Saturday, 30 December 2017

NƯỚC NGA GIÀ CỖI (Tam Tran)




LỜI GIỚI THIỆU

Vừa qua tôi có một cuộc nói chuyện thú vị với nhà nghiên cứu văn hóa và phê bình văn học Vương Trí Nhàn về nước Nga. Ông Nhàn đã từng sống và làm việc ở Liên Xô vào cuối thập niên 1980 và từ đó chưa có dịp quay lại nước Nga.

Đất nước, con người và văn hóa Nga đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt đẹp. Ông Nhàn cũng là người giới thiệu cho độc giả Việt Nam nhiều tác phẩm của các nhà văn và các nhà nghiên cứu Nga và Xô Viết.

Ấn tượng nhất đối với tôi trong câu chuyện với ông Nhàn là tình yêu đặc biệt của ông dành cho những tác phẩm và con người nhà văn Xô Viết Ilya Erenburg. Một tình yêu từ thủa hoa niên không thay đổi theo năm tháng.

Một điều không ngạc nhiên vì từ lâu tôi đã nhận thấy có một mối thiện cảm khác thường của người Việt Nam, đặc biệt ở các thế hệ đi qua chiến tranh với đất nước, con người và văn hóa Nga. Kể cả ở những người Việt Nam chưa từng một lần đến nước Nga.

Vì vậy đối với tôi, thật không dễ dàng để nói với họ về những sự thật không mấy dễ chịu về nước Nga ngày nay và Liên Xô ngày xưa. Câu chuyện với ông Vương Trí Nhàn về nước Nga cũng không ngoại lệ.

Trả lời câu hỏi: “Nước Nga hiện nay thế nào?” của ông, tôi đã nói suy nghĩ thực của mình: “Nước Nga hiện nay đang ở trong trạng thái ngưng đọng thời gian lịch sử. Nước Nga không hề có một dự án tương lai rõ ràng, khả thi. Nước Nga cần có một thế hệ lãnh đạo mới, những người trẻ với những giá trị khác. Một thế hệ trẻ có cách nhìn thế giới và vị trí của nước Nga trên thế giới hoàn toàn khác. Và trước hết người Nga phải biết tạo cho mình một huyền thoại mới về chính nước Nga, thay cho huyền thoại về nước Nga một “pháo đài bị bao vây” hiện nay”.

Ông Nhàn có vẻ hơi thất vọng về câu trả lời của tôi nhưng không hề ngạc nhiên. Từ nay đến bầu cử tổng thống Nga tháng 03.2018, tôi xin phép giới thiệu tiếp tục một số bài viết của giới học thức tinh hoa Nga về nước Nga, để góp phần làm sáng tỏ thêm những sự thật không mấy dễ chịu về nước Nga hiện nay. Một trong những sự thật không dễ chịu này, là về nhiều phương diện nước Nga đang ngày càng thua kém Trung Quốc. Một nước “đàn em” của Liên Xô trước đây.

Tháng 10.2017, sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX kết thúc, thông tin về diễn biến Đại hội này và các mục tiêu của chương trình phát triển Trung Quốc sắp tới đã tràn ngập truyền thông và thế giới mạng Nga. Những thông tin này được sự quan tâm đặc biệt chăm chú của các nhà nghiên cứu và giới tinh hoa mọi lĩnh vực nước Nga.

Trong những thông tin này, gây chấn động hơn cả cho giới tinh hoa Nga là thông tin về việc lãnh đạo Trung Quốc có dự án xây dựng một “xã hội thịnh vượng vừa phải” vào năm 2020. Một dự án tương lai tham vọng nhưng có vẻ không hề ảo tưởng.

Có thể nói đây là “cơn địa chấn” thứ hai đến từ Trung Quốc kể từ đầu 2015, khi những thông tin về việc lương trung bình ở Trung Quốc đã vượt lương trung bình ở Nga, lương tối thiểu và lương hưu của người Trung Quốc cao hơn người Nga nhiều xuất hiện lần đầu tiên trên truyền thông Nga.

