Sunday, 5 November 2017

NẾU ĐÓNG FACEBOOK, TOUTUBE . . . THÌ SAO ? (Vũ Thạch - Báo Tiếng Dân)




Vũ Thạch
05/11/2017

Trong mấy ngày qua, trên báo đảng đã chính thức xuất hiện ý định cấm cửa Facebook, Youtube, Twitter, Viber, … hoạt động tại VN. Ai cũng biết đây chỉ là trò rập khuôn theo Bắc Kinh, nơi mà thế giới vẫn ghê tởm trong nhiều năm qua về trò buộc cài đặt The Great Firewall, tức Vạn Lý Tường Lửa trên mạng để ngăn chận người dùng.

Và nay ai cũng biết, theo chân TQ, các mạng xã hội hữu ích và vô tư tại Việt Nam như Facebook, Youtube, Twitter, … sẽ bị thay thế bằng toàn đồ Tàu như Renren, Youku Tudou, Weibo, … tức các trang mạng cho phép nhà cầm quyền theo dõi toàn bộ người sử dụng.

Có người cho rằng, đây chỉ lại là trò đánh lạc hướng dư luận trước một số sự kiện lớn trước mặt, từ các trò nhượng bộ thêm Bắc Kinh qua các trao đổi sứ giả Hoàng Bình Quân – Vương Nghị, đến Hội nghị APEC sắp tới, … mà thôi.

Rất có thể nhận xét trên đúng nhưng cứ thử giả định các hăm dọa cấm Facebook, Youtube, … là ý định thật của nhà cầm quyền VN thì hệ quả gì sẽ xảy ra? Đây là một việc có ảnh hưởng lớn lên toàn xã hội nên đáng được chính thức đặt lên mặt bàn mổ xẻ.

Chúng ta có thể thấy ngay các hệ quả sau đây:

– Hệ quả đầu tiên, phần lớn những người dùng Internet để theo dõi tin tức thế giới khách quan (không qua lăng kính Ban Tuyên Giáo), để đi tìm sự thật lịch sử, để biết mức tiến bộ của nhân loại, đều sẽ rời bỏ mạng vì không còn lợi ích nữa.

– Kế đến, đại khối người dùng sẽ ngưng chứ không chuyển sang dùng hàng Tàu vì biết KHÔNG CÒN AN TOÀN nữa. Không chỉ dân thường mà cả đảng viên, cán bộ đều bị theo dõi. Và kẻ có tất cả bí mật của mọi người là bộ phận công an đang nắm mạng.

– Nhưng kẻ theo dõi trên hết là an ninh Bắc Kinh. Họ sẽ theo dõi và nắm tất cả mọi trao đổi liên lạc, kể cả của công an mạng VN. Do đó, nếu tiếp tục dùng Internet, dùng các phần mềm của Tàu, người Việt chúng ta vô tình tiếp tay ĐẨY ĐẤT NƯỚC VÀO VÒNG NÔ LỆ.

– Với trò siết mạng đó, Hà Nội chắc chắn sẽ bị thế giới ghê tởm ngang hàng Bắc Kinh trong mọi quan hệ quốc tế, từ chính giới đến dân sự. Đặc biệt, phần lớn du khách quốc tế sẽ lánh xa VN như đã, đang và sẽ lánh xa TQ.

– Nhưng quan trọng hơn cả, hãng xưởng quốc tế sẽ xa lánh VN nếu có chọn lựa khác tại các nước chung quanh. Họ biết mọi liên lạc với đối tác VN sẽ bị theo dõi và lợi dụng. Họ chỉ có thể bảo vệ các dụng cụ liên lạc từ phía họ chứ không thể làm gì ở phía các doanh nghiệp VN.

Vậy chúng ta nên làm gì khi sợi giây trói mạng bắt đầu được lôi ra dùng?

– Trước hết, chúng ta cần báo ngay cho thế giới biết, đặc biệt giới truyền thông quốc tế. Các thiệt hại kinh tế, đặc biệt trong tình cảnh hiện tại, sẽ buộc lãnh đạo VN phải xem lại mức độ dại dột của họ.

– Anh chị em trong giới hoạt động, cần tìm hiểu ngay những cách vượt rào cản, đặc biệt dùng các phần mềm VPN (Virtual Private Network). Nhiều hãng cung cấp dịch vụ này. Có nơi cho dùng miễn phí, có nơi tính tiền theo số lượng data sử dụng nhưng giá rất rẻ. Một vài dịch vụ nổi tiếng như Private Tunnel, ExpressVPN, …

– Nhưng với quảng đại bà con dùng mạng, chúng ta có thể bảo nhau ĐỒNG LOẠT cắt hợp đồng thuê bao đường dây internet, không mua điện thoại thông minh nữa, chỉ cần điện thoại “cục gạch” là đủ. Đây là cách trừng phạt ngay các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp của gia đình các tư bản đỏ như Viettel, FPT, VNPT. Chính những thiệt hại kinh tế “rất gần gũi” này mới đủ tác động buộc lãnh đạo VN phải rụt lại.

