Friday, 29 December 2017

VÀI CẢM NGHĨ về ĐỀ NGHỊ CẢI TIẾN CHỮ VIỆT CỦA BÙI HIỀN (Trần Ngọc Dụng)




29.12.2017


Đây là hình trích trên Báo mạng Dân Luận để có bằng chứng cụ thể về lối viết mới do TS Bùi Hiền đưa ra.

Gần đây có hiện tượng một tiến sĩ cựu hiệu phó trường Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội đưa ra một đề nghị thay thế chữ viết hiện hành bằng hệ thống chữ viết mới. Theo tác giả, lối viết mới sẽ giảm bớt số mẫu tự hiện có và như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên mấy mẫu tự trích trong báo điện tử Dân Luận trên đây đã gây nên một làn sóng phản đối khá mạnh mẽ trong và ngoài nước.

Nhìn qua phần trích trên đây, với con mắt của một người bình thường thôi thì thấy tác giả “công trình” không theo nguyên tắc ngữ học, thiếu thực tế và gây tốn kém về tài chánh.
Trước tiên tác giả muốn dùng một ký hiệu cho một mẫu tự như kiểu phiên âm mà hầu như ai chúng ta học tiếng Anh cũng có thể đã biết qua, gọi là IPA (International Phonetic Alphabet).

Nguyên bảng mẫu tự tiếng Việt có 23 “chữ cái” là: a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x yVề sau được tăng lên 29: a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư v x y.

Ngoài ra còn có 11 mẫu tự phụ ghép: ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr.

Tất cả họp thành để tiêu biểu cho 23 âm phụ (thường gọi là phụ âm) theo phiên âm quốc tế trong ngoặc vuông [ ]. Đó là [b]b, [k]c/k, [j/z][1]d/gi, [d]đ, [g]g/gh, [h]h, [l][2]l, [m]m, [n][3]n, [p]p, [kw]q, qu, [z/Ʒ/r/g][4]r, [ʃ/s]s, [t˺]t, [v/j]v, [s]x, [c]ch, [ŋ]ng/ngh, [x]kh, [f,ɸ]ph, [ƭ ]th và [ʈ ]tr.

11 âm chính (thường gọi là nguyên âm) là [a]a, [ʌ]ă, [ɤ]â, [ε]e, [e]ê, [i]i, [ɔ]o, [o]ô, [ə]ơ, [u]u, [ɯ]ư, [i:j][5]y.

Bản Phiên Âm Quốc Tế

Nay tác giả muốn “rút bớt” bằng cách thay thế trong giai đoạn đầu các mẫu tự: c > k; ch  tr > c; đ > d; ng > q; th > w; ph > f, kh > x; c, k, q > k; nh > n’. Các âm khoanh màu đỏ trong sơ đồ bên trên là những ký hiệu tác giả muốn biến chúng thành “mẫu tự” để viết tiếng Việt “cải biên”.

1. Chúng ta thấy ngay tác giả đã sai lầm khi dùng ký hiệu phiên âm làm chữ viết. Đây là điều vô cùng cấm kỵ. Thí dụ: ký hiệu [c] dùng để phiên âm các chữ có “ch”, như chúng ta thì phiên âm là [cuŋ͡m ta:], church ɚč] hoặc [tʃɚtʃ]. Tác giả quên rằng một âm có thể có nhiều cách viết và một mẫu tự có thể đọc thành nhiều cách. Chẳng hạn như âm [ŋ] có thể viết bằng ng hay ngh hoặc ph được tiêu biểu bằng hai âm [f] khi đứng trước a, ă, â, e, ê, I (pha, phăng, phần, phe, phê)và [ɸ] khi đứng trước o, ô hay (pho, phô, phu)Ngay cả chữ “r” có đến 4 cách đọc khác nhau, như “ra” [za] theo giọng Bắc, [Ʒa] giọng Trung, [ra] giọng Sàigòn và [ga] theo giọng miền Tây lục tỉnh.

Tương tự, âm [f] tiếng Anh có thể tiêu biểu bằng ‘f’ trong father, ‘ph’ trong photo, hoặc ‘gh’ trong enough, tough.

