĩa - RFI)



Đăng ngày 28-12-2017

Trong năm 2017 sắp kết thúc, cả thế giới và đặc biệt là nước Mỹ đã phải gánh chịu các trận bão khủng khiếp, các vụ lũ lụt và cháy rừng với sức tàn phá ghê gớm. Theo giới khoa học, các sự kiện càng lúc càng dữ dội và thường xuyên hơn đó, là hệ quả rõ rệt của sự biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.

Thế nhưng, tại Hoa Kỳ, một trong những nước góp phần lớn nhất vào sư biến đổi khí hậu của hành tinh, tổng thống Trump trong năm 2017 lại quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, được cho là một phương tiện tốt để chống lại sự biến đổi khí hậu.

Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris, Washington, ngày 01/06/2017© REUTERS/Kevin Lamarque

Phải nói là trong năm 2017, thiên tại đã không ngừng ập xuống nước Mỹ. Vào cuối tháng Tám, Houston, thành phố lớn thứ tư ở Mỹ đã bất ngờ bị chìm trong biển nước sau cơn bão Harvey, khiến cho hàng chục người chết, hàng trăm ngàn người phải sơ tán, gây nên hàng tỷ đô la thiệt hại vật chất.

Một tuần sau đó, đến lượt cơn bão Irma với sức gió gần 300 km/giờ quét qua một số hòn đảo vùng Caribê và đe dọa bang Florida ở Mỹ, buộc hàng triệu cư dân phải tản cư… Tiếp theo đó là trận bão Maria đã gieo rắc tàn phá trên đảo Dominica và Puerto Rico, một vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ.

Gần đây hơn, tại California, các vụ hỏa hoạn nghiệm trọng chưa từng thấy đã thiêu hủy những vườn nho ở khu vực San Francisco và một số khu phố ở Los Angeles.

Đối với ông Jerry Brown, thống đốc bang California, những đám cháy đó – thuộc diện lớn nhất trong hơn 80 năm nay - là một ví dụ về những gì sắp xảy ra do việc trái đất bị hâm nóng kéo theo nạn hạn hán. Jerry Brown nằm trong số thống đốc tiểu bang và thị trưởng của các thành phố lớn tại Mỹ, muốn tiếp tục đấu tranh chống lại đà nóng lên của Trái Đất, bất chấp quyết định của tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris.

Là một người thuộc diện không tin là hoạt động sản xuất của con người làm cho khí hậu biến đổi, trong suốt thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đòi rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris để khỏi bị ràng buộc bằng những cam kết chống ô nhiễm, và sau khi nhậm chức tổng thống, ngày 01/06 vừa qua, ông chính thức làm việc này, nhân danh quyền lợi nước Mỹ. Đối với ông, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại lớn khi tham gia vào hiệp định này, một văn kiện chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Và đến cuối năm, trong báo cáo đầu tiên của mình về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, tổng thống Trump đã xóa bỏ sự kiện khí hậu trái đất bị hâm nóng ra khỏi danh sách các “mối đe dọa” đối với nước Mỹ.

Trung thành với đường lối trên, trong hành động của mình, ông Donald Trump đã xóa bỏ dần dần các quy định hiện hành tại Mỹ liên quan đến việc hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, từ việc cử một người không tin vào biến đổi khí hậu lên nắm cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, cho đến việc khuyến khích tăng gia sản xuất các nguồn nhiên liệu hóa thạch, từ than đá đến dầu khí.

Những sắc lệnh nhằm đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu vào năm 2026, bằng cách khôi phục việc khai thác than đá cũng như đẩy mạnh việc khai thác dầu khí và khí đá phiến đã được dồn dập ban hành.

Theo Michael Mann, một nhà khí hậu học thuộc Đại Học Bang Pennsylvania, thì trong không đầy một năm, số quy định chống lại sự ấm lên toàn cầu mà chính quyền của ông Trump đã xóa bỏ còn cao hơn cả con số mà các chính quyền tiền nhiệm đã xóa trong hai nhiệm kỳ, ám chỉ đến công việc làm của tổng thống George W. Bush.

