Sunday, 5 November 2017

CHẤT ĐẤT SÉT CỦA ĐÁ TẲNG MACXIT (Nguyễn Đình Cống)





Giới thiệu.
Trong bài Phê phán sách PP tôi có viết về Chất đất sét của các đá tảng thuộc Chủ nghiã Mác Lênin. Nay xin viết rõ hơn một chút.

Phần lớn, nếu không phải tất cả, các lý thuyết, các học thuyết được xây dựng dựa vào một số tiên đề hoặc giả thiết khoa học ( GT). Học thuyết Macxít cũng như vậy, nó được bắt đầu bằng một số GT. Các GT đó được Karl Marx ( Mác) nghiên cứu, được trình bày như các chân lý, được một số người suy tôn thành các hòn đá tảng với ý nghĩa chúng vững chắc đời đời, làm nền móng cho việc xây dựng lâu đài học thuyết. Một số hòn đá tảng đó như : Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội; Vật chất có trước và quyết định ý thức; Tư bản bóc lột công nhân bằng giá trị thặng dư v.v…

Tuy rằng Mác được một số đông người công nhận là khá thông minh, có người còn tôn sùng là thiên tài, nhưng vì sự hạn chế về nhận thức, sự thiên lệch về tình cảm, sự thiếu sót về phương pháp mà đã có một số nhầm lẫn tai hại. Tôi, tuy không chuyên nghiên cứu về triết học, cũng thấy được một số thiếu sót hoặc sai lầm trong các GT của học thuyết Macxit, tạm gọi đó là chất đất sét, để đối lại với đá tảng. Chủ nghĩa Mác được dựa trên những GT thiếu chính xác, không đáng tin cậy.Thế nhưng có một số người quá tôn sùng , cho rằng nó là cơ sở cho mọi nghiên cứu về tự nhiên, xã hội và con người, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Nếu họ chỉ là nhà khoa học thì tác hại còn vừa phải, nhưng khi họ trở thành nhà chính trị và nắm chính quyền thì nguy hiểm vô cùng. Tôi viết một số bài về tính chất đất sét này. Rất mong nhận được sự phê phán của các học giả và những người quan tâm.

BÀI 1- VỀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI

Nhiều nghiên cứu về triết học, xã hội và nhân văn thường bắt đầu bằng việc đánh giá, phân tích con người. Thuyết Tiến hóa cho rằng loài người từ vượn biến thành. Mác và nhiều người tin vào điều đó, nhưng có một số người khác, trong đó có tôi, không tin. Một số tôn giáo cho rằng con người do Thượng đế sáng tạo ra. Đạo Phật quan niệm con người trải qua nhiều kiếp luân hồi. Theo nhà khoa học người Nga là Munđasep thì loài người hiện nay là thế hệ thứ 5 trên Quả Đất. Mỗi thế hệ kéo dài vài chục triệu năm. Bốn thế hệ trước đã lần lượt xuất hiện và bị tiêu diệt. Nhưng họ không bị hủy diệt hoàn toàn mà còn sót lại nòi giống, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy vậy đối với sự tồn tại và phát triển thì câu hỏi về nguồn gốc không quan trọng bằng các vấn đề khác như bản chất, mục đích, động lực, quyền của con người.

Về bản chất con người, đã có nhiều công trình nghiên cứu, kể từ xưa cho đến tận bây giờ. Ở Hy Lạp cổ đại Xôcrat cho rằng “Con người không hề muốn hung ác tàn bạo”, Platon ghi nhận “ Con người bị chi phối bởi lòng tham”. Ở Trung quốc cổ đại, phái Nho gia cho rằng “ Nhân chi sơ tính bổn thiiện”, ngược lại, phái Pháp gia lại chủ trương “ Nhân tính bổn ác”. Đạo Phật cho rằng trong mỗi con người đều có “ Phật tánh”. Triết học Phương Đông nhận định “ Nhân sinh tiểu vũ trụ”. Gần đây Edgar Morin, nhà triết học và nhân học của Pháp viết sách “ Bản sắc nhân loại (L’ identité humaine) “, chủ yếu trình bày sự tạo dựng phức hợp của con người.

