Monday, 20 November 2017

ĐIỀU THÚ VỊ NHẤT Ở HỘI NGHỊ XÃ HỘI DÂN SỰ ASEAN NĂM 2017 (Ts Nguyễn Đình Thắng)



Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 19 tháng 11, 2017

Năm nay, BPSOS lần nữa phối hợp đoàn xã hội dân sự Việt Nam tham gia Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN / Diễn Đàn Người Dân ASEAN,  lần thứ 12, tổ chức ở Manila, Philippines. Điều mà tôi lấy làm thú vị nhất lần này là được thủ vai khán giả trong ngày chót, là ngày đọ sức gay cấn nhất với đoàn XHDS quốc doanh do nhà nước Việt Nam gửi sang.

Thật và giả

Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN / Diễn Đàn Người Dân ASEAN, viết tắt là ACSC/APF (ASEAN Civil Society Conference / ASEAN People’s Forum), được tổ chức hàng năm bởi cộng đồng các tổ chức XHDS Đông Nam Á. Năm nay là năm thứ 12.

Từ 2008, nhà nước Việt Nam năm nào cũng gởi đoàn tham gia ACSC/APF để vừa đánh bóng chế độ vừa tìm các cấp khoản của quốc tế. Đoàn này gồm nhiều tổ chức trực thuộc đảng và nhà nước kiểm soát nhưng mạo nhận là xã hội dân sự. Chúng tôi gọi các tổ chức của nhà nước trá hình làm tổ chức xã hội dân sự như vậy là GONGO, viết tắt của chữ government-organized NGO, dịch nghĩa đen là tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức.

Chụp hình lưu niệm tại ACSC/APF 2017

Đoàn XHDS quốc doanh của Việt Nam luôn có 5, 6 tay an ninh và đảng viên gộc điều động và kiểm soát. Nhận diện họ rất dễ vì ngay những người cùng đoàn có vẻ cũng tránh giao tiếp với họ.

Để “lật tẩy” sự mạo nhận này, năm 2009 BPSOS bắt đầu tham gia ACSC/APF. Mục tiêu của chúng tôi là đưa tiếng nói của XDHS thật ở Viêt Nam vào diễn đàn này để rồi chính họ cho quốc tế hiểu rõ hơn về thực trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Những năm đầu đoàn của chúng tôi chỉ có 2, 3 người và tăng dần lên đến 15 người vào năm 2015. Qua năm sau, tại Đông Timor số người tham gia tăng vọt lên 42, gồm 1/3 là đến từ Việt Nam. Đó là lần đầu tiên đoàn XHDS thật đông hơn đoàn quốc doanh gồm khoảng 25 người. Năm nay ở Philippines, đoàn XHDS thật có 45 người, với 16 người đến từ Việt Nam, so với đoàn quốc doanh khoảng trên 20 người.

Sự tăng vọt số người tham gia là kết quả trực tiếp của chương trình “kết nghĩa” trong-ngoài. Chúng tôi mời các cộng đồng và tổ chức XHDS ở trong nước đã tham gia chương trình kết nghĩa đề cử người tham dự, và “nhóm kết nghĩa” ở ngoài nước với cộng đồng hay tổ chức ấy chịu trách nhiệm tài trợ và cử người đi kèm để thông dịch và hướng dẫn.
 
Hội nghị năm 2017

Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều sinh hoạt để giới thiệu xã hội dân sự thật và tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

Bích chương cho chiến dịch NOW

Ngay ngày đầu, chúng tôi công bố danh sách 165 tù nhân lương tâm và phát động chiến dịch NOW! để đòi tự do cho họ. Quầy thông tin của BPSOS đặt ngay tại lối ra vào của hội nghị với một pa-nô rất lớn về tên và hình của các tù nhân lương tâm. Nhiều bạn bè ngoại quốc ghé ngang để chụp hình lưu niệm. Tại đây, chúng tôi phân phối nhãn dán mầu vàng với dòng chữ “NOTAGONGO”, nghĩa là “Không Là Tổ Chức XHDS Quốc Doanh”.

Bé Tri-Ân, 12 tuổi, đang phát nhãn dán “NOTAGONGO” cho khách viếng thăm quầy thông tin
 
Đặc biệt, chúng tôi chủ trương tràn ngập hội nghị với hình ảnh và biểu hiệu của đoàn XHDS thật. Chúng tôi phân phối gần 150 T-shirt với nhiều chủ đề nhân quyền. Ngoài ra, các tình nguyện viên của BPSOS mặc T-shirt và đeo túi xách màu xanh biển với nhãn BPSOS. Nhiều bạn bè ngoại quốc cũng mặt áo T-shirt và đeo túi xách của chúng tôi. Kết quả là chỗ nào cũng thấy người và thông điệp của đoàn XHDS thật. Tương phản, đoàn XHDS giả do nhà nước Việt Nam cử đi thường co cụm lại với nhau ở những góc khuất.

