Friday, 29 December 2017

TIẾP NỐI BÀI "VÌ SAO NÊN PHI BẠO LỰC" CỦA PHẠM ĐOAN TRANG (Nguyễn Đình Cống)



Nguyễn Đình Cống
29- 12- 2017

Ngày 28/12 Báo Tiếng Dân đăng bài “Vì sao nên phi bạo lựccủa Phạm Đoan Trang. Tác giả nêu ra 4 lý do: 1-  Khả năng thành công cao hơn. 2- Thu hút được nhiều người hơn. 3- Tạo điều kiện cho dân chủ. 4-  Oan oan tương báo bao giờ mới hết.

Tôi tán thành các ý kiến của Phạm Đoan Trang. Chỉ xin bổ sung vài ý kiến rút ra từ thực tế cuộc đấu tranh bạo lực của dân Việt Nam trong mấy chục năm của thế kỷ 20, đó là những hậu quả tai hại của “bên thắng cuộc” phải gánh chịu sau chiến thắng.

1- Các gia đình chính sách. Đó là các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công, những bà mẹ anh hùng, những lão thành cách mạng, những cán bộ tiền khởi, những nạn nhân chất độc v.v… Họ được ưu đãi hoặc được trợ cấp là đúng. Nhưng sự ưu đãi này ngốn của ngân sách một khoản không nhỏ. Nếu đấu tranh phi bạo lực có thể tránh được phần lớn khoản này, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế, văn hóa. Đó là chưa nói đến một số không ít dựa vào sự ưu đãi này để gian dối, trục lợi.

2- Thói quen xấu từ bạo lực. Trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh du kích thường phải dùng đến những dối trá, những mưu mô để lừa đich. Người ta ca ngợi những việc làm đó, xem như là khôn khéo, thông minh. Dần dần những thứ đó nhiễm vào, tạo thành nhận thức và tính cách của một số người.

3- Tạo thành lực lượng kiêu binh. Đó là một số người có nhiều chiến công trong bạo lực hoặc chiếm được vị trí cao trong tổ chức. Họ kể công và đòi quyền lợi. Nếu không đủ quyền lợi vật chất thì phải cho họ chức vụ và quyền lực trong các ngạch dân sự. Nhưng số người vừa có tài trong chiến trận vừa có tài trong dân sự là khá hiếm. Phần nhiều trong số họ vì cậy công và không có trình độ tương xứng mà trở thành những kẻ ngăn cản sự phát triển của xã hội. Khi họ dùng những mưu lược lừa địch và cách chỉ huy trong chiến trân để quản lý dân sự thì càng nguy. Những người như vậy làm cho chính quyền nát bét và thich cai trị độc tài. Ngoài những cá nhân thì còn những tổ chức kiêu binh. Vụ quân đội chiếm đất dự trử của sân bay Tân Sơn Nhất để chia nhau làm nhà và làm sân gôn là một thí dụ, tạo nên sự thiệt hại rất lớn cho đất nước.

4- Thiệt hại về trí tuệ. Chiến tranh, nhiều người chết, nhiều công trình bị phá hủy, thiệt hại đó là rõ ráng, nhưng thiệt hại về trí tuệ ít thấy được, Đó là trong số hy sinh có không ít những người con ưu tú của dân tộc về các lĩnh vực.

5- Tốn kém cho kỷ niệm. Chiến tranh càng dài, càng khốc liệt sẽ tạo ra nhiều anh hùng, nhiều kỳ tích. Cần xây nhiều tượng đài, nhiều công trình kỷ niệm, nhiều buổi lễ cho những con người và sự kiện như vậy. Khi đất nước giàu có thì không sao, nhưng khi còn khó khăn, cứ cố làm rồi để con cháu phải trả nợ thì cũng khổ cho chúng nó.

Có vài ý kiến, gọi là tiếp nối, mong làm phong phú các khía cạnh của một vấn đề. Xin cám ơn bạn Phạm Đoan Trang đã viết bài để tôi có dịp “tát nước theo mưa”.









No comments:

Post a Comment

View My Stats