Sunday, 26 November 2017

QUY ĐỊNH MỚI VỀ SỔ ĐỎ - NGU hay ĐỂU (Nguyễn Đình Cống)



Nguyễn Đình Cống
26/11/2017

Trang Bauxite Việt Nam ngày 25/11 đăng bài của Đỗ Minh Tuấn “QUY ĐỊNH MỚI VỀ SỐ ĐỎ-PHÁ GIA ĐÌNH VÀ CHIA RẼ NHÂN DÂN” . Xin tóm lược vài ý chính: “Quy định sổ đỏ ghi tên mọi thành viên trong gia đình, kể cả con gái đã đi lấy chồng với mục đích đảm bảo quyền tài sản cho mỗi thành viên, xem ra là một quy định lợi bất cập hại vì các lẽ sau: Thứ nhất, quy định này… công khai phá huỷ văn hoá gia đình truyền thống Việt;… Thứ hai, quy định này phá huỷ vốn văn hoá, vốn xã hội bền vững có nguồn mạch hàng ngàn năm…. Thứ ba, quy định mới này có thể trở thành một công cụ pháp lý chia rẽ các chủ thể đất đai…” Bài viết còn nêu một số hệ quả như là : “Đem thể chế chính thức đầu Ngô mình Sở của một xã hội quan trí thấp… ,là ngạo mạn, không tự biết mình…. Khi đó, quy định mới này trở thành một mưu đồ thâm độc… tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích công khai mở cửa mọi gia đình công dân, xọc bàn tay vào bàn ăn và giường ngủ thiêng liêng của người Việt để chia rẽ”,

Bài viết kết luận: “ Đây là quy định lợi ít hại nhiều, lợi trước mắt cho công quyền, hại lâu dài cho dân tộc, nhân dân. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại”.

Tôi hoàn toàn nhất trí với Đỗ Minh Tuấn, chỉ viết thêm vài điều. Trước hết xin bổ sung vào kết luận, rằng trước mắt lợi cho công quyền, nhưng chỉ lợi một chút xíu cho ai đó chứ cả chế độ nói chung là bị hại, hại cả lâu dài và cả trước mắt, và cái bộ phận nhỏ được lợi một chút xíu trước mắt đó về lâu dài cũng bị hại. Còn cái hại cho dân tộc, nhân dân thì vô cùng to lớn, hại cả trước mắt và lâu dài. Còn đề nghị các cấp có thẩm quyền, phải viết rõ hơn là xem xét lại để bác bỏ.

Tác hại như vậy, thế thì vì lẽ gì mà người ta làm ra quy định để bắt mọi người theo. Chắc rằng đã từng xẩy ra một vài tranh chấp, con cái kiện cha mẹ khi bán nhà đất mà không được sự đồng ý của chúng nó. Chúng nghĩ rằng tài sản đó chúng phải được chia phần. Và khi tòa án hoặc cơ quan quản lý tài nguyên môi trường thụ lý vụ tranh chấp cũng không đủ kiến thức về luật pháp, đặc biệt là Luật thừa kế để xét xử minh bạch. Thôi thì đề ra thêm quy định viết hết tên các con vào sổ đỏ, để khi cha mẹ cần mua bán phải được tất cả các con đồng ý, ký tên, như thế gọi là để bảo vệ quyền lợi tài sản cho mọi thành viên. Cái lợi chút xíu chỉ là để không còn phải xét xử các vụ một vài đứa con kiện cha mẹ.

Đề ra quy định như thế họ chỉ mới thấy một chút lợi rất nhỏ, rất ít khi gặp phải vì trong hàng ngàn việc mua bán đất đai nhà cửa chỉ có thể xẩy ra vài ba trường hợp con cái kiện bố mẹ, đó chỉ là các trường hợp rất đặc biệt, chiếm xác suất cỡ phần ngàn. Mà phần lớn những kiện cáo như thế là do những đứa con không hiểu pháp luật thừa kế hoặc bất hiếu. Làm ra quy định nhằm bảo vệ những đứa con như thế trong lúc không thấy được những tác hại như Đỗ Minh Tuấn đã nêu trên kia. Mà thực ra trong nhiều trường hợp, theo Luật thừa kế chúng chưa có quyền lợi gì cả, thế thì bảo vệ cái gì, phải chăng bảo vệ sự bất hiếu và lòng tham lam.