Sở dĩ có chuyện “vô lý” hay “bất hợp lý” như vậy là vì âm đọc luôn luôn khác với cách viết. Khi đọc, người khác dùng tai để nghe, và tuỳ theo người nghe mà có thể hình dung ra cách viết biểu thị cho âm ấy. Chẳng hạn, người nghe âm [thi] thì người Việt sẽ viết thi hay thy. Trong khi người Anh/Mỹ sẽ viết là tea hay tee. Ngoài ra, vì từ đồng âm dị nghĩa mà phải cần viết khác nhau để khi đọc, người đọc hiểu đó là gì. Với âm [ðεɚ] người nghe sẽ hình dung ra chữ dùng cho ba trường hợp khác nhau: they’re, there, hay their. Hoặc âm [ja:ɲ] người nghe sẽ viết danh hoặc gianh. Nếu thêm dấu huyền thì sẽ là dành hoặc giành. Hai chữ này nghĩa hoàn toàn khác nhau: để dành tiền, dành thời gian, dành tình thương cho con cái; tranh giành quyền lực, giành độc lập, giành quyền làm người, v.v… Tóm lại, nếu triệt để viết theo lối “ký âm” thì ngôn ngữ sẽ gặp trở ngại vô cùng.

Điểm kế tiếp, sự sai lầm của người đề nghị “cải tiến” này phạm phải là: những ký hiệu ông ta đưa ra để thay thế: ng > q, th > w, ch, kh > x, và tr > c rõ ràng là một sự ngớ ngẩn. Trên thế giới, không một ngôn ngữ nào dùng mẫu tự abc mà thay thể mẫu tự này bằng mẫu tự khác như vậy. Cách phát âm của các chữ có mẫu tự này hoàn toàn khác nhau. Nếu chữ “cải biên” này mà được áp dụng, học sinh chúng ta sẽ gặp trở ngại vô cùng khi tiếp xúc với các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các ngôn ngữ tại Âu châu. Chẳng hạn, chữ thay thế sẽ viết là way wế. Chúng ta sẽ không đọc là [thai:j the] mà sẽ đọc là [wai:j we]. Như vậy “sự cải biên” này sẽ biến tiếng Việt thành một ngoại ngữ đối với chính dân Việt, cùng với cách đọc gần giống với tiếng Tàu.

Điểm thứ ba, lối cải biên tiếng Việt này sẽ trở thành con dao cắt đứt hẳn tương lai với quá khứ. Ngày xưa khi quân Tàu tràn sang xâm chiếm đất Việt, chữ con giun (hay còn gọi là chữ nòng nọc) của dân Việt đã bị họ xoá bỏ và thay thế bằng chữ Hán. Sự xâm lăng kéo dài cả ngàn năm, nhưng nhờ tài trí của cha ông ta, không nói tiếng Tàu mà sáng tạo ra chữ Nho để giao tiếp nhau dưới áp lực chữ viết của quân xâm lăng, gọi là tiếng Hán. Cách đọc chữ Nho của người Việt so với âm Hán rất khác nhau.

Ký Hiệu Phiên Âm Quốc Tế

Ghi chú về các ký hiệu phiên âm trong đồ thị trên: Vòng màu xanh dùng để phiên âm cho ph_ [ɸ] đứng trước các chữ o, ô, và u: pho, phô, phu [ɸɔ, ɸo, ɸu]Vòng màu đỏ là ký hiệu phiên âm cho các mẫu tự phụ khác mà tác giả đem ra làm chữ viết tiếng Việt ‘cải cách’: ph_ [f]: pha, phăng, phân, phe, phê, phi, phơ [fa, fʌŋ, fɤn, fε, fe, fi, fə]; kh [x] kha, khăn, khi, khe, khê, … [xa, xʌn, xi, xε, xe, …]. Đặc biệt âm [w] thuộc âm môi, cúa mềm (vòm mềm) xát và rung – tức là thân sau lưỡi phải chạm vào vòm mềm – thì không thể nào thay thế cho th [ƭ] vì âm này thuộc răng nướu, nghĩa là đầu lưỡi phải chạm vào chân răng và nướu.