Tìm hiểu quan điểm NHÂN SINH TIỂU VŨ TRỤ tôi nhận thức rằng cả Vũ trụ và Con người tạo thành từ 2 phần là Vật chất và Tâm linh. Hai phần đó kết hợp chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Với con người, vật chất tạo nên thể xác, là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Tâm linh thuộc đối tượng nghiên cứu của Tôn giáo và một số môn huyền bí. Nhà khoa học thiên văn Trịnh Xuân Thuận nhận định : “ Để phát triển, khoa học không cần đến tâm linh, cũng như tâm linh không cần đến khoa học. Nhưng với con người, để phát triển toàn diện cần hiểu biết cả hai”. Như vậy bàn về bản chất con người mà bỏ qua phần tâm linh là chưa toàn diện. Phần tâm linh bao gồm thông tin và năng lượng.

Tôi nghĩ rằng bản chất con người hình thành từ 2 nguồn : Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên là phần con người tiếp nhận trước khi sinh ra, nó được di truyền từ bố mẹ, giòng giống và từ nguồn tâm linh qua các thế hệ. Hậu thiên là phần tiếp thu được và hình thành trong cuộc đời, gồm một số thứ, trong đó có các quan hệ. Riêng về quan hệ ( QH), tôi cho là có 4. Đó là 1- QH giữa người với tự nhiên; 2-QH giữa con người với nhau; 3-QH tự trong bản thân mỗi con người; 4- QH giữa con người và thế giới tâm linh.

Mác cho rằng “Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Quan niệm như vậy quá phiến diện, nó chỉ phản ảnh một phần nhỏ và hời hợt. Mác đưa ra kết luận vừa rồi trên cơ sở nghiên cứu xã hội và đặc biệt chịu ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa. Nếu hiểu QH xã hội trong phạm vi hẹp thì Mác đã bỏ qua rất nhiều tính chất quan trọng thuộc bản chất con người. Có một số người mở rộng QH xã hội bao trùm lên cả QH với tự nhiên và QH với bản thân. Lại có người cho rằng QH xã hội bao gồm cả những vấn đề thuộc sinh học của con người. Dù cho cố tình mở rộng khái niệm QH xã hội để vớt vát thì vẫn không giúp Mác thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp.

Về sinh vật ( trong đó có con người), bất kỳ một cái gì thuộc về chúng thì đó là kết quả sự kết hợp giữa 2 thứ là giống và môi trường, trong đó giống là quyết định và môi trường rất quan trọng. Thế nhưng Thuyết tiến hóa quá đề cao vai trò của môi trường mà hơi nhẹ về giống (Gène) Mác chịu ảnh hưởng này và có cái nhìn thiển cận về con người, ông tưởng rằng QH xã hội là môi trường chủ yếu , quyết định bản chất của con người.

Sự đánh giá, tuy không sai, nhưng quá thiển cận về bản chất con người đã dẫn Mác đến những nhầm lẫn về đánh giá giai cấp vô sản và tư bản. Mác đề cao quá mức vai trò của vô sản trong sự phát triển của xã hội sau thời kỳ tư bản. Những người Macxit lại quá sai khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và nâng lên thành giai cấp lãnh đạo.

Cách nhìn thiển cận về bản chất làm cho những người theo Mác coi trọng tập thể mà coi nhẹ cá nhân. Nó kết hợp với một số nhận định sai lầm khác về đấu tranh giai cấp ( bài 3), về vai trò của lao động ( bài 6) làm cho các đảng cộng sản cầm quyền để ra và thực hiện nhiều chủ trương đường lối sai lầm trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế cũng như đường lối giáo dục và đời sống văn hóa.

Thế bản chất của con người là gì?. Tuy có để tâm nghiên cứu nhưng tôi chưa đủ năng lực rút ra kết luận, xin nhường cho các học giả có trình độ cao về triết học. Tôi chỉ biết có nhận định rằng tính cách cơ bản nhất của con người là Tính tư hữu, con người luôn coi trọng, đề cao “Cái của tôi”. Trong bản chất của con người có cả hạt giống thiện và ác, một phần từ Tiên thiên, phần khác được gieo vào từ Hậu thiên. Thiện hay ác, nhân tố nào bị kìm nén, nhân tố nào phát triển là do chúng nhận được điều kiện từ môi trường. Trong xã hội Việt Nam hiện giờ môi trường chủ yếu là sự lãnh đạo toàn diện của ĐCS.

