Sunday, 26 November 2017

NGƯỜI DÂN ZIMBABWE VẪN SỢ (Lê Phan)


Lê Phan
November 25, 2017

Khi ông Robert Mugabe từ chức tổng thống, Mevion Gambiza, 28 tuổi, nhanh chóng tham gia đám người xuống đường ăn mừng sự kết thúc đột ngột của 27 năm cai trị của ông ta. Ông Gambiza đã nhảy lên mui của một cái xe taxi và đi vòng quanh thành phố trong khi ông tài xế nhận còi inh ỏi.

Nhưng đến sáng Thứ Sáu, 24 Tháng Mười Một, thì ông Gambiza, như nhiều người Zimbabwe khác, đã thức tỉnh. Đến khi ông đến Sân Vận Động Quốc Gia để chứng kiến nghi thức tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng Thống Emmerson Mnangagwa, người lâu nay là cánh tay phải của ông Mugabe, nó chỉ là để chứng kiến một giây phút lịch sử hơn là vì hăng say.

“Không có gì thay đổi cả; nghèo đói và khổ sở sẽ tiếp tục,” ông Gambiza, tốt nghiệp Viện Đại Học Zimbabwe, buồn rầu nhận xét. Ông tiếp, sự khác biệt duy nhất là nay một cánh khác trong đảng cầm quyền “đã đẩy lùi được đối thủ, và nay những kẻ liếm giày của Mnangagwa sẽ có dịp để thổ phỉ công quỹ.”

Ông Mnangagwa, vốn đã bỏ trốn ra ngoại quốc sau khi thua trong cuộc tranh quyền cách đây chưa đầy ba tuần lẻ, trở thành tân tổng thống Zimbabwe hôm Thứ Sáu, lên thay ông Mugabe, 93 tuổi, lãnh tụ mà ông đã ủng hộ từ nhiều thập niên nay sau khi giúp lật đổ ông tuần rồi.

Nó đã là một sự thay đổi nhanh chóng số phận vốn chấm dứt đột ngột chế độ của ông Mugabe – một trong những người cai trị lâu nhất ở Phi Châu trong thời hậu độc lập – và tạo nên một sự pha trộn vui mừng, hy vọng và cũng tạo ra nghi ngờ sâu đậm trong dân chúng Zimbabwe.

Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Mnangagwa nói là chính trị nội bộ của đất nước đã “bị đầu độc, gây gổ và phân cực,” có vẻ nói đến tranh chấp giữa hai phe trong đảng cầm quyền Zanu-PF. Ông nói với đồng bào của mình: “Chúng ta đáng lẽ không bao giờ để bị làm con tin của quá khứ,” và khuyên họ hãy “để cho chuyện cũ qua đi, sẵn sàng ôm lấy nhau để định nghĩa cho định mệnh mới cho Zimbabwe yêu mến của chúng ta.”

Nhiều chục ngàn người đứng chật sân vận động – đa số là những đảng viên trung thành của Zanu-PF được chở tới thủ đô Harare từ những thị trấn và làng mạc ở khu nông thôn vốn là sào huyệt của đảng – ồn ào reo hò chào đón ông Mnangagwa và coi ông là “một người hùng” và “một nhà giải phóng.”

Ông Emerson Zinyere, 54 tuổi, một cảnh sát viên về hưu, nói: “Hôm nay mới thực là ngày lễ độc lập. Cái ngày trước đây là giả mạo. Hôm nay là ngày độc lập cho mọi người, mọi người Zimbabwe, có thể được vui hưởng, không phải độc lập chỉ cho hai người, Mugabe và vợ ông ta, Grace.”

Nhưng ngay khi ông Mnangagwa hứa hẹn một thời đại dân chủ mới, lãnh tụ mới, lâu nay được nổi tiếng là kẻ đàn áp, đang đối diện với một quốc gia còn rất nhiều nghi ngờ.