Tổng thống Trump như vậy đã thể hiện rõ đường lối “America First” trong lãnh vực khí hậu, không cần chú ý đến trách nhiệm của Mỹ trong hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Quốc Hội Mỹ, vào tháng 11 vừa qua, trong bản Đánh Giá Khí Hậu Quốc Gia lần thứ tư, đã ghi nhận: “Khí hậu của Hoa Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu trên toàn trái đất”.

--------------------------------------------

Donald Trump khóa miệng giới nghiên cứu về môi trường
Như nói ở trên, nhật báo Le Monde đã dành hồ sơ chính với tựa trên trang nhất để nêu bật sự kiên « Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường »

Đối với tờ báo, tương tự như việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà ông đã làm, tổng thống Mỹ Donald Trump đang trên đường hoàn tất một lời hứa khác đưa ra khi tranh cử : Đó là hủy bỏ các quy định bảo vệ môi trường và khí hậu từng được thực hiện dưới thời tổng thống Obama tiền nhiệm.

Trong bài viết chính mang tựa đề « Các nhà khoa học Mỹ, mục tiêu của một chiến dịch săn đuổi phù thủy », nhật báo Pháp ghi nhận sự kiện Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) của Mỹ là đối tượng đầu tiên bị Nhà Trắng tấn công nhằm phá hoại các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, vì lợi ích của ngành công nghiệp.

Bài báo nhắc lại rằng tháng Hai năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã cam kết: « Cơ quan bảo vệ môi trường à ? Chúng ta sẽ loại bỏ hầu hết các biểu hiện của nó ! »… Lời hứa nói trên đã được thực hiện. Dưới quyền lãnh đạo của tân giám đốc Scott Pruitt, một người nổi tiếng là không tin vào hiện tượng biến đổi khí hậu, xuất xứ từ tiểu bang Oklahoma, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (EPA) đã tận tâm tự hủy diệt và tháo dỡ các quy định bảo vệ môi trường được thông qua dưới thời Obama.

Để làm điều đó, cần phải đánh vào cán bộ, nhân viên, và ông Scott Pruitt đã tiến hành cả một cuộc chiến tranh du kích nhắm vào các quan chức và các nhà khoa học đối nghịch với ông…  Theo Le Monde, ông đã hành động theo 4 hướng : làm nản lòng thậm chí đe dọa các nhân viên ; tái cấu trúc các ủy ban khoa học bằng cách bổ nhiệm những người bảo vệ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ; bịt miệng các nhà khoa học; cắt giảm ngân sách và nhân lực.

Kết quả của các thủ đoạn nói trên được thấy rõ : hàng trăm nhà khoa học đã rời khỏi cơ quan.

Một nhân vật không tin là có biến đổi khí hậu lên nắm NASA ?
Trong một bài viết thứ hai mang tựa đề « Một phi công Hải Quân cực đoan thuộc đảng Cộng hòa ngắm nghía chức lãnh đạo cơ quan vũ trụ NASA », Le Monde nêu bật một quyết định khác của Donald Trump cũng theo chiều hướng khóa miệng giới bảo vệ môi trường.

Người được ông Trump cử làm lãnh đạo Cơ Quan Hàng Không Không Gian NASA nổi tiếng là James Bridenstine, cũng là một chính khách xuất thân từ bang Oklahoma, và cũng là một người từng phủ nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng.

Le Monde nhắc lại : Vào tháng 6 năm 2013, trước Hạ viện, James Bridenstine đã tuyên bố: « Nhiệt độ của hành tinh không tăng trong vòng mười năm nay. » Ông giải thích rằng những thay đổi khí hậu chỉ liên quan đến hiện tượng bức xạ mặt trời, chu kỳ của đại dương, rằng các biến đổi đã qua hoàn toàn không phải là do hoạt động của con người…

Việc cử một người như ông Bridenstine lãnh đạo NASA đã đi ngược lại truyền thống, vì ông không phải là một nhà khoa học mà là một chính khách. Và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã khiến ông khổ sở hôm 01/11 vừa qua khi ông ra điều trần về quyết định bổ nhiệm.








No comments:

Post a Comment

View My Stats