Tôi xin phép tiếp tục câu chuyện về nước Nga bắt đầu bằng bài viết của nhà văn, nhà chính luận Nga nổi tiếng Dmitri Bykov. Bài viết với tiêu đề “Nước Nga già cỗi” đăng trên báo mạng profile.ru ngày 23.07.2017.

_________________________

NƯỚC NGA GIÀ CỖI

Nước Nga ngày nay đang ở trạng thái treo, nằm ngoài thời gian lịch sử, không phát triển và không chết, mà rơi vào khoảng không gian giữa cuộc sống và cái chết.

Hai phần ba số người Nga không phản đối việc dựng các bảng khắc, các bức tượng tưởng niệm Stalin ở những nơi công cộng. Nhưng nếu chỉ thế thì không có gì đáng nói. Điều đáng nói là nếu việc này trở thành hiện thực, thì lập tức ba phần tư người Nga sẽ phản đối. Vấn đề là ở chỗ cũng lại chính là những người Nga đó.

Điều đáng buồn nhất ở nước Nga hiện nay là tất cả những tin tức mới nhất đều liên quan đến các bậc trưởng lão trong xã hội, và tất cả các sự kiện thời sự nhất đều có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử của chúng ta.

"Tương lai" của nước Nga.

Ekip phụ tá của tổng thống chẳng vẽ ra được một hình ảnh nào của tương lai. Mà nói đến tương lai làm gì khi ngay cả hiện tại cũng không có! Nước Nga đang sống với quá khứ, nhưng ngay cả đến hình ảnh của quá khứ cũng khá nhàm chán. Một quá khứ chỉ bao gồm hình ảnh của Ivan Hung Đế, Stalin, Zhukov, Gagarin, Nikulin-Vitsin-Morgunov (bộ ba nghệ sỹ nổi tiếng Liên Xô chuyên đóng các phim hài những năm 1960-1970).

Nước Nga ngày nay là đất nước của những người già, không phải già về mặt tuổi tác, mà là về phương diện tâm lý và tinh thần. Nước Nga có đầy đủ những biểu hiện của tuổi già như việc sợ sự thay đổi, việc bám víu vào quá khứ và quan tâm quá mức đến nó. Một biểu hiên nữa của tuổi già là người ta không nhớ những gì xảy ra hôm qua, nhưng có thể dễ dàng nhớ lại những gì diễn ra 50 năm trước.

Rồi thì sở thích tích cóp lẩm cẩm, thậm chí như một triệu chứng bệnh lý, khi người ta không vứt đi bất cứ thứ di sản tinh thần nào, còn những thứ gì có được thì xếp chung vào một đống. Một đặc trưng khác của tuổi già là việc căm ghét người trẻ tuổi, hãy nhớ lại chúng ta đã giận dữ như thế nào với đám học sinh tham gia biểu tình chống tham nhũng (ngày 26.03.2017 ở rất nhiều thành phố nước Nga đã diễn ra những cuộc biểu tình chống tham nhũng, mà thành phần tham gia chủ yếu là sinh viên và học sinh – ND).

Tóm lại, nước Nga của chúng ta có đủ các yếu tố của một tuổi già thông thường. Điều khác biệt của riêng nước Nga tuổi già, là một tuổi già nghèo túng và bị quên lãng.

Cách đây ít lâu tôi có cuộc nói chuyện với các đồng nghiệp nhà văn, những người cùng thế hệ tôi và trẻ hơn (nhà văn Dmitri Bykov sinh năm 1967) về vấn đề tại sao chúng ta không có các tiểu thuyết về thời hiện tại? Chỉ có một vài tiểu thuyết phản huyễn tưởng về tương lai (tiểu thuyết viễn tưởng hầu như vắng mặt). Trong khi có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử về Ivan Hung Đế, Piotr Đại Đế, thậm chí về Lenin, nhưng lại không có tiểu thuyết nào về nước Nga hiện nay.