Khi sự vui sướng về sự kết thúc của chế độ Mugabe đã mờ đi, nhiều chính trị gia đối lập, nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền, những công dân bình thường, và ngay cả một số các đảng viên đều bày tỏ lo ngại về việc trao một nước Zimbabwe mới cho một lãnh tụ đã có một liên hệ chặt chẽ đến thế với chế độ cũ.

Bà Virginia Kamoto, 34 tuổi, một thành viên của Zanu-PF được chở đến cùng với những ủng hộ viên ở miền nam Zimbabwe, nói: “Hôm nay là một ngày hạnh phúc. Bản thân tôi đã chán với Mugabe, vốn đã tại chức quá lâu. Tôi hy vọng Tổng Thống Mnangagwa sẽ không vượt quá hạn kỳ nắm quyền. Tôi hy vọng ông sẽ không đàn áp dân chúng hay dung túng tham nhũng để cho đất nước chúng tôi sẽ được liệt vào hàng các quốc gia vĩ đại của thế giới.”

Vai trò thực của ông Mnangagwa trong vụ can thiệp của quân đội vốn đã dẫn đến sự truất phế ông Mugabe vẫn chưa rõ. Nhưng hôm Thứ Tư, chỉ vài giờ sau khi trở về nước từ Nam Phi, ông Mnangagwa đã cảm ơn các ông tướng đã ủng hộ ông, nói ông đã “luôn luôn liên lạc với các tư lệnh của các binh chủng” trong suốt những biến cố gần đây.

Chiến thắng của ông Mnangagwa và quân đội – chống lại phe trong đảng Zanu-PF cầm đầu do bà vợ 52 tuổi của ông Mugabe, bà Grace, và các chính trị gia trẻ không có kinh nghiệm tham gia cuộc chiến giành độc lập – cho thấy sự nắm vững quyền lực của phe cựu kháng chiến, không phải chỉ ở Zimbabwe mà còn ở những quốc gia khác như Angola, Mozambique, Namibia và Nam Phi.

Trong tất cả những quốc gia này, các phong trào kháng chiến cũ đã cầm quyền liên tục không bị gián đoạn trong suốt nhiều thập niên qua một tập hợp của bè phái, cưỡng bách và, trong một vài trường hợp, sử dụng vũ lực.

Trong bài diễn văn 37 phút, ông Mnangagwa đã nhấn mạnh đến việc tái dựng lại nền kinh tế, một phần, qua việc tái tiếp cận với các quốc gia Tây phương vốn đã cắt đứt hầu hết liên hệ với Zimbabwe sau khi ông Mugabe ra lệnh tịch thu tài sản của các trại chủ da trắng bắt đầu từ năm 2000, vốn đã cung cấp một đóng góp lớn cho hàng xuất cảng của xứ này. Ông hứa sẽ có bồi thường cho những người đã mất tài sản, một chỉ dấu là ông sẽ theo đuổi một tiến trình bắt đầu rồi lại khựng lại trong những năm gần đây.

Ông cũng đưa chỉ dấu mời gọi các đối thủ, nhưng chỉ nói chung chung. Ông ca ngợi người mà ông đã lật đổ bằng cách nói là “lịch sử sẽ cho ông ta một chỗ đứng đúng và cho ông một vị thế xứng đáng là cha già dân tộc và lãnh tụ của đất nước.

Tin hôm Thứ Bảy cho biết ông Mugabe và bà vợ sẽ được “một golden handshake” trị giá nhiều triệu đô la như là một phần của thu xếp điều đình trước khi ông Mugabe chịu từ chức. Số tiền chính xác sẽ được trả cho cựu tổng thống và bà Grace chưa rõ, tuy một viên chức cao cấp của đảng cầm quyền biết rõ thỏa thuận nói là có thể trị giá không dưới $10 triệu.
Viên chức này cho biết là ông Mugabe, vốn đã được miễn tố và bảo đảm là không có hành động nào chống lại những doanh nghiệp rộng lớn của gia đình ông, sẽ nhận “một số tiền mặt là $5 triệu” ngay lập tức với còn thêm nữa trong những tháng tới.