( còn tiếp các bài 2; 3; 4; 5; 6 )


---------------------------


Chủ nghĩa Mac Lênin ( CNML) cho rằng vật chất và ý thức là 2 phạm trù cơ bản của triết học duy vật. Vật chất có trước và ý thức là phản ảnh năng động, sáng tạo của vật chất vào bộ não con người . Nhưng Mác , Ăngghen và cả Lê nin đều đã phạm thiếu sót và nhầm. Những người theo CNML đã vận dụng điều trên vào thực tế, mang lại nhiều tác hại.

Trong bài 1 ( Bản chất con người) tôi có viết về quan điểm Nhân sinh tiểu vũ trụ. Cả Vũ trụ và Con người được cấu tạo từ Vật chất và Tâm linh. Bản chất con người hình thành từ Tiên thiên và Hậu thiên. Với con người, vật chất tạo thành cơ thể. Hoạt động ( HĐ) của cơ thể có 2 dạng: hữu thức và vô thức. HĐ hữu thức do chỉ huy của não, chúng quyết định sự khôn dại/ thảnh bại của con người. HĐ vô thức không chịu sự chi phối của não, đó là hoạt động của nội tạng và các hệ sinh học, nó quyết định sức khỏe và sinh mệnh. Giữa hai dạng HĐ ấy có cầu nối là hô hấp. Thở là HĐ cả ở vô thức và hữu thức. Có thể dùng hữu thức để tập thở nhằm điều hòa một số HĐ vô thức, từ đó nâng cao sức khỏe, chữa bệnh tật.

Phần tâm linh của con người, nó được cấu tạo và hoạt động như thế nào còn khá bí ẩn, kể cả với khoa học hiện đại. Nhưng cũng đã có nhiều người cảm nhận được, nó gồm năng lượng và thông tin. Theo sách Bàn Tay Ánh Sáng thì thông tin và năng lượng đó được chứa trong 7 tầng hào quang, bao bọc xung quanh và thâm nhập vào cơ thể. (Sách Bàn Tay Ánh Sáng- Hand of ligth- do Lê Trọng Bổng dịch, NXB Văn hóa Thông tin phát hành năm 1996, tác giả là Barbara, một nhà khoa học người Mỹ, làm việc tại cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA ).

Toàn bộ thông tin của con người, tạm gọi là Tâm Thức, gồm 2 phần : Ý thức và Tiềm thức. Ý thức thuộc hoạt động của não với sự tiếp nhận thông tin của 5 giác quan. Tiềm thức thuộc tâm linh, một phần có được từ tiên thiên, phần khác được tiếp nhận thông qua các trường hào quang . Duy thức luận của Phật giáo cho rằng tiềm thức được lưu giữ trong bộ phận gọi là Tàng thức . Giữa hoạt động của não và tiềm thức có sự trao đổi thông tin qua lại, trong đó sự chuyển từ não vào tiềm thức là chủ động, còn sự chuyển từ tiềm thức vào não là tự động ( sự chuyển này tạo ra linh tính). Nhiều người nghiên cứu về Tâm thức cho rằng, nó như tảng băng trôi mà ý thức là phần nổi trên mặt nước, chỉ chiếm phần rất nhỏ bé, còn tiềm thức là phần chìm trong nước, gồm phần lớn của tảng băng. Tôi nghĩ rằng ý thức, ngoài các chức năng thông thường đã được biết thì còn làm cầu nối giữa thể xác và tâm linh, giống như hô hấp là cầu nối giữa HĐ hữu thức và vô thức. Duy thức luận cho rằng não chủ yếu là cơ quan điều hành, còn phần lớn những quyết định quan trọng của con người được hình thảnh từ Tâm thức.

Thiếu sót của CNML là dựa vào thành tựu của khoa học tự nhiên ở thế kỷ 19 nên chỉ mới biết ý thức có được từ 2 nguồn : tự nhiên và xã hội mà chưa biết đến tiềm thức của con người. Như thế là mới chỉ biết phần nổi của tảng băng, trong khi đó đã bỏ qua phần chìm rất lớn. Chỉ vì mới thấy được Ý thức, nó là một phần nhỏ của Tâm thức, là phần rất nhỏ của Tâm linh, rồi kết luận “ Bản chất của thế giới là vật chât” là vội vàng. Khi xem xét vũ trụ cũng như con người được cấu thành từ vật chất và tâm linh thì không cần đặt câu hỏi cái nào có trước.