Chữ Nho là hình thức chuyển tự, có từ thế kỷ thứ nhất tại Việt Nam, trong khi trên thế giới mãi đến năm 1860 mới có. Đây là lối “dịch” từ một ngôn ngữ “lạ” như tiếng Ả-rập, tiếng Do-thái sang mẫu tự La-tinh để người dùng mẫu tự abc biết cách đọc. Chẳng hạn như Allah nghĩa là God (Chúa) chuyển từ chữ الله [ala:ɂ] của tiếng Ả-rập sang. Hoặc chữ của Tàu thì đọc thành thị (chợ); chữ מ"ק) אמן! thành Amen![6] theo cách của tiếng Việt. Nhờ vậy mà tiếng Việt không bị mất. Nay với lối cải biên này, tác giả muốn biến tiếng Việt có giọng đọc giống tiếng Tàu. Nếu quả thật là vậy, tác giả sẽ đắc tội với dân tộc!

Điểm thứ tư, theo lời tác giả, sẽ có bảng mẫu tự tiêu biểu cho âm chính (thường gọi là nguyên âm) sẽ hứa hẹn nhiều ly kỳ. Riêng với vài ba mẫu tự tiêu biểu thì lối cải biên này, mới giai đoạn đầu trình làng với các âm phụ [ŋ] ng q [k][thth > [w] đã để lộ nhiều khuyết điểm. Trước tiên, tác giả phá vỡ quy tắc phát âm của toàn thế giới khi gán ghép những âm Việt được viết là ng hay ngh bằng mẫu tự mà đa số các nước khác đều đọc là [k]. Âm [ŋ] như trong, ngoài không thể thế bằng q > troq, qoài được. Càng vô lý hơn khi w thay thế cho th. Có phải tác giả muốn tất cả dân Việt lên núi ở với nhau mà không cần tiếp xúc với thế giới. Hay là tác giả muốn bắt chước Tàu Cộng chế loại chữ mà họ gọi là “pinyin” để đọc tiếng Việt?

Điểm cần lưu ý nữa là chữ sẽ thay thế cho lẫn x và sẽ đọc thành [s] như see [si:] ‘thấy’ của tiếng Anh. Như vậy xấu xí > sấu sí; xinh xắn > sin’ sắn; xông xáo > sông sáo; sâu xa > sâu sa, … Không rõ tác giả đã thấy điều phi lý bắt mọi thứ đều phải thay đổi này không?!
Lại nữa âm [c] dùng để phiên âm các chữ có ch lại thay thế thêm cho tr. Xét kỹ các giọng tại các vùng khác nhau thì giọng Bắc nói chớt ở phần đầu: ch, tr; s, x; gi, d, r, không phân biệt rõ. Trong khi đó giọng Trung và Nam thì chớt ở phần giữa và cuối. Người Trung, nhất là từ Thừa Thiên trở vào không hề có sự phân biệt giữa các chữ có dấu hỏi và dấu ngã, một số chữ tận cùng bằng n hay ng, như ăn uống > ăng uống, tràn lan > tràng lang, v.v.. hay –c hay –tviệc làm, tiếng Việt; và sửa xe đọc y như sữa ông Thọ. Thế nhưng khi viết thì sao? Mọi người đều phải tuân theo phép chính tả ‘phonotactics’ mà viết cho đúng để chỉ rõ cái nghĩa cần diễn đạt.

Nếu thêm âm [k] thay thế cho mẫu tự c, k, q thì càng khác hơn; với cách viết mới, nếu áp dụng thì chong đèn thức đêm trong mấy ngày liền > coq dèn wứk dêm coq mấy qày liền.
Tới đây, chúng ta đã tìm được một điểm mâu thuẫn khi dùng mẫu tự thay cho ng. Còn nếu c, k, q thay bằng thì chữ quốc và cuốc hiện tại sẽ viết giống nhau là kuốcquả và của sẽ viết thành kuả. Ở điểm này tác giả đã tự mâu thuẫn với chính mình: “mỗi mẫu tự tiêu biểu cho một âm mà thôi.” Như vậy nghĩa là quốc [kwə1k] – cuốc [ku:ə1k] và quả [kwa:]– của [ku3:a][7] sẽ đọc như nhau chứ không phân biệt như hiện nay!

Lược qua một số điểm về việc cải cách tiếng Việt, chúng ta thấy phần ngữ âm không hợp lý. Còn chuyện kinh tế thì sao?