Số lương $150,000 của ông sẽ đựợc trả đến suốt đời. Bà vợ 52 tuổi của ông, vốn bị dân chúng thù ghét vì cuộc sống phung phí và tham lam, sẽ nhận được một nửa số lương đó suốt đời bà.

Cuộc cai trị 37 năm của ông Mugabe đã để lại cho Zimbabwe một đồng tiền vô giá trị, nợ khổng lồ, dân chúng nghèo đói và một mức độ thất nghiệp dự đoán là hơn 80%. Đường xá đầy ổ gà, nhiều cộng đồng nông thôn không có điện, giáo dục chỉ căn bản và y tế hầu không là số không. Con số tuổi thọ chỉ có 60 tuổi vốn là một trong những con số thấp nhất thế giới.

Hai ông bà sẽ được quyền ở lại khu dinh thự rộng lớn của họ mang tên là Blue Roof ở Harare. Nhà nước sẽ trả tiền chăm sóc sức khỏe cho họ, cung cấp nhân viên, an ninh và chi phí đi ngoại quốc.

Các chính trị gia đối lập đã chỉ trích thỏa thuận với cựu tổng thống này. Tổng thư ký của đảng đối lập chính Phong Trào cho Thay đổi Dân chủ (MDC) nói: “Chúng tôi không được thông báo về thỏa thuận đạt được với Mugabe, và nếu có một thỏa thuận nào về tiền bạc hay bất cứ gì khác thì đều là vi hiến. Trên phương diện hiến pháp, Mugabe là một tổng thống về hưu và không còn quyền miễn tố cho các tội hình sự hay dân sự xảy ra dưới triều ông. Trong đảng Zanu-PF họ có thể cho nhau miễn tố, nhưng luật pháp không cho họ quyền đó.”

Dân chúng Zimbabwe nay chờ nội các của ông Mnangagwa, đã có hy vọng rộng rãi – nhất là trong giới ngoại giao Tây phương – là ông sẽ mời một số đại diện của đảng MDC và các đảng đối lập khác. Ông Mnangagwa cũng hứa sẽ tôn trọng hiến pháp và tổ chức bầu cử vào Tháng Tám sang năm.

Ông Artwell Mugari, 44 tuổi, nhân viên an ninh của một khách sạn, nói hôm Thứ Ba ông đã bị sự vui mừng của mọi người lôi cuốn. Nhưng đến chiều Thứ Sáu, ông đổi ý. Với một lãnh tụ trẻ hơn, mạnh hơn, Zanu-PF nay đã hồi sinh và sẽ không thể  bị thay thế. Ông nói: “Tôi sợ là phe đối lập nay sẽ không bao giờ có cơ hội cai trị. Mnangagwa là cánh tay phải của Mugabe, người làm những việc bẩn thỉu cho Mugabe ở mỗi kỳ bầu cử. Mnangagwa biết mọi mánh khóe để nắm vững quyền lực.”

Nếu vậy thì thật tội nghiệp cho nhân dân Zimbabwe quá. (Lê Phan)

-------------------------------

Tạ Đình Chính
26/11/2017

Chúng ta hãy cùng xem WIKIPEDIA viết về đất nước Zimbabwe:

Cộng hòa Zimbabwe, tên cũ là Cộng hòa Rhodesia, có diện tích khoảng 390.757 km2, nằm ở phía nam lục địa Châu Phi, phần lớn ở trên thảo nguyên có độ cao 1200-1600 mét, không giáp biển. Khí hậu nhiệt đới nhưng khá ôn hòa vì ở trên cao.

Zimbabwe giàu tài nguyên thiên nhiên (Platine, vàng, kim cương, Nikel), đất phì nhiêu thuận lợi cho trồng trọt (thuốc lá, ngô, sợi bông, đường mía), nhiều bãi chăn thả gia súc (bò, dê, cừu).Thác nước Victoria ở Zimbabwe lớn nhất và đẹp nhất thế giới, nhiều khu bảo tồn hoang dã là tiềm năng tạo nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch.