Ngoài những tác hại Đỗ Minh Tuấn chỉ ra, tôi xin thêm. Theo Luật thừa kế thì khi cha mẹ làm di chúc không bắt buộc phải được sự đồng ý của con cái, vậy ghi tên chúng vào sổ đỏ làm gì. Khi cha mẹ cần mua bán bất động sản có phải các con luôn ở bên cạnh để lấy chữ ký của nó đâu, lỡ ra khi khẩn cấp mà các con ở xa thì làm sao. Tôi cho rằng những ai tham gia vào việc ra quy định mới về sổ đỏ như trên kia, không thuộc loại đểu thì cũng là quá kém trí tuệ, mà theo dân gian là quá ngu.

Đã thuộc loại không đểu thì ngu, cớ sao làm được quan lớn để có quyền ra quy định bắt mọi người phải theo. Đó là một trong các chuyện lạ của đất nước.

Viết như trên phải chăng là phê bình quá nặng, e người ta khó chấp nhận. Không! Đây không phải phê bình mà là chỉ trích. Chỉ trích nặng như thế cho toàn dân biết, để tỏ rõ ý kiến không thể chấp nhận những kẻ ngu và đểu làm quan. Tôi hình dung, những nhà làm luật trên thế giới khi biết được quy định này của VN chắc họ sẽ quá ngạc nhiên về trình độ lập pháp, họ sẽ cười hay khóc thì chưa biết.

Rất mong muốn có được nhiều người lên tiếng phản bác quy định này và các cơ quan cần tìm cách loại bỏ những người vì đểu hoặc ngu mà làm ra và thông qua các quy định có hại như vậy.

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

----------------------------------

Đỗ Minh Tuấn
25/11/2017

Quy định sổ đỏ ghi tên mọi thành viên trong gia đình, kể cả con gái đã đi lấy chồng với mục đích đảm bảo quyền tài sản cho mỗi thành viên xem ra là một quy định lợi bất cập hại vì các lẽ sau đây:

Thứ nhất, quy định này tạo dựng một thể chế chính thức có thể thay đổi tận gốc văn hoá Việt, công khai phá huỷ văn hoá gia đình truyền thống Việt với nền tảng tình cảm đặt cao hơn tiền của, với vai trò cá nhân hài hoà với gia đình trong nhiều thế kỷ. Vì nó giả định rằng sự xung đột về quyền lợi trong gia đình hiện nay do sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân kiểu phương Tây là trầm trọng, cần xây dựng thể chế mới thích nghi. Điều đó có đúng không, có bi quan không và có thổi phồng sự tan rã của nền tảng gia đình Việt nam không? Và nếu vậy thì ai chịu trách nhiệm về sự phá nát gia đình truyền thống Việt nam để bây giờ phải xây dựng quy định về chia của cho các gia đình Việt Nam từ khi nó còn chưa tan vỡ? Nếu vậy sao không xây dựng các điều khoản mới của luật cư trú đòi hỏi mỗi thành viên cư trú trong cùng gia đình phải có sổ đỏ riêng trong cùng một ngôi nhà để tránh tranh giành về không gian, giường chiếu và bếp núc? Mấy vị quan chức địa phương trình độ và tư cách như ta vẫn thấy hiện nay lại có quyền thay thế được cả ngàn năm văn hoá của Tổ tiên để giản tiện cho việc ký tên đóng dấu và hoà giải của họ hay sao? Nếu thể chế băm nhỏ gia đình, phân lô bàn thờ, khoán việc quản lý tài sản cho dân tự xử để các vị nhàn hạ, rảnh tay thì thiết nghĩ chẳng cần các vị tiếp tục ngồi đấy mà sử dụng cái lá bùa có tên là “sở hữu toàn dân” để xọc mũi vào đất đai của các gia đình Việt khi cần nữa.

