Wednesday, 29 November 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BA 28/11/2017 (Lê Minh Nguyên)



Tin Thế Giới

1.
Nhật Bản: Bình Nhưỡng dường như chuẩn bị phóng tên lửa

Từ nhiều tín hiệu radio bắt được, Nhật Bản nghi ngờ Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, mặc dù các hình ảnh vệ tinh không cho thấy điều đó.

Reuters ngày 28/11/2017 trích dẫn hãng tin Nhật Bản Kyodo tối hôm qua thông báo chính phủ Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động, sau khi phát hiện các tín hiệu radio cho thấy rất có thể Bình Nhưỡng sẽ cho phóng tên lửa đạn đạo trong những ngày tới. Các tín hiệu này có thể liên quan tới cuộc diễn tập quân sự mùa đông của quân đội Bắc Triều Tiên.
Còn hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin chính phủ khẳng định là các cơ quan tình báo của Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản mới đây đã thu được nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể sẽ phóng tên lửa đạn đạo và cả ba nước đều nâng mức báo động.

Tuy nhiên, vẫn theo Reuters, hai nguồn tin của chính quyền Hoa Kỳ lại cho biết không nắm được thông tin về khả năng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa. Nhưng hai nguồn tin trên khẳng định chính phủ Mỹ không ngạc nhiên nếu các vụ phóng tên lửa đó xảy ra trong tương lai gần.   

Còn ngay tại Mỹ, chính quyền tiểu bang Hawai sẽ tiến hành diễn tập kéo còi báo động. Một phát ngôn viên của cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Hawaii cho Reuters biết là biện pháp trên nhằm đề phòng trường hợp tiểu bang bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng tên lửa.

Hệ thống còi báo động tại Hawai, vốn từng được sử dụng trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, sẽ vang lên trong vòng 60 giây vào 11h45’ ngày 01/12/2017. Và cuộc diễn tập còi báo động sẽ được lặp lại vào ngày làm việc đầu tiên hàng tháng. - RFI
|
|

2.
Campuchia bắt đầu thu hồi giấy tờ người gốc Việt

Chính phủ Campuchia bắt đầu tiến hành chiến dịch rà soát "giấy tờ không đúng quy định" mà chủ yếu tác động lớn tới cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, tờ Phnom Penh Post đưa tin.

Hồi tháng 10, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng khẳng định tiếp tục chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người ngoại quốc "sinh sống bất hợp pháp" tại vương quốc này.

Nhưng hầu hết bảy vạn người này là người gốc Việt đã sinh sống qua nhiều thế hệ ở Campuchia.

Theo tờ Phnom Penh Post, tỉnh Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên phát động chính sách này từ 23/11 và giới chức địa phương đã xác nhận hơn 10.000 người với "giấy tờ không đúng quy định".

Những giấy tờ này gồm giấy khai sinh, thẻ căn cước, hộ chiếu và hộ khẩu.

Ông Bouy Nyu Lung, 52 tuổi, có mẹ là người Việt, cha người Khmer những vẫn bị tịch thu hộ khẩu. Gia đình ông Lung đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ, từng phải chạy trốn qua Việt Nam dưới thời Khmer Đỏ.

Ông nói với báo này rằng chính quyền địa phương cấp cho ông một giấy tờ "tạm thời" và ông không biết tiếp theo sẽ phải làm gì.

Một người gốc Việt khác là bà Kai Thy Heang, người không có thẻ căn cước Campuchia, vừa bị tịch thu giấy tờ còn sót lại là sổ hộ khẩu.

Bà Heang cho biết bà không biết gia đình bà đã nhập cư vào Campuchia từ khi nào nhưng chỉ biết ông bà và cha mẹ bà đều sinh ra ở đó.

Bà bị yêu cầu trả một số tiền phạt 250.000 riel, tương đương gần 1,4 triệu VND vì "cư trú trái phép" ở Campuchia.
Giống như cha mẹ mình, ông Hong Hay, 65 tuổi, cũng sinh ra ở Campuchia. Ông nói với phóng viên của Phnom Penh Post rằng: "Tôi không biết gì về Việt Nam. Tôi không có cảm giác gì về Việt Nam. Tôi chỉ sống ở đây,"

Khi được hỏi chuyện gì xảy ra đối với những cá nhân không có giấy tờ Campuchia hay Việt Nam, quan chức Bộ phận Dân nhập cư địa phương Pan Laikhean nói: "Chúng tôi vẫn không biết làm gì tiếp theo, nhưng giờ chúng tôi cứ phạt họ 250.000 riel vì sống ở đây."

Hôm 12/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo chí về một số thông tin liên quan đến người gốc Việt tại Campuchia.

"Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia và mong muốn cộng đồng người Campuchia gốc Việt có địa vị pháp lý vững chắc bảo đảm cuộc sống ổn định."

"Trên tinh thần đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng của Campuchia động viên bà con yên tâm tham gia quá trình hoàn thiện các giấy tờ pháp lý của mình.

"Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán Việt Nam đang làm việc với các cơ quan hữu quan của Campuchia để tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi, có biện pháp phù hợp, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường ổn định của mọi người dân, " bà Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao.

BBC đã tìm cách liên hệ với phía đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. - BBC
|
|

3.
Iran công bố hình ảnh học giả Mỹ bị giam cầm

Ông Wang bị 10 năm tù giam tại Iran vì tội làm gián điệp cho Mỹ, nhưng trường đại học Princeton nói ông chỉ đơn thuần nghiên cứu lịch sử tại các thư viện và các văn khố.

Truyền hình nhà nước Iran phát sóng một đoạn video chiếu cảnh một sinh viên hậu đại học người Mỹ gốc Hoa đang thụ án 10 năm tù vì bị cáo buộc xâm nhập vào Iran trong khi đang nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ.

Video mới này về ông Xiyue Wang được trình chiếu tối Chủ nhật ngày 26/11.

Ông Wang bị bắt tại Iran về tội làm gián điệp cho Mỹ trong lúc đang nghiên cứu luận án tiến sĩ về triều đại Qajar của Iran giữa lúc cũng có nhiều người khác bị giam giữ vì có liên hệ với phương Tây.

Đoạn video được trình chiếu ngày 26/11 cáo buộc ông Wang tìm cách lấy khoảng 4.500 tài liệu của Iran.

Vào ngày thứ Năm 23/11, truyền hình nhà nước Iran cho chiếu đoạn phim về bà Zaghari-Ratcliffe hiện đang thi hành bản án 5 năm tù vì bị cáo buộc lập kế hoạch lật đổ chính phủ Iran một cách êm thắm.
Việc công bố video này chắc chắn là trong khuôn khổ một nỗ lực nhằm làm áp lực lên Hoa Kỳ và Anh vào lúc London đang cứu xét việc trả cho Tehran 530 triệu đô la. - VOA
|
|

4.
Tập đoàn Toray của Nhật thừa nhận gian lận

Tập đoàn Toray Industries của Nhật Bản hôm thứ Ba 28/11 tiết lộ có 149 trường hợp giả mạo dữ liệu về chất lượng, trải dài trong suốt 8 năm tại một công ty con chuyên sản xuất nguyên vật liệu. Đây được xem là diễn biến mới nhất trong vụ bê bối về đảm bảo chất lượng đối với một nhà sản xuất Nhật Bản.

Nhà sản xuất sợi cacbon lớn nhất thế giới cho hay các sản phẩm có liên quan tới vụ gian lận bao gồm dây cường lực dùng trong lốp xe mà công ty Toray Hybrid Cord Inc. đã bán cho 13 khách hàng. Hiện một cuộc điều tra về những hành động sai trái có thể xảy ra trong khắp tập đoàn đang được xúc tiến.

Tập đoàn Toray không nêu tên bất kỳ khách hàng nào bị ảnh hưởng. Toray nói công ty con của tập đoàn nhận thức được vấn đề từ tháng 7 năm ngoái, và tập đoàn biết tin vào tháng Mười. Toray quyết định công khai thông tin về vụ gian lận sau khi xuất hiện những tin đồn hồi đầu tháng này trong một bài viết vô danh đăng trực tuyến.

Chủ tịch Toray Akihiro Nikkaku nói trong một cuộc họp báo: "Không có hành động vi phạm pháp luật hay vi phạm về vấn đề an toàn; đây là chuyện giữa chúng tôi với khách hàng của chúng tôi, và do đó không cần phải tiết lộ tin này."

Ông Nikkaku nói thêm rằng thậm chí nếu những trường hợp tương tự được phát hiện trong tương lai, công ty của ông cũng không bị buộc phải công bố cho công chúng biết. - VOA
|
|

5.
Nhật phát hiện tín hiệu cho thấy Triều Tiên sắp thử tên lửa?

Theo một nguồn tin của chính phủ Nhật hôm thứ Ba 28/11, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một cuộc phóng tên lửa đạn đạo mới, mặc dù các tín hiệu ấy không được coi là bất thường và hình ảnh vệ tinh cho thấy không có hoạt động mới.