Tương tự cảnh ngộ của Việt Nam trong quá khứ, từ năm 1880 đến năm 1980 Zimbabwe là thuộc địa của Vương quốc Anh, mang tên nam Rhodesia. Năm 1965 Chính phủ thiểu số da trắng nam Rhodesia do Ian Smith lãnh đạo đơn phương tuyên bố độc lập, tách khỏi Vương quốc Anh và thành lập nền Cộng hòa Rhodesia. Từ 1965 đến 1979 tại Rhodesia đã xẩy ra nội chiến giữa Chính phủ của Smith gọi là Chính quyền UDI với 2 nhóm quân kháng chiến giành độc lập của người Zimbabwe, thuộc Liên minh quốc gia (tức là đảng ZANU) do Robert Mugabe lãnh đạo và Liên minh người Phi Zimbabwe (tức là đảng ZAPU) do Joshua Nkomo lãnh đạo. Tháng 12 năm 1979 đoàn đại biểu Vương quốc Anh đã cùng với các bên tham gia nội chiến ở Rhodesia ký bản Thỏa thuận chấm dứt ngừng chiến. Năm 1980 Chính phủ Anh chỉ định Soames là người Anh toàn quyền tổ chức bầu cử và trao trả độc lập cho người Zimbabwe. Trong cuộc bầu cử tháng 2/1980 Mugabe và đảng ZANU đã giành thắng lợi lớn. Do đó, ngày độc lập của Zimbabwe, tách khỏi Vương quốc Anh tính từ năm 1980.

Sau cuộc bầu cử tháng 2/1980, giữa ZANU của Mugabe và ZAPU của Nkomo đã xảy ra xung đột bạo lực đẫm máu. Năm 1988 ZANU và ZAPU mới đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột bạo lực và hợp nhất thành đảng ZANU-PF. Tháng 3/1990 Mugabe và ZANU-PF lại giành được 117/120 ghế trong một cuộc bầu cử có nhiều tai tiếng là không có tự do và có gian lận.

Zimbabwe có dân số ước tính năm 2016 là 16,15 triệu người, mật độ 26 người/ 1km2, trong đó sắc tộc người da trắng (Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hà Lan) khoảng 1%, Sắc tộc lai (lai Ấn Đô và Trung Quốc) khoảng 0,5%. Dân số theo Đạo Thiên Chúa chiếm 85%, theo đạo Hồi khoảng 1%.

Zimbabwe có 8 tỉnh và 2 thành phố vị thế ngang cấp tỉnh, tên Thủ đô là Harare.

Tỉ lệ người biết chữ ở Zimbabwe là 93% (cao nhất Châu Phi) nhưng tỉ lệ này đã suy giảm từ năm 1995. Cả nước có 7 trường đại học công lập và 4 trường đại học của Nhà Thờ. Trước khi học đại học, học sinh phải học 7 năm cấp 1 và 6 năm cấp 2. Có 3 ngôn ngữ chính: tiếng Shona, tiếng Ndebele và tiếng Anh. Đơn vị tiền tệ là Đôla Zimbabwe (ZWD). Từ năm 2009 do đồng nội tệ mất giá, các giao dịch thương mại đều dùng Đô la Mỹ.

HDI của Zimbabwe năm 2015 là 0,516 (hạng thấp).

Trong 5 năm đầu tiên kể từ sau khi độc lập vào năm 1980, Zimbabwe đã được quốc tế coi là đã hoàn thành mục tiêu chăm sóc y tế nhưng tình hình bắt đầu suy giảm từ năm 2000 do khủng hoảng kinh tế. Trong 4 bệnh viện chính đã có 3 bệnh viện phải đóng cửa vì không có các loại thuốc cơ bản. Năm 1997 có đến 25% dân số nhiễm HIV. Hiện nay tuổi thọ của người Zimbabwe thấp nhất thế giới: nam 44 tuổi, nữ 43 tuổi. Tỉ lệ tử vong trẻ em năm 2004 lên đến 12,3%.