Tại sao? Đơn giản vì rằng chẳng biết nên viết về điều gì cả, đất nước ở trạng thái treo, nằm ngoài thời gian lịch sử, không phát triển nhưng mà không chết, và như anh thợ săn Gracchus trong tác phẩm Der Jäger Gracchus của Kafka rơi vào khoảng không gian giữa cuộc sống và cái chết. Chúng ta có thể tồn tại như vậy rất lâu tùy ý muốn, trong tình trạng một nước Nga với các tỉnh đổ nát, lạc hậu và tăm tối.

Nhưng bù lại nước Nga có một Moskva được chăm bẵm, khá sáng sủa và phát triển. Nước Nga còn có một nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng, một thiên đường nghỉ dưỡng được người Nga rất ưa thich, đến mức phần lớn người Nga nhầm tưởng đó là một phần của lãnh thổ nước Nga.

Nhưng nếu gọi sự tồn tại như vậy là cuộc sống thì tôi xin kiếu. Đặc biệt là nếu tính đến việc để bảo tồn một trạng thái đời sống tồi tệ như vậy, chúng ta phải duy trì những dòng tuyên truyền nhà nước mạnh mẽ đầy dối trá, một hệ thống chính quyền tham nhũng và thêm cả những cuộc xâm lăng ra bên ngoài. Mà thiếu nó chúng ta không thể giữ vững được tòa tháp quyền lực nhà nước, không đoàn kết được dân chúng.

Tôi thậm chí còn chẳng muốn nói đến những gì đã và đang diễn ra với y tế và giáo dục, với công ăn việc làm và lương bổng. Còn về cơ hội thăng tiến và phát triển của từng cá nhân thì tốt nhất là nên quên hẳn đi.

Lĩnh vực duy nhất còn có sự luân chuyển, đảo lộn từ trên xuống dưới và ngược lại, đó là việc sản xuất phim truyền hình. Một lĩnh vực mà chất lượng từ nhiều năm nay không hề tiến bộ, nhưng số lượng ngày càng tăng. Trong lĩnh vực này đúng là luôn có những khuôn mặt trẻ, lạ (nhưng hoàn toàn không có nghĩa đó là những tên tuối mới, bởi vì những khuôn mặt đó, cũng như các cốt truyện đều đã được chuẩn hóa từ lâu).

Về phần những lĩnh vực đời sống khác còn lại, xin hãy đọc chương trình biểu diễn của bất cứ buổi hòa nhạc nào nhân dịp các ngày lễ, hay là thậm chí ngay cả danh sách ca sỹ biểu diễn trong đám cưới ồn ào gần đây của một vị quan toà nổi tiếng ở Moskva. Trong danh sách này có cả Kobzon (sinh 1937) lẫn Baskov (sinh 1976). Họ đều rất quen thuộc và có vẻ cổ kính như nhau, mặc dù giữa họ là khoảng cách gần hai thế hệ.

Nữ ca sỹ chính của nước Nga hiện vẫn là Alla Pugacheva (sinh 1949), còn người đối lập chính về phong cách với bà vẫn là Zemfira (sinh 1976), mặc dù đã từ lâu cả hai không có bất cứ tiết mục mới nào và vị thế của họ trong làng ca nhạc thực tế cũng đã ngang nhau.

Người ta tìm mọi cách thuyết phục chúng ta, rằng không có phương án con đường nào khác cho nước Nga hiện nay, không có lựa chọn, rằng bảo đảm duy nhất cho sự tiếp tục tồn tại của quốc gia Nga, đúng hơn là sự dường như tồn tại của nó là vị thủ lĩnh 65 tuổi, được một ekip những người đồng niên với ông phò tá,

Ngay ở Liên Xô thời Brezniev, ít nhiều cũng từng có cơ chế sự cho thăng tiến nghề nghiệp, chẳng hạn đó là Komsomol (Đoàn Thanh niên Cộng sản), ngoài ra cũng có điều kiện cho mọi người phát triển những hướng kinh doanh sản xuất mới, cho truyền hình thế hệ mới. Ngày nay dành cho các bạn trẻ chỉ còn lại một khả năng duy nhất, đó là vờ vịt làm việc ở các văn phòng hoặc bước ra đường biểu thị sự phản đối. Điều này chính là nguồn gốc phát sinh một hiện tượng thời thượng quái đản, những câu lạc bộ trên mạng xã hội của những người muốn tự sát.