Kể từ tháng 4 trở đi, Triều Tiên đều đặn bắn tên lửa theo đà 2 tới 3 lần mỗi tháng, nhưng đến tháng 9 thì các vụ phóng tên lửa tạm dừng, sau khi Bình Nhưỡng bắn một tên lửa bay ngang qua đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản.

Một nguồn tin nói với Reuters:

"Hiện chưa có đủ thông tin để xác định liệu Bình Nhưỡng có sắp sửa bắn tên lửa hay không.”

Thông tấn xã Kyodo của Nhật Bản tường thuật rằng hôm thứ Hai 27/11, chính phủ Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động sau khi bắt được các tín hiệu cho thấy Bình nhưỡng có khả năng phóng tên lửa trong vài ngày tới. Nguồn tin cho biết các tín hiệu này cũng có thể liên quan đến chương trình huấn luyện quân sự mùa đông của quân đội Triều Tiên.

Triều Tiên đang theo đuổi các chương trình tên lửa và hạt nhân, thách thức các biện pháp chế tài của Hội đồng Bảo an LHQ và không dấu giếm kế hoạch của họ nhắm phát triển một tên lửa có khả năng vươn tới tấn công lục địa Hoa Kỳ. Triều Tiên cũng đã bắn hai tên lửa ngang qua Nhật Bản.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, dẫn nguồn tin chính phủ nước này, tường thuật rằng các giới chức tình báo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy có khả năng phóng tên lửa và do đó đã được đặt trong tình trạng báo động cao.

Hai nguồn tin của chính phủ Mỹ quen thuộc với các đánh giá chính thức về năng lực và hoạt động của Triều Tiên, nói rằng Triều Tiên đang chuẩn bị khởi động kế hoạch phóng thử một tên lửa mới, và chính phủ Mỹ sẽ không ngạc nhiên nếu diễn ra một vụ phóng tên lửa trong tương lai gần.

Các giới chức tình báo khác của Mỹ lưu ý rằng Triều Tiên trước đây từng cố ý tung ra các dấu hiệu với chủ ý đánh lạc hướng, một phần để che đậy những sự chuẩn bị thực sự cho một vụ phóng thử tên lửa hay thử nghiệm hạt nhân, và một phần, để thử phản ứng của các hoạt động tình báo của Mỹ và đồng minh. - VOA
|
|

6.
Núi lửa phun trào ở Bali, Việt Nam giải cứu công dân

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết đã giải cứu 7 người Việt Nam mắc kẹt tại đảo Bali khi ngọn núi lửa Agung phun trào.

Theo truyền thông Việt Nam, chiều ngày 27/11, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, cho hay rằng sứ quán đã giải cứu gấp 7 công dân Việt Nam mắc kẹt tại đảo Bali khi núi lửa phun trào và các du khách Việt này đã tới thủ đô Jakarta an toàn.

Báo điện tử Zing đưa tin rằng trước đó, 7 hành khách này đã phải lái xe suốt 13 tiếng xuyên đêm để chạy ra khỏi vùng núi lửa.

Còn báo Người Lao động cho biết rằng nhóm du khách này bị mắc kẹt tại Bali do sân bay Depansar đóng cửa vì núi lửa Agung có dấu hiệu hoạt động.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phát đi cảnh báo trên Facebook đối với du khách Việt có ý định tới Bali và kêu gọi những du khách đang có mặt tại đây cần nhanh chóng sử dụng các dịch vụ giao thông đường bộ đi về phía Tây đảo Bali, tới thành phố Surabaya để rời khỏi khu vực bằng máy bay.

Chính quyền Indonesia ước tính khoảng 100.000 người phải sơ tán khỏi khu vực quanh núi lửa Agung khi ngọn núi đang tiếp tục phun ra những cột tro bụi khổng lồ cao tới 3km.

Núi Agung dù cách khu du lịch Kuta tới 75 km, nhưng những cột khói cao đã làm tê liệt hoàn toàn sân bay khu vực.

Facebook Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói núi lửa Agung hiện đang hoạt động mạnh trở lại. Nhà chức trách Indonesia đã nâng lên mức báo động cao nhất là báo động đỏ. Khói đen được nhìn thấy bốc lên cao tới 3.400m từ đỉnh núi. Cơ quan Kiểm soát Thiên tai cho biết đã nghe những tiếng nổ từ khoảng cách 12km từ núi lửa.

Nhà chức trách Indonesia đã phân phát mặt nạ cho cư dân địa phương sống quanh khu vực núi lửa và mở rộng phạm vi buộc sơ tán quanh khu vực núi lửa hoạt động. Nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay và đại sứ quán Việt Nam đề nghị du khách Việt hạn chế du lịch Balai trong thời điểm này.

Giới chức Indonesia cũng lưu ý về nguy cơ lũ bùn. Người dân được khuyến cáo tránh xa sông ngòi vì lũ bùn có thể di chuyển rất nhanh và thường là nguyên nhân gây chết người vào mỗi đợt núi lửa phun trào.

Khu vực sơ tán hiện tại dựa trên lần phun mạnh cuối cùng của Agung vào năm 1963 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.

Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa Thái Bình Dương", nơi các tầng địa chất va chạm và gây ra 90% các trận động đất trên thế giới. Nước này hiện có 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. - VOA
|
|

7.
Giáo Hoàng kêu gọi Myanmar tôn trọng nhân quyền - - - Myanmar và Trung Quốc xích lại gần nhau?

Đức Giáo Hoàng Francis hôm thứ Ba 28/11 kêu gọi các nhà lãnh đạo Myanmar hãy cam kết với chính mình sẽ đảm bảo công lý, nhân quyền và tôn trọng “mỗi nhóm sắc tộc và nền văn hóa của họ."

Đức Giáo Hoàng đã tránh phản ứng tiêu cực về mặt ngoại giao bằng cách tránh dùng từ "Rohingya" trong các bài diễn văn với các quan chức Myanmar, kể cả lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, những lời phát biểu của ông có thể áp dụng cho các thành viên của nhóm thiểu số sắc tộc đang là mục tiêu bị đàn áp. Họ không được chính quyền Myanmar công nhận là công dân hoặc là thành viên của một nhóm sắc tộc riêng biệt.

Hơn 620.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn kể từ cuối tháng 8 để thoát chiến dịch đàn áp quân sự mà Washington nói là "những hành động tàn bạo khủng khiếp" nhắm mục đích "thanh trừng sắc tộc."

Đức Giáo hoàng Francis đưa ra lời phát biểu này tại thủ đô Naypyitaw khi gặp bà Ang San Suu Kyi, người đã đối mặt với những chỉ trích quốc tế vì đã tỏ thái độ hoài nghi về những bản tin tường thuật về những hành động vi phâm nhân quyền nhắm vào người Rohingya, trong khi bà không lên án quân đội.

Đức Giáo Hoàng nói: "Tương lai của Miến Điện phải hòa bình, hòa bình dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm và quyền của mỗi thành viên trong xã hội, tôn trọng mỗi dân tộc và sắc tộc, tôn trọng luật pháp và tôn trọng trật tự dân chủ, tất cả cá nhân và mọi nhóm - không ai bị loại trừ - để đóng góp hợp pháp cho lợi ích chung."

Hôm 27/11, Giáo hoàng Francis hội đàm với người đứng đầu quân đội Miến Điện trong một chuyến đi có tính nhạy cảm tới thăm quốc gia nơi đa số dân theo đạo Phật.

Sau Miến Điện, người đứng đầu Tòa thánh Vatican sẽ công du tới Bangladesh, nơi hàng trăm nghìn người Rohingya tới lánh nạn để trốn chạy điều mà tổ chức Ân xá Quốc tế miêu tả là những “tội ác chống nhân loại”.

Quân đội Miến Điện bác bỏ các cáo buộc về tội giết người, hãm hiếp, tra tấn và ép dân phải rời bỏ nhà cửa. - VOA

***
Nhà lãnh đạo dân sự Myanmar, Aung San Suu Kyi, sẽ sớm đi thăm Bắc Kinh, truyền thông nhà nước loan báo ngày 27/11 vào lúc quốc gia Đông Nam Á này dường như xích lại gần hơn với nước láng giềng phương bắc giữa những chỉ trích trên thế giới về làn sóng người tị nạn Rohingya.

Myanmar bất bình vì những áp lực phương Tây về việc các lực lượng vũ trang của nước này phản ứng tàn bạo trước những cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Hồi Giáo Rohingya vào tháng 8 năm nay vào các đồn an ninh tại bang phía tây Rakhine.

Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc đã cáo buộc Myanmar là “thanh trừng sắc tộc” và kêu gọi quân đội phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc giết người, hãm hiếp và đốt phá nhà cửa khiến hơn 620.000 người Rohingya phải sang Bangladesh lánh nạn.
Tuy nhiên Trung Quốc đã ủng hộ điều mà các giới chức Myanmar gọi là cuộc hành quân chống nổi dậy chính đáng tại Rakhine. Bắc Kinh đã can thiệp để ngăn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về cuộc khủng hoảng này.