Chính trị ở Zimbabwe:

- Chế độ chính trị của Zimbabwe là Cộng hòa bán Tổng thống, có Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu ngành hành pháp và có Chính phủ Nghị viện. Theo quy định của Hiến pháp 2005 Nghị viện có 2 Viện là Thượng viện và Hạ viện (gọi là Quốc hội). Robert Mugabe đã tự phong là Tổng thống. Mugabe là Chủ tịch đảng kiêm Tổng bí thư đảng ZANU. Đảng ZANU của Mugabe là đảng cầm quyền. Thống đốc các tỉnh do Tổng thống chỉ định.

- Quân đội Zimbabwe viết tắt là ZNA có lục quân và không quân, thành lập năm 1980, do sát nhập các lực lượng vũ trang của 2 nhóm quân kháng chiến của ZANU và ZAPU và tuyển mộ thêm, do đó trên thực tế Mugabe và đảng ZANU-PF đương nhiên kiểm soát quân đội. ZNA có 4 sư đoàn, gồm 28 tiểu đoàn, ban đầu được huấn luyện bởi huấn luyện viên người Anh và do ZANU-PF chỉ định Thủ trưởng chính trị. Lực lượng cảnh sát của Zimbabwe có khoảng 25.000 người.

- Về đối nội, chính quyền Mugabe và Đảng ZANU đã nhiều lần bị Tổng thư ký LHQ, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ lên án vi phạm nhân quyền có hệ thống, đàn áp quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân và các tổ chức xã hội dân sự. Trong thập niên 1990, Mugabe đã dùng ZNA và cảnh sát đàn áp các cuộc biểu tình tuần hành của sinh viên và công đoàn các giới giáo chức, y tế, công nhân, phản đối Chính phủ của Mugabe kiểm soát gắt gao tự do học thuật trong các trường đại học, phản đối các cuộc bầu cử không tự do và các vấn đề lương bổng.

- Về đối ngoại, chính quyền Mugabe chủ trương không liên kết nhưng coi trọng mối quan hệ với các nước Châu Phi và năm 1999 đã đưa 12.000 quân đến Congo, giúp nước này chống lại các nước láng giềng là Rwanda, Uganda.

- Đảng lớn thứ hai ở Zimbabwe, đồng thời là đảng đối trọng với đảng ZANU-PF của Mugabe là đảng MDC, có tên là “Mặt trận vì Thay đổi Dân chủ” lại bị chia rẽ thành 2 phái, có chính kiến mâu thuẫn nhau đối với đấu tranh Nghị trường. 1 phái do Arthur Mutambara, là một Giáo sư ngành Robot lãnh đạo, gọi là phái MDC-M. Phái kia do Morgan Tswangirai lãnh đạo, gọi là phái MDC-T. Đến năm 2006 hai phái này đã có 1 đại hội chung. Từ năm 2008, Mặt trân vì Thay đổi Dân chủ đã trở nên nổi bật trên chính trường, huy động được những cuộc tuần hành lớn đến 20.000 người. Dưới sự lãnh đạo của Mutambara, MDC-M đã giành được 5 ghế trong Thượng viện. Ngày 28/4/2008, hai nhà lãnh đạo của MDC-T và MDC-M đã có cuộc họp chung và ra thông báo rằng 2 phái đã hợp tác với nhau để MDC có tiếng nói rõ ràng trong Nghị viện.

- Giữa tháng 9/2008, dưới sự giám sát của các lãnh đạo Nam Phi và Mozambique, Mugabe ( ZANU-PF) và Tswangirai ( MDC-T) đã ký Thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong ngành hành pháp. Mugabe vẫn là Tổng thống kiêm quyền kiểm soát quân đội ZNA, Tswangirai giữ chức Thủ tướng.