Khối người sử dụng mạng chúng ta không nhất thiết và không nên chấp nhận số phận nạn nhân. Nếu biết phản ứng ĐỒNG LOẠT, chúng ta không chỉ có thể vượt rào mà còn có thể phản công lại bằng các trừng phạt kinh tế bằng số đông. Những ai từng thán phục anh em tài xế cùng nhau dùng tiền lẻ làm bung các trạm BOT, thì nay là CƠ HỘI CHO MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ra tay.


-------------------------------

LIÊN QUAN :

Về dự thảo luật An ninh mạng

TS Nguyễn Quang A cho biết, là luật này gần như sao chép của Trung Quốc. Tuy nhiên,  Công an Việt Nam soạn luật mà không hiểu về không gian mạng, bởi với TQ họ làm vậy vì muốn nâng đỡ các công ty trong nước chứ không hẳn vì vấn đề an ninh.
Cũng theo TS Nguyễn Quang A, những điều khoản mơ hồ quy định về phản động, an ninh quốc gia … chỉ để đàn áp các tiếng nói bất đồng. Chúng được đưa vào luật nhưng hầu như không được thực thi, mà chủ yếu để để mang ra xử những ai họ muốn xử. Từ đó luật trở nên “khập khiễng” nên dân coi thường. Việc ban hành luật cũng là cái cớ để an ninh xin ngân sách.

Luật Khoa có bài: Dự luật An ninh mạng: Hàng Việt Nam ‘Made in China’? Đó là luật An ninh mạng của Việt Nam và Trung Quốc đều cùng một thuật ngữ, cùng đề cập đến sự nguy hiểm cho chế độ; ép người sử dụng mạng cung cấp thông tin cá nhân thực; ép người dùng và doanh nghiệp thành chỉ điểm; ép doanh nghiệp công nghệ tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật do nhà nước ban hành; ép đơn vị liên quan đến “thông tin quan trọng” khi mua phần cứng và phần mềm phải qua thẩm định của chính quyền.

Đặc biệt, luật của Việt Nam yêu cầu “doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải (…) có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng y chang Điều 37 của Luật An ninh mạng Trung Quốc.

Blogger Hiệu Minh có bài: Google or not Gúc, Facebook or not Phây. Theo tác giả: “Về chuyện đặt máy chủ ở Việt Nam thì nhà nước cũng không thể truy nhập vào server của họ để theo dõi. Thế giới có tính toán đám mây, người dùng có thể truy nhập thông tin ở mọi nơi mọi chỗ với giá thành rẻ bất ngờ. Chỗ nào an toàn và giá thấp họ sẽ chọn. Nếu các công ty IT lớn rút đi thì không hiểu thị trường viễn thông có còn là 10 tỷ đô đóng góp cho GDP và ảnh hưởng domino do viễn thông mang lại cho quốc gia cũng không chỉ 10 tỷ đô la. Viettel, VNPT rải cáp, bên chính sách rải đinh, làm sao IT vượt lên được”.

Đó cũng là ý kiến của tác giả Vũ Thạch, qua bài: Nếu đóng Facebook, Youtube… thì sao? Tác giả cho rằng, người dân có thể phản kháng bằng cách, đồng loạt cắt hợp đồng thuê bao internet, không sử dụng điện thoại thông minh nữa. “Đây là cách trừng phạt ngay các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp của gia đình các tư bản đỏ như Viettel, FPT, VNPT. Chính những thiệt hại kinh tế ‘rất gần gũi’ này mới đủ tác động buộc lãnh đạo VN phải rụt lại“.

Nhà báo Phạm Việt Thắng viết: “Kỷ niệm 20 năm intenet có mặt ở Việt Nam, người ta lại bàn về dự Luật An ninh mạng, một đạo luật thiên về cấm đoán mạng xã hội, mà nếu được thông qua sẽ đi ngược với văn minh của nhân loại. Không lẽ, intenet ở Việt Nam sẽ là ‘mãi mãi tuổi 20’.

LM Lê Ngọc Thanh có bài: Google vs Facebook rời, Việt Nam được hay mất cơ hội phát triển? Theo LM Thanh, “Các nhà lãnh đạo vì độc tài, nên sợ tiếp cận rộng rãi các công dân, do đó những thông tin trí thức họ có được chủ yếu do các chuyên gia khép kín của họ cung cấp, mà các chuyên gia này luôn luôn kiên định cố chấp. Tình trạng cố chấp được bảo hộ khi nhân danh bảo vệ chế độ, nhưng bản chất là bảo vệ chính vị trí công việc và quyền lợi của họ, rồi bảo đảm con cháu họ là những người kế thừa”.








No comments:

Post a Comment

View My Stats