Tin bà Aung San Suu Kyi đến Trung Quốc được loan báo sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc đón chào Tổmg Tư lệnh quân đội nhiều quyền lực Min Aung Hlaing trong tuần qua và hứa hợp tác chặt chẽ. - VOA
|
|

8.
Trung Quốc vinh danh Bill Gates - - - Bị điều tra tham nhũng, quan chức Trung Quốc tự sát

Người đứng đầu Microsoft được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) vì những thành tựu trong việc phát triển công nghệ hạt nhân tiên tiến.

Ông Bill Gates, tỉ phú công nghệ đồng sáng lập Microsoft, được trao tặng một trong những vinh dự cao quý nhất của Trung Quốc chỉ dành riêng cho các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu.

Ông Gates là người nước ngoài duy nhất không có bằng cấp được Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc chọn làm hội viên trọn đời trong tổ chức gồm 815 thành viên trong số 533 ứng viên, theo loan báo ngày 27/11.

Các tân viện sĩ được chọn mỗi hai năm một lần từ những định chế hàn lâm, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và bệnh viện cả trong lẫn ngoài nước.

Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc được đặt dưới Quốc vụ viện cũng có vai trò cố vấn Bắc Kinh về phát triển kinh tế-xã hội, và các thành viên của tổ chức này phải qua một sự sàng lọc chính trị nghiêm nhặt.

Người nước ngoài có thể trở thành thành viên nếu đã đóng góp cho việc phát triển hay đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá công trình, khoa học và công nghệ Trung Quốc, CAE cho biết trên trang mạng của tổ chức.

Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc nói ông Gates được bầu vì vai trò là sáng lập viên và chủ tịch công ty điện hạt nhân TerraPower có trụ sở tại Washington. Công ty này vừa mới loan báo đối tác với Công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc để phát triển một lò phản ứng hạt nhân tiên tiến.

Dự án chung sẽ bắt đầu trong năm tới, nhằm thiết kế và xây dựng những nhà máy điện hạt nhân với công suất 1.150 megawatt trong 20 năm tới.

Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển khoa học trong những năm gần đây nhằm mục đích vượt qua Hoa Kỳ và châu Âu để trở thành một cường quốc khoa học toàn cầu.

Việc chọn những thành viên nước ngoài vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc nằm trong khuôn khổ các nỗ lực củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của Bắc Kinh trong lãnh vực công trình, khoa học, và công nghệ. - VOA

***
Truyền thông Trung Quốc loan tin một quan chức quân đội đã tự sát trong lúc đang bị điều tra về tội tham nhũng.
Tân Hoa Xã cho biết ông Trương Dương (Zhang Yang) đã treo cổ tự sát tại tư gia hôm thứ Năm 23/11.

Ông Trương Dương từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Công tác chính trị, và là thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương.

Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Trương bị điều tra từ tháng 8 vì bị nghi ngờ nhận hối lộ và sở hữu một khối tài sản lớn mà ông không thể khai nguồn gốc. Ông còn bị nghi là vi phạm “nghiêm trọng" pháp luật cùng các quy định khác.

Nhà chức trách đang điều tra các mối liên hệ giữa ông Trương với hai quan chức quân sự hàng đầu khác, những người trước đây đã từng là mục tiêu trong chiến dịch bài trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou) từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Ông Quách bị kết án tù chung thân hồi năm ngoái, trong khi ông Từ chết vì bệnh ung thư vào năm 2015, trước khi bị mang ra xét xử. - VOA
|
|

9.
Nghi phạm âm mưu tấn công khủng bố đêm Giao thừa ở Úc bị buộc tội

Cảnh sát Úc vừa buộc tội một người đàn ông đã lập kế hoạch để âm mưu thực hiện một cuộc tấn công khủng bố vào dịp mừng Năm mới ở thành phố Melbourne, mà nếu xảy ra, sẽ có hậu quả "khủng khiếp".

Nhà chức trách nói nghi phạm, một công dân Úc 20 tuổi gốc Somalia, đã lên kế hoạch để dùng súng trường tự động"bắn nhiều người nhất trong khả năng có thể" vào dịp mừng năm mới tại quảng trường Liên bang ở trung tâm thành phố Melbourne. Đây là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất để mừng năm mới tại thành phố lớn thứ nhì của nước Úc.

Giới hữu trách tin rằng người đàn ông này đã hành động một mình và sử dụng hướng dẫn trực tuyến của al-Qaeda để thực hiện một cuộc tấn công khủng bố. Đương sự cũng bị cáo buộc là một người có cảm tình với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Phó Chỉ huy sở Cảnh sát Shane Patton nói trước đó nhân viên cảnh sát đã theo dõi người đàn ông này vì anh ta có những dấu hiệu “khả nghi" từ tháng Giêng.

Người đàn ông bị bắt hôm Thứ Hai 27/11 khi cảnh sát tiến hành các cuộc đột kích tại nhà của gia đình đương sự ở ngoại ô thành phố Melbourne, và nhà của một người họ hàng.

Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Úc Michael Keenan cho biết đây là vụ thứ 14 được các cơ quan an ninh quốc gia và cảnh sát phá chặn trong ba năm qua. Ông Keenan nói những cáo trạng đối với người đàn ông trong cuộc là một nhắc nhở về "tính phi nhân của những kẻ khủng bố."

Giới chức Úc nói nghi phạm khủng bố này sẽ phải đối mặt với bản án chung thân nếu bị kết tội. - VOA
|
|

10.
Pháp: Tổng thống Macron công du Phi Châu - - - Châu Phi mơ về “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc

Trong nỗ lực « canh tân » quan hệ Pháp - Phi và gia tăng ảnh hưởng tại châu lục đen, tổng thống Emmanuel Macron ngày 28/11/2017 mở chuyến công du châu Phi đầu tiên, với chặng đầu tiên là Burkina-Faso, trước khi bay qua hai nước Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) và Ghana. Giới trẻ châu Phi, được lãnh đạo Pháp, cùng thế hệ, đặc biệt lưu tâm với thông điệp « dân chủ không thể đảo ngược ».

Hoạt động đầu tiên của tổng thống Pháp tại Ougadoudou, sau khi hội kiến với tổng thống Christian Kaboré, là bài diễn văn trước một cử tọa 800 sinh viên Burkina-Faso vào sáng ngày 28/11.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh là ông thuộc thế hệ « biết đến châu Phi qua người hùng Nam Phi Nelson Mandela và chiến thắng chính trị chống chính sách kỳ thị chủng tộc Apartheid ». Ông đến đây để lắng nghe giới trẻ, hôm nay ở Burkina-Faso và ngày mai ở Côte d’Ivoire và Ghana.

Cũng theo tổng thống Pháp, ông không có bài học nào để « lên lớp » tuổi trẻ châu Phi, nhưng chuyện cần thiết là phải « giúp cho nền dân chủ ở châu Phi không bị đảo ngược ».

Theo AFP, tổng thống Pháp tìm cách chinh phục giới trẻ châu Phi càng ngày càng bài xích sự hiện diện của quân đội Pháp trong bối cảnh phải đối phó với khủng bố đe dọa vùng sa mạc Sahara, cũng như ngăn chận làn sóng di dân sang châu Âu.

Để chứng tỏ ông thuộc thế hệ mới, cách xa với qua khứ thực dân, tổng thống Emmanuel Macron tập trung vào các chủ đề hợp tác kinh tế, xí nghiệp liên doanh, giáo dục, thể thao, năng lượng sạch, thay vì viện trợ phát triển. Các câu hỏi của sinh viên được trả lời trực tiếp, không sàng lọc.
AFP ghi nhận có một cuộc biểu tình với ý định chận đường đoàn xe tổng thống Pháp với biểu ngữ « đả đảo phương Tây bóc lột ». Điện Elysée nhìn nhận là hình ảnh nước Pháp không được tốt trong công luận Burkina-Faso. Năm 2014, khi cựu tổng thống Blaise Compaoré bị đường phố lật đổ, Paris đã đem nhân vật này qua Côte d’Ivoire an toàn. RFI

***
Các cơ hội từ « Con đường tơ lụa mới » và chính sách chuyển dịch sản xuất công nghiệp của Bắc Kinh, cùng với viễn cảnh đầu tư đã mang lại giấc mộng phát triển cho Châu Phi, nhân diễn đàn Trung Quốc – Châu Phi tổ chức tại Marrakech bắt đầu từ hôm qua 27/11/2017.

Hội nghị chiến lược về các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc – Châu Phi quy tụ trên 400 doanh nhân trong đó có 150 người từ Hoa lục đến. Hãng tin Pháp AFP cho biết trong ngày khai mạc, ông Vương Dũng (Wang Yong), phó giám đốc Quỹ Phát triển Trung Quốc – Châu Phi, đã khẳng định ý hướng « đẩy nhanh việc hợp tác trong lãnh vực đầu tư ». Ông cho biết Đại hội Đảng Trung Quốc 19 họp hồi tháng 10 « đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng và mạnh mẽ : Trung Quốc phải tăng tốc chương trình Con đường tơ lụa mới ».

Trong không đầy 20 năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế số một của Châu Phi. Trao đổi thương mại đạt 190 tỉ đô la năm 2016, lớn hơn cả doanh số của Châu Phi với Ấn Độ, Pháp và Hoa Kỳ cộng lại – theo như số liệu được đưa ra trong diễn đàn.