Từ kết luận vật chất có trước và quyết định ý thức dẫn tới nhiều sai lầm trong hành động. Đành rằng Lê nin cho vật chất nói ở đây là phạm trù triết học, khác với vật chất thông thường, nhưng trong thực tế ít người để ý đến việc đó. Trong đấu tranh giai cấp điều người ta quan tâm trước tiên là quyền lợi vật chất. Trong phát triển xã hội người ta chú ý trước tiên đến lợi ích vật chất trước mắt. Người ta tôn sùng vật chất và bài bác tôn giáo, phủ nhận tâm linh, điều này gián tiếp làm đạo đức xuống cấp. Khi đạo đức xuống cấp thì xã hội bị hư hỏng từ gốc rễ. Đúng là CNML mang đến cho nhân loại lợi ít, hại nhiều.



-------------------------------


Tuyên ngôn cộng sản năm 1848 viết rằng : “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp” ( ĐTGC ). Trong nhiều sách kinh điển của CNML viết : “ Trong xã hội có giai cấp, ĐTGC là động lực phát triển”. ĐTGC trở thành hòn đá tảng cơ bản của CNML. Trong thế kỷ 20 ĐTGC thực chất là cuộc đấu tranh do các thế lực cộng sản đề xướng và lãnh đạo quần chúng cần lao, chống lại những người giàu có và thống trị, nhằm tranh đoạt lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị. Cuộc đấu tranh này chủ yếu dùng bạo lực với phương châm một còn một mất nên rất quyết liệt và thảm khốc. Tạm thời ĐTGC có đem đến một chút quyền lợi và tinh thần cho cần lao, nhưng tác hại nó mang lại cho nhân loại là to lớn và toàn diện : về đạo đức, văn hóa, kinh tế, nhân mạng.

ĐTGC luôn đặt câu hỏi và tìm kiếm kẻ thù giai cấp trong thực tế và trong tư tưởng. Tìm cho ra để tiêu diệt cho hết. Mà phải dùng bạo lực để tiêu diệt theo phương châm “ thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Ở Việt Nam, trong những năm mà ĐTGC được đề cao, tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, văn nghệ sĩ rất hoảng sợ khi được cật vấn về lập trường giai cấp , ý thức giai cấp. Trong các nước do cộng sản thống trị hàng chục triệu người đã bị giết một cách oan ức vì ĐTGC. Ở VN hiện nay, sự xuống cấp rất trầm trọng của đạo đức, sự hủy diệt tầng lớp tinh hoa, sự chia rẽ dân tộc chính là do ĐTGC mang lại.Trong CCRĐ và cải tạo tư sản không hiếm trường hợp con cháu chống lại ông bà cha mẹ chỉ vì để thế hiện tinh thần ĐTGC, thể hiện sự trung thành với ĐCS.

Từ khi ra đời, đường lối ĐTGC tuy được một số đảng cộng sản ( ĐCS) hưởng ứng, nhưng bị số đông nhân loại phản đối. Tuyên ngôn cộng sản công nhận điều đó bằng lời như sau : “Tất cả thế lực của Châu Âu cũ: Giáo Hoàng và Nga Hoàng , Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó” . Bóng ma ở đây là phong trào cộng sản với chủ thuyết ĐTGC. Tất cả các thế lực liên hiệp lại để chống đối, để trừ khử nó, nhưng chưa trừ được mà nó vẫn phát triển. Nó phát triển được không phải vì đúng, vì tốt mà vì nó tạm thời có sức sống, tạm thời còn che đậy được các độc hại, phô ra được những điều tuyên truyền tốt đẹp về tương lai, tạm thời lừa dối được, lôi kéo được một số người ủng hộ. Ở Châu Âu, Châu Mỹ sự phản đối ĐTGC vào cuối thế kỷ 19, đầu TK 20 là khá rõ ràng. Ở châu Á, năm 1922, Tôn Trung Sơn cho rằng, xem ĐTGC như động lực phát triển xã hội là một sai lầm lớn của Mác. Có thể Mác đã nhầm khi kết luận “ Mâu thuẩn chủ yếu của xã hội là mâu thuẩn giai cấp”, từ đó mới đề ra ĐTGC. Tôi nghĩ hơi khác, rằng : “Mâu thuẩn chủ yếu của xã hội là giữa tầng lớp thống trị và quần chúng bị trị”. Cuộc đấu tranh quan trọng nhất của nhân loại là “ chống áp bức”. Chiến tranh là một dạng hung bạo của áp bức.