Trước hết phải thay sách giáo khoa, việc in lại toàn bộ loại sách này sẽ tốn hàng tỷ đồng. Tiếp đến là phải thay thế tên đường, tên bản đồ, tên thành phố, tên người, tên địa phương.
Giả sử không có sự thay đổi các mẫu tự chính (a ă â e ê, …) thì Thành Phố mang tên “bác” của họ sẽ viết là Wàn’ fố Hồ Cí Min’, đường Trường Chinh của họ sẽ là Wườq Cin’, Phố Hàng Trống > Fố Hàq Cốq. Tên tôi Trần Ngọc Dụng sẽ viết là Cần Qọk Zụq. Chắc chắn tôi không chịu. Khoản tiền để làm chuyện này sẽ tốn hàng ngàn tỷ tiền “giấy” của n’ân zân.

Chưa kể cái cụk cặk kỹ thuật nữa là dấu phẩy cao ( ’ ) thay cho mẫu tự “h” vừa không tiết kiệm thời gian mà lại gây thêm rắc rối khi cần dùng đến dấu này trong trường hợp dùng câu trực tiếp trong câu trực tiếp khác. Thí dụ: Chị Mai nói: “Lúc ấy tôi nghe chị ấy gọi tôi: ‘Mai ơi, tới đây (nhanh) > n’an’’.” Khiến người ta nhầm lẫn giữa dấu phẩy ( ’ ) đi theo n’ với dấu ( ’ ) để chỉ phần kết của đoạn lặp lại trong câu trực tiếp.

Ngoại trừ tác giả đề nghị một lối đọc sao cho hợp lý giữa ng và q, tác giả quên một điểm then chốt về ngữ học là với q làm một âm thì nó nằm trong khu bật hơi tắt, tức stop sound, thì không thể đi với các dấu thanh huyền, hỏi, ngã được mà chỉ đi với sắc hoặc nặng mà thôi. Thí dụ: trong tiếng Việt không có chữ nào như tổt, tồt, hay tỗt cả.

Trên đây là vài điểm nhận xét về chủ trương cải tiến tiếng Việt của tác giả Bùi Hiền.
Thay vì sửa đổi cách viết, chúng tôi đề nghị một giải pháp nhằm mở rộng đường cho tiếng Việt chúng ta theo kịp đà phát triển của nhân loại về phương diện kỹ thuật.

Thứ nhất, cần nâng cao tầm nhìn và mở rộng khái niệm về cách dùng chữ:
Để nâng cao tầm nhìn, chúng ta cần thấy rằng, từ-ngữ dành cho kỹ thuật của tiếng Việt còn khá nghèo. Đến nỗi, phải dịch nguyên chữ từ tiếng Anh sang: software > phần mềm (ý nói các chương trình điện toán), hardware > phần cứng (phụ tùng máy điện toán). Xét cho cùng, phần cứng, phần mềm là dịch quá sát nghĩa nghe khá ngô nghê. Còn nói chương trình điện toán hay phụ tùng máy điện toán thì gọi là dịch giải ‘explanative translation’.

Cả hai loại trên đều mang tính cách cưỡng ép, do đó có người chịu dùng, có người không chịu dùng. Vì vậy chúng ta cần tìm cách mở ra một con đường, mà dễ dàng nhất là phải tận dụng tất cả những chữ đang có sẵn mà chưa bao giờ dùng tới. Chẳng hạn: chữ khinh; chúng ta mới dùng: khinh, khỉnh, khĩnh, nhưng chưa dùng đến khính, khình, khịnh. Chúng ta có khoanh, khoảnh; nhưng chưa dùng khoãnh, khoành, khoạnh. Vô số những chữ như: phỡ, phũi, quã, quãn, quẫng, rãng, rãu, rẽn, rẽo, rẽng, rĩa, rĩnh, rõn, rõng, trơm, trớm, … đang chờ chúng ta để mắt đến.

Nếu làm thống kê thì phải có đến hàng chục ngàn chữ như vậy. Gần đây ở Việt Nam xuất hiện chữ phượt (đi chơi lang thang ít tốn kém với ba-lô trên vai, vô định, đơn giản)sao không tìm cách dùng chữ vướt (lướt nhanh, hời hợt nên lạc mất đường chẳng hạn như đề nghị của ông tiến sĩ ở Hà Nội này – làm mất đi tính chất phong phú của tiếng Việt, vung vãi đề nghị rất vớ vẩn, đáng vứt đi) Nói cách khác, đề nghị của ông ta nên vướt đi là vừaVừa tiện và không hề tốn kém.