Sau Kenya, Ethiopia, Ai Cập và Djibouti, đến lượt Maroc tham gia dự án « Con đường tơ lụa mới », dự kiến xây dựng cầu, đường bộ, đường xe lửa và khu công nghiệp tại 65 nước, với trên 1.000 tỉ đô la.
Với tên gọi tại Trung Quốc là « Một vành đai, Một con đường » (One Belt, One Road – OBOR), chương trình này gồm một vành đai đường bộ nối liền Trung Quốc với Đông Âu thông qua Trung Á và Nga, và một tuyến đường biển để đến được Châu Phi và Châu Âu, từ Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Sáng kiến này « hiện đã liên quan đến Đông Phi và chúng tôi mong sẽ mở rộng sang các nước Tây Phi » - ông Jean-Claude Brou, bộ trưởng Kinh Tế Côte d’Ivoire nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Maroc Lý Lập (Li Li) nhấn mạnh : « Thế giới đang thay đổi một cách sâu sắc và phức tạp, với một cuộc chuyển dịch kỹ nghệ mới (…) và Châu Phi sở hữu nguồn lợi thiên nhiên cũng như nhân lực dồi dào ».

Đối với ông Brou, việc chuyển dịch sản xuất là « một cơ hội lớn » cho Châu Phi. Với giá nhân công tăng, để duy trì tính cạnh tranh, Trung Quốc phải quay sang các nước có giá thành sản xuất rẻ, như vậy Châu Phi chiếm lợi thế về giá lao động.

Năm 2016, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Châu Phi với 36,1 tỉ đô la. Tính đến cuối năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã tham gia xây dựng khoảng 100 khu công nghiệp, hàng ngàn tuyến đường sắt và xa lộ, nhiều sân bay và nhà máy điện.

AFP dẫn lời bộ trưởng Công Nghiệp Maroc Moulay Hafid Elalamy : « Trung Quốc và Châu Phi đều đang tìm kiếm tăng trưởng, và sáng kiến Con đường tơ lụa mới sẽ làm thay đổi bản đồ thương mại thế giới ». Ông Elalamy nhấn mạnh : « Chúng ta chưa bao giờ hình dung nổi việc Trung Quốc ngày nay lại đầu tư vào ngành dệt may tại Maroc. Tất cả đã thay đổi, với ý hướng tạo ra một tầng lớp trung lưu tại Hoa lục, nơi mà giá nhân công tăng đã làm giảm đi tính cạnh tranh ».

Ông Tony Dong, chủ tịch Liên đoàn doanh nhân Trung Quốc-Châu Âu, đến Marrakech để « tìm kiếm cơ hội đầu tư », nhận xét : « Trung Quốc cần Châu Phi và ngược lại Châu Phi cũng cần Trung Quốc, chúng ta phải siết chặt thêm quan hệ ».

Tuy nhiên, theo giáo sư Pierre Dagbo, trường đại học Félix-Houphouet-Boigny ở Abidjan, Châu Âu tuy thụt lùi tại Châu Phi nhưng dấu ấn ngôn ngữ, văn hóa, hợp tác đại học, quân sự vẫn đậm nét. Đặc biệt là viện trợ nhân đạo dành cho Châu Phi lên đến 21 tỉ đô la trong năm 2015, bỏ xa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

AFP cho biết « Con đường tơ lụa mới » hiện đang gặp nhiều trắc trở : dự án tàu cao tốc tại Indonesia hầu như nằm im từ hai năm qua, khu công nghiệp bỏ trống phân nửa tại Kazakhstan…Tại Lào, đồng minh thân thiết của Trung Quốc, dư luận phản đối tuyến đường sắt dài 415 km tốn đến 5 tỉ đô la, chiếm phân nửa GDP của Lào. Còn tại Pakistan, quân nổi dậy đã đặt chất nổ phá các đường ống dẫn khí đốt và các xe lửa ở tỉnh Balochistan, tấn công các kỹ sư Trung Quốc, khiến dự án trị giá 46 tỉ đô la đứng trước rủi ro lớn.

Bên cạnh đó là tai tiếng lâu nay tại Châu Phi : bóc lột tài nguyên theo kiểu « thực dân mới ». Nhà báo Julien Wagner, tác giả cuốn « Trung Quốc – Châu Phi, sự cướp bóc » nêu ra thực tế : Bắc Kinh thường ưu tiên cho các nước giàu tài nguyên, các công ty nhà nước tham nhũng, hiếm khi chuyển giao công nghệ, và đưa hàng loạt lao động Trung Quốc sang. Theo ông Wagner, hợp tác chỉ có lợi khi các lãnh đạo Châu Phi biết đặt lợi ích của đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, và liên kết với nhau trong việc thương lượng với Trung Quốc.

Với các điều kiện trên, dường như giấc mộng của Châu Phi, bám theo « Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập Cận Bình, hãy còn xa mới thành hiện thực. - RFI
|
|

11.
Syria: Hòa đàm Genève mở lại nhưng Damas vắng mặt

Vòng đàm phán thứ 8 về tương lai Syria dự kiến khai mạc ngày 28/11/2017 tại Genève dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Theo nhà trung gian hòa giải Staffan de Mistura, bốn chủ đề sẽ được thảo luận : thành lập «chính phủ đáng tin cậy, không phân biệt đối xử », soạn thảo Hiến Pháp mới, chuẩn bị tổng tuyển cử và diệt trừ khủng bố.Tuy nhiên, đến tối hôm qua, phái đoàn Damas vẫn chưa đến, cũng không thông báo là có tham dự hay không.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche, giải thích lý do trục trặc :

"Mọi việc có vẻ như hanh thông. Lần đầu tiên các phe đối lập chống chế độ Bachar al Assad sẽ cùng chung một tiếng nói tại Genève và chấp thuận không đòi tổng thống Syria ra đi như là điều kiện tiên quyết để đàm phán.

Vấn đề là nhượng bộ này không được êm xuôi. Một đại diện đối lập (trưởng đoàn Nasr Hariri) tuyên bố là trong mọi trường hợp, Bachar al-Assad phải từ chức sau giai đoạn chuyển tiếp. Tuyên bố này làm Damas thịnh nộ. Chính quyền Syria báo tin với đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura là phái đoàn chính phủ « không đến Genève kịp ».

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc thông báo với Hội Đồng Bảo An là « chính phủ Syria chưa xác định là có tham gia hay không. Chúng tôi đang chờ họ sẽ đến, nhất là sau cuộc hội kiến giữa tổng thống Assad và tổng thống Putin tại Sotchi » hồi tuần trước.
Chính trong cuộc hội kiến này, tổng thống Nga muốn mọi việc được tiến hành tốt đẹp. Nhân vật chủ động trong hồ sơ Syria muốn tổ chức một hội nghị tập hợp chính quyền Damas và các phe đối lập, cũng như các đồng minh liên hệ : Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong kịch bản này, Liên Hiệp Quốc chỉ còn đóng vai phụ. Staffan de Mistura biết rõ như thế. Ông nhấn mạnh với Hội Đồng Bảo An là con đường hòa giải duy nhất phải đi ngang Liên Hiệp Quốc.

Dưới sự thúc đẩy của Pháp, năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An phải họp vào ngày hôm nay tại Genève." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Bị TT Trump tấn công qua Twitter, phía Dân Chủ hủy họp ở Tòa Bạch Ốc

Thành phần lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Quốc Hội Mỹ loan báo quyết định hủy cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc với Tổng Thống Donald Trump sau khi bị ông tấn công qua Twitter.

Vào sáng sớm ngày Thứ Ba, Tổng Thống Trump gửi tweet, nói rằng ông “không thấy có thể  đạt thỏa thuận” với trưởng khối thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer, và trưởng khối thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện, Dân Biểu Nancy Pelosi.

Ông Trump nói rằng phía Dân Chủ “muốn để thành phần di dân bất hợp pháp tràn vào đất nước chúng ta, yếu đuối trong lãnh vực chống tội phạm, và muốn tăng thuế cao.”

Ông Schumer và bà Pelosi đáp trả bằng cách kêu gọi có cuộc thảo luận với thành phần lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội.

Hai vị này nói rằng “do việc tổng thống không thấy có thể đạt thỏa thuận giữa phía Dân Chủ và Tòa Bạch Ốc, chúng tôi tin rằng con đường tốt nhất để tiến tới là tiếp tục thương thảo với các bạn đồng viện phía Cộng Hòa tại Quốc Hội.”

Quốc Hội hiện đang đối diện với hạn định phải thông qua được một đạo luật ngân sách tạm thời vào ngày 8 Tháng Mười Hai tới đây để không làm gián đoạn hoạt động của chính phủ liên bang.

Lời kêu gọi của phía Dân Chủ cũng nói rằng “chúng ta không còn thời giờ để phí phạm.” - nguoiviet
|
|

13.
TT Trump đến Thượng viện vận động cho dự luật cải cách thuế

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba 28/11 đến Điện Capitol để gặp các đảng viên Cộng hòa trước khi Thượng viện biểu quyết luật cải cách thuế trong tuần này.