Chúng tôi đã có những màn trình diễn văn nghệ dã chiến tạo nên không khí sôi động trong mấy ngày hội nghị với những bài ca đấu tranh như “Dậy mà đi”, “Tiếng nói dân oan”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” và những bài tình tự quê hương như “Việt Nam Việt Nam”, “Một mẹ trăm con”. Nhiều tham dự viên bu đến quay phim, chụp hình. Đấy là cơ hội để chúng tôi căng biểu ngữ đòi tự do cho tù nhân lương tâm.

Một số buổi họp trong hội nghị được phân theo quốc gia. Trong buổi họp về nhân quyền và tiếp cận công lý, đoàn XHDS thật có đến 35 người tham gia trong khi phía quốc doanh có 5 người. Tôi thấy họ chạy đi huy động thêm người vào họp nhưng cũng chỉ thêm được dăm khuôn mặt. Trong phần thảo luận, các tham dự viên của đoàn XHDS thật đến từ Việt Nam thay nhau nêu lên tình trạng vi phạm nhân quyền mà chính họ là nạn nhân. Đoàn XHDS quốc doanh cố tình phát biểu linh tinh cho hết giờ, và bị phản đối mạnh mẽ. Khi bỏ phiếu để chọn ra các vấn đề vi phạm nhân quyền, thì đoàn XHDS thật thắng thế do có số đông áp đảo. Đôi lần đoàn quốc doanh dùng tiểu xảo để gỡ gạc nhưng đều thất bại.

Con của tù nhân lương tâm

Sự tham gia của Nguyễn Trọng Trung Nghĩa, con trai của Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, làm tăng ảnh hưởng cho chiến dịch NOW! nhằm đòi tự do cho các tù nhân lương tâm Việt Nam. Tôi giới thiệu Nghĩa với các tổ chức nhân quyền có mặt. Họ ân cần hỏi han vì biết là Mục Sư Tôn đã từng là tù nhân lương tâm và nay lại bị tạm giam. Có tổ chức đã phỏng vấn Nghĩa nhiều giờ đồng hồ để lấy thông tin về Mục Sư Tôn.
 
Nghĩa, con của Ms. Nguyễn Trung Tôn, tại quầy thông tin của đoàn XHDS thật

Tôi tặng Nghĩa chiếc T-shirt có tên và hình của các tù nhân lương tâm, trong đó có MS Tôn, ở sau lung. Nghĩa mặc áo này và gặp ai cũng với tay ra sau lưng để chỉ vào tên và hình của cha. Tôi vừa thấy tức cười vừa mang cảm giác ngậm ngùi.

Nghĩa tình nguyện đứng ở quầy thông tin và thỉnh thoảng dự các buổi họp của hội nghị, nhưng không bao giờ phát biểu. Lần duy nhất anh chàng không âm thầm là khi múa tung lá cờ ngũ sắc trong màn biểu diễn “Một mẹ trăm con” của đoàn XHDS thật vào tối Chủ Nhật ngày 12 tháng 11.

Trận chung kết

Ngày cuối của hội nghị là phần tổng hợp các ý kiến cho bản tuyên bố chung. Lẽ ra việc này rất đơn giản vì chỉ cần dựa vào những gì đã được biểu quyết các ngày trước. Tuy nhiên, tối hôm trước có người trong ban tổ chức gửi cho tôi bản nháp của tuyên bố chung – tất cả các điểm nói về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã biết đâu mất. Tôi hiểu ngay rằng đoàn XHDS giả đã lợi dụng thế “chân trong” để vận động ngầm với ban tổ chức. Từ năm 2008, lúc nào đoàn quốc doanh cũng mạo nhận là tiếng nói chính thức của xã hội dân sự Việt Nam nên được mời vào Ban Điều Hợp của ACSC/ACF. Tình trạng này kéo dài cho đến nay.

Tôi gửi email báo động ngay cho mọi người trong đoàn XHDS thật, dặn mọi người phải tập trung đầy đủ và chuẩn bị cho cuộc chạm trán sẽ gay cấn ngày hôm sau, là ngày cuối của hội nghị ACSC/APF. Tôi cũng báo cho họ biết là 3 người kỳ cựu trong sinh hoạt ACSC/APF, trong đó có tôi, sẽ chỉ có mặt phần đầu, sau đó phải ra phi trường để đi Bangkok.