Thế nhưng nên dè dặt để khỏi bị vướng vào lối mòn tiếng lóng ‘slang’ chỉ xuất hiện một thời rồi tan biến. Do đó khi muốn tìm chữ để diễn rõ ý nghĩa của một khái niệm cần tìm một chữ vừa nghe ‘xuôi tai’ vừa có tính cách mỹ thuật và được mọi người chấp nhận dễ dàng.
Từ tầm nhìn được nâng lên như vậy, chúng ta cần mở rộng về khái niệm về cách dùng chữ. Theo thói quen, khi bí một chữ gì, đa số có khuynh hướng tìm xem chữ gốc Hán dùng thế nào thì bắt chước theo.

Cách đây ít năm, khi chữ roadmap được dùng để chỉ kế hoạch vãn hồi hoà bình cho vùng Trung Đông giữa Do-thái và người Palestine được đề ra. Trên báo chí của người Hoa họ dùng chữ lộ tuyến đồ 路路圖Vài ngày sau, người Việt mình bắt chước nói theo, nhưng rút ngắn lại: lộ đồ 路圖Cách nói này ít nhiều nói lên cái thói quen theo Tàu của đa số người Việt. Tôi đề nghị dùng chữ đường lối giải hoà vừa đúng nghĩa mà không bắt chước ai.

Trở lại đoạn nói về phần mềm và phần cứng thì có người đề nghị với tôi nên dịch “phần cứng” là phứng còn phần mềm là “phềm.” Độc đáo thay! Vừa tiện về phần phát âm, vừa gọn về cách viết, và vừa lợi về tài chánh. Trong ngôn ngữ học đây là lối kết từ (blending) đã có trong tiếng Việt bao đời nay: bằng ấy lâu > bấy lâu, đằng ấy > đẳng, bọn mày > bay, hai mươi mốt > hâm mốt, dai như chão rách > dai nhách[8]v.v..

***

Với hai khái niệm nâng cao tầm nhìn và mở rộng khái niệm vừa nêu, chúng ta thừa sức làm cho tiếng Việt phong phú và dễ dàng hội nhập với thế giới đồng thời làm nổi bật nét độc đáo của văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam.

Vài ý kiến đóng góp. Rất mong quý vị cao minh hơn chỉ thêm để vấn đề được sáng tỏ, mọi người quyết liệt chống lại lối cải cách kỳ quái này và đồng lòng tìm con đường cho chữ Việt phát huy mạnh mẽ trong thế kỷ 21 này. Trân trọng.

Tháng 12, 2017


[1] Tuỳ theo miền, Nam hay Bắc: Nam [j] và Bắc [z]
[2] Có vùng đọc âm này thành [n]
[3] Có vùng đọc âm này thành [l]
[4] Tuỳ miền: miền Bắc đa số nói [z], miền Trung (Thanh, Nghệ, Tĩnh vào đến Quảng Ngãi) [Ʒ]), miền Nam [r] và vài tỉnh miền Tây [g]
[5] Âm này thường được xem là tương đương với [i]i nhưng kỳ thật nó dài hơn, do đó đặt tên “i dài” cũng rất hợp lý.
[6] Gốc Do-thái (Hebrew) nghĩa là ‘xin như thế!’ – thường dùng để kết thúc một lời cầu nguyện
[7] Đây là lối phiên âm cho cách đọc của tiếng Việt hiện hành
[8] Cẩm Nang Ngữ Pháp tiếng Việt Trần Ngọc Dụng, 2014


----------------------------------

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

Chu Tất Tiến  -  28/12/2017

Đào Văn Bình   -   27/12/2017

Theo GS Nguyễn Văn Lợi/Vietnamnet   -   30/11/2017

PGS.TS Nguyễn Phương Mai,
Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.   -    05/12/2017

Theo Sputnik   -   03/12/2017

Theo Thethaovanhoa  -  02/12/2017

Kiến Thức   -   29/11/2017

Kiến Thức














No comments:

Post a Comment

View My Stats