Ngày hôm trước, Tổng thống Trump bày tỏ lạc quan về triển vọng dự luật thuế sẽ được Thượng viện thông qua. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ được nhiều người hưởng ứng. Tinh thần chúng ta rất cao. Tôi sẽ nói với quý vị rằng các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ tiến lên, nếu thắng, chúng ta sẽ thuyết phục được một số thành viên đảng Dân chủ ngả về phía chúng ta. Nếu chúng ta thua, họ sẽ không đi theo chúng ta, quý vị biết rồi đó. "

Sau cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa xác nhận ý định bỏ phiếu thuận cho một kế hoạch cải cách thuế triệt để vào cuối tuần này để cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, tạm thời giảm thuế thu nhập và góp thêm hơn 1 nghìn tỷ đôla vào ngân sách nợ quốc gia.

Vào đầu tháng này, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật khác về cải cách thuế. Nếu Thượng viện thông qua dự luật trong tuần này, thì hai dự luật sẽ được kết hợp thành một dự luật thống nhất, được hai viện đồng thuận trước khi chuyển qua cho tổng thống ký thành luật.

Các thành viên đảng Dân chủ đang dồn mọi nỗ lực làm việc để chống lại dự luật này. - VOA
|
|

14.
Hawaii thử lại báo động hạt nhân thời Chiến tranh lạnh

Hawaii trong tuần này sẽ bắt đầu áp dụng lại hệ thống báo động có tấn công hạt nhân trên toàn bang và được thử mỗi tháng như thời Chiến tranh lạnh sau gần 30 năm ngưng hoạt động, trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp cho biết như vậy hôm thứ Hai 27/11.

Còi báo động có máy bay tấn công sẽ rền vang lên khoảng 60 giây tại hơn 400 địa điểm đặt trên khắp các đảo của tiểu bang trung Thái Bình Dương này, bắt đầu lúc 11:45 giờ sáng thứ Sáu 1/12. Báo động thử như vậy được lập lại vào ngày làm việc đầu tiên của mỗi tháng trong thời gian tới, giới hữu trách bang Hawaii thông báo.

Trong thực tập hàng tháng báo động có tấn công hạt nhân này, tiếng còi hụ nổi lên, kèm theo là tiếng nói hướng dẫn công chúng “vào trong nhà và ở bên trong nhà, và chú ý theo dõi tình hình.”

Trưởng cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii, ông Vern Miyagi nói trong một thông báo bằng video được đăng trên mạng: “Trong chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp, phải biết mình cần gì, và phải biết đối phó như thế nào trong mọi tình huống nguy hiểm.” Ông Miyagi không đề cập cụ thể đến Triều Tiên.

Nhưng hệ thống báo động tấn công hạt nhân, đã ngưng hoạt động từ những năm 1980 khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sẽ được kích hoạt lại trong bối cảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo hồi gần đây mà được cho là có khả năng bắn đến bang Hawaii, người phát ngôn của cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Arlina Agbayani nói với hãng thông tấn Reuters.

Trong trường hợp có một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân thực sự phóng từ Triều Tiên đến Hawaii, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ sẽ ra lệnh cho cơ quan quản lý khẩn cấp của bang Hawaii nổi còi báo động để người dân sẽ có được từ 12 đến 15 phút để sơ tán, theo ước tính giới hữu trách tiểu bang.

Trong trường hợp đó, cư dân được khuyên nên “trú ẩn trong nhà hoặc những công trình xây dựng lớn.” Mặc dù không có những nơi trú ẩn được thiết kế đặc biệt cho khi bị tấn công hạt nhân, ở trong nhà vẫn là cách tốt nhất đế hạn chế phơi nhiễm phóng xạ. - VOA
|
|

15.
Hoàng tử Harry sẽ làm rể nước Mỹ

Hoàng gia Anh ngày 27/11 chính thức thông báo rằng Hoàng tử Harry sẽ cưới diễn viên Mỹ Meghan Markle vào mùa Xuân năm tới.

Thông báo của Văn phòng Thái tử Charles, bố Hoàng từ Harry, nói ông “vui mừng thông báo lễ đính hôn của Hoàng tử Harry và cô Meghan Markle”.

“Đám cưới sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2018. Chi tiết sẽ về đám cưới sẽ được thông báo sau”, thông cáo viết tiếp.

Thông báo cho biết thêm rằng Hoàng tử Harry và diễn viên Meghan Markle đã đính hôn vào đầu tháng này và thông tin về đám cưới của họ đã được thông báo rộng rãi trong hoàng gia và nhận được sự chúc phúc từ bố mẹ của cô Meghan.

“Mưa” chúc mừng

“Chúng tôi vui mừng tột độ cho đôi trẻ và cầu chúc chúng hạnh phúc suốt đời”, bố mẹ Meghan nói trong thông cáo chính thức.

Trong khi đó, Nữ hoàng Elizabeth và phu quân cũng bày tỏ “vui mừng” trước tin tức đám cưới. Bố và mẹ kế của Harry nói họ “hồi hộp” và “thực sự vui” cho đôi trẻ.
Hoàng tử William, anh trai của Harry, và vợ là Kate, Công nương xứ Cambridge, nói: “Chúng tôi rất vui mừng cho Harry và Meghan. Thật tuyệt vời khi được biết Meghan và nhìn thấy cô ấy hạnh phúc như thế nào với Harry”.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất và nói: “Với cương vị cá nhân và thay mặt cho Chính phủ và cả nước, tôi chúc họ hạnh phúc trong tương lai”.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron cũng gửi lời chúc mừng đôi tình nhân trên trang Twitter. Ông nói: “Chúc mừng Hoàng tử Harry và Meghan Markle. Một tin tuyệt vời và tôi chúc họ sống lâu và hạnh phúc cùng nhau”. - VOA
|
|

16.
Cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump được bảo vệ như tổng thống ở Ấn Độ

Ấn Độ tăng cường thêm 10 ngàn nhân viên an ninh trong thời gian bà Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Toàn cầu (GES), diễn ra tại thành phố Hyderabad, miền Nam Ấn Độ, bắt đầu từ ngày 28 tháng 11.

Ái nữ Ivanka của Tổng thống Trump, đồng thời cũng là cố vấn của Nhà Trắng sẽ phát biểu về sức mạnh của phụ nữ trong kinh doanh và nhấn mạnh đến sự phát triển trong mối ban giao giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ tại Hội nghị này.

Bà Ivanka Trump cũng sẽ tham dự dạ tiệc ở Falaknuma Palace và có thể có mặt tại hội chợ ở thánh đường Hồi giáo Charminar, biểu tượng của thành phố Hyderabad.

Cảnh sát Ấn cũng đã dẹp hàng trăm người ăn xin với lý do để thông thoáng đường phố và không làm tắt nghẽn giao thông.

Indian Express dẫn lời của giới chức Ấn Độ cho biết có hơn 10 ngàn nhân viên an ninh Ấn, bao gồm lực lượng chống khủng bố và cảnh khuyển được huy động để bảo vệ Hội nghị và bảo vệ bà Ivanka Trump theo mức độ bảo vệ tổng thống.

Trong khi đó, hãng thông tấn AFP dẫn nguồn từ CNN, trích lời của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ không cử bất cứ quan chức ngoại giao cấp cao nào của Hoa Kỳ tháp tùng cùng bà Ivanka Trump vì không muốn đề cao vai trò của bà trong chuyến đi lần này đến Ấn Độ.

Mặc dù vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ sẽ cùng có mặt với bà Ivanka Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Tòa cầu (GES) với sự tham dự của hơn 1200 doanh nghiệp đến từ 150 quốc gia. - RFA
|
|

Tin Việt Nam

17.
‘Củi tươi’ Đinh La Thăng sắp bị ném vào lò? - - - Ông Trọng muốn ‘xử’ Trịnh Xuân Thanh, Đức lên tiếng

Ông Đinh La Thăng, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn, người đứng sau vụ “mất trắng” 800 tỉ đồng của Petro Vietnam (PVN) lại thấy bóng dáng trong một vụ “đại án” sắp được lôi ra xét xử vào cuối năm nay hay đầu năm tới.

Hôm 25 Tháng Mười Một, 2017, báo chí trong nước đưa tin “Thường Trực Ban Chỉ Đạo” chống tham nhũng của đảng CSVN đã “thống nhất kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.” Chủ tọa phiên họp là ông Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

Theo báo chí trong nước, các phiên tòa xét xử từ nay đến cuối năm 2017 tới Tháng Giêng và đầu Tháng Hai năm 2018 gồm các “đại án”: vụ Trịnh Xuân Thanh từ Đức độn thổ về Việt Nam “thú tội” “tham ô tài sản,” vụ góp vốn 800 tỷ đồng nay đã “mất trắng” của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) vào Ngân Hàng Đại Dương (Oceanbank), vụ Phạm Công Danh và đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại 4 ngân hàng bao gồm Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam, Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân Hàng Tiên Phong, Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam, và vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm được xử thêm phần “hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của hội đồng xét xử.”