Phần chung cuộc hoàn toàn uỷ thác cho những người ở lại. Trong số đó có 3 người từng tham dự hội nghị ACSC/APF năm 2016 ở Đông Timor. Còn tất cả đều là những cầu thủ chưa hề ra sân cỏ. Trong khi đó, đoàn XHDS giả thì có những tay đầu lãnh hết sức sừng sỏ, trải qua nhiều hội nghị và được đào tạo kỹ lưỡng. Có người trong đoàn XHDS thật tỏ vẻ lo lắng; tôi trấn an: “Đừng lo. Mọi người sẽ biết phải làm gì.”

Đoàn XHDS thật đang họp bàn cách đẩy lùi các chiêu trò của đoàn quốc doanh

Trận chung kết giữa 2 đoàn thật và giả cù cưa hơn 1 tiếng đồng hồ. Đoàn thật yêu cầu giữ đúng nội dung đã được biểu quyết từ trước trong khi đoàn giả khư khư đòi rút ra. Trên đường đến Bangkok, tôi theo dõi cuộc giằng co này qua chương trình live stream của cô Mã Tiểu Linh, có mặt tại hội nghị năm nay.

Đoàn XHDS thật, gồm trên 40 con người phần lớn lần đầu gặp nhau tại hội nghị, đã liên tục đẩy lui các thủ thuật của đoàn XHDS giả. Tôi thấy phe ta lập nhóm tham mưu dã chiến; họ họp bàn ráo riết về kế phản công. Trên khuôn mặt mỗi người đều có nét căng thẳng nhưng đầy quyết tâm.

Như một cú sốc cho đoàn XHDS giả, Nghĩa, con của Mục Sư Tôn, bất ngờ chụp micro để trình bày hoàn cảnh tù đày của cha và sự đàn áp đang đè nặng lên gia đình mình ở Việt Nam. Nghĩa kết luận: “Nếu quý vị thực sự ủng hộ nhân quyền, ủng hộ cha tôi và các bạn tù nhân lương tâm của ông, hãy giữ nguyên đoạn văn về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong bản tuyên bố chung.”

Cả hội trường vỗ tay rầm rầm.

Trước tình thế khó xử, ban tổ chức xin thêm vài ngày để hoàn tất bản tuyên bố chung. Đến nay vẫn chưa thấy họ công bố. Chắc đang bị nhức đầu với sự kỳ kèo của đoàn XHDS giả.

Đạt mục tiêu

Dù văn bản tuyên bố chung có ra sao, chúng tôi cũng đã đạt mục tiêu: giúp mọi người phân định XHDS thật và giả, và tạo chú ý về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Và chính đoàn XHDS giả đã góp phần không nhỏ.

Khi nằng nặc bảo vệ cho chế độ, họ đã lộ nguyên hình là quốc doanh. Không chạy vào đâu được. Nếu là xã hội dân sự thật thì họ đã dồn nhiệt tâm để bảo vệ nạn nhân và lên án thủ phạm. Đằng này, họ bênh vực chế độ và muốn át tiếng nói của nạn nhân và nhân chứng; họ lại còn dẫm đạp lên luật chơi dân chủ mà hội nghị đề ra chung cho mọi người. Họ đã thể hiện rất lộ liễu vai trò công cụ của nhà nước.

Và chính sự cù nhầy của đoàn XHDS giả trong ngày cuối của hội nghị đã biến tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam thành điểm nóng. Đó là đề tài nóng nhất và được tranh luận sôi nổi nhất trong buổi họp khoáng đại đúc kết 4 ngày hội nghị, với hơn 700 tham dự viên. Chuyện bé họ đã xé đã ra to kềnh, quảng cáo miễn phí cho tiếng nói của đoàn XHDS thật.

Kêu gọi tự do cho Nguyễn Bắc Truyển

Lần đầu trong 8 năm, tôi theo dõi diễn tiến ACSC/APF từ xa và công nhận rằng, phe ta học rất nhanh kỹ năng tranh đấu nghị trường, phối hợp rất chặt và ứng biến rất nhạy để dồn phe quốc doanh vào thế bí --càng giở chiêu trò chống đỡ thì càng phản tác dụng. Hoan hô!

Đào tạo đội ngũ chiến sĩ quốc tế vận là một mục tiêu của kế hoạch 10 năm dân chủ hoá đất nước do BPSOS đề xướng. Trong lần này chúng tôi có thêm trên 40 chiến sĩ quốc tế vận chuyên về đấu tranh nghị trường.


Tài liệu liên quan:

10/11/2017
Hôm nay, tại ngày đầu của Hội Nghị Xã Hội Dân Sự / Diễn Đàn Người Dân ASEAN ở Manila, Philippines, BPSOS công bố danh sách gồm 166 tù nhân lương tâm ở Việt Nam nhân dịp phát động chiến dịch NOW!, hàm nghĩa là đòi tự do ngay và vô điều kiện cho họ. Chiến dịch này nhận được sự hưởng ứng của một số tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế.








No comments:

Post a Comment

View My Stats