CNML có nói đến chống áp bức và bóc lột, Trong Tuyên ngôn CS có viết : “những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng”. Tuy vậy trong lúc tiến hành ĐTGC lại đề quá cao việc chống bóc lột, trong lúc đó chống áp bức quan trọng hơn . Chính vì không thấy rõ việc này nên chính quyền cộng sản đã thay sự áp bức này bằng sự áp bức khác .

Những người lãnh đạo ĐCS nói rằng ĐTGC nhằm mang chính quyền về cho giai cấp vô sản, nhưng thực tế không phải vậy. ĐCS nhờ giỏi tuyên truyền mà thu nhận được một số người có trình độ hiểu biết. Những người này có 2 loại : trung thực và cơ hội. Sau khi ĐCS giành được chính quyền, những độc hại của CNML dần dần lộ ra. Mọi người đều thấy, nhưng bọn cơ hội lợi dụng để mưu đồ lợi ích cho bản thân và phe nhóm, còn người trung thực tìm cách chống lại. Vì trung thực nên ít biết dùng thủ đoạn, vì thế chính quyền dần dần rơi vào tay bọn cơ hội. Bọn này thiếu trí tuệ nhưng có nhiều mưu mẹo, có nhiều thủ đoạn gian dối trong đấu tranh. Chúng tìm cách triệt hạ hoặc hạn chế những người không cùng quan điểm mà chủ yếu là những trí thức tinh hoa và trung thực, chúng tìm cách loại bỏ những người không cùng phe cánh, có xung đột quyền lợi. Chính quyền như vậy mà bảo rằng là của vô sản thì quá hài hước.

Như vậy ĐTGC ở VN cuối cùng mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ bọn cơ hội còn giai cấp công nhân vẫn tiếp tục bị áp bức và bóc lột, nông dân vẫn là những người bị thiệt thòi. Đất nước, nhân dân oằn mình gánh chịu thiên tai và nhân tai. Phần lơn nhân tai là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của ĐTGC.


*
*

Những người tôn sùng CNML cho rằng “ Giá trị thặng dư” ( GTTD) là một phát hiện vĩ đại của Mác, là hòn đá tảng vững chắc trong học thuyết Kinh tế chính trị của CNML. Theo đó tư bản (TB) đã bóc lột công nhân (CN) bằng GTTD. Tóm lược về GTTD bằng công thức sau : M = GT – ( C + V )… ( 1 ) Trong đó M là giá trị thặng dư; GT là giá trị của hàng hóa; C là tư bản bất biến, gồm khấu hao công nghệ và chi phí cho nguyên vật liệu, năng lượng; V là tiền công trả cho CN để mua sức lao động. Mác cho rằng toàn bộ M là do lao động của CN tạo ra, bị TB chiếm

Thời trẻ, được học như trên, tôi thấy là đúng, nhưng rồi nhờ tiếp xúc được với các quan điểm khác nhau, nhờ chiêm nghiệm thực tế và đặc biệt nhờ việc dám tự suy nghĩ để phản biện mà phát hiện ra vấn đề sau : Trong toàn bộ bài được học, trong tất cả những tài liệu gốc của CNML đã đọc, tôi không thấy chỗ nào đề cập đến lao động của TB trong quá trình sản xuất. Khi nói về TB chỉ thấy các hành động bóc lột, cách làm tăng GTTD bằng kéo dài thời gian lao động của CN, rút ngắn thời gian lao động cần thiết, giảm giá trị của tư bản bất biến C. Không thấy chỗ nào TB trả công cho mình. Mác đã quá đề cao lao động của CN mà xem nhẹ lao động quản lý và tổ chức của TB.