Riêng về vụ án PVN mất trắng 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank) cho tới nay, phần lớn các xếp lớn nhất của tập đoàn này đã vào tù. Người thì đã có án như ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc rồi chủ tịch PVN, nguyên tổng giám đốc Ocean Bank, đã bị kết án tử hình hồi Tháng Chín năm 2017, những ông khác mới bị tạm giam và cũng mới chỉ thấy ra tòa làm nhân chứng trong vụ xử ông Nguyễn Xuân Sơn.

Cá nhân ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội Đồng Thành Viên và chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn PVN (2005-2011) tức người nắm quyền sinh sát trong tay, cho tới giờ này vẫn chỉ thấy thỉnh thoảng đề cập tới một vài tờ giấy làm bằng chứng cho các căn cứ để các thuộc cấp của ông mang tội “cố ý làm trái…” hay “tham ô.”

Ông Đinh La Thăng, sau khi rời PVN đã được đôn lên làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải (2011-2016) rồi trong kỳ đại hội đảng đầu năm 2016, đã được bầu vào Bộ Chính Trị và được đưa về làm bí thư Thành Ủy Sài Gòn. Đường hoạn lộ của ông tưởng đến đây là bảo đảm an toàn cho đến khi “hạ cánh an toàn.”

Một đảng viên của thành phố Sài Gòn bật mí rằng “một bộ phận không nhỏ” đảng viên về tham dự đại hội đảng Tháng Giêng 2016 tại Hà Nội đã nhận được quà của ông Đinh La Thăng mà nhờ đó, ông đắc cử vào Bộ Chính Trị. Nghe nói số “quà” ông vung ra để mua phiếu lên đến hàng trăm tỉ đồng Việt Nam. Cái ông nói nhỏ cái vụ này cho biết cá nhân ông hạng tép riu nên chi “cầm về nhà” được có 80 triệu đồng.

Ông Đinh La Thăng, sau màn “kỷ luật” hồi cuối Tháng Tư 2017, bị gạt ra khỏi cái ghế trong Bộ Chính Trị và mất luôn cái ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn. Tuy vậy, ông lại được đưa về Hà Nội ngồi chơi xơi nước với cái chức hàm “phó ban kinh tế trung ương” trong khi nhiều thuộc cấp của ông đi tù.

PVN mất trắng 800 tỉ đồng góp vốn vào Ngân Hàng Ocean Bank sau khi ngân hàng này lỗ, thất thoát 15,000 tỉ đồng, sửa soạn sập tiệm thì Ngân Hàng Nhà Nước nhảy vào mua lại với giá zero đồng.

Ngay trong khi xét xử vụ OceanBank, Bộ Công An đã khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng, dự trù sắp ra tòa.

Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng kinh tế xảy ra tại Ngân Hàng Ocean Bank trong đó có 5 người bị khởi tố gồm Nguyễn Xuân Sơn – nguyên chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh – phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm – nguyên thành viên HĐTV PVN; Vũ Khánh Trường – nguyên ủy viên HĐQT PVN.

Trong phiên họp vào các ngày 24 đến 26 Tháng Tư, 2017, ở Hà Nội, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN đã đề nghị “Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng” với các tội vi phạm quy chế về góp vốn của tập đoàn PVN vào một tổ chức tín dụng (OceanBank), vi phạm các quy định của chính phủ khi đư ra các nghị quyết, quyết định “chỉ định thầu” nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Trong 12 đại dự án kỹ nghệ gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng đang “đắp chiếu” vì tham nhũng và nhiều lý do khác, có 5 dự án là của PVN mà ông Đinh La Thăng cầm đầu tập đoàn. Những người cầm đầu trực tiếp các dự án này, ít kẻ trốn ra nước ngoài, nhiều người đang nằm trong các nhà tù. Riêng ông Thăng thì chưa.

Trong khi bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn, hồi giữa Tháng Chín năm 2017, Luật Sư Nguyễn Minh Tâm nêu ý kiến cho rằng, Viện Kiểm Sát đã bỏ qua những chi tiết quan trọng “đẩy” Nguyễn Xuân Sơn vào con đường chết.

Luật Sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7 Tháng Chín 2010 do Chủ Tịch HĐTV Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký. Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm: cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau, theo Infonet tường thuật.

Trong những phiên tòa tới đây, liệu “củi tươi” Đinh La Thăng vẫn an toàn hay bị quăng vào lò? Không chỉ liên quan đến 800 tỉ đồng mất trắng, thời gian gần đây, ông Đinh La Thăng còn bị cáo buộc liên quan đến các dự án “BOT” chỉ định thầu thu phí cầu đường và cả vấn đề cắt đặt nhân sự. - nguoiviet

***
Phía Đức hôm 27/11 đã phản hồi sau khi Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn “khẩn trương” xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh.

Hai ngày trước đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu phải nhanh chóng đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh, mà ông nói là “đặc biệt”, ra “xét xử công khai trước Tết”, tức trước tháng Hai năm 2018, theo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trả lời VOA tiếng Việt, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức nói rằng chính quyền Berlin “hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam” về vụ ông Thanh.

Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói: “Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược”.

Khi bùng lên tin Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh ở Berlin, Đức từng yêu cầu Việt Nam cho ông Thanh quay trở lại quốc gia Tây Âu này để tiếp tục quá trình xin tị nạn.
Nhưng trong tuyên bố tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược hôm 22/9, Berlin yêu cầu phiên xử ông Thanh “phải được tiến hành theo pháp quyền và mở cửa cho các quan sát viên quốc tế”.

Lần cuối cùng ông Thanh xuất hiện là khi Đài Truyền hình Việt Nam đăng đoạn video ông “đầu thú” hồi đầu tháng Tám để “được hưởng sự khoan hồng của đảng, nhà nước và pháp luật”.

Tuy nhiên, sau đó, bà Petra Isabel Schlagenhauf, nữ luật sư đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức cho biết rằng thân chủ của mình từng “lo sợ cho tính mạng” và rằng “không có chuyện ông tự thú như vậy”.

VOA Việt Ngữ đã đề nghị bà Schlagenhauf bình luận về thông tin Việt Nam đưa ông Thanh ra xét xử vào đầu năm 2018, nhưng chưa nhận được câu trả lời của bà.
Hiện vẫn chưa rõ cựu quan chức cấp tỉnh này đang bị giam ở đâu và có luật sư bào chữa hay không.

Theo giới quan sát, việc Việt Nam “bắt” ông Thanh ở Berlin không thể được thực hiện nếu không có giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam “bật đèn xanh”.

Tên của ông trước đó đã nhiều lần được đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng nói rằng cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang “ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu”, theo báo chí trong nước.

Với vai trò đầu đàn của ông Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến chống vấn nạn này dường như đang gia tăng cường độ.

Trong cuộc họp hôm 25/11, Ban này đã “thống nhất kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý một năm 2018”. - VOA
|
|

18.
RSF lên án bản án của nhà hoạt động Nguyễn Văn Hoá - - - Việt Nam kết án nhà hoạt động trẻ 7 năm tù

Phóng viên Không biên giới RSF ngày 27/11 loan báo kế hoạch tiếp tục chiến dịch kêu gọi chấm dứt đàn áp nhân quyền tại Việt Nam sau khi một blogger kiêm ký giả công dân 22 tuổi bị tuyên án nặng nề tại Hà Tĩnh.

“Chúng tôi hết sức quan ngại trước tình trạng Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng,” bà Margaux Ewen, Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, nói với VOA Việt ngữ cùng ngày.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở chính tại Pháp nêu rõ bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho anh Nguyễn Văn Hóa trong phiên xử kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 27/11 đã đưa nhà hoạt động trẻ này vào danh sách dài gồm các blogger bị đàn áp tại Việt Nam.

Báo điện tử Hà Tĩnh của nhà nước Việt Nam nói anh Hóa đã sử dụng Facebook để gieo rắc tuyên truyền phản động chống lại chính sách của đảng cộng sản và nhà nước thông qua các bài viết, video, và hình ảnh có nội dung tiêu cực.

Nguyên nhân chính khiến nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị bắt đầu năm nay là do anh tường thuật về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung và làm kiệt quệ đời sống của hàng ngàn ngư dân Việt, theo RSF.

Blogger này đã dùng kỹ thuật camera trên thiết bị bay điều khiển từ xa để ghi hình các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng phản đối Formosa rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội.

“Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án hoàn toàn bất xứng này,” ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF cho biết trong thông cáo báo chí cùng ngày.

“Ngay cả gia đình anh Hóa cũng không được thông báo về phiên xử. Động thái triệt để đó càng cho thấy Việt Nam nhất mực không dung chấp bất kỳ một tự do tường trình nào cả. Các đối tác thương mại của Việt Nam nên rút ra kết luận tương ứng,” ông Bastard nhấn mạnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về nhân quyền Việt Nam và đề cập vấn đề này với các đối tác làm ăn với Việt Nam như EU và Mỹ,” Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, bà Ewen, cho VOA Việt ngữ biết.