Kinh tế tuột dốc và khủng hoảng:

- Sau khi độc lập vào năm 1980, Chính quyền của Mugabe đã tịch thu tài sản của 4.000 chủ trang trại người da trắng để cấp ruộng đất cho người da đen, ban hành Luật lao động và thực hiện chính sách ôn hòa với người da trắng. Nhà nước nắm những lĩnh vực kinh tế quan trọng (Ngân hàng, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên, xuất nhập khẩu), lập các Hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp công nghiệp. Chính quyền Mugabe tiếp tục thực hiện chính sách của người Anh, cho tự do hóa nền kinh tế, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài.

66% lực lượng lao động của Zimbabwe làm nông nghiệp, góp vào 17,9% GDP, với các nông sản ngô, sợi bông, thuốc lá, đường mía, thịt cừu, thịt dê, thịt lợn. 10% lực lượng lao động làm công nghiệp, góp vào 24,3% GDP, với các sản phẩm khai khoáng, quần áo may sẵn, giày d, thực phẩm , đồ uống. 24% lực lượng lao động làm dịch vụ, góp vào 57% GDP, trong đó chủ yếu là thu nhập của ngành du lịch. Năm 2010 Zimbabwe nhập khẩu 4,04 tỷ USD từ Trung Quốc và Nam Phi, xuất khẩu đạt 2,54 tỷ USD.

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Zimbabwe đạt khoảng 5% GDP, nhưng chi phí tham chiến ở Congo đã chiếm 10% GDP. Thêm vào đó là sự yếu kém về năng lực quản trị quốc gia và nạn tham nhũng của Chính quyền Mugabe, kể từ năm 2000, đã đưa nền kinh tế tuột dốc thảm hại.

Sau khi tịch thu trang trại của người da trắng và cấp ruộng đất cho người da đen, kỹ thuật tổ chức và canh tác lạc hậu dẫn đến năng lực xuất khẩu nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu hàng đầu của Zimbabwe đã giảm mạnh. Từ đó Zimbabwe thiếu hụt ngoại tệ, dẫn đến lạm phát rồi siêu lạm phát, thường xuyên thiếu nhiên liệu và hàng nhập khẩu. Khủng hoảng kinh tế và lương thực đang là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất hiện nay của Zimbabwe, kể từ ngày giành được độc lập từ Vương quốc Anh.

Từ năm 1998, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng 32%. Theo số liệu của Văn phòng thống kê trung ương quốc gia tháng 8/2008, mức lạm phát ở Zimbabwe đã lên đến 11.200.000.000% (mười một ngàn hai trăm triệu phần trăm). Sau mỗi đợt 3 ngày, giá sinh hoạt tăng lên gấp hai lần. Người dân phải mua phần lớn vật dụng thiết yếu cho cuộc sống từ các nước láng giềng, như Nam Phi, Botswana, Zambia. Tỉ lệ thất nghiệp chính thức là 80%. Chính quyền thu thuế và phí với tỉ lệ rất cao đối với các doanh nghiệp tư nhân nhưng trợ cấp rất nhiều cho các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Chi tiêu của Chính phủ năm 2007 chiếm 67% GDP. Thiếu hụt ngân sách, Chính quyền in thêm tiền dẫn đến siêu lạm phát. Tháng 1/2009 Chính phủ Zimbabwe phải phát hành “Đồng tiền giấy có mệnh giá một trăm ngàn tỷ Đô la Zimbabwe”.