Những người trẻ tuổi và nhiều triển vọng nhất hiện nay là thế hệ ở độ tuổi trên dưới 50. Đề tài tranh luận thường trực và bức thiết nhất của họ là Liên Bang Xô Viết, một nhà nước đã không tồn tại 25 năm.

Xin đừng bới móc tìm ra sự không tôn kính tuổi già và coi thường những người về hưu trong bài viết này. “Tôi tôn trọng tuổi già nhưng không phải ở dạng bị luộc hoặc rán chín “ Portos lừng danh (nhân vật trong các tiểu thuyết của Alexander Duma) đã nói.

Tôi cũng tôn trong tuổi già, nhưng không phải với tư cách một khuôn mẫu chuẩn mực về tư tưởng và đạo đức. Cả người trẻ lẫn người già đều cần phải biết chỗ đứng đích thực của mình trong xã hội. Người già ở nước Nga cần được kính nhường, nhưng quyết định số phận đất nước là quyền, xin phép phát biểu một cách thận trọng, không phải riêng chỉ của họ.

“Nước Nga trẻ” là tên gọi tiểu thuyết của Yuri German về những cải cách thời Piotr Đại Đế, còn quyến tiểu thuyết lý tưởng về thời hiện tại có lẽ nên có tên là “Nước Nga già cỗi”, một quyển tiểu thuyết về tuổi già nghèo đói, bị khinh rẻ, đầy oán giận. Một tuổi già thực sự không có bất cứ sự lựa chọn nào khác, ngoài một lựa chọn mà tôi không muốn nghĩ đến. Hay là ngược lai, đã muốn nghĩ đến rồi?

_______________________

PS. Để kết thúc câu chuyện không mấy dễ chịu này đối với những người có thiện cảm với nước Nga, tôi xin phép dẫn thêm một vài thông tin dự báo được công bố cách đây ít hôm của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh ở London (CEBR) cho năm 2032.

Theo tính toán của CEBR, vào năm 2032 mười nền kinh tế hàng đầu của thế giới dự kiến xếp hạng theo thứ tự sau: 1) Trung Quốc; 2) Mỹ; 3) Ấn Độ; 4) Nhật Bản; 5) Đức; 6) Brasil; 7) Anh; 8) Hàn Quốc; 9) Pháp; 10) Indonesia.

Trong dự báo này nền kinh tế Nga tụt hạng từ thứ 11 hiện nay xuống vị trí thứ 17. Như vậy, so với các nước trong BRICS (những nền kinh tế mới nổi hàng đầu) Nga là nước duy nhất tụt hạng và tụt hạng đáng kể.

Theo giới chuyên môn kinh tế và xã hội học Nga, lý do chủ yếu và trực tiếp của sự suy thoái này là trong cơ cấu sử dụng năng lượng toàn cầu vai trò của dầu khí ngày càng giảm. Còn giá dầu thô sẽ giảm dần xuống $30/thùng vào năm 2032.

Theo giới chuyên môn kinh tế và xã hội học Nga, nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái này là việc thể chế và tình trạng xã hội nước Nga hiện nay và trong tương lại gần không thuận lợi cho việc đa dạng hóa nền kinh tế Nga. Giải pháp tối cần thiết để giảm sự phụ thuộc của nước Nga vào việc khai thác và xuất khẩu dầu khí.

-----------------
Сегодняшняя Россия зависла вне времени, не развивается и не умирает, попав в пространство между жизнью и смертью
PROFILE.RU











No comments:

Post a Comment

View My Stats