Việt Nam lâu nay nhất mực khẳng định không có gì là bất hợp pháp khi tống giam các nhân vật bị Hà Nội xem là ‘phạm nhân’, là ‘vi phạm luật pháp’, những người mà quốc tế gọi là tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động cổ súy cho dân chủ-nhân quyền một cách ôn hòa.
Giám đốc Vận động và Truyền thông của Phóng viên Không biên giới, nói: “Có những quy chuẩn quốc tế rằng dân chúng được quyền loan truyền tin tức và bày tỏ ý kiến một cách tự do, theo điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chính quyền Việt Nam nên nhớ rằng trong nhiều năm qua, họ xếp gần chót bảng trong Chỉ số Tự do Báo chí của RSF. Nếu họ muốn cải thiện điểm số này, họ nên đối xử với blogger bằng sự tôn trọng, cho phép blogger truyền tải tin tức, vốn là điều rất hữu ích cho dân chúng Việt Nam.”

Cũng lên tiếng về thảm họa môi trường Formosa, tháng 6 năm nay, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) đã bị Việt Nam tuyên án 10 năm tù về cùng tội danh, ‘tuyên truyền chống nhà nước.’

Luật sư của Mẹ Nấm, ông Võ An Đôn, vừa bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên chỉ 4 hôm trước phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 30/11 tới đây. Hành động đó, theo RSF, nhằm ngăn không cho luật sư Đôn truyền tải thông tin về vụ án.

Phóng viên Không biên giới cho biết trong khuôn khổ chiến dịch kêu gọi nhân quyền cho người dân Việt Nam (#StopTheCrackdownVN) do RSF và các tổ chức phi chính phủ khác tiến hành nhằm phản đối các vi phạm về tự do báo chí, một phái đoàn vận động hôm 22 và 23/11 đã gặp các thành viên Nghị viện Châu Âu tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về số phận của các blogger tại Việt Nam và khả năng Nghị viện Châu Âu có thể ra nghị quyết khẩn về tình trạng Việt Nam.

Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện, Việt Nam xếp gần chót, ở vị trí 175 trên 180 quốc gia được khảo sát. - VOA

***
Tòa án Nhân dân Hà Tĩnh sáng 27/11 đã tuyên phạt nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, theo hãng tin Reuters.

Từ tỉnh Phú Yên, luật sư Võ An Đôn, người vốn từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động ở trong nước, nhận định với VOA tiếng Việt:

“Mức án như vậy là quá nặng. Hóa là một thanh niên trẻ tuổi và đã có những bài viết nói lên sự thật mà bị xử phạt 7 năm tù là quá nặng. Ngoài ra, việc không có luật sư tham gia bào chữa là hoàn toàn bất lợi cho anh ấy.”

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc ngay được với đại diện Tòa án Nhân dân Hà Tĩnh để xác nhận thông tin về việc anh Hóa không có luật sư bào chữa.

Hãng tin AP nói rằng anh Hóa, 22 tuổi, đã thực hiện các video trực tuyến và trả lời phỏng vấn quốc tế liên quan đến thảm họa môi trường Formosa xảy ra tại các tỉnh miền trung Việt Nam.

Vào tháng Tư năm nay, Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cáo buộc nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa đã "nhận 1.500 đôla mỗi tháng từ các đài, trang mạng nước ngoài để viết phóng sự xuyên tạc, kích động" về vụ Formosa.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Truyền thanh Truyền hình Mỹ (BBG) xác nhận rằng anh Hóa làm cộng tác viên Ban Việt Ngữ của Đài Á châu Tự do từ mùa hè năm 2016, đến tháng 1 năm 2017 thì bị chính quyền Hà Tĩnh bắt theo điều 258, “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Truyền thông Việt Nam trích bản cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Hà Tĩnh nói rằng từ năm 2013 đến năm 2017, anh Hóa “đã chủ mưu lập ra các tài khoản trên mạng xã hội đăng tải các thông tin nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, kích động, nói xấu chính quyền, nói xấu Đảng rồi truyền bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội.”

Theo cáo trạng, “từ các tài khoản trên mạng xã hội do mình lập ra, [anh] Nguyễn Văn Hóa chia sẻ, gửi hình ảnh, bài viết về các vấn đề về tai nạn, biểu tình, tụ tập đông người, những vấn đề “nóng” trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cho các tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức phản động.”

Báo Công an Nhân dân hôm 27/11 nói rằng nhà hoạt động trẻ đã “bịa đặt tuyên truyền những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước." - VOA
|
|

19.
Ngân sách CSVN 2018: Thâm thủng nhiều hơn để nuôi chế độ

Ngân sách của nhà nước CSVN năm 2018 tiếp tục phình ra to hơn những năm trước và tỉ lệ bội chi cũng nhiều hơn trước của cái chính phủ tự khoe là “chính phủ kiến tạo.”

Quốc Hội CSVN chấm dứt khóa họp thứ hai trong năm nay hồi cuối tuần qua với những lời xưng tụng là “hoàn thành tốt đẹp” khóa họp với kết quả chỉ là bàn cãi chiếu lệ, chất vấn chiếu lệ các “quyết sách” của nhà nước nhưng thật ra là chủ trương của đảng CSVN.

Một trong những nhiệm vụ chính của khóa họp này là thông qua dự toán ngân sách năm 2018 chỉ thấy được báo chí thuật lại với những con số hết sức vắn tắt dù chế độ rêu rao “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.”

Người ta chỉ thấy bản dự toán ngân sách năm 2018 được nêu ra vắn tắt gồm tổng thu dự trù 1,319,200 tỉ đồng trong khi dự chi lên đến 1,523,200 tỉ đồng. Tức là bội chi ngân sách 204,000 tỉ đồng, tương đương 3.7% GDP (tổng sản lượng quốc gia).

Người ta không hề thấy đề cập hay nêu ra các con số về phân bổ ngân sách là bao nhiêu cho quốc phòng, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, đầu tư phát triển, v.v… và cũng không hề thấy có cuộc thảo luận nào về ngân sách được đề cập trên mặt báo chí trong nước ngoài loan báo các con số tổng quát.

Trên trang mạng chinhphu.vn, người ta chỉ thấy có “Bản cân đối ngân sách nhà nước năm 2017” với tổng thu ước lượng 1,212,180 tỉ đồng, tổng chi 1,390,480 tỉ đồng. Như vậy, thâm thủng ngân sách năm 2017 phỏng định là 3.5% GDP. Trong đó, người ta không thấy nêu ra bất cứ con số nào ngân sách dành cho an ninh và quốc phòng.

Đối chiếu hai bản ngân sách 2017 và 2018, thấy ngân sách năm 2018 phình ra to hơn năm 2017 và tỉ lệ bội chi cũng cao hơn. Ngoài các mục “chi thường xuyên” để nuôi guồng máy cồng kềnh của chế độ, một số tiền của ngân sách nhà nước khoảng 276,000 tỉ đồng phải để trả nợ cả tiền gốc lẫn tiền lời cho các khoản vay để đầu tư các cơ sở hạ tầng và các khoản vay nhà nước bảo lãnh.

Năm nay, các khoản nợ ngày một phình to ra, nhà nước phải dành số tiền lớn hơn để trả nợ. Sang năm, chế độ Hà Nội sẽ phải vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363,284 tỷ đồng. Nợ công ngày một đè nặmh lên đầu mọi người dân từ nhỏ đến lớn.

Giữa năm ngoái, ngày 12 Tháng Sáu 2017, báo chí trong nước qua tờ điện tử VietNamNet kêu rằng: “Không phải bây giờ, gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy hành chính ở Việt Nam mới được nhắc đến. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo: Không một ngân sách nào có thể kham được một bộ máy hành chính lớn như Việt Nam.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan được báo trong nước hồi năm ngoái thuật lời cho hay cứ 40 người dân phải nuôi một ông bà công chức. Tờ Lao Động ngày 29 Tháng Mười 2017 cũng kể rằng: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2.8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Mỹ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2.1 triệu. Cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức.”

Thật ra, bà Phạm Chi Lan chỉ nói đến guồng mày hành chính công quyền từ trung ương xuống các địa phương. Tờ Trí Thức Trẻ ngày 7 Tháng Giêng, 2017, nói nếu kể tất các tổ chức đảng và ngoại vi, hội nọ, hội kia, từ trung ương tới địa phương, những người nghỉ hưu đều cũng phải nuôi bằng ngân sách nhà nước, thì tổng số người mà toàn dân phải è cổ cõng tất cả là 11 triệu người. Tính ra, cứ hơn 8 người dân là phải nuôi một ông bà quan chức của chế độ, dù có làm hay ngồi ở nhà. - nguoiviet
|
|

20.
Luật sư Võ An Đôn có thể phải ở nhà ‘làm nông’

Luật sư Võ An Đôn cho biết rằng ông có thể sẽ phải ở nhà “làm nông”, sau khi bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên trước phiên xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm.
Trả lời VOA Việt Ngữ tối 27/11, ông Đôn cho biết rằng ông vừa nhận được quyết định kỷ luật của ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.

Luật sư từng bào chữa cho nhiều người dân “thấp cổ bé họng” này nói thêm:

“Hôm 26/11, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã họp và ra quyết định và xóa tên tôi. Hai lý do cơ bản là cho rằng tôi phỏng vấn các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư. Họ quy chụp như vậy để loại tôi ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên. Hai lý do này hoàn toàn không hợp lý, vô căn cứ, vì quyền trả lời phỏng vấn là tự do ngôn luận được hiến pháp quy định.”

