Tuesday, 5 December 2017

BUỘC PHẢI BUÔNG LỜI "DIỆT TRỪ TẬN GỐC" (PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt)


PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt
Khoa Học & Đời Sống
01/12/2017

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Đại học KH-XH&NV, trong số các dư luận phản ứng đối với đề xuất, có một số ý kiến đã làm tổn thương đến cá nhân và cả người thân PGS.TS Bùi Hiền. Nhưng xét về nguyên nhân sâu xa, phải chăng đề xuất đó đã động chạm, làm tổn thương đến cái văn hóa sâu thẳm trong lòng người dân nước Việt, nên người ta buộc phải buông ra những lời để “diệt trừ tận gốc”?!

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Đại học KH-XH&NV. Ảnh: Trần Hải.

Chữ viết là văn hóa, là quốc hồn của dân tộc

Đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

- Theo tôi, phương án anh Hiền đề xuất thực ra không phải là cái gì cao siêu, mới mẻ. Trước đây đã có nhiều người nghĩ tới phương án này nhưng không thành. Cách anh Hiền làm là muốn giản tiện cách viết từ ngữ. Nó khá giống ngôn ngữ “chat chit” – một thứ tiếng lóng của giới trẻ.


Theo PGS.TS Bùi Hiền thì nếu thực hiện cải cách sẽ giản tiện được bộ chữ cái, khiến cho mọi người tiết kiệm được thì giờ, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập văn bản trên giấy, trên máy tính. Như vậy sự giản tiện mà ông vừa nói tới có phải là một ưu điểm không?

- Anh Hiền nghĩ rất đơn giản. Có lẽ anh không suy nghĩ sâu đến bản chất của ngôn ngữ. Anh coi chữ viết chỉ là ký tự thuần túy. Và khi anh muốn giản tiện nó mà không nghĩ một vấn đề khác của khoa học là khi anh viết như vậy thì sẽ đẩy số lượng từ đồng âm lên rất lớn và làm cồng kềnh bộ nhớ rất nhiều.

Ví dụ, anh đề xuất chữ Ch, Tr đều viết là C: quả chanh, bức tranh đều viết thành can. Vậy khi dạy từ can thì trẻ em hay người nước ngoài học tiếng Việt sẽ rất khó nhớ và khó thuộc vì hai từ vốn khác nhau này lại thành ra hai từ đồng âm.

Như vậy, giản tiện về cách viết nhưng lại quá phức tạp cho bộ nhớ và gây ra phiền toái trong sử dụng.


Như vậy dường như PGS.TS Bùi Hiền chưa hiểu tính quy luật và bản chất của ngôn ngữ?

- Đúng vậy. Không chỉ riêng chữ quốc ngữ mà chữ viết của dân tộc nào cũng có những bất hợp lý không thể khắc phục. Việc đưa ra đề xuất như anh Hiền là một suy nghĩ thiếu chín chắn.

Trước đây, một số nhà nghiên cứu sốt sắng đưa ra loại văn tự gọi là “Quốc tế ngữ” làm văn tự chung cho các quốc gia đã bị thất bại, vì ký tự thuần túy chỉ là thứ vô hồn. Học quốc tế ngữ người ta sẽ không thấy văn hóa riêng của nước Pháp, không thấy văn hóa riêng của nước Anh, không thấy của nước Mỹ…

Và nếu để giản tiện nhất thì chỉ cần học tốc ký, vẫn có đủ các ký hiệu để biểu đạt. Nhưng vì sao ta lại không thể thay chữ quốc ngữ bằng tốc ký? Là vì chữ viết không chỉ là ký tự đơn thuần. Văn tự với tư cách là một phương diện biểu hiện của ngôn ngữ luôn gắn bó với văn hóa, tâm hồn dân tộc, nó còn là tâm hồn, văn hóa của dân tộc.

Tính từ thời điểm chữ quốc ngữ ra đời, có biết bao tác phẩm nghệ thuật, bao đền đài, văn bia… được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện hành. Thứ chữ ấy đã thấm đẫm ý thức tâm linh, văn hóa dân tộc.

PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh:NĐT.

Nổi tiếng kiểu “kẻ đốt đền”

Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Hiền, thì đề xuất chính là tâm huyết và ông mất nhiều năm để nghiên cứu. Đứng ở góc độ một nhà khoa học, điều đó cũng đáng trân trọng, thưa ông?

- Tôi lại thấy thật đáng tiếc về điều này. Lẽ ra anh Hiền nên nghiên cứu một đề tài khác có ích và có kết quả thiết thực hơn. Đây là hiện tượng  không hiếm trong khoa học. Đôi khi mình lạc hậu với tình hình nhưng lại nghĩ mình là người có tinh thần cải cách.

Cũng có thể do anh Hiền xuất thân từ một nhà ngoại ngữ, chứ không phải là nhà ngôn ngữ thực thụ, cho nên tri thức về ngôn ngữ học của anh cũng có hạn. Anh tưởng đó là một phát minh. Nhưng đối với những người trong ngành như chúng tôi thì nó là quá cũ.

Nhưng theo tôi, mọi người đều có quyền nghiên cứu, đề xuất chứ? Ông có nhận xét gì về cách phản ứng của dư luận đối với PGS.TS Bùi Hiền?
- Dư luận đã dùng những lời lẽ vô cùng nặng nề đối với anh Hiền, điều này theo tôi sẽ không chỉ  gây tổn thương cho anh Hiền và còn cả với người thân của anh ấy, khi họ đọc được hẳn cũng rất buồn.