Việc chia sẻ quyền lực trong Chính phủ vào năm 2009 giữa Đảng ZANU-PF và Đảng MDC đã góp phần cải thiện được một phần tình hình kinh tế so với trước. Sang năm 2010, GDP của Zimbabwe đã đạt 4,27 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng đạt 5,9%. Tỉ lệ lạm phát còn 5,03 %. Tuy vậy đến nay GDP bình quân theo đầu người vẫn chỉ ở mức 400 USD/ 1 người/ 1 năm (tức là 1,09 USD/ 1 người/1 ngày, tính theo tỉ giá ngày 25/11/2017 là 22.760 VND x 1,09 USD = 25.000 VND/ 1 người/ 1ngày). Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 95%. Trong khi đó, theo báo chí, truyền thông trong nước và nước ngoài, Tổng thống Mugabe đang sở hữu một tài sản khổng lồ trị giá khoảng 1,5 tỷ USD và nhiều dinh thự xa hoa tráng lệ trong nước và ở nước ngoài. Riêng chiếc xe ôtô Rolles-Royce Phantom IV của Mugabe đã có giá trị xấp xỉ tổng sản phẩm quốc nội GDP của Zimbabwe (bản tin của Soha.vn ngày 17/11/2017).

Chính biến vừa xảy ra ở Zimbabwe:

Theo báo chí và truyền thông, giữa tháng 11/2017 vừa rồi tại Zimbabwe đã có sự can thiệp quân sự vào chính trường. Quân đội ZNA đã dùng đến xe tăng, chiếm quyền kiểm soát Thủ đô Harare. Tổng thống Mugabe đã bị quản thúc. Ngày 21/11/2017 Mugabe đã tuyên bố từ nhiệm nhưng quân đội lại khẳng định đây không phải là cuộc đảo chính. Về sự kiện này, báo chí và truyền thông có những nhận định khác nhau. Một trong những nhận định đó là:

“Nếu gọi đây là cuộc đảo chính thì nó chỉ là hành động phản ứng trong cuộc nội chiến của đảng ZANU-PF. Lựa chọn tốt nhất cho Zimbabwe lúc này là dàn xếp tiến trình chuyển tiếp với sự tham gia của nhiều đảng để ổn định đất nước trong lúc Cộng đồng phát triển Nam Phi cam kết ủng hộ để đảm bảo bầu cử diễn ra” (báo NLĐ.com.vn ngày 22/11/2017). Một nhận định khác là: “Đảo chính ở Zimbabwe không phải là lý do để ăn mừng. Không hy vọng gì nhiều vào sự can thiệp của giới quân sự. Sự thay đổi được sinh ra từ âm mưu trong cung điện chứ không phải là sự phản kháng của nhân dân, có nghĩa là mọi thứ vẫn như cũ” (báo Dân luận ngày 18/11/2017). Một nhận định thứ 3 là: “Có bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe. Trung Quốc đã đổ tiền vào Zimbabwe như nước và Tướng Emmerson Muangagwa đã từng theo học quân sự ở Trung Quốc” (Đài Pháp RFI ngày 20/11/2017). Một nhận định thứ 4 là: “Tình hình Zimbabwe cho các tổ chức xã hội dân chủ nước ta và Quân đội nhân dân một mô hình đáng tham khảo và suy ngẫm” (đây là ý kiến của tác giả Bùi Tín viết trong “Bài học sống động tự diễn biến...”, đăng trên báo Bauxite Việt Nam ngày 23/11/2017).

Các nhận định này đều có luận cứ riêng xác đáng và đầy tinh thần trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc ta.

Sự kiện Zimbabwe chưa kết thúc. Câu chuyện chính trị có thể có những biến động khó lường trước. Chúng ta hãy tỉnh táo tiếp tục theo dõi sự kiện này.

Mặt khác, từ sự kiện này, có những câu hỏi chưa có lời giải, đang mong chờ bạn đọc giải đáp:

- Tại sao Zimbabwe đã độc lập, giàu tài nguyên nhưng nhân dân vẫn rất nghèo?
- Tại sao Robert Mugabe từ một nhà lãnh đạo kháng chiến giành độc lập cho dân tộc lại có thể trở thành một nhà cai trị độc tài đối với nhân dân và tham quyền cố vị đến như vậy?

T.Đ.C.
Tác giả gửi BVN









No comments:

Post a Comment

View My Stats