Theo luật sư Đôn, lý do mà Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra trong một thông báo gửi cho nêu rằng ông đã “vi phạm Luật Luật sư, quy tắc đạo đức, và ứng xử nghề nghiệp.”

Luật sư Đôn hôm 27/11 viết trên Facebook: “Quyết định này có hiệu lực ngay, kể từ đây ước mơ làm luật sư bào chữa cho dân nghèo và người cô thân yếu thế của tôi coi như chấm dứt, để lại nhiều vụ án oan đang làm dở dang.”

Theo Luật sư Đôn, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên “không làm tròn nghĩa vụ cao cả của mình là bảo vệ luật sư”, mà “làm theo sự chỉ đạo từ phía an ninh.”

Luật sư Đôn nói việc xóa tên nhanh chóng như thế là nhằm mục đích không cho ông tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm – tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tại phiên tòa phúc thẩm, dự kiến diễn ra ngày 30/11/2017.

Ông Đôn nói tiếp:

“Hôm qua là ngày Chủ nhật mà Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã đưa ra một hình thức kỷ luật hết sức nhanh chóng, không mời tôi tham gia. Tôi nghe bên Đoàn Luật sư nói là ở cấp trên, tức là bên An ninh chỉ đạo ráo riết ở kỷ luật tôi trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) xử vào ngày 30/11.

“Cách nay một tuần tôi có vào tù thăm Blogger Mẹ Nấm thì nữ blogger có chuyển lời cho tôi biết là một luật sư khác cho cô biết nếu cô đồng ý nhận tội và từ chối tôi bào chữa thì sẽ được giảm án rất nhiều. Mẹ Nấm cho tôi biết là sẽ không nhận tội và tiếp tục nhận tôi là luật sư bào chữa. 

Họ xóa tên tôi trước ngày bào chữa là một trong những lý do đó,” ông nói tiếp.

Từ Hà Nội, Luật Trần Vũ Hải viết trên Facebook: “Luật sư Đôn An Võ cần khiếu nại quyết định kỷ luật vô lý này ngay lên Liên đoàn Luật sư Việt nam (LĐLS) và đề nghị LĐLS ra quyết định tạm thời đình chỉ quyết định xoá tên của ĐLS tỉnh Phú Yên. 

Chúng tôi hy vọng Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt nam sẽ sáng suốt hơn và do không chịu áp lực của mấy đồng chí nội chính và an ninh địa phương sẽ ra một quyết định đúng đắn, không tạo tiền lệ xấu cho mấy ông kẹ địa phương tìm cách chơi xấu các luật sư mà họ không ưa.”

Luật sư Đôn nói với VOA rằng nếu Liên đoàn Luật sư Việt nam một mực bảo lưu quyết định của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên thì phần chắc ông sẽ ở nhà “làm nông.”

Trong khi đó, luật sư Lê Công Định ở thành phố Hồ Chí Minh bình luận trên Facebook: “Nỗi ô nhục của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa là đây khi cường quyền gây áp lực để các luật sư quỳ gối chấp nhận bức hại đồng nghiệp mình.”

Luật sư Định còn đề nghị Luật sư Đôn cân nhắc thành lập Liên Đoàn Luật sư Tự do Việt Nam để đối trọng với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam do nhà nước quản lý.

Trước đó, theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên gửi ngày 17/8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh “có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư” cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với “các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam.” - VOA
|
|

21.
‘Lỗi đánh máy’ vụ cấm thẻ đảng viên lên máy bay

Quan chức hàng không Việt Nam hôm 27/11 đã nhanh chóng lên tiếng đính chính sau khi báo chí đồng loạt đưa tin rằng thẻ đảng viên là một trong các loại giấy tờ không được sử dụng để lên máy bay kể từ đầu năm 2018.

Trước đó, nhiều tờ báo trong nước dẫn một thông tư liên quan tới an ninh hàng không mới được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ký ban hành hôm 27/11 nói rằng ngoài thẻ đảng viên, “hành khách có quốc tịch Việt Nam từ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi máy bay trên các chuyến bay nội địa không được sử dụng các giấy tờ như thẻ nhà báo, giấy phép lái xe môtô, ôtô, thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay để thay giấy tờ nhân thân như trước đây”.

Theo quy định, để làm thủ tục, hành khách mang quốc tịch Việt Nam “phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ đại biểu quốc hội; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia”.

Sau khi thông tư mới gây nhiều phản ứng trên mạng xã hội, VnExpress dẫn lời lãnh đạo Cục Hàng không thừa nhận rằng quy định về giấy tờ tuỳ thân khi đi máy bay bị ban hành sai do “sơ suất của cán bộ đánh máy”.

Báo điện tử này trích lời ông Đinh Việt Sơn, Cục phó Hàng không, nói: “Ngay sau khi báo chí đăng tải ngày 27/11, chúng tôi đã rà soát và phát hiện ra lỗi đánh máy trong văn bản đề xuất Bộ Giao thông. 

Chúng tôi nhận trách nhiệm sai sót thuộc về đơn vị soạn thảo Thông tư và sẽ xem xét kiểm điểm một số cán bộ liên quan”.

Từ trước tới nay, theo quy định, hành khách mang quốc tịch Việt Nam được phép xuất trình thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, và giấy phép lái xe khi đi máy bay.

“Lỗi đánh máy” là từ khóa “hot” trong vài năm qua sau vụ cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam phải xin lỗi vì làm sai lệch nội dung nghiêm trọng trong một bài viết do “sai sót trong khâu đánh máy”.

Còn tin về thẻ đảng gần đây xuất hiện nhiều trên mạng xã hội sau vụ một người đàn ông bị kết án ba năm tù về tội ấu dâm dọa tự thiêu và đốt thẻ vốn được nhiều người coi là “lá bùa hộ mệnh” ở Việt Nam. - VOA
|
|

22.
Ủy ban sông Mekong đã thất bại

Ủy ban sông Mekong đã thất bại trong việc thực thi sứ mạng của mình để bảo đảm sự phát triển của dòng sông này.
Đó là tuyên bố của Liên minh cứu sông Mekong trong bức thư gửi Ủy ban sông Mekong vào ngày 27 tháng 11, năm 2017, ngay trước kỳ họp lần thứ 24 của Ủy ban này từ hôm nay 28 đến ngày 30 tháng 11, năm 2017.

Bức thư này được gửi đến các vị Bộ trưởng Môi trường hoặc Bộ trưởng những lĩnh vực liên quan đến môi trường của các quốc gia thành viên Ủy ban sông Mekong là Việt Nam, Campuchia, Lào, và Thái Lan, và đồng kính gửi ông Phạm Tuấn Phan, Trưởng Ban thư ký Ủy ban sông Mekong.

Liên minh cứu sông Mekong cho rằng ý kiến của các nhà khoa học về sông Mekong đã không được coi trọng, cũng như ý kiến của các cộng đồng cư dân đã không được lắng nghe khi thực hiện các dự án trên sông Mekong.

Bức thư đề nghị Ủy ban sông Mekong cải cách các thủ tục và qui trình để tạo điều kiện cho sự tham gia của cư dân sống ven bờ sông Mekong có hiệu quả.

Liên minh cứu sông Mekong kêu gọi dừng ngay việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong vì những đập này sẽ làm ảnh hưởng đến lượng cá trên sông, là nguồn thực phẩm của hàng triệu người sống dọc sông này.

Theo ước tính của Liên minh cứu sông Mekong, nếu các dự án đập thủy điện được thực hiệp sắp tới đây, tổng lượng cá đánh bắt được sẽ giảm từ 26 đến 42%.
Các đập thủy điện này cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi sản xuất hơn phân nửa lượng gạo của cả nước và nuôi sống 145 triệu người châu Á.

Liên minh cứu sông Mekong đưa ra những biện pháp có thể thay thế cho các đập thủy điện đó là năng lượng gió và mặt trời. Liên minh nhấn mạnh là việc thay thế này ngày càng dễ thực hiện vì kỹ thuật cũng như các thiết bị để sản xuất điện từ gió và mặt trời ngày càng rẻ.

Sông Mekong dài hơn 4000 cây số, là một trong những con sông quan trọng của châu Á và thế giới. Sông này chảy qua sáu quốc gia là Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Ủy ban sông Mekong được thành lập vào năm 1957, do các nước vùng hạ du là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, nhằm hợp tác phát triển giửa các quốc gia này trong việc chia sẻ nguồn nước, thực hiện các dự án chung nhằm tránh những xung đột về quyền lợi với nhau.

Trong vài năm gần đây người ta cho rằng Ủy ban sông Mekong đã bất lực trong việc phát triển con sông một cách bền vững, Ủy ban đã không thể làm gì được khi Trung quốc, một quốc gia không phải là thành viên,  xây dựng hàng chục con đập lớn trên thượng nguồn, cũng như cũng không làm gì được khi nước Lào, một quốc gia thành viên của Ủy ban sông Mekong xây dựng những con đập khổng lồ trên con sông này. - RFA

Link:











No comments:

Post a Comment

View My Stats