Tôi không đồng tình với cách ứng xử đó. Vì việc nghiên cứu rồi đưa ra kết quả nghiên cứu, đề xuất là quyền của mỗi người. Kết luận đúng sai cần dựa trên tinh thần khoa học, căn cứ khoa học chứ không thể dựa vào xúc cảm bột phát.

PGS.TS Bùi Hiền không phải là người đầu tiên đưa ra cải cách chữ quốc ngữ. Nhưng theo ông, vì sao dư luận lại có phản ứng dữ dội như vậy với PGS.TS Bùi Hiền?

- Là vì anh Hiền đã đưa ra một thứ đề xuất làm rắc rối cho cả xã hội. Theo đề xuất của anh thì bỗng dưng cả dân tộc trở thành mù chữ. Giả sử đề xuất được áp dụng thì tất cả những người biết đọc biết viết phải học lại từ đầu. Chưa kể trong gần 400 năm qua, biết bao tác phẩm nghệ thuật phải đem ra dịch lại. Sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của, công sức của xã hội!

Đặc biệt, trong một khía cạnh khác, đề xuất của anh Hiền đã phần nào làm tổn thương đến văn hóa dân tộc, động chạm đến phần thiêng liêng sâu thẳm trong tâm linh của người dân, thậm chí cả tới người đã khuất. Vì ngôn ngữ là văn hóa, hồn đất nước. Đây là điều khiến cho nhiều người mất bình tĩnh.

Người ta sợ rằng học cái thứ chữ đó sẽ làm mất đi một truyền thống rất tốt đẹp. Anh Hiền đã khiến người ta buộc phải thốt ra những lời để “diệt trừ tận gốc” cái nguy cơ khiến người ta sợ đó.

Liệu cách ứng xử đó sẽ khiến chúng ta khó tiếp cận được những thứ đổi mới, sáng tạo hay không?

- Theo tôi cần phải phân biệt giữa cái khác lạ và đổi mới. Trong suy nghĩ của anh Hiền thì anh nghĩ là đổi mới nhưng tôi cho rằng, thực ra, anh mới làm việc khác lạ thôi. Việc làm đó chẳng khác gì sự nổi tiếng của “kẻ đốt đền”, “không thành công thì cũng thành nhân” (cười).

Tiếng Việt phong phú và tinh tế

Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền.

Được biết, chữ quốc ngữ đã trải qua rất nhiều lần được đề xuất, thực hiện cải cách nhưng đều thất bại. Lý do là gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng những người làm ra chữ quốc ngữ đã tính toán rất kỹ và nó được thử thách qua khoảng lịch sử khá dài – gần 400 năm, tính từ khi cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes ra đời. Có những quy tắc không phải là ngẫu nhiên, mà có dụng ý cả. Ví dụ, cách viết i, y. Sao lại viết là con đĩ? Tên người thì lại thường viết y (My, Sỹ, Vỹ…). Là vì y  có đường nét dài, đẹp hơn (đó là giá trị hội họa của mỗi con chữ). Đây chính là sự tinh tế trong cách viết…

Cách đây vài chục năm, Bộ Giáo dục đã từng tiến hành cải tiến trong việc dạy chữ quốc ngữ bằng cách viết l, m, m theo cách sổ thẳng, không có nét uốn lượn và đã thất bại. Bởi chữ quốc ngữ, ngoài giá trị biểu vật, biểu niệm… còn có tính hội họa…

Các cuộc cải cách thất bại chứng tỏ một điều: Ngôn ngữ là vấn đề của một cộng đồng, cái gì thuận tiện, hợp lý thì cộng đồng sẽ chấp nhận.

Là một nhà ngôn ngữ học, đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, ông có nhận xét gì về tiếng Việt của chúng ta?

- Tôi có đi dạy nhiều cả trong nước và ở nước ngoài. Sinh viên nước ngoài nhận xét tiếng Việt rất độc đáo. Bản thân tôi, qua quá trình trải nghiệm sử dụng tiếng Việt trong nghiên cứu cũng như sáng tác, thấy rằng, tiếng Việt rất phong phú và tinh tế. Ngôn ngữ của chúng ta có những ưu điểm mà tiếng nước ngoài không có được.

Theo tôi, cho đến nay, tiếng Việt vẫn đủ khả năng để để dịch các loại từ ngữ khác nhau từ tiếng nước ngoài. Việc vay mượn hay phiên dịch từ ngữ nước ngoài (nhất là các thuật ngữ khoa học) cũng là quy luật phổ quát của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.

Theo ông, tiếng Việt hiện có cần cải cách gì thêm không?

- Tôi cho rằng, chữ viết hiện nay, về cơ bản đã đáp ứng được các nhu cầu sử dụng, không cần cải cách gì thêm, nếu có chỉ cần bổ sung một vài ký tự để việc dịch thuật được thuận lợi hơn. Vốn từ luôn thay đổi, phát triển, còn chữ viết thì có tính bền vững. Nếu cứ chạy theo phát âm (biến đổi ngữ âm) mà thay đổi chữ viết thì sẽ tạo ra sự bất ổn. Không có dân tộc nào làm như thế cả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mới đây, trong bài viết “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông) đã đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt. Theo đó, sẽ thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt. Theo đề xuất, “Luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk”, “nhà nước” là “n’à nướk”, “ngôn ngữ” là “qôn qữ”.

Mai Loan
(thực hiện)







No comments:

Post a Comment

View My Stats