Khi công nhận công thức tính M ở trên là đúng thì toàn bộ M không phải chỉ do CN làm ra, nó gồm nhiều phần hợp lại. M = m1 +m2 +m3+…+mi.Trong đó m1 là công của nhà tư bản đóng góp vào quá trình sản xuất mà phần lớn là lao động trí óc, là lao động quản trị; m2 trả cho các công việc gián tiếp; m3 là phần do công nhân làm ra, bị tư bản chiếm đoạt, bị bóc lột . Như vậy không chỉ có công nhân làm ra M để bị bóc lột mà nhà tư bản, các nhà khoa học, nhà tổ chức và quản lý đều tham gia vào đó.

Gần đây tôi đọc được tài liệu của một vài tác giả đương đại về GTTD, với giải thich : M = m1 + m2 + …+m10+ m11+…( 2 ). Trong đó các m như là : thuế, lạm phát, GTTD của lao động quá khứ, công và ý tưởng xây dựng công ty, chi phí mạo hiểm, công quản lý, công các lao động đặc biệt, trả tiền ăn học, trả công tạo việc làm, bóc lột CN. Kể ra lắm thứ như vậy, phải chăng tác giả tự nghĩ ra, để bù đắp sự thiếu sót của Mác ( tôi không tán thành một số thứ trong đó).

Một cách hiểu khác, khi cho rằng M trong công thức ( 1 ) là GTTD mà TB bóc lột CN thì C và V cần được tăng lên bằng cách kể thêm một số mục trong công thức ( 2 ). Còn nếu khẳng định công thức ( 1 ) với mọi thuyết minh của Mác là hoàn toàn đúng thì rất khó để giải thích sự giàu có của những người kiểu như Bil Gate hoặc Nguyễn Thị Hòe. 

Thực ra ở đây Mác đã có nhầm lẫn lớn. Mác nhầm vì bị hạn chế trong suy nghĩ, bị thiên lệch trong đánh giá. Mác quá yêu thương giai cấp CN và thành kiến với TB. Hình như Mác chưa từng làm kinh doanh, có thể chưa hiểu hết công việc của nhà TB. Mác chỉ quan sát hiện tượng rồi suy luận. Việc người lao động làm thuê bị bóc lột là tương đối rõ. Bản chất của bóc lột gắn với bị áp bức. Những người Macxit cho rằng Mác đã vạch trần bản chất của bóc lột là GTTD. Đó chỉ là lời phụ họa một chiều vì quá tôn sùng, không dám nghi ngờ Mác.

Những người Macxit cho rằng giàu có là nhờ bóc lột, họ ra sức chống bóc lột , rất sợ mang tiếng bóc lột người khác, đến nỗi có thời kỳ dài các đảng viên ĐCSVN bị cấm thuê mướn nhân công.

Trong bài 3 ( Đấu tranh giai cấp ) tôi cho rằng chống bóc lột là cần, nhưng chống áp bức cần hơn, quan trọng hơn. Mà áp bức gắn với quyền lực, với sức mạnh. Mác nhìn thấy bất công của xã hội (rất nhiều người thấy chứ riêng gì Mác), nhưng vì bị thiên lệch như đã nêu nên suy luận nhầm. Mác cho rằng nguyên nhân chủ yếu của bất công nằm ở việc chiếm hữu tư liệu sản xuất, nằm ở mâu thuẩn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nhìn đúng sự thật của xã hội Việt Nam bây giờ mới thấy rõ không phải như thế.

Riêng khái niệm chiếm hữu tư liệu sản xuất. Tôi chưa có điều kiện để tìm xem gốc gác của khái niệm chiếm hữu ở đây như thế nào. Trong tiếng Việt,, khái niệm “ chiếm” một cái gì thì cái ấy đã có, Như vậy những thứ quan trong thuộc tư liệu sản xuất như nhà máy, công nghệ thì TB không chiếm của ai cả mà phải tạo ra, phải trao đổi để có, họ không dùng sức mạnh để chiếm như kiểu chiếm thuộc địa.

Học thuyết GTTD do Mác tạo ra, được những người Macxit tôn sùng hàng trăm năm nay, tỏ ra đã bị nhầm. Xin đừng đem những thứ như thế để nhồi sọ những người nhẹ dạ cả tin / bị lệ thuộc vào thế lực cộng sản.

( Xin chờ xem tiếp bài 5- Chuyên chính vô sản )


*
*





No comments:

Post a Comment

View My Stats