Thứ hai, trong lúc xã hội đang giác ngộ về vốn văn hoá, vốn xã hội (trong đó có quan hệ làng xóm, ruột thịt và tình cảm gia đình mang tính đồng thuận) đóng vai trò quan trọng cho phát triển thì quy định này phá huỷ vốn văn hoá, vốn xã hội bền vững có nguồn mạch hàng ngàn năm. Cái làng tự trị truyền thống của Việt Nam đã trở thành một thành trì vững chắc nhất chống ngoại xâm và bảo tồn văn hoá Việt, đâu cần các vị thò tay vào xây dựng lại theo hình mẫu quản lý đô thị phương Tây. Đem thể chế chính thức đầu Ngô mình Sở của một xã hội quan trí thấp, lại chồng chéo hỗn loạn và bất cập về pháp lý để thay thế cho thể chế phi chính thức hoàn hảo siêu việt mang bản chất nhân văn bền vững do cha ông xây dựng là ngạo mạn, không tự biết mình. Bản chất việc duy lý hoá quan hệ gia đình truyền thống, chính thức hoá các thể chế phi chính thức là sự lạm quyền, tha hoá, học đòi không phải lối mọi hình thức quản lý của văn minh duy lý phương Tây vốn gây ra vấn nạn tan vỡ gia đình cùng vấn nạn xung đột tôn giáo, sắc tộc và hiểm hoạ khủng bố.

Thứ ba, quy định mới này có thể trở thành một công cụ pháp lý chia rẽ các chủ thể đất đai, hạn chế sự nhất trí trong đấu tranh, kiện cáo bảo vệ tài sản của mình trước sự xâm chiếm cướp đoạt của các nhóm lợi ích nhân danh công quyền luôn rình trước cửa. Các chủ nhân của sổ đỏ mới khi muốn đấu tranh kiện cáo đòi lại đất bị cưỡng đoạt phi pháp sẽ phải tìm kiếm sự nhất trí của số đông các thành viên gia đình trước khi kiện cáo đòi lại đất bị những tập đoàn như Viettel chiếm đoạt. Chính quyền trong dây của nhóm lợi ích chiếm đất chỉ cần vận động một thành viên trong gia đình (đảng viên, kẻ cơ hội, kẻ bất mãn, kẻ bất tiếu, kẻ tham lam tỵ nạnh với anh chị em, v.v.) là có thể ngăn chặn được sự khiếu kiện của các chủ đất đai bị chiếm vì thiếu một chữ ký. Khi đó, quy định mới này trở thành một mưu đồ thâm độc tạo ra sự bất đồng trong gia đình làm vũ khí hữu hiệu ngăn cản quyền sống, quyền sở hữu đất đai của người dân. Vô tình hay hữu ý, quy định mới này sẽ tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích rèn chìa khoá hợp pháp công khai mở cửa mọi gia đình công dân, xọc bàn tay vào bàn ăn và giường ngủ thiêng liêng của người Việt để chia rẽ, móc nối, đe doạ... nhằm giành lợi thế tuyệt đối cho các việc chiếm đất và cướp đất nhân danh các dự án nọ kia, kể cả các dự án chúng treo gần nửa thế kỷ như sân bay Miếu Môn.

Trong lúc Đảng đang kêu gọi chống các nhóm lợi ích, tham nhũng, thì quy định này lại tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích chiếm đất của dân. Tạo thể chế cho sự rạn nứt gia đình truyền thống, quy định mới này đã gián tiếp phá hoại nền tảng văn hoá Việt và chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Chính phủ. Trong lúc Trung Quốc quy định rõ thế nào là sở hữu tập thể về đất đai, cụ thể hoá thế nào là “lợi ích công cộng”, đặt ra các nguyên tắc quản lý chặt chẽ về sử dụng đất công, thì Việt Nam lại trói tay các chủ thể sở hữu đất đai dân sự vào nhau để hạn chế sự bảo vệ quyền sở hữu, mở thêm đường cho các nhóm lợi ích rảnh tay chiếm đất của dân mà không phải đối diện với sự khiếu kiện mạnh mẽ như trước nữa.

Đây là quy định lợi ít hại nhiều, lợi trước mắt cho công quyền, hại lâu dài cho dân tộc, nhân dân. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại.

Đ.M.T.










No comments:

Post a